B. NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý NGHỊ LUẬN VỀ SỰ VIỆC, HIỆN TƯỢNG ĐỜI SỐNG
I. Những lưu ý chung
1. Khái niệm
Nghị luận về một sự việc, hiện tượng trong đời sống xã hội là bàn về một sự việc hiện tượng có ý nghĩa đối với xã hội, đáng khen, đáng chê hay có vấn đề đáng suy nghĩ.
2. Những dạng đề thường gặp
- Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống có tính chất tích cực.
- Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống có tính chất tiêu cực.
- Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống có hai mặt: tích cực và tiêu cực.
3. Yêu cầu chung về kiểu bài
Thông thường những sự việc, hiện tượng mà đề bài đề cập tới thường là những hiện tượng nổi bật, tạo được sự chú ý và có tác động đến đời sống xã hội.
→ Học sinh cần làm rõ sự việc, hiện tượng đời sống bằng cách đưa ra khái niệm, mô tả sự vật, nêu biểu hiện, các khía cạnh, các mặt đúng, sai, mặt lợi, hại của sự việc, hiện tượng. Từ đó, thể hiện thái độ, sự đánh giá của bản thân, đồng tình ủng hộ (đối với sự việc, hiện tượng tốt đẹp, tích cực trong cuộc sống), phản đối, lên án, phê phán (đối với những sự việc, hiện tượng mang tính chất tiêu cực) học sinh sẽ đưa ra những kiến nghị, giải pháp trước sự việc, hiện tượng đời sống.
II. Các bước làm bài
1. Bài tập
Đề 1:
Đất nước ta có nhiều tấm gương học sinh nghèo vượt khó, học giỏi. Em hãy trình bày một số tấm gương đó và nêu suy nghĩ của mình
Đề 2:
Chất độc màu da cam mà đế quốc Mĩ đã rải xuống các cánh rừng miền Nam thời chiến tranh đã để lại di họa nặng nề cho hàng chục vạn gia đình. Hàng chục vạn người đã chết. Hàng vạn trẻ em chịu tật nguyền suốt đời. Cả nước đã lập quỹ giúp đỡ các nạn nhân nhằm phần nào cải thiện cuộc sống và xoa dịu nỗi đau của họ. Em hãy nêu suy nghĩ của mình về các sự kiện đó.
Đề 3:
Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn. Nhiều bạn vì mải chơi mà sao nhãng học tập và còn phạm những sai lầm khác. Hãy nêu ý kiến của em về hiện tượng đó.
Đề 4:
Hiện nay ở trường học có rất nhiều bạn học sinh vứt rác bừa bãi. Hãy nêu suy nghĩ của mình về hành động đó.
Đề 5:
“Ngày nay, người ta đang đầu tư rất nhiều cho việc "người hóa robot”: biến chúng ngày càng trở nên giống con người hơn, từ cấu tạo những khớp xương, giọng nói và giờ là tình cảm, cảm xúc. Chỉ là một điều: Trong khi người ta vò đầu bứt trán để cài chíp cảm xúc cho những cỗ máy, thì cùng lúc đó, loài người lại có khuynh hướng đi ngược lại. Tức là, họ ngày càng giống với không có lương tri, vận hành theo một quy trình sắp đặt sẵn. Căn bệnh vô cảm đã không chỉ còn là căn bệnh của một cá nhân, mà nó đã len lỏi, lan rộng ra cả một lớp người, một thế hệ, một xã hội.”
Trong khoảng hai trang giấy, em hãy trình bày suy nghĩ về bệnh vô cảm của thế hệ trẻ hiện nay.
2. Các bước làm bài
Bước 1: Tìm hiểu đề - tìm ý
a. Tìm hiểu đề
Lập bảng Tổng hợp - Phân tích đề
Đề | Vấn đề nghị luận | Đánh giá - Thái độ | Mệnh đề |
1 | Tấm gương học sinh nghèo vượt khó học giỏi | Sự việc hiện tượng tốt cần ca ngợi biểu dương | Hãy trình bày và nêu suy nghĩ của mình. |
2 | - Tác hại của chất độc da cam - Sự chung tay xoa dịu nỗi đau chiến tranh | - Phê phán - Ngợi ca | Nêu suy nghĩ của mình |
3 | Tác hại của trò chơi điện tử (sao nhãng học tập - phạm nhiều sai lầm khác) | Sự việc hiện tượng không tốt, cần lưu ý, phê phán nhắc nhở | Nêu ý kiến của mình |
4 | Vứt rác bừa bãi nơi công cộng | Sự việc hiện tượng không tốt, cần lưu ý, phê phán nhắc nhở | Nêu suy nghĩ của mình |
5 | Bệnh vô cảm của thế hệ trẻ | Sự việc hiện tượng không tốt, cần lưu ý, phê phán nhắc nhở | Trình bày suy nghĩ |
b. Phân tích đề: Học sinh phải xác định được
- Đề nêu sự việc, hiện tượng gì?
- Đề yêu cầu làm gì? Mệnh lệnh trong đề là gì?
- Ý kiến thái độ của bản thân đối với sự việc hiện tượng đó như thế nào?
→ Dựa vào bảng Tổng hợp – Phân tích học sinh dễ dàng rút ra được bài học:
- Nội dung nghị luận trong các đề có nhiều dạng
+ Có đề cung cấp sẵn sự việc hiện tượng dưới dạng một chuyện kể, một mẩu tin.
+ Có đề chỉ gọi tên sự việc hiện tượng không cung cấp nội dung, người làm phải trình bày, mô tả sự việc hiện tượng đó.
- Thái độ - sự đánh giá của bản thân.
+ Ca ngợi, biểu dương, đồng tình.
+ Phê phán, nhắc nhở, phản đối.
- Mệnh lệnh trong đề.
+ Nêu suy nghĩ của mình.
+ Nêu nhận xét, suy nghĩ của mình.
+ Nêu ý kiến.
+ Bày tỏ thái độ.
c. Tìm ý
Mỗi một đề bài, học sinh sẽ đưa ra một hệ thống câu hỏi cụ thể sát với yêu cầu đề bài. Tuy nhiên học sinh vẫn có thể sử dụng hệ thống câu hỏi tìm ý chung sau đây:
1. Vấn đề đề bài yêu cầu nghị luận là gì?
2. Khái niệm và biểu hiện của vấn đề được đề cập trong đề bài là gì?
3. Nguyên nhân của vấn đề (nguyên nhân chủ quan? Khách quan?).
4. Vấn đề đúng hay sai - ích lợi hoặc tác hại của vấn đề?
5. Ý kiến thái độ của bản thân và đề xuất những giải pháp phát huy hoặc ngăn chặn về vấn đề nghị luận.
Bước 2: Lập dàn ý
Học sinh có thể tham khảo dàn ý chung sau đây:
a. Dàn ý 1
- Mở bài: Giới thiệu sự vật hiện tượng theo yêu cầu nghị luận của đề bài.
- Thân bài: Lần lượt trình bày các luận điểm
+ Nêu khái niệm và biểu hiện của vấn đề.
+ Phân tích các mặt đúng - sai, lợi - hại của sự việc, hiện tượng.
+ Nguyên nhân của vấn đề (nguyên nhân chủ quan? Khách quan?)
+ Bày tỏ thái độ ý kiến của người viết về hiện tượng.
- Kết bài: Kết luận, khẳng định hoặc phê phán vấn đề.
b. Dàn ý 2
Tham khảo dàn ý chung sau đây
- Mở bài
+ Dẫn dắt (nếu mở bài trực tiếp thì không cần).
+ Giới thiệu sự vật hiện tượng đời sống nghị luận.
- Thân bài: Lần lượt trình bày các luận điểm
+ Luận điểm 1: Khái niệm sự việc hiện tượng.
+ Luận điểm 2: Biểu hiện của sự vật hiện tượng.
+ Luận điểm 3: Sự việc hiện tượng đó tích cực hay tiêu cực.
+ Luận điểm 4: Nguyên nhân của sự vật hiện tượng (nguyên nhân chủ quan - khách quan).
+ Luận điểm 5: Ý kiến thái độ của bản thân và đề xuất những giải pháp phát huy hoặc ngăn chặn.
- Kết bài
+ Kết luận khẳng định hoặc phủ định.
+ Liên hệ bản thân.
Bước 3: Dựng đoạn
Về hình thức, bài viết phải có bố cục mạch lạc, có luận điểm rõ ràng, luận cứ xác thực, phép lập luận phù hợp; lời văn chính xác, sống động.
Bước 4: Đọc, kiểm tra, sửa lỗi
Học sinh sửa lỗi chính tả, lỗi dùng từ, lỗi ngữ pháp.
Chú ý đến liên kết, mạch lạc giữa các câu trong đoạn văn và các đoạn văn trong văn bản.
Chú ý:
Học sinh cần trang bị kỹ năng làm bài, đồng thời cần trang bị cho mình vốn hiểu biết về đời sống xã hội thông qua việc theo dõi, tìm hiểu, thu thập tài liệu về những hiện tượng đời sống qua các phương tiện thông tin đại chúng: như đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí, mạng internet... để bồi đắp vốn hiểu biết. Càng hiểu biết nhiều về đời sống xã hội thì bài viết càng rộng, sâu, tạo được ấn tượng sâu sắc đối với người đọc.
III. Một số đề minh họa
Kiểu bài nghị luận về một sự việc, hiện tượng, đời sống.
1. Đề bài
Đề 1:
Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn. Nhiều bạn vì mải chơi mà sao nhãng học tập và còn phạm những sai lầm khác. Hãy nêu ý kiến của em về hiện tượng đó.
Đề 2:
“Ngày nay, người ta đang đầu tư rất nhiều cho việc "người hóa robot”: biến chúng ngày càng trở nên giống con người hơn, từ cấu tạo những khớp xương, giọng nói và giờ là tình cảm, cảm xúc. Chỉ là một điều: Trong khi người ta vò đầu bứt trán để cài chíp cảm xúc cho những cỗ máy, thì cùng lúc đó, loài người lại có khuynh hướng đi ngược lại. Tức là, họ ngày càng giống với những con robot: không có cảm xúc, không có lương tri, vận hành theo một quy trình sắp đặt sẵn. Căn bệnh vô cảm đã không chỉ còn là căn bệnh của một cá nhân, mà nó đã len lỏi, lan rộng ra cả một lớp người, một thế hệ, một xã hội.”
Trong khoảng hai trang giấy, em hãy trình bày suy nghĩ về bệnh vô cảm của thế hệ trẻ hiện nay.
Đề 3:
Có người cho rằng: Hành trang cần thiết nhất trong cuộc đời con người là lòng can đảm và đức tính trung thực.
Em hãy viết một bài văn nghị luận (có độ dài khoảng hai trang giấy thi) bày tỏ suy nghĩ của bản thân về ý kiến trên. (Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 Chuyên, môn Ngữ văn thành phố Hà Nội năm học 2010 - 2011)
2. Hướng dẫn
Đề 1:
Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn. Nhiều bạn vì mải chơi mà sao nhãng học tập và còn phạm những sai lầm khác. Hãy nêu ý kiến của em về hiện tượng đó.
Gợi ý
1. Mở bài:
- Trong cuộc sống của con người thì trò chơi là một hình thức giải trí không thể thiếu
- Gần đây với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin và Internet có nhiều loại chương trình giải trí trong đó có trò chơi điện tử.
- Trò chơi điện tử là một món tiêu khiển hấp dẫn đặc biệt là đối với thiếu niên học sinh. Nhiều em vì mải chơi mà sao nhãng học tập và còn phạm những sai lầm khác để lại nhiều hệ lụy.
2. Thân bài:
2.1. Luận điểm 1: Khái niệm - mô tả - biểu hiện của trò chơi điện tử:
- Khái niệm: Trò chơi điện tử là một loại trò chơi sử dụng thiết bị điện tử để tạo ra một hệ thống tương tác để người chơi có thể chơi giải trí
- Mô tả biểu hiện: Hình thức phổ biến nhất của trò chơi điện tử hiện giờ là trò chơi video (video game)
- Các hình thức phổ biến của trò chơi điện tử bao gồm cả những thiết bị không dùng cho việc tạo ra hình ảnh như các loại trò chơi điện tử cầm tay, các hệ thống độc lập và các sản phẩm cụ thể không tạo ra được hình ảnh trực quan.
- Thể loại trò chơi điện tử
Có rất nhiều trò chơi điện tử được sắp xếp theo trình tự từ dễ đến khó phù hợp với mọi đối tượng, mọi lứa tuổi.
Có nhiều loại như: Dreamcast, DVD TV, Foma, Mortal, Kombat, Play Station 1, 2, 3, play station portable, pokemon, softbank 3G, warcraft, rồi trò chơi điện tử có bản mở rộng, trò chơi điện tử có bộ sưu tập, trò chơi điện tử theo quốc gia, theo thể loại, Việt Nam Đoremon, Xbox, Xbox 360...
- Riêng trò chơi điện máy có tới 14 tiểu loại bao gồm:
+ Lý thuyết trò chơi.
+ Chơi bài.
+ Trò chơi dân gian.
+ Trò chơi theo quốc gia.
+ Trò chơi theo truyền hình.
+ Trò chơi theo trí tuệ.
+ Trò chơi theo chiến thuật.
+ Nhập vai với bàn cờ, với bóng, bút và giấy.
+ Trò chơi trẻ em.
+ Đồ chơi.
Chưa kể trong thể loại trò chơi có tới 14 trong tập hợp giới thiệu: amymen, bi sắt, boom online, nanuto, der langrisser, fifa series, xúc xắc, yoyo, đá gà...
- Trong trò chơi máy tính có tới 11 tiểu loại
+ Bắn súng góc nhìn thứ nhất.
+ Final fantasy.
- Mẫu cấu trúc viết về trò chơi máy tính.
+ Resident evil.
+ Sản phẩm của stelam.
+ The sims.
+ Windows.
+ Electronic arts
+ Trò chơi máy tính theo năm.
+ Trò chơi trực tuyến.
+ Trò chơi điện tử.
Riêng các trang trong trò chơi máy tính lên đến 93 trang riêng. Điều đó chứng tỏ sự phát triển như vũ bão của thế giới trò chơi điện tử → Cuốn hút học sinh
2.2. Luận điểm 2: Những nguyên nhân khiến học sinh say mê điện tử
* Nguyên nhân khách quan
- Trò chơi điện tử rất đa dạng, luôn được cập nhật, mới mẻ, thu hút người chơi bởi hình ảnh âm thanh, sự hứng thú cuốn hút bởi cách lập trình trò chơi từ dễ đến khó phù hợp với đối tượng ở nhiều thời điểm tiếp xúc với trò chơi
- Các cửa hàng internet mọc lên như nấm sau mưa, thường ở gần các trường học, khu dân cư.
- Không gian chơi của thanh, thiếu niên ngày càng bị thu hẹp.
- Ít các hoạt động tập thể hiệu quả lôi cuốn học sinh.
- Một số gia đình bố mẹ mải làm ăn, ít quan tâm quản lý con hoặc chưa có phương pháp giáo dục phù hợp giúp con tránh được cám dỗ của trò chơi điện tử
- Nhà nước chưa có chế tài pháp lý đối với hoạt động của các quán internet.
* Nguyên nhân chủ quan
- Trò chơi điện tử phù hợp với tâm lý lứa tuổi thiếu niên: tò mò, thích khám phá, thích khẳng định, ưa mạo hiểm.
- Không làm chủ được bản thân bị bạn bè lôi kéo.
2.3. Luận điểm 3: Ý kiến thái độ của bản thân và đề xuất những giải pháp phát huy hoặc ngăn chặn.
- Đối với nhà trường
- Đối với gia đình
- Đối với xã hội:
- Đối với bản thân
3. Kết luận:
- Giúp học sinh tránh xa hiểm họa của trò chơi điện tử là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và toàn xã hội.
- Quan trọng nhất là mỗi học sinh phải làm chủ được bản thân trước mọi cám dỗ.
Đề 2:
Gợi ý
* Yêu cầu:
- Về phương pháp: Vận dụng kiểu bài nghị luận xã hội, kết hợp các thao tác lập luận, phân tích, so sánh, giải thích, chứng minh
- Về nội dung: Bàn về một vấn đề xã hội đó là “thái độ ứng xử trong quan hệ giao tiếp giữa người với người, giữa cá nhân với cộng đồng xã hội”
* Dàn ý chung:
1. Mở bài:
- Dẫn dắt: Giới thiệu sự phát triển của người máy trong xã hội
- Giới thiệu vấn đề nghị luận: Bệnh vô cảm của thế hệ trẻ.
2. Thân bài:
2.1. Luận điểm 1:
- Giải thích: Quan niệm về bệnh vô cảm trong giới trẻ và những biểu hiện của bệnh vô cảm.
- Đứng trước cái xấu xa, cái đê hèn, mà không cảm thấy đau xót, phẫn nộ; không cảm thấy nhức nhối trái tim. Đứng trước điều tốt đẹp, những nhân cách cao thượng mà không cảm thấy ngưỡng mộ, cảm phục; không cảm thấy rung động tâm can.
2.2. Luận điểm 2: Phân tích nguyên nhân vô cảm của giới trẻ ngày nay.
- Nguyên nhân khách quan
- Nguyên nhân chủ quan
2.3. Luận điểm 3: Ý kiến và đưa ra những định hướng giáo dục giới trẻ quan tâm đến mọi người và các vấn đề xung quanh.
3. Kết bài:
- Khẳng định bệnh vô cảm của thế hệ trẻ là một vấn đề bức xúc.
- Liên hệ bản thân.
Đề 3:
Có người cho rằng: Hành trang cần thiết nhất trong cuộc đời con người là lòng can đảm và đức tính trung thực. Em hãy viết một bài văn nghị luận (có độ dài khoảng hai trang giấy thi) bày tỏ suy nghĩ của bản thân về ý kiến trên. (Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 chuyên môn Ngữ văn thành phố Hà Nội năm học 2010-2011)
Gợi ý
1. Bước 1:
* Tìm hiểu đề
- Kiểu bài: Nghị luận về một sự việc hiện tượng đời sống xã hội
- Yêu cầu nghị luận là bày tỏ suy nghĩ của bản thân cho nên người viết có thể đồng ý hoặc không đồng ý, hoặc chỉ đồng ý với một điểm của vấn đề
* Tìm ý
- Vấn đề nghị luận là gì? (Là hành trang cần thiết nhất trong cuộc đời con người là lòng can đảm và đức tính trung thực).
- Thái độ của bản thân như thế nào (Là thái độ đồng tình, không đồng tình hay có ý kiến khác).
- Trình bày hiểu biết về vấn đề nghị luận:
→ Hành trang là gì?
→ Thế nào là lòng can đảm và đức tính trung thực? Biểu hiện?
→ Vì sao lòng can đảm và đức tính trung thực là hành trang cần thiết nhất trong cuộc đời?
→ Con người cần làm gì để có phẩm chất đó?
Chú ý: Nếu không đồng tình với ý kiến của đề bài thì người viết bài sẽ phải lập luận sáng tỏ luận điểm Theo bản thân phẩm chất nào là quan trọng nhất? Vì sao?
2. Bước 2: Lập dàn ý
2.1. Mở bài
- Dẫn dắt: Con người là tổng hòa các mối quan hệ của xã hội, là nơi hội tụ của rất nhiều phẩm chất đạo đức như: Sự khiêm tốn, lòng nhân ái, biết ơn, bao dung...
- Giới thiệu nhận định: Hành trang cần thiết nhất trong cuộc đời con người là lòng can đảm và đức tính trung thực.
2.2. Thân bài
Lần lượt trình bày các luận điểm
- Luận điểm 1: Hành trang là gì? Thế nào là lòng can đảm và đức tính trung thực? Biểu hiện?
- Luận điểm 2: Vì sao lòng can đảm và đức tính trung thực là hành trang cần thiết nhất trong cuộc đời?
- Luận điểm 3: Con người cần làm gì để có phẩm chất đó? Nếu không đồng tình với ý kiến của đề bài thì người viết bài sẽ phải lập luận sáng tỏ luận điểm Theo bản thân phẩm chất nào là quan trọng nhất? Vì sao?
2.3. Kết bài
- Khẳng định giá trị của phẩm chất.
- Liên hệ bản thân.