3. ĐOÀN THUYỀN ĐÁNH CÁ

3.1. Những điều cần lưu ý về tác giả và tác phẩm

3.1.1. Tác giả

Huy Cận tên đầy đủ là Cù Huy Cận, sinh năm 1919 mất năm 2005, quê ở làng Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, Huy Cận nổi tiếng trong phong trào Thơ mới với tập Lửa thiêng (1940). Ông tham gia cách mạng từ trước năm 1945 và sau Cách mạng tháng 8 từng giữ nhiều trọng trách trong chính quyền cách mạng, đồng thời là một trong những nhà thơ tiêu biểu của nến thơ hiện đại Việt Nam. Huy Cận đã được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996

3.1.2. Tác phẩm:

Giữa năm 1958, Huy Cận có chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi thực tế này, hồn thơ Huy Cận mới thực sự nảy nở trở lại và dồi dào trong cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới. Bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” được sáng tác trong thời gian ấy và được in trong tập thơ “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958).

3.2. Bài luyện tập

3.2.1.Bài tập 1

Vẻ đẹp và sức mạnh của người lao động trước thiên nhiên - vũ trụ trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận.

Gợi ý

a. Mở bài:

- Nêu những nét chính về tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.

- Bài thơ đã khắc họa được vẻ đẹp và sức mạnh của người lao động trước thiên nhiên - vũ trụ kỳ vĩ.

b. Thân bài:

* Bức tranh thiên nhiên trong bài thơ: đẹp, rộng lớn, lộng lẫy.

- Cảm hứng vũ trụ đã mang đến cho bài thơ những hình ảnh thiên nhiên hoành tráng.

- Cảnh hoàng hôn trên biển và cảnh bình minh được đặt ở vị trí mở đầu, kết thúc bài thơ vẽ ra không gian rộng lớn mà thời gian là nhịp tuần hoàn của vũ trụ.

- Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi: không phải là con thuyền mà là đoàn thuyền tấp nập.

→ Con thuyền không nhỏ bé mà kì vĩ, hoà nhập với thiên nhiên, vũ trụ.

- Vẻ đẹp rực rỡ của các loại cá, sự giàu có của biển cả. Trí tưởng tượng của nhà thơ đã chắp cánh cho hiện thực, làm giàu thêm, đẹp thêm vẻ đẹp của biển khơi.

* Người lao động giữa thiên nhiên cao đẹp.

- Con người không nhỏ bé trước thiên nhiên mà ngược lại, đầy sức mạnh và hoà hợp với thiên nhiên.

- Con người ra khơi với niềm vui trong câu hát.

- Con người ra khơi với ước mơ trong công việc.

- Con người cảm nhận được vẻ đẹp của biển, biết ơn biển.

- Người lao động vất vả nhưng tìm thấy niềm vui, phấn khởi trước thắng lợi.

c. Kết bài:

- Hình ảnh người lao động được sáng tạo với cảm hứng lãng mạn cho thấy niềm vui phơi phới của họ trong cuộc sống mới.

- Thiên nhiên và con người phóng khoáng, lớn lao. Tình yêu cuộc sống mới của nhà thơ được gửi gắm trong những hình ảnh thơ lãng mạn đó.

3.2.2. Bài tập 2

Hãy nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp của con người lao động mới trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”

Gợi ý

* Bài thơ được viết trong những năm đất nước bắt đầu bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Không khí lúc này thật vui, cuộc đời phấn khởi, nhà thơ cũng phấn chấn trước sự thay đổi của đất nước. Khi về thực tế tại vùng biển này nhà thơ rất cảm kích trước khung cảnh lao động tập thể của con người và cuộc sống mới. Ông viết bài thơ coi đây là một khúc tráng ca, ca ngợi con người lao động với tinh thần làm chủ thiên nhiên, biển trời, cuộc đời, cuộc sống.

* Hai khổ đầu là khung cảnh ra khơi và tâm trạng náo nức của người lao động với khúc hát lên đường đầy khí thế, nhiệt tình và khẩn trương

* Bốn khổ tiếp: khúc ca đánh cá trên biển:

- Hình ảnh con người khoẻ khoắn, lồng lộng giữa biển khơi, dò bụng biển, tìm luồng cá, dàn đan thế trận, bủa lưới vây giăng

- Họ vừa làm vừa hát thật vui tươi, khiến công việc đánh cá nặng nhọc gian khổ vất vả thành bài ca lao động đầy hào hứng, vừa hùng tráng vừa mộng mơ

- Con người lao động trên biển là trung tâm của bức tranh được khắc hoạ với nét tạo hình gân guốc, chắc khoẻ, cơ bắp cuồn cuộn kéo lên những mẻ cá nặng trĩu.

* Đoàn thuyền đánh cá đẹp hào hùng cả lúc ra đi và lúc trở về, con người phấn khởi, hồ hởi trong niềm vui chiến thắng sau một đêm lao động vất vả. Ánh dương đã tô điểm cho thành quả lao động của họ thêm rực rỡ.

→ Bài thơ là cuộc chạy đua giữa con người với thiên nhiên, con người luôn làm chủ thiên nhiên. Với lòng dũng cảm, tinh thần lao động hăng say, lạc quan yêu đời, con người luôn là người chiến thắng.

3.2.3. Bài tập 3

Có ý kiến cho rằng: "Bài thơ Đoàn thuyền đánh cá của Huy Cận là sự giao thoa giữa hai nguồn cảm hứng thiên nhiên vũ trụ và con người lao động". Bằng hiểu biết của em về bài thơ, hãy làm sáng tỏ nhận định trên.

Gợi ý

- Sự giao thoa giữa hai nguồn cảm hứng thiên nhiên vũ trụ và con người lao động trong bài thơ thể hiện ở việc: Tác giả miêu tả một chuyến đi biển của đoàn thuyền đánh cá đồng thời cũng là sự vận động của thiên nhiên theo thời gian từ hoàng hôn đến bình minh:

+ Khi đoàn thuyền bắt đầu ra khơi cũng là lúc mặt trời đang lặn, hoàng hôn buông xuống trên mặt biển.

+ Khi đoàn thuyền lướt trên mặt biển là lúc trăng bắt đầu lên ngang cột buồm, nhuộm thắm cánh buồm.

+ Khi đoàn thuyền thả lưới và bắt đầu công việc đánh cá cũng là lúc thiên nhiên chuyển động: biển, sao, trăng như cùng hợp sức với con người.

+ Khi kết thúc công việc cũng là lúc rạng đông, ánh bình minh tỏa rạng lên thành quả lao động.

- Hai mạch cảm xúc đan cài, hòa quyện và thống nhất tạo vẻ đẹp riêng cho bài thơ và tạo nên phong cách thơ Huy Cận.

3.2.4. Bài tập 4

Suy nghĩ của em về bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá " của Huy Cận.

Gợi ý

* Cảnh ra khơi:

- Khung cảnh hoàng hôn trên biển vừa diễm lệ vừa hùng vĩ đầy sức sống.

“Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then đêm sập cửa”

- Cảnh người lao động ra khơi: Mang vẻ đẹp lãng mạn, thể hiện tinh thần hào hứng và khẩn trương trong lao động.

"Câu hát căng buồm cùng gió khơi"

* Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển:

- Cảm nhận về biển: Giàu có và lãng mạn (đoạn thơ tả các loài cá, cảnh thuyền đi trên biển với cảm xúc bay bổng của con người)

“Lướt giữa mây cao với biển bằng”

- Công việc lao động vất vả nhưng lãng mạn và thi vị bởi tình cảm yêu đời yêu biển của ngư dân. Họ coi đó như một cuộc đua tài

"Dàn đan thế trận lưới vây giăng"

* Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về:

- Hình ảnh thơ lặp lại tạo nên một lối vòng khép kín với dư âm của lời hát lạc quan của sự chiến thắng.

- Hình ảnh nhân hóa, nói quá: "Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời". Gợi vẻ đẹp hùng tráng về nhịp điệu lao động khẩn trương và không khí chiến thắng sau đêm lao động miệt mài của các chàng trai ngư dân.

- Cảnh bình minh trên biển được miêu tả thật rực rỡ, con người là trung tâm bức tranh với tư thế ngang tầm vũ trụ và hình ảnh no ấm của sản phẩm đánh bắt được từ lòng biển

"Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi"