D. NGHỊ LUẬN VỀ TÁC PHẨM TRUYỆN (ĐOẠN TRÍCH)

I. Dàn ý chung

1. Khái niệm

Nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) là trình bày những nhận xét, đánh giá của mình về nhân vật, chủ đề hay nghệ thuật của một tác giả cụ thể.

2. Yêu cầu

- Những nhận xét, đánh giá về truyện phải xuất phát từ ý nghĩa của cốt truyện, tính cách, số phận của nhân vật và nghệ thuật trong tác phẩm được người viết phát hiện và khái quát.

- Các nhận xét, đánh giá về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) trong bài nghị luận phải rõ ràng, đúng đắn, có luận cứ và lập luận thuyết phục.

- Bài nghị luận về tác phẩm truyện (hoặc đoạn trích) cần có bố cục mạch lạc, có lời văn chuẩn xác, gợi cảm.

II. Các bước làm bài

1. Bước 1: Phân tích đề - Tìm ý

1.1. Phân tích đề

Đề 1:

Truyện ngắn “Làng” của Kim Lân gợi cho em những suy nghĩ gì về những chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân Việt Nam thời kháng chiến chống thực dân Pháp?

Đề 2:

Phân tích diễn biến cốt truyện trong truyện ngắn “Làng” của Kim Lân

Đề 3:

Suy nghĩ về đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh qua truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng.

Đề 4:

Phân tích tâm trạng của nhân vật Phương Định trong văn bản “Những ngôi sao xa xôi” khi đi phá bom, qua đó nêu cảm nhận của em về phẩm chất của những chiến sĩ Thanh niên xung phong trong những năm tháng chống Mỹ cứu nước.

Đề 5:

Cảm nhận về vẻ đẹp của ba cô gái Thanh niên xung phong trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê.

Đề 6:

Truyện ngắn “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu được kết dệt nên bởi sự đặc sắc về nghệ thuật xây dựng tình huống, nhân vật và các hình ảnh giàu ý nghĩa biểu tượng. Hãy phân tích tác phẩm để thấy được điều đó.

Lập bảng Tổng hợp - phân tích

Đề Nội dung nghị luận Cách nêu vấn đề nghị luận Mệnh lệnh trong đề
1 Chuyển biến mới trong tình cảm của người nông dân... Hiện diện trong đề Suy nghĩ
2 Diễn biến cốt truyện trong truyện ngắn “Làng” Không hiện diện trong đề Phân tích
3 Đời sống tình cảm gia đình trong chiến tranh Không hiện diện trong đề Suy nghĩ
4

- Tâm trạng Phương Định khi đi phá bom

- Phẩm chất của những chiến sĩ thanh niên xung phong

Hiện diện trong đề Phân tích
5 Vẻ đẹp của ba cô gái thanh niên xung phong
Không hiện diện trong đề
Cảm nhận
6

Sự đặc sắc nghệ thuật:

Xây dựng tình huống

Xây dựng nhân vật

Xây dựng các hình ảnh biểu tượng

Hiện diện trong đề Phân tích

Từ bảng Tổng hợp - Phân tích học sinh dễ dàng nhận thấy

Vấn đề nghị luận có các dạng:

→ Phân tích nhân vật

→ Diễn biến cốt truyện

→ Giá trị nghệ thuật

→...

Yêu cầu nghị luận được thể hiện bằng các mệnh lệnh:

→ Phân tích: Phân tích nội dung nghệ thuật của tác phẩm để nêu ra nhận xét

→ Suy nghĩ: Yêu cầu đề xuất nhận xét về tác phẩm trên cơ sở một tư tưởng, một góc nhìn nào đó

→ Cảm nhận: Là lưu ý đến ấn tượng, cảm thụ của người viết → phân tích tác phẩm để minh họa cho cảm nhận.

* Ghi nhớ: Học sinh có thể sử dụng hệ thống câu hỏi sau để tìm hiểu đề:

1. Đề yêu cầu nghị luận về vấn đề gì? (nhân vật? sự kiện? chủ đề? nghệ thuật?...).

2. Vấn đề nghị luận được nêu trực tiếp hay gián tiếp?

3. Vấn đề nghị luận được thể hiện bằng những luận điểm nào?

1.2. Tìm ý

Tùy từng đề bài nghị luận cụ thể học sinh sẽ đưa ra hệ thống câu hỏi sát hợp. Tuy nhiên học sinh có thể tham khảo hệ thống câu hỏi tìm ý sau:

1. Đề yêu cầu nghị luận về vấn đề gì (nhân vật? sự kiện? chủ đề? nghệ thuật?...)

2. Vấn đề nghị luận được thể hiện bằng những luận điểm nào?

3. Những dẫn chứng nào làm sáng tỏ cho từng luận điểm?

4. Có những tác phẩm nào có nét tương đồng (nhân vật? sự kiện? chủ đề? nghệ thuật? hoàn cảnh sáng tác?...)

5. Phong cách của nhà văn là gì? Phong cách ấy đã được thể hiện như thế nào trong tác phẩm?

2. Bước 2: Lập dàn ý

* Mở bài:

- Dẫn dắt

- Giới thiệu tác phẩm (tùy theo yêu cầu cụ thể của đề bài) và nêu ý kiến đánh giá sơ bộ của mình

* Thân bài:

Lần lượt trình bày các luận điểm

* Kết bài:

Nếu nhận định, đánh giá chung của mình về tác phẩm truyện, đoạn trích

3. Bước 3: Dựng đoạn

3.1. Yêu cầu chung

Về hình thức, bài viết phải có bố cục mạch lạc, có luận điểm rõ ràng, luận cứ xác thực, phép lập luận phù hợp; lời văn chính xác, sống động.

3.2. Gợi ý dựng đoạn

a. Mở bài

- Trực tiếp (Không dẫn dắt)

- Gián tiếp (có dẫn dắt)

- Có nhiều cách dẫn dắt khác nhau:

→ Cách 1: Tác giả → phong cách → tác phẩm → nêu vấn đề nghị luận

* Ví dụ minh họa đề 5:

Lê Minh Khuê là nhà văn nữ có sở trường về truyện ngắn, với ngòi bút miêu tả tâm lý sắc sảo tinh tế. Người ta dễ nhận thấy sự đa giọng điệu trong sáng tác của bà. Người đọc có thể nhận rõ sở trường, giọng điệu của nhà văn trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”. Tác phẩm cho người đọc thấy được vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyển lửa Trường Sơn

→ Cách 2: Đề tài → tác phẩm → vấn đề nghị luận

* Ví dụ:

Hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong mở đường Trường Sơn là đề tài của biết bao nhiêu tác phẩm thi ca. Ta biết đến một nhạc khúc “Cô gái mở đường” của nhạc sỹ Xuân Giao, một thi phẩm “Gửi em cô thanh niên xung phong” của Phạm Tiến Duật, một “Khoảng trời hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ. Một trong những truyện ngắn viết thành công về đề tài này phải kể đến “Những ngôi sao xa xôi” của Lê Minh Khuê. Tác phẩm cho người đọc thấy được vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn,

→ Cách 3: Đi từ hoàn cảnh thực tế (cuộc sống, lịch sử...) → tác phẩm → vấn đề nghị luận

* Ví dụ:

Năm 1971, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn cam go ác liệt. Giặc Mĩ bắn phá điên cuồng, chúng muốn băm nát tuyến đường Trường Sơn huyết mạch. Để thông đường ra chiến trường những chiến sỹ Thanh niên xung phong đã kiên cường ngày đêm bám trụ đối mặt với hiểm nguy, với cái chết. Chính trong hoàn cảnh đó người chiến sỹ Thanh niên xung phong đã ngời sáng lên những phẩm chất cao đẹp. Lê Minh Khuê đã cho người đọc thấy được vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn qua tác phẩm “Những ngôi sao xa xôi”.

→ Cách 4: Trích dẫn một vài câu thơ, lời bài hát liên quan tới đề tài nghị luận → tác phẩm → vấn đề nghị luận

* Ví dụ:

“Ôi những cô con gái đang ngày đêm mở đường

Hỏi em bao nhiêu tuổi mà sức em phi thường... ”

Lời bài hát gợi lên hình ảnh những cô gái Thanh niên xung phong mở đường trên tuyến lửa Trường Sơn. Chính họ đã góp một phần công sức không nhỏ trong cuộc chiến đấu chống Mĩ kiên cường anh dũng của dân tộc. Có rất nhiều tác phẩm đã viết về họ với biết bao phẩm chất cao đẹp trong đó có truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi”. Tác phẩm cho người đọc thấy được vẻ đẹp của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến lửa Trường Sơn

b. Thân bài

Các luận điểm viết đan xen các cách trình bày: diễn dịch, quy nạp, Tổng phân hợp để tránh đơn điệu.

c. Kết bài

Cần viết ngắn gọn cô đọng cảm xúc

4. Bước 4: Đọc, kiểm tra lại bài viết

- Học sinh sửa lỗi chính tả, lỗi dùng từ, lỗi ngữ pháp.

- Chú ý đến liên kết, mạch lạc giữa các câu trong đoạn văn và các đoạn văn trong văn bản.

III. Thực hành

Đề 1:

Đọc “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng, hình ảnh ông Sáu gò lưng, tẩn mẩn khắc từng nét: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba” gợi cho em những suy nghĩ, tình cảm gì?

Gợi ý

* Về nội dung:

Học sinh triển khai suy nghĩ của mình theo cách riêng nhưng phải bám sát tư tưởng nghệ thuật tác phẩm để bày tỏ tình cảm, cảm xúc và ý kiến đánh giá của mình về

- Hình tượng nhân vật ông Sáu - Người cha yêu thương con hết mực (Phân tích hành động cử chỉ hành động thể hiện tình cảm yêu mến, nhớ thương, kể cả ân hận của ông đối với đứa con xa cách).

- Từ hình ảnh ông Sáu làm cây lược tặng con, người đọc nghĩ đến và thấm thía tình cảm cha con thắm thiết, sâu nặng trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh (Bày tỏ cảm nghĩ) .

- Sức hấp dẫn của truyện cũng được tạo bởi những chi tiết rất tự nhiên mang tính cách tâm lí nhân vật như vậy. Nó góp phần khẳng định tình cảm cha con thiêng liêng như một giá trị nhân bản sâu sắc (Đánh giá giá trị nghệ thuật và ý nghĩa hành động của nhân vật, so sánh và liên hệ đến cuộc sống thời đại chiến tranh và thời đại của chúng ta)

* Về hình thức:

- Thể hiện rõ kĩ năng viết văn nghị luận về nhân vật truyện ngắn.

- Kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt tốt.

- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp, chữ viết cẩn thận, sạch đẹp.

Đề 2:

Phát biểu suy nghĩ về lời nhận xét của nhân vật bác Ba trong “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng: “Chỉ có tình cha con là không thể chết được”.

Gợi ý

* Về hình thức:

- Thể hiện rõ kỹ năng viết bài nghị luận về một tác phẩm truyện

- Bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ

- Ngôn ngữ trong sáng, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc

* Về nội dung:

Học sinh trình bày theo cách riêng, nhưng cần thể hiện được một số ý lớn sau:

- Xuất xứ - ý nghĩa câu nói của bác Ba: Nhận xét về tình cảm cha con ông sáu và bé Thu - khẳng định tình cảm bất diệt, bền vững của tình phụ tử được thử thách trong chiến tranh.

- Tóm tắt nội dung cốt truyện.

- Khẳng định giá trị của câu nói bằng việc phát biểu những suy nghĩ riêng của bản thân kết hợp phân tích tình cảm cha con ông Sáu trước tình huống éo le. Từ đó kết tinh giá trị ở hình tượng chiếc lược ngà...

- Cây lược được trao trong giây phút lâm chung của ông Sáu như trao tình phụ tử thiêng liêng bất diệt.

- Cây lược ngà không chỉ là kỷ vật thiêng liêng đối với người con mà còn là di vật tình yêu bất tử của người cha.

- Câu nói của bác Ba không đơn thuần là một lời nhận xét mà còn là sự cảm nhận tinh tế về thực tế khốc liệt của chiến tranh. Đây cũng là lời đúc kết lên một giá trị tinh thần đặc sắc: Người chiến sĩ có thể hy sinh nhưng tình cảm đồng đội, tình cha con thiêng liêng sẽ là bất diệt. Đó cũng là phương châm chiến đấu cho thế hệ tương lai của người chiến sĩ cách mạng Việt Nam.

- Câu chuyện về tình cha con trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh của cha con ông Sáu đã để lại nhiều suy nghĩ cho các thế hệ bạn đọc (suy nghĩ riêng của HS)