7. CON CÒ

7.1. Những điều cần lưu ý về tác giả và tác phẩm

7.1.1. Tác giả

- Chế Lan Viên tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan, sinh năm 1920 mất năm 1989, quê ở Cam Lộ - Quảng Trị.

- Ông là một trong những nhà thơ xuất sắc của nền thơ hiện đại Việt Nam.

- Được nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

- Thơ ông đậm chất triết lý suy tưởng, giàu chất trí tuệ và tính hiện đại.

7.1.2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

- Sáng tác năm 1962 (thời kỳ miền Bắc bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất xây dựng CNXH).

- Bài thơ được in trong tập “Hoa ngày thường - Chim báo bão”.

b. Thể thơ

Thơ tự do (các câu ngắn dài không đều, nhịp điệu biến đổi và có nhiều câu điệp lại, tạo nhịp điệu gần với lời hát ru).

7.2. Bài luyện tập

7.2.1. Bài tập 1

So sánh cách vận dụng lời ru của Nguyễn Khoa Điềm (Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ) và Chế Lan Viên (Con cò).

Gợi ý

1. Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ:

Tác giả vừa trò chuyện với đối tượng (những em bé dân tộc Tà-ôi trên lưng mẹ), với giọng điệu gần như lời ru, lại có cả những lời ru trực tiếp từ người mẹ.

→ Khúc hát ru ở bài thơ ấy biểu hiện sự thống nhất giữa tình yêu con với tình yêu cách mạng, với lòng yêu nước và ý chí chiến đấu.

2. Con cò:

- Gợi lại điệu hát ru.

- Tác giả muốn nói về ý nghĩa của lời ru và ngợi ca tình mẹ đối với đời sống mỗi con người.

7.2.2. Bài tập 2

Viết đoạn văn để phân tích khổ thơ “Dù ở gần con... vẫn theo con”.

Gợi ý

- Con cò là hình tượng xuyên suốt bài thơ, đi vào lời ru của mẹ và là biểu tượng cho tấm lòng người mẹ, lúc nào cũng ở bên con đến suốt cuộc đời, trở thành “Cuộc đời vỗ cánh qua nôi” của đứa con.

- Từ hình tượng con cò, nhà thơ đã khái quát thành một quy luật của tình cảm có ý nghĩa bền vững và sâu sắc.

“Dù ở gần con

Dù ở xa con

Lên rừng xuống bể

Cò sẽ tìm con

Cò mãi yêu con”

- Ở đây, cò trắng đã hoá thân vào hình ảnh người mẹ:

+ Bốn câu thơ đầu chỉ có 4 chữ ngắn gọn, giọng thơ lắng lại → giống lời thủ thỉ của mẹ dành cho đứa con yêu.

+ Sự lặp lại liên tục của các từ: dù, ở, con , cò, ... → láy đi láy lại cảm xúc dâng trào trong sâu thẳm tâm hồn mẹ.

+ “Lên rừng xuống bể” – phép đối nghĩa → gợi ra hai chiều không gian với bao khó khăn chồng chất lên cuộc đời

→ Khoảng cách địa lý có thể “gần”, có thể “xa” nhưng chẳng thể nào cản được bầu trời yêu thương của mẹ. Dù một ngày nào đó mẹ không còn có mặt trên cuộc đời này nữa nhưng mẹ vẫn “luôn”, vẫn “sẽ" mãi tìm con, yêu con. Mai này con sẽ trở thành cánh cò vững chãi bay xa nhưng trong trái tim của mẹ con vẫn còn bé bỏng, ngây thơ như thuở nằm trong nôi được mẹ cưng chiều. Quả thật, đối với bất kỳ người mẹ nào trên thế gian, đứa con nhỏ của mình luôn dại khờ, luôn cần được che chở, bao bọc, cần một điểm tựa nâng đỡ. Bởi vậy, mẹ lúc nào cũng dõi theo từng bước chân con trên chặng đường đời lắm chông gai, thử thách. Tấm lòng mẹ muôn đời là vậy. Vượt ra ngoài mọi hoàn cảnh, mọi giới hạn vẫn không hề đổi thay.

→ Từ những cảm xúc dâng trào, Chế Lan Viên đã đưa ra một triết lý sâu sắc, cảm động về tình yêu thương của người mẹ: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ. Đi hết đời, lòng mẹ vẫn yêu con”- triết lý ấy bao giờ cũng đúng, triết lý ấy không ai có thể phủ nhận được.

“Ta đi trọn kiếp con người

cũng không đi hết mấy lời mẹ ru”

7.2.3. Bài tập 3

Phân tích ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh con cò trong bài thơ “Con cò” của nhà thơ Chế Lan Viên.

Gợi ý

- Hình tượng con cò là một mô-típ rất quen thuộc của ca dao truyền thống (là biểu tượng của người nông dân lao động vất vả, cần cù trên đồng ruộng, nơi đầu sông bến bãi để kiếm ăn; là hình ảnh của những người phụ nữ lam lũ, nhọc nhằn mà giàu đức hy sinh, giàu lòng vị tha và tràn đầy niềm vui cuộc sống).

- Hình ảnh con cò – cánh cò trắng làm nền và xuyên suốt bài thơ, nối liền các đoạn thơ, khi là thực, khi là biểu tượng, không cụ thể, cũng không tĩnh tại mà phát triển theo từng đoạn thơ nhưng vẫn mang tính thống nhất.

1. Với ý nghĩa ẩn dụ: Con cò là hình ảnh người nông dân, người phụ nữ vất vả, cực nhọc nhưng giàu đức tính hy sinh. Ở đoạn đầu, hình ảnh con còn được gợi tả ra trực tiếp từ những câu ca dao dùng làm lời hát ru.

“Con cò bay la

Con cò bay lả

Con cò Cổng Phủ

Con cò Đồng Đăng”

→ Gợi tả không gian và khung cảnh quen thuộc của cuộc sống thời xưa, từ làng quê đến phố xá bình yên, êm ả.

+ “Con cò mà đi ăn đêm ...”, “Cái cò lặn lội bờ sông gánh gạo nuôi chồng tiếng khóc nỉ non” → Con cò tượng trưng cho những người mẹ, người phụ nữ nhọc nhằn vất vả, lặn lội kiếm sống, nuôi chồng con.

+ “Con cò ăn đêm ... Cò sợ xáo măng” → Qua lời ru, dường như mẹ còn dự cảm cả những điều không hay có thể đến với con. Nhưng “ngủ yên...” mẹ sẵn sàng che chở, bao bọc cho con. Tấm lòng của mẹ dịu dàng ấm áp, trong trẻo tươi tắn như hơi thở mùa xuân.

→ Những con cò trắng muốt vỗ cánh từ ca dao bay vào trong giấc ngủ của con, đến với tâm hồn ấu thơ của con một cách tự nhiên, vô thức, bản năng như dòng sữa mẹ ngọt ngào thơm mát. Đây chính là sự khởi đầu con đường đi vào thế giới tâm hồn con người của những lời ru, của ca dao dân ca... Tuy chưa hiểu và cũng chưa cần hiểu nội dung của lời ru nhưng điệu hồn dân tộc và nhân dân cứ thấm dần vào tinh thần bé, nuôi dưỡng tâm hồn bé bằng âm điệu dịu dàng, ngân nga của tình mẹ bao la. Đoạn thơ khép lại bằng hình ảnh thanh bình của cuộc sống: “Ngủ yên! ngủ yên!... chẳng phân vân”.

2. Cánh cò đi vào trong tâm hồn trẻ thơ cùng với âm điệu ngọt ngào, dịu dàng của lời ru, trở nên gần gũi và sẽ theo cùng con người suốt chặng đường đời.

- Từ tuổi ấu thơ trong nôi:

Con ngủ yên thì cò cũng ngủ

Cánh của cò, hai đứa đắp chung đôi.

- Đến tuổi tới trường:

Mai khôn lớn con theo cò đi học

Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân.

- Và đến lúc trưởng thành:

Cánh cò trắng lại bay hoài không nghỉ

Trước hiên nhà

Và trong hơi mát câu văn.

→ Hình ảnh con cò tiếp tục sự sống trong tâm thức mỗi người. Bằng sự liên tưởng phong phú độc đáo của tác giả, cánh cò bay ra từ những bài ca dao nhẹ nhàng, sâu lắng, vỗ cánh theo bước chân và nâng đỡ tâm hồn con người. Nó mang ý nghĩa biểu tượng về lòng mẹ, về sự chở che, bao dung, dìu dặt, nâng đỡ dịu dàng và bền bỉ của mẹ hiền chắp cánh cho ước mơ con. Cánh cò và tuổi thơ; cánh cò và cuộc đời; cánh cò và tình mẹ...

Rõ ràng, ở đây đã có sự gắn bó, hoà quyện. Cái màu trắng phau phau của cánh cò, dịu dàng êm ả của cánh cò bay lả , bay la, cứ như thể gắn với mỗi con người trên bước đường khôn lớn, trưởng thành. Con đắp chung chăn hay con đắp cánh cò? Cánh cò theo chân con tung tăng tới lớp; cánh cò lại che, lại quạt hơi mát vào câu thơ mới viết của con. Cách tưởng tượng và liên tưởng thật lạ, lạ đến ngỡ ngàng mà cũng rất đỗi thân quen.

3. Hình ảnh con cò là biểu tượng cho tấm lòng người mẹ, lúc nào cũng ở bên con đến suốt cuộc đời.

- Nhà thơ đã khái quát thành một quy luật của tình cảm:

“Dù ở gần con

Dù ở xa con

Lên rừng xuống bể

Cò sẽ tìm con

Có mãi yêu con”

- Từ sự thấu hiểu tấm lòng người mẹ, nhà thơ đã khái quát một quy luật của tình cảm có ý nghĩa bền vững, rộng lớn và sâu sắc:

“Con dù lớn vẫn là con của mẹ.

Đi hết đời, lòng mẹ vẫn yêu con”.

- Phần cuối trở lại với âm hưởng lời ru và đúc kết ý nghĩa phong phú của hình tượng con cò:

“Một con cò thôi

Con cò mẹ hát

Cũng là cuộc đời

Vỗ cánh qua nôi”

→ Rồi con sẽ khôn lớn, có thể sẽ không còn ở bên mẹ nữa. Nhưng có một điều bao giờ cũng đúng như chân lý cuộc đời: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời lòng mẹ vẫn yêu con”. Dù con đã trưởng thành, đã nếm trải mọi lẽ ở đời thì bao giờ con cũng là con của mẹ, mẹ luôn luôn mong muốn, chở che, bao bọc cho con như lúc còn ở trong nôi.

→ Đến gần cuối bài thơ, hai tiếng “à ơi” mới cất lên là lúc mẹ gửi trong cánh cò cả cuộc đời của mẹ, có khi là cả những cay đắng lẫn ngọt bùi. Không có một hình ảnh cụ thể nào, song ta hiểu trong cánh cò kia có chất chứa cả những nông sâu của cuộc đời. Hơn cả chức năng “ru ngủ”, những câu hát của mẹ còn là nơi giãi bày tình cảm, thổ lộ tâm tư.

→ Mẹ muốn mang theo cánh cò bay lả bay la và cả sắc trời đến hát cho con. Ở đây, theo Chế Lan Viên, mẹ có nói đến điều gì, cánh cò của mẹ có mang ý nghĩa gì thì tất cả đều hướng về con, dành trọn cho con.