V. LỤC VÂN TIÊN
1. Những điều cần lưu ý về tác giả và tác phẩm
1.1. Tác giả
- Nguyễn Đình Chiểu tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, sau khi mù lấy hiệu Hối Trai. Sinh năm 1822, ở làng Tân Khánh, tổng Bình Trị Thượng, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Mất ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý (1988), ở làng An Bình Đông, huyện Bảo An, phủ Hoằng Trị, tỉnh Vĩnh Long (nay là làng An Đức, Bảo An, Ba Tri, tỉnh Bến Tre).
- Cha là Nguyễn Đình Huy, người xã Bồ Điền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Làm thơ lại, văn thư Hán ty của Tả Quân Lê Văn Duyệt (mộ ông là: Lăng Ông Bà Chiểu). Mẹ là Trương Thị Thiệt, người làng Thanh Ba, huyện Phước Lộc, huyện Cần Giuộc, tỉnh Gia Định. (nay là Sài Gòn).
- Năm 1833, Nguyễn Đình Huy đưa Đình Chiểu về Thừa Thiên, gửi gắm cho một người bạn làm Thái Phó, để mong gần gũi học tập văn chương. Khi ấy Đình Chiểu mười hai tuổi. Tám năm sau, Đình Chiểu trở về quê mẹ. Qua năm Quý Mão, 1843, đời Thiệu Trị, thi hương trường Gia Định đỗ Tú Tài.
- Năm hai mươi bốn tuổi, Đình Chiểu ra Huế chờ khoa Ất Dậu, quyết chí thi đỗ Cử Nhân, để vào xuân vi, đính thí. Nhưng kỳ thi chưa tới, lại được tin mẹ mất Đình Chiểu phải trở về cư tang.
- Dọc đường Đình Chiểu nghe danh một ông thầy tên Trung, vốn dòng Ngự Y, đến xin tạm trú cầu điều trị. Bệnh tình quá nặng, nên không chữa khỏi. May mắn ở đó Đình Chiểu được thầy Trung dạy học thuốc.
1.2. Tác phẩm
1.2.1. Xuất xứ:
Lục Vân Tiên là một tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu, được sáng tác vào cuối thế kỷ XIX trước khi Pháp xâm lược Nam Kỳ, có tính chất tự truyện và được Trương Vĩnh Ký cho xuất bản lần đầu tiên vào năm 1889. Đây là một trong những sáng tác có vị trí cao của văn học miền Nam Việt Nam.
1.2.2. Thể loại:
Truyện Lục Vân Tiên (mà người miền Nam thường gọi là thơ Lục Vân Tiên) là một cuốn tiểu thuyết về luân lý, cốt bàn đạo làm người với quan niệm “văn dĩ tải đạo”. Tác giả muốn đem gương người xưa mà khuyên người ta về cương thường - đạo nghĩa.
2.3. Giá trị:
2.3.1. Giá trị nội dung:
a. Giá trị hiện thực:
- Phản ánh xã hội phong kiến khủng hoảng nghiêm trọng, kỷ cương trật tự lỏng lẻo, đạo đức suy vi, dung túng cho kẻ lật lọng, gian xảo, không giữ chữ tín, đẩy con người vào khốn khó, hiểm nguy.
- Phản ánh đời sống của nhân dân cùng khổ dưới xã hội phong kiến thế kỷ XIX.
b. Giá trị nhân đạo:
- Đề cao, ca ngợi tinh thần nghĩa hiệp sẵn sàng cứu khốn, phò nguy.
- Ca ngợi đạo lý trọng tình nghĩa giữa người với người trong xã hội.
- Thể hiện khát vọng của nhân dân hướng tới lẽ công bằng và những điều tốt đẹp trong cuộc đời (thiện thắng ác, chính nghĩa thắng gian tà).
2.3.2.Giá trị nghệ thuật:
a. Nghệ thuật:
- Kết thúc có hậu → mô típ truyện dân gian.
- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Chủ yếu thông qua hành động, cử chỉ, lời nói để bộc lộ những phẩm chất cao đẹp của nhân vật chính diện và những nét xấu của nhân vật phản diện.
b. Ngôn ngữ: Ngôn ngữ bình dị, dân dã.
2. Bài luyện tập
2.1. Bài tập 1
Chép chính xác câu thơ nói lên quan niệm về người anh hùng của nhân vật Lục Vân Tiên trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”. Em hiểu câu thơ ấy như thế nào?
Gợi ý
- Câu thơ nói rõ nhất quan niệm này của Nguyễn Đình Chiểu là:
“Nhớ câu kiến nghĩa bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng”
- Nội dung câu thơ: Thấy việc nghĩa mà không làm thì không phải là anh hùng.
- Qua đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” ta nhận thấy Vân Tiên thấy Nguyệt Nga bị nạn đã khẩn trương mau lẹ đánh tan bọn cướp. Và chàng đã đánh chúng bằng sự quả cảm giải nguy cho Kiều Nguyệt Nga. Đến khi Nguyệt Nga tỏ ý muốn được trả ơn thì chàng lại khẳng khái từ chối, đến một cái lạy của Nguyệt Nga, Vân Tiên cũng không nhận. Rõ ràng Vân Tiên đã xả thân vì nghĩa, không chút so đo tính toán.
- Từ hành động đó của Vân Tiên, ta hiểu được quan niệm anh hùng của Nguyễn Đình Chiểu: người anh hùng phải là người có tài trí phi thường để thấy hoạn nạn thì sẵn sàng cứu giúp vô tư đem lại điều tốt đẹp cho mọi người, người anh hùng phải là người hành động vì nghĩa, vì lẽ phải, vì lẽ công bằng.
2.2. Bài tập 2
Nêu cảm nhận của em về nhân vật Lục Vân Tiên trong đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga”.
Gợi ý
- Hình ảnh Lục Vân Tiên được khắc hoạ qua mô típ ở truyện Nôm truyền thống: Một chàng trai tài giỏi cứu một cô gái thoát khỏi hiểm nghèo, từ ân nghĩa đến tình yêu.
- Lục Vân Tiên là một nhân vật lý tưởng của tác phẩm thể hiện quan niệm lý tưởng và mơ ước của Nguyễn Đình Chiểu. Đây là một chàng trai vừa rời trường học bước vào đời, lòng đầy hăm hở muốn lập công danh, mong thi thố tài năng cứu người, giúp đời. Tình huống đánh cướp là thử thách đầu tiên, là cơ hội hành động cho chàng.
- Hành động đánh cướp, trước hết bộc lộ tính cách anh hùng, tài năng và tấm lòng vị nghĩa của Lục Vân Tiên. Vẻ đẹp của Lục Vân Tiên là vẻ đẹp riêng của con người dũng tướng. Hành động của Vân Tiên chứng tỏ cái đức của con người “vị nghĩa vong thân”, “cái tài của bậc anh hùng và sức mạnh bênh vực kẻ yếu, chiến thắng nhiều thế lực bạo tàn”.
- Thái độ cư xử với Kiều Nguyệt Nga sau khi đánh cướp lại bộc lộ tư cách con người chính trực, hào hiệp, khiêm tốn, giản dị, trọng nghĩa khinh tài và cũng rất từ tâm nhân hậu.
2.3. Bài tập 3
Phân tích hình ảnh Ngư Ông trong đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn”.
Gợi ý
Ông Ngư là một người có những việc làm nhân đức và nhân cách vô cùng cao đẹp:
- Thấy người bị nạn, ông Ngư nhanh nhẹn “vớt ngay lên bờ”, rồi:
“Hối con vẩy lửa một giờ
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày”
⇒ Hành động hết sức gấp gáp, khẩn trương, hết mình vì sự sống của nạn nhân đã gợi tả được mối chân tình của gia đình ông Ngư đối với người bị nạn. Việc làm ấy thật đẹp đẽ vì chưa biết nạn nhân là ai, chưa rõ nguyên cớ thế nào nhưng thấy việc là làm, thấy người là cứu ân cần chu đáo. Đó là bản tính của con người lương thiện, những người lao động bình thường.
- Sau khi cứu sống Vân Tiên, biết tình cảnh khốn khổ của chàng, ông Ngư sẵn lòng cưu mang chàng, dù chỉ là chia sẻ một cuộc sống đói nghèo “hẩm hút”, tương rau, nhưng chắc chắn đầm ấm tình người "hôm mai hẩm hút với già cho vui”. Tấm lòng của ông Ngư quả là bao dung, nhân ái, hào hiệp.
- Ông cũng không hề tính toán đến cái ơn cứu mạng mà Vân Tiên chẳng thể báo đáp “Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn?” “Lòng lão chẳng mơ” là ông không ham muốn, ước mơ chút nào về tiền bạc, của cải, ông chỉ “dốc lòng nhân nghĩa” là thương người, cố hết sức mình cứu giúp con người, luôn tìm việc nghĩa, hướng về điều thiện, thật hào hiệp, vô tư.
- Ông Ngư đã sống một cuộc sống và suy nghĩ, quan niệm về cách sống thật lương thiện, thật đẹp đẽ. Lời nói của ông Ngư về cuộc sống của mình chính là tiếng lòng của Nguyễn Đình Chiểu, những khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp, về một lối sống đáng mơ ước đối với con người. Cảm xúc chủ quan của nhà thơ là làm cho cuộc sống của người dân chài bình thường trên sông nước như được thi vị hoá, trở nên thơ mộng hơn.
- Rũ bỏ mọi danh lợi, tìm về với sông nước để “rửa ruột sạch trơn”, nay vào vịnh, mai ra khơi, ngày hứng gió mát, đêm bè bạn với trăng thanh, Ngư ông đã chọn được một phong cách sống thật phóng khoáng, tự do. Tấm lòng ông trong sạch, gia đình, nhà cửa, cả hình hài, thể xác lẫn tâm hồn như hoà nhập với biển trời, sông nước. Cặp từ “hứng gió”, “chơi trăng” cho ta thấy hình ảnh một con người đang mơ mộng, hệt như một thi sĩ vậy. Mơ mộng nhưng không mơ hồ, tuỳ tiện, mà rất chủ động, ung dung, ứng phó với mọi tình thế:
“Một mình thong thả làm ăn
Khoẻ quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm”
- Cuộc sống ấy thật hạnh phúc, hoàn toàn xa lạ với những toan tính nhỏ nhen, ích kỉ, mưu danh, trục lợi, sẵn sàng chà đạp lên cả đạo đức, nhân nghĩa... Cuộc sống ấy thật đáng kính, đáng trọng!
2.4. Bài tập 4
Quan niệm sống của nhân vật Lục Vân Tiên và nhân vật ông Ngư trong truyện “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu có những nét giống nhau. Hãy chép lại những câu thơ nói về quan niệm sống giống nhau đó và nêu rõ đó là quan niệm sống như thế nào?
Gợi ý
- Những câu thơ nói rõ quan niệm sống đó là:
“Vân Tiên nghe nói liền cười :
Làm ơn há dễ trông người trả ơn?”
(Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga)
“Ngư rằng lòng lão chẳng mơ
Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn?”
(Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga)
- Quan niệm sống của nhân vật Lục Vân Tiên và nhân vật ông Ngư trong truyện “Lục Vân Tiên” có những nét giống nhau. Đó là không ham muốn, ước mơ về tiền bạc, của cải, chỉ dốc sức mình cứu giúp con người, luôn tìm việc nghĩa, hướng về điều thiện một cách hào hiệp, vô tư không đòi hỏi phải được đền ơn.