2. LẶNG LẼ SAPA

2.1. Những điều cần lưu ý về tác giả và tác phẩm

2.1.1. Tác giả

- Nguyễn Thành Long sinh năm 1925 mất năm 1991, quê huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông tham gia hoạt động văn nghệ từ những năm kháng chiến chống Pháp ở Nam Trung Bộ.

- Trong văn học Việt Nam có những cây bút văn xuôi chỉ chuyên về truyện ngắn và kí – Nguyễn Thành Long là một trong số đó. Ông được khẳng định như một cây bút truyện ngắn và kí đáng chú ý trong những năm 60 – 70 của thế kỷ XX.

- Những truyện ngắn của Nguyễn Thành Long không gân guốc, gai góc mà thường pha chất kí, mang vẻ đẹp trong trẻo, thơ mộng.

- Tác phẩm chính: Bát cơm Cụ Hồ (1955), Những tiếng vỗ cánh (1967), Giữa trong xanh (1972)...

2.1.2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

Truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” là kết quả của chuyến đi lên Lào Cai mùa hè năm 1970, sau này in trong tập “Giữa trong xanh” (1972) của Nguyễn Thành Long. Đây là một truyện ngắn tiêu biểu ở đề tài viết về cuộc sống mới hoà bình, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

b. Tóm tắt đoạn trích

Rời cây cầu số 4, chiếc xe chở khách đi Sa Pa lên núi. Bác lái xe và ông hoạ sĩ lão thành cùng cô kĩ sư trao đổi, trò chuyện với nhau về Sa Pa, về nghề nghiệp và tình yêu... Chiếc xe dừng lại lấy nước để hành khách nghỉ ngơi, bác lái xe giới thiệu với ông hoạ sĩ và cô gái về anh thanh niên làm công tác khí tượng kiêm vật lý địa cầu ở đỉnh núi Yên Sơn gần đường ô tô. Anh thanh niên xuống tặng bác lái xe gói củ tam thất và mời ông hoạ sĩ cùng cô gái lên đỉnh núi thăm nơi ở và làm việc của anh. Trong buổi trò chuyện, ông họa sĩ vẽ anh thanh niên, anh đã giới thiệu với ông một số những người khác như ông kĩ sư nghiên cứu vườn rau, anh cán bộ nghiên cứu sét. Hết giờ, ông hoạ sĩ và cô gái tạm biệt anh thanh niên để lên xe với món quà là làn trứng của anh tặng cùng với tấm lòng xao xuyến, bâng khuâng.

c. Ý nghĩa nhan đề

- Khi nhắc đến Sapa người ta thường nghĩ ngay đến vẻ yên tĩnh của một nơi nghỉ ngơi lý tưởng.

- Sa pa lặng lẽ, đó chỉ là cái vẻ lặng lẽ bên ngoài, nhưng thực ra nó lại không lặng lẽ, bởi đằng sau cái vẻ lặng lẽ của Sa Pa là cuộc sống sôi nổi của những con người đầy trách nhiệm đối với công việc, đối với đất nước, với mọi người mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng một mình trên đỉnh núi cao.

- Tạo ra sự đối lập nhan đề tác phẩm tác giả muốn làm nổi bật nội dung, ý nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm.

- Qua nhan đề tác phẩm, tác giả muốn gửi đến mọi người thông điệp: “Trong cái không khí lặng im của Sa Pa, Sa Pa mà ta nhắc tới người ta chỉ nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi lại có những con người ngày đêm lao động hăng say, miệt mài lặng lẽ, âm thầm, cống hiến cho đất nước.”

d. Cốt truyện và tình huống truyện

- Cốt truyện: Đơn giản, xoay quanh cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa ông hoạ sĩ già, cô kĩ sư trẻ với anh thanh niên làm công tác ở trạm khí tượng trên đỉnh núi Yên Sơn. Nhân vật chính là anh thanh niên chỉ xuất hiện trong nửa giờ nhưng đã để lại trong lòng người đọc những tình cảm tốt đẹp nhất.

- Tình huống truyện: Tình huống truyện xảy ra khi bác lái xe dừng xe cho hành khách nghỉ trên đỉnh Yên Sơn, nơi anh thanh niên làm việc. Bác lái xe giới thiệu ông hoạ sĩ già và cô kĩ sư trẻ làm quen với anh thanh niên. Đây là lần đầu tiên họ gặp nhau, nhưng trong một khoảng thời gian rất ngắn ngủi, giữa họ đã có sự cảm thông, quý mến thân tình.

e. Ngôi kể và điểm nhìn nghệ thuật

- Truyện được kể theo ngôi thứ ba.

- Tác dụng: Thể hiện cách đánh giá khách quan của người kể đối với nhân vật (cả nhân vật chính và nhân vật phụ), đặc biệt là nhân vật anh thanh niên hiện ra một cách khách quan với đầy đủ phẩm chất của con người mới.

- Điểm nhìn: Truyện “Lặng lẽ Sa Pa” được trần thuật chủ yếu từ điểm nhìn và suy nghĩ của nhân vật ông hoạ sĩ. Vì vậy, dù không phải là nhân vật chính nhưng nhân vật ông hoạ sĩ có vị trí quan trọng trong truyện. Cùng với các nhân vật khác, nhân vật ông hoạ sĩ đã góp phần thể hiện chủ đề, tư tưởng của tác phẩm, làm cho nhân vật anh thanh niên hiện ra rõ nét và đáng mến hơn.

2.2. Bài luyện tập

2.2.1. Bài tập 1

Trình bày cảm nhận của em về nhân vật anh thanh niên trong đoạn trích “Lặng lẽ Sa Pa”.

Gợi ý

Cảm nhận chung về nhân vật anh thanh niên trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” của nhà văn Nguyễn Thành Long cần đảm bảo các nội dung sau:

* Đó là con người sống trong một hoàn cảnh thật đặc biệt:

- Một mình trên đỉnh núi cao 2600m.

- Công việc suốt ngày chỉ đo nắng, đo gió, tính mây,...

- Bất chấp thời tiết khắc nghiệt để làm việc với tinh thần trách nhiệm cao.

* Anh là người yêu và say mê với công việc của mình:

- Anh thường nghĩ cuộc sống của anh không cô đơn bởi anh với công việc là đôi.

- Làm việc một mình không người giám sát nhưng anh vẫn làm một cách nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao.

* Anh là người có lẽ sống đẹp.

- Anh “thèm” người tới mức lấy cây chặn đường để được làm quen.

- Tự sắp xếp cuộc sống của mình một cách ngăn nắp, khoa học.

- Luôn tìm cho mình một niềm vui ở nơi vắng vẻ, cô đơn: lấy sách để trò chuyện và trau dồi kiến thức.

* Anh là người cởi mở, chân thành và hiếu khách:

- Rất quý trọng tình cảm của mọi người, khao khát được gặp gỡ, được trò chuyện.

- Phải sống một mình nhưng anh vẫn luôn quan tâm tới người khác: gửi biếu vợ bác lái xe gói củ tam thất, tặng hoa, tặng quà cho cô gái và ông hoạ sĩ.

* Anh là người khiêm tốn và thành thực:

- Anh luôn cảm thấy công việc và những đóng góp của mình là nhỏ bé.

- Khi ông hoạ sĩ muốn vẽ chân dung anh, anh đã nhiệt tình giới thiệu những người khác mà anh cho rằng đáng vẽ hơn anh.

2.2.2. Bài tập 2

Hãy nêu cảm nhận của em về các nhân vật phụ trong truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa” (ông họa sĩ, bác lái xe, cô kĩ sư, ...)

Gợi ý

a. Ông hoạ sĩ

- Tuy không dùng cách kể từ ngôi thứ nhất nhưng hầu như người kể chuyện đã nhập vào cái nhìn, suy nghĩ của nhân vật ông hoạ sĩ để quan sát và miêu tả từ cảnh thiên nhiên đến nhân vật chính của truyện là anh thanh niên.

- Ngay từ những phút đầu gặp anh thanh niên, bằng sự từng trải của nghề nghiệp, sự khao khát của người nghệ sĩ đi tìm đối tượng của nghệ thuật, ông đã xúc động và bối rối: “Vì hoạ sĩ đã bắt gặp một điều thật ra ông vẫn ao ước được biết, một nét thôi đủ khẳng định một tâm hồn, khơi gợi một ý sáng tác”.

b. Bác lái xe

- Qua lời kể của nhân vật này mà ông hoạ sĩ, cô kĩ sư cũng như người đọc bị kích thích một sự chú ý về anh thanh niên.

- Bác chính là cầu nối giữa những người miền xuôi với người miền núi và ngược lại.

c. Cô kĩ sư

Cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa cô với anh thanh niên đã khiến cô hiểu thêm về lẽ sống, về công việc mà cô đang định làm. Và cô yên tâm hơn với công việc của mình, đó là từ bỏ cuộc sống phồn hoa để lên miền núi, nơi heo hút.

d. Những nhân vật được giới thiệu một cách gián tiếp (ông kĩ sư nghiên cứu vườn rau Sa Pa, anh cán bộ nghiên cứu sét).

- Ông kĩ sư vườn rau Sa Pa: ngồi một mình hàng ngày để nghiên cứu cách thụ phấn của ông để cốt tìm ra cái giống su hào ngọt, to hơn.

- Anh cán bộ nghiên cứu sét: Mười một năm ròng không một ngày rời cơ quan, không về quê thăm gia đình, không nghĩ đến chuyện vợ con, chỉ cốt nghiên cứu sét để tìm tài nguyên cho quê hương, đất nước.

→ Họ chính là những con người Sa Pa lao động hết mình với tinh thần tự giác. Ông kĩ sư, anh cán bộ nghiên cứu sét cùng với anh thanh niên đều là những con người cống hiến âm thầm, lặng lẽ cho vùng đất Sa Pa, làm cho Sa Pa không hề lặng lẽ như tên gọi của nó mà luôn luôn sôi động với một nhịp sống khẩn trương của những con người hết mình hăng say lao động, cống hiến cho quê hương đất nước.

2.2.3. Bài tập 3

Chất trữ tình trong truyện “Lặng lẽ Sa Pa” được thể hiện ở những yếu tố nào?

Gợi ý

- Chất trữ tình toát lên từ bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, thơ mộng của thiên nhiên Sa Pa qua ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình đầy màu sắc và giàu chất thơ: “mây hắt từng chiếc quạt trắng lên từ các thung lũng”, “nắng đã mạ bạc cả con đèo, đốt cháy rừng cây, hừng hực như một bó đuốc lớn...”

- Trên nền bức tranh ấy, cuộc sống con người nơi đây cũng thật nồng nàn, ý vị: “nắng chiều làm cho bó hoa càng thêm rực rỡ và làm cho cô gái cảm thấy mình rực rỡ theo”. Đây là một nét vẽ tinh tế và thơ mộng.

- Chất trữ tình chủ yếu toát lên từ nội dung truyện: một cuộc gặp gỡ tình cờ đã để lại bao dư vị trong lòng mỗi người. Từ cuộc gặp gỡ này, hình ảnh của anh thanh niên đã sáng ngời với phẩm chất của một con người mới, hiến dâng tất cả tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

2.2.4. Bài tập 4

Nếu chủ đề của truyện ngắn “Lặng lẽ Sa Pa”? Qua văn bản, nhà văn đã nhắn nhủ gì với người đọc?

Gợi ý

* Chủ đề: Truyện ca ngợi những con người lao động âm thầm trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

* Lời nhắn nhủ của nhà văn với người đọc:

- Sống cống hiến cho dân tộc, cho nhân dân, sống có ý nghĩa sẽ mang đến cho con người niềm vui và hạnh phúc.

- Cuộc sống lao động giản dị nhưng cao đẹp sẽ làm nên vẻ đẹp đích thực của mỗi con người, có sức thuyết phục, lan toả với những người xung quanh.