2. BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE KHÔNG KÍNH

2.1. Những điều cần lưu ý về tác giả và tác phẩm

2.1.1. Tác giả

- Phạm Tiến Duật sinh năm 1941 mất năm 2007, quê ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.

- Sau khi tốt nghiệp đại học, Phạm Tiến Duật gia nhập quân đội, hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn và trở thành một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời chống Mỹ cứu nước.

- Thơ Phạm Tiến Duật tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ qua các hình tượng người lính và cô Thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Thơ ông có giọng điệu trẻ trung, sôi nổi, hồn nhiên, tinh nghịch mà sâu sắc

2.1.2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ về tiểu đội xe không kính sáng tác năm 1969, năm trong chùm thơ được tặng giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ năm 1969 và được đưa vào tập thơ “Vầng trăng quầng lửa” của tác giả.

b. Nhan đề:

- Nhan đề dài, tưởng như có chỗ thừa nhưng thu hút người đọc ở cái vẻ lạ độc đáo của nó.

- Làm nổi bật hình ảnh toàn bài : những chiếc xe không kính.

- Hai chữ Bài thơ thêm vào cho thấy rõ hơn cách nhìn, cách khai thác hiện thực của tác giả muốn nói về chất thơ của hiện thực khốc liệt thời chiến tranh, chất thơ của tuổi trẻ hiên ngang, dũng cảm vượt lên thiếu thốn, gian khổ hiểm nguy của thời chiến.

c. Nét độc đáo, khác lạ: Hình ảnh những chiếc xe không kính – một hình ảnh thực, thực đến trần trụi; giải thích nguyên nhân của những chiếc xe không kính, hình ảnh thực được diễn tả theo lối văn xuôi, giọng thơ thản nhiên, ngang tàng...

d. Giọng điệu

Ngang tàng, trẻ trung, sôi nổi, tinh nghịch, tự nhiên, nhiều câu diễn đạt như văn xuôi.

2.2. Bài luyện tập

2.2.1.Bài tập 1

Phân tích hình ảnh những chiếc xe không kính trong bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Gợi ý

- Xưa nay, hình ảnh tàu xe vào thơ thường được mỹ lệ hoá, lãng mạn hoá nhưng Phạm Tiến Duật đưa một hình ảnh thực đến trần trụi “những chiếc xe không kính”. Tác giả giải thích nguyên nhân cũng rất thực bằng hai câu thơ rất gần với văn xuôi, giọng thản nhiên:

“Không có kính không phải vì xe không có kính

Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi”

Càng gây sự chú ý về vẻ khác lạ của nó.

- Câu thơ thứ 2 nhắc lại hai lần chữ “bom” với những động từ mạnh “giật”, “rung” khiến cho “kính vỡ đi rồi” càng tăng gấp bội sự dữ dội của cuộc chiến đấu.

- Bom đạn chiến tranh còn làm những chiếc xe biến dạng thêm, trần trụi hơn:

“Không có kính rồi xe không có đèn

Không có mui xe, thùng xe có xước”

- Hình ảnh này không hiếm trong chiến tranh nhưng phải có hồn thơ nhạy cảm với nét ngang tàng và tinh nghịch, thích cái lạ như Phạm Tiến Duật mới nhận ra được và đưa vào thành hình tượng thơ độc đáo của thời chiến tranh chống Mỹ.

2.2.2. Bài tập 2

Viết đoạn văn khoảng 10 câu phân tích tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm lạc quan, coi thường gian khổ hiểm nguy của người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử.

Gợi ý

- Đồng thời với hình ảnh của những chiếc xe không kính độc đáo là hình tượng đẹp đẽ của những người lính lái xe xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.

- Trên những chiếc xe ấy, người chiến sĩ vẫn vững tay lái, vừa cho xe lăn bánh ra trận, vừa kể chuyện về mình, về đồng đội

“Ung dung buồng lái ta ngồi,

Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái”

- Những câu thơ tả thực tới từng chi tiết. Không có kính chắn gió, các anh đối mặt với bao khó khăn, nguy hiểm. Nào “gió vào xoa mắt đắng” rồi “thấy sao trời”, “đột ngột cánh chim”, như sa, như ùa – rơi rụng, va đập, quăng ném... vào buồng lái. Cảm giác, ấn tượng, căng thắng, đầy thử thách. Song người chiến sĩ không run sợ, hoảng hốt. Trái lại tư thế các anh vẫn hiên ngang, tinh thần các anh vẫn vững vàng, nơi buồng lái các anh vẫn ung dung, tự tin và bình thản – một hình ảnh đẹp được nhấn mạnh bằng lối đảo ngữ.

- Cùng với tư thế nổi bật ấy là tầm quan sát cao rộng với điệp ngữ “nhìn”, “thấy” biểu hiện sự tập trung cao độ, một tinh thần trách nhiệm của một tâm hồn lãng mạn, bình thản, chủ động chiêm ngưỡng và tận hưởng từng vẻ đẹp của thiên nhiên qua ô cửa kính vỡ.

- Thiên nhiên còn là sự khốc liệt của bụi, gió, mưa nhưng với một thái độ ngang tàng, thách thức, bất chấp, người chiến sĩ lái xe buông những tiếng chắc gọn “Không có kính ừ thì” như một lời nói thường, nôm na mà cứng cỏi, biến những khó khăn thành điều thú vị, với ý nghĩ tinh nghịch, ngang tàng, ngạo nghễ: “Chưa cần thay lái trăm cây số nữa”.

- Lời thơ nhẹ nhàng, trôi chảy như những chiếc xe vun vút băng băng trên đường.

2.2.3. Bài tập 3

- Viết đoạn văn khoảng 10 câu phân tích những câu thơ thể hiện tâm hồn sôi nổi của tuổi trẻ, tình đồng chí, đồng đội sâu sắc.

Gợi ý

- Những chiến sĩ lái xe là những chàng trai trẻ vui tính, hóm hỉnh với những hình ảnh tinh nghịch “Phì phèo ... ha ha”. Đó là khúc nhạc vui của tuổi mười tám đôi mươi gợi cảm giác nhẹ nhõm, thanh thản xua tan những khó khăn, nguy hiểm.

- Hồn nhiên, tếu táo nhưng cũng thật cảm động trong không khí đoàn kết, trong tình đồng chí, đồng đội.

- Càng khó khăn gian khổ họ càng gắn bó keo sơn. Từ trong bom đạn nguy hiểm những “tiểu đội xe không kính” được hình thành, tụ họp.

“Những chiếc xe từ trong bom rơi

Đã về đây họp thành tiểu đội

Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới

Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.”

⇒ Chỉ một cái bắt tay cũng ấm lòng, đủ động viên nhau, cảm thông với nhau. Cái bắt tay truyền cho nhau cả tâm hồn, tình cảm giúp con người xích lại gần nhau trong những cái chung: chung bát đũa, nắm cơm, bếp lửa, chung hoàn cảnh, chung con đường với vô vàn thách thức nguy hiểm phía trước.

- Khi hành quân các anh động viên, chào hỏi nhau trong cảnh ngộ độc đáo. Lúc tới đích các anh trò chuyện, nghỉ ngơi xuềnh xoàng, nhường nhịn nhau như anh em ruột thịt để rồi chỉ trong thoáng chốc tất cả những tình cảm ấm lòng ấy là hành trang giúp các anh tiếp tục lên đường:

"Lại đi, lại đi trời xanh thêm”.

Lời thơ chan chứa hy vọng, niềm lạc quan, yêu đời.

2.2.4. Bài tập 4

Phân tích khổ thơ cuối của tác phẩm “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”

Gợi ý

- Khổ thơ cuối của bài thơ cho chúng ta thấy ý chí chiến đấu và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

- Trải qua mưa bom bão đạn, những chiếc xe ban đầu đã không có kính, nay càng trở nên hư hại hơn, vật chất ngày càng thiếu thốn.

“Không có kính, rồi xe không có đèn,

Không có mui xe, thùng xe có xước,

Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:

Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

- Điệp ngữ và cũng là từ phủ định “không có” được nhắc lại ba lần không chỉ nhấn mạnh sự thiếu thốn đến trần trụi của những chiếc xe mà còn cho ta thấy mức độ ác liệt của chiến trường. Nhưng không có gì có thể cản trở được sự chuyển động kì diệu của những chiếc xe không kính ấy.

- Bom đạn quân thù có thể làm biến dạng chiếc xe nhưng không đè bẹp được tinh thần, ý chí chiến đấu của những chiến sĩ lái xe. Xe vẫn chạy không chỉ vì có động cơ máy móc mà còn có một động cơ tinh thần “vì miền Nam phía trước”.

- Đối lập với tất cả những cái “không có” ở trên là một cái “có”. Đó là trái tim - sức mạnh của người lính. Sức mạnh con người đã chiến thắng bom đạn kẻ thù.

- Trái tim ấy thay thế cho tất cả những thiếu thốn “không kính, không đèn, không nản” hợp nhất với người chiến sĩ lái xe thành một cơ thể sống để tiếp tục tiến lên phía trước hướng về miền Nam thân yêu.

- Trái tim yêu thương, trái tim can trường của người chiến sĩ lái xe trở thành nhãn tự bài thơ, cô đúc ý toàn bài, hội tụ vẻ đẹp của người lính và để lại cảm xúc sâu lắng trong lòng người đọc

- Trái tim người lính toả sáng rực rỡ mãi đến mai sau khiến ta không quên một thế hệ thanh niên thời kỳ chống Mỹ oanh liệt của dân tộc:

“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,

Mà lòng phơi phới dậy tương lai”

2.2.5. Bài tập 5

So sánh hình ảnh người lính cách mạng qua hai bài thơ “Đồng chí” và “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.

Gợi ý

* Giới thiệu chung:

- Về đề tài: Dân tộc ta đứng lên tiến hành hai cuộc chiến tranh cách mạng oanh liệt chống Pháp và chống Mĩ. Lẽ tất nhiên, ở đất nước hơn ba mươi năm chưa rời tay súng, hình ảnh anh “Bộ đội cụ Hồ” là hình ảnh “con người đẹp nhất" đáng yêu nhất trong văn thơ và là niềm tự hào lớn của dân tộc.

- Về hai tác phẩm: Cùng với nhiều bài thơ khác, bài thơ “Đồng chí” sáng tác vào đầu năm 1948 khi tác giả Chính Hữu chiến đấu trong chiến dịch Việt Bắc, bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” sáng tác năm 1969 khi tác giả Phạm Tiến Duật tham gia hoạt động ở tuyến đường Trường Sơn đã khắc họa thành công về đề tài người lính.

- Về luận đề: hình tượng anh bộ đội được ghi lại trong hai bài thơ đã lưu giữ trong văn chương Việt Nam hai gương mặt đẹp, đáng yêu của người lính trong hai thời kỳ lịch sử.

1. Những điểm chung: Đây là người lính của nhân dân nên họ cùng mang những vẻ đẹp chung:

- Yêu nước, yêu quê hương, yêu đồng chí:

+ Có thể phân tích các câu thơ “Giếng nước gốc đa nhớ người ra trận” (Đồng chí) và “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước” (Bài thơ về tiểu đội xe không kính).

+ Có thể phân tích cử chỉ nắm tay chất chứa bao tình cảm không lời trong cả hai bài thơ thể hiện sự gắn bó đồng chí

- Vượt qua mọi khó khăn gian khổ để quyết tâm tiêu diệt giặc hoàn thành nhiệm vụ:

+ Tất cả những khó khăn gian khổ, thử thách được tái hiện bằng những chi tiết hết sức thật, không né tránh tô vẽ trong cả hai bài thơ.

+ Thế mà, các chiến sĩ đều có một tư thế ngoan cường “chờ giặc tới”, ung dung “nhìn thẳng”.

- Lạc quan tin tưởng: Cả hai bài thơ đều thể hiện tinh thần lạc quan của người lính. Từ “miệng cười buốt giá” của anh bộ đội kháng chiến chống Pháp đến “nhìn nhau mặt lấm cười ha ha” của anh lính lái xe thời chống Mỹ đều thể hiện tinh thần lạc quan, khí phách anh hùng.

2. Những điểm riêng khác nhau:

- Bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu thể hiện người lính nông dân thời kỳ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp với vẻ đẹp giản dị, mộc mạc mà sâu sắc, tri kỉ khi lý tưởng chiến đấu đã rực sáng trong tâm hồn:

"Súng bên súng đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỷ

Đồng chí!”

- Bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật thể hiện hình ảnh người lính lái xe trong cuộc kháng chiến chống Mỹ với vẻ đẹp trẻ trung, ngang tàng. Đây là thế hệ những người lính có học vấn, có bản lĩnh chiến đấu, có tâm hồn nhạy cảm, có tính cách riêng mang chất “lính” đáng yêu. Họ tất cả vì miền Nam ruột thịt với trái tim yêu nước cháy bỏng:

“Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước

Chỉ cần trong xe có một trái tim”

* Đánh giá chung

- Hình tượng người lính dù ở thời kỳ kháng chiến chống Pháp hay kháng chiến chống Mỹ đều mang phẩm chất cao đẹp của “anh bộ đội cụ Hồ”. Thời đại đã cung cấp cho các nhà thơ những nguyên mẫu đẹp đẽ, họ tạo nên những hình tượng làm xúc động lòng người.

- Viết về những người lính, các nhà thơ nói về chính mình và những người đồng đội của mình. Vì thế, hình tượng người lính chân thật và sinh động.