E. NGHỊ LUẬN VỀ MỘT TÁC PHẨM THƠ – ĐOẠN THƠ

I. Những lưu ý chung

1. Khái niệm

Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là trình bày nhận xét, đánh giá của mình về nội dung, nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ ấy.

2. Yêu cầu

- Nội dung và nghệ thuật của một đoạn thơ, bài thơ được thể hiện qua ngôn từ, hình ảnh, giọng điệu... Bài nghị luận cần phân tích được các yếu tố đó để có những nhận xét cụ thể, xác đáng.

- Bài nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ cần có bố cục mạch lạc rõ ràng, có lời văn gợi cảm, thể hiện rung động chân thành của người viết

II. Các bước làm bài

1. Bước 1: Tìm hiểu đề - Tìm ý

1.1. Tìm hiểu đề

Ghi nhớ về thao tác phân tích đề

* Học sinh phải xác định được:

- Đề bài yêu cầu viết về vấn đề gì? (nội dung nghị luận)

- Đề bài yêu cầu thao tác nghị luận như thế nào?

- Giới hạn (một đoạn thơ hay cả bài thơ hay một vấn đề của bài thơ)

* Yêu cầu học sinh phân biệt được:

- Yêu cầu nghị luận được biểu thị bằng các từ:

+ Cảm nhận: Lưu ý đến ấn tượng, cảm thụ của người viết,

+ Phân tích: Như là chỉ định về phương pháp,

+ Suy nghĩ: Nhấn mạnh đến nhận định, phân tích của người làm bài,

+ Không có lệnh: Trường hợp không có lệnh, người viết bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề được nêu ra trong bài bằng sự lựa chọn phân tích hoặc suy nghĩ.

(Sự khác biệt trên chỉ ở sắc thái, không phải là các “kiểu bài” nghị luận khác nhau)

- Học sinh xác định đúng nội dung nghị luận trên cơ sở cảm hiểu đoạn thơ, bài thơ.

- Học sinh phải xác định chuẩn giới hạn tránh nhầm lẫn đề yêu cầu phân tích đoạn thì phân tích trọn vẹn tác phẩm và ngược lại.

1.2. Tìm ý

Tìm ý là quá trình học sinh tự đặt và trả lời các câu hỏi xoay quanh vấn đề nghị luận. Tùy từng đề mà học sinh sẽ đặt ra hệ thống câu hỏi sát hợp. Tuy nhiên có thể vận dụng câu hỏi khái quát sau đây:

- Vấn đề nghị luận bao gồm mấy luận điểm? Là những luận điểm nào?

- Những dẫn chứng nào làm sáng tỏ cho từng luận điểm?

- Có những dẫn chứng nào (câu thơ, câu văn, danh ngôn, tác phẩm...) liên quan tới vấn đề nghị luận (để giúp học sinh so sánh, đối chiếu, bình, đánh giá tác phẩm trong quá trình làm bài)?

- Phong cách của nhà thơ? Các tác phẩm tiêu biểu thể hiện phong cách?

2. Bước 2: Lập dàn ý

* Mở bài:

- Dẫn dắt.

- Giới thiệu bài thơ, đoạn thơ và bước đầu nêu khái quát nhận xét, đánh giá chung của mình về bài thơ, đoạn thơ. (Nếu là đoạn thơ thì giới thiệu rõ vị trí của đoạn thơ trong tác phẩm)

* Thân bài:

Lần lượt trình bày các luận điểm (tùy yêu cầu cụ thể của từng đề)

* Kết bài:

Khẳng định giá trị, ý nghĩa của bài thơ, đoạn thơ.

3. Bước 3: Dựng đoạn

3.1. Yêu cầu chung

- Về hình thức: bài viết phải có kết cấu chặt chẽ, bố cục mạch lạc, có luận điểm rõ ràng, luận cứ xác thực, phép lập luận phù hợp; lời văn chính xác, sống động.

- Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp, chữ viết cẩn thận, sạch đẹp.

- Về nội dung: phải đầy đủ, đúng, trúng vấn đề nghị luận mà đề bài yêu cầu.

3.2. Gợi ý dựng đoạn

a. Mở bài

- Trực tiếp (không dẫn dắt)

- Gián tiếp (có dẫn dắt)

- Có nhiều cách dẫn dắt khác nhau:

* Cách 1: Tác giả → phong cách → tác phẩm → nêu vấn đề nghị luận.

* Cách 2: Đề tài → tác phẩm → vấn đề nghị luận.

* Cách 3: Đi từ hoàn cảnh thực tế (cuộc sống, lịch sử...) → tác phẩm → vấn đề nghị luận.

* Cách 4: Trích dẫn một vài câu thơ, lời bài hát liên quan tới đề tài nghị luận → tác phẩm → vấn đề nghị luận.

* Cách 5: Từ thể loại đến tác phẩm → vấn đề nghị luận.

* Ví dụ:

- Cách 1: Hữu Thỉnh làm thơ không nhiều nhưng ông đã sớm khẳng định một phong cách riêng: Nhẹ nhàng mà sâu lắng, nhiều chất dân gian và chất triết lý sâu sắc. Có lẽ vì thế thơ ông mang đến cho bạn đọc những cảm xúc mới mẻ về tâm hồn con người - một thế giới còn ẩn chứa bao điều bất ngờ thú vị. Phong cách ấy được thể hiện rất rõ trong bài thơ “Sang thu”

- Cách 2: Mùa thu là đề tài quen thuộc của thi nhân. Ta biết đến một chùm thơ thu nức danh của cụ Tam Nguyên Yên Đổ, một “Tiếng thu” của Lưu Trọng Lư, một “Đây mùa thu tới” của... Và Hữu Thỉnh đã góp một thi phẩm vào trong vườn thơ thu ấy đó là “Sang thu”. Tưởng như thơ viết về mùa thu đã quá nhiều dễ gây nhàm chán song đến với “Sang thu” của Hữu Thỉnh người đọc thấy được sự sáng tạo rất tài tình của ông. Đọc Sang thu đã có ý kiến cho rằng: “Chỉ 12 câu thơ năm chữ mà anh đã vẽ lên một bức tranh sang thu vừa đúng vừa đẹp lại có tình, có chiều sâu suy nghĩ

- Cách 3:

“Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới”.

Thu sang, gió heo may nhè nhẹ, hương cốm thoảng đưa. Đây là thời điểm dễ gợi trong lòng người bao cảm xúc buồn dịu nhẹ vấn vương...Viết về giây phút giao mùa từ hạ sang thu Hữu Thỉnh đã thể hiện những cảm nhận tinh tế, những sáng tạo độc đáo qua thi phẩm “Sang thu”

- Cách 5: Từ xưa đến nay thể thơ năm chữ được coi là thể thơ đắc địa trong việc thể hiện cảm xúc suy tư chất chứa đan xen chất tự sự. Ta biết đến một “Tĩnh dạ tứ” của Lí Bạch, một “Ông đồ” của Vũ Đình Liên, một “Ánh trăng” của Nguyễn Duy. Trong số những tác phẩm thành công về thể thơ này ta không thể không kể đến bài “Sang thu” của Hữu Thỉnh. Bằng thể thơ năm chữ với những hình ảnh giàu sức biểu cảm Hữu Thỉnh đã cho ra thấy những cảm nhận tinh tế về sự sang thu của đất trời cũng như của con người.

b. Thân bài

Các luận điểm viết đan xen các cách trình bày: diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp để tránh đơn điệu.

c. Kết bài

Cần viết ngắn gọn cô đọng hàm súc.

4. Bước 4: Đọc, kiểm tra, sửa lỗi

- Học sinh sửa lỗi chính tả, lỗi dùng từ, lỗi ngữ pháp.

- Chú ý đến liên kết, mạch lạc giữa các câu trong đoạn văn và các đoạn văn trong văn bản.

III. Một số bài luyện tập nghị luận một tác phẩm thơ, đoạn thơ

Bài tập 1: Sử dụng kĩ năng tìm hiểu đề, hãy phân tích các đề sau đây:

- Đề 1: Nêu cảm nhận của em về bài thơ “Sang thu” của Hữu Thỉnh

- Đề 2: Khi đọc “Sang thu” của Hữu Thỉnh có người cho rằng:

Chỉ 12 câu thơ năm chữ mà anh đã vẽ nên một bức tranh sang thu vừa đúng vừa đẹp, lại có tình, có chiều sâu suy nghĩ.

(Nguyễn Xuân Lạc, báo “Giáo dục & Thời đại”, số 114 ra ngày 22/9/2005)

Dựa vào ý kiến trên, hãy phân tích bài thơ “Sang thư” để làm rõ cảm nhận tinh tế của nhà thơ trong khoảnh khắc giao mùa và những suy nghĩ sâu sắc mà tác giả gửi gắm.

(Đề thi học sinh giỏi cấp thành phố Hà Nội năm học 2005 - 2006)

- Đề 3: Nêu cảm nhận và suy nghĩ của em về khổ cuối bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh

- Đề 4: Hình tượng người lính trong “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của Phạm Tiến Duật.

- Đề 5: Suy nghĩ về vẻ đẹp con người lao động mới trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận.

- Đề 6: Ý nghĩa của hình ảnh trăng qua ba bài thơ “Nguyên tiêu” của Hồ Chí Minh, “Đồng chí” của Chính Hữu và “Ánh trăng” của Nguyễn Duy

(Đề thi học sinh giỏi huyện Từ Liêm TP. Hà Nội - Năm học 2010-2011)

Gợi ý

Học sinh lập bảng Tổng hợp - Phân tích trên cơ sở trả lời các câu hỏi phần lưu ý chung

→ Nhìn vào bảng tổng hợp học sinh dễ dàng nhận ra

Đề Vấn đề nghị luận Cách nêu vấn đề Mệnh lệnh trong đề
1 Giá trị nội dung nghệ thuật của bài “Sang thu” – nghị luận một tác phẩm thơ. Không nêu điểm trong luận đề. Cảm nhận.
2

- Cảm nhận tinh tế của nhà thơ trong khoảnh khắc giao mùa.

- Những suy nghĩ sâu sắc tác giả gửi gắm qua bài thơ.

Đưa ra nhận định có chứa luận điểm. Phân tích.
3 Khổ cuối bài Sang thu - nghị luận một đoạn thơ. Không nêu luận điểm. Cảm nhận và suy nghĩ.
4 Hình tượng người chiến sĩ lái xe. Không nêu luận điểm. Không có mệnh lệnh.
5 Vẻ đẹp của con người lao động mới. Không nêu luận điểm. Suy nghĩ.
6 Ý nghĩa của hình ảnh trăng qua ba bài thơ. Không nêu luận điểm. Không có mệnh lệnh

* Vấn đề nghị luận:

- Toàn bộ tác phẩm – Bài thơ (đề 1, 2).

- Một phần tác phẩm - đoạn thơ (đề 3).

- Một vấn đề xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm (đề 4, 5).

- Tổng hợp một hình ảnh qua các tác phẩm (đề 6).

- Một số kiểu bài thường gặp:

+ Nghị luận về một bài thơ.

+ Nghị luận về một đoạn thơ.

+ Nghị luận về một khía cạnh (nội dung, nghệ thuật) của bài thơ, đoạn thơ.

+ Nghị luận tổng hợp (từ hai đoạn, hai bài thơ trở lên).

Bài tập 2: Cho hai đề bài sau đây

Đề 1:

Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được. Ta sẽ dừng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc, không phải chỉ có tri thức (...). Cho đến một câu thơ kia, người đọc nghe thì thầm mãi trong lòng, mặt không rời trang giấy. (Tiếng nói của văn nghệ, Nguyễn Đình Thi, Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục, năm 2006, trang 15)

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy trình bày cảm nhận của em về cái hay trong bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu. (Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT chuyên môn Ngữ văn - tỉnh Ninh Bình năm học 2009 -2010)

Đề 2:

Một bài thơ hay không bao giờ ta đọc qua một lần mà bỏ xuống được. Ta sẽ dùng tay trên trang giấy đáng lẽ lật đi, và đọc lại bài thơ. Tất cả tâm hồn chúng ta đọc, không phải chỉ có trí thức (...). Cho đến một câu thơ kia, người đọc nghe thì thầm mãi trong lòng, mắt không rời trang giấy. (Tiếng nói của văn nghệ, Nguyễn Đình Thi, Ngữ văn 9, tập 2 trang 15)

Hãy chọn một bài thơ hay trong chương trình Ngữ văn THCS mà em đã học, tập trung phân tích kĩ một vài câu thơ, hoặc một khổ thơ trong bài đã chọn, những câu thơ có thể khiến người đọc người nghe thì thầm mãi trong lòng, mắt không rời trang giấy” (Đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT Chuyên, môn Ngữ văn – TP Hà Nội Năm học 2009-2010)

a. Hãy phân tích và so sánh hai đề bài trên.

b. Lập dàn ý cho hai đề bài.

c. Hãy chọn một ý trong dàn ý đề 1 em vừa lập. Triển khai thành một đoạn văn hoàn chỉnh. Cho biết đoạn văn được trình bày theo cách nào?

Gợi ý

Mục đích của bài tập là rèn cho học sinh kĩ năng phân tích đề, lập ý và dựng đoạn.

Học sinh đọc kĩ đề rồi điền đầy đủ thông tin vào bảng tổng hợp:

Đề Vấn đề nghị luận Cách nêu vấn đề Mệnh lệnh trong đề
1
2

* Lập ý:

Đề 1:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo được ý sau đây:

* Giải thích nhận định:

- Thơ hay là thơ ngay từ lần đọc đầu tiên đã ám ảnh độc giả, nó khiến người đọc phải trăn trở suy tư. Càng đọc càng phát hiện ra nhiều điều mới lạ hấp dẫn về nghệ thuật, về tình đời, tình người... mà thi sĩ kí thác trong đó.

- Khi người đọc đọc thơ bằng tất cả tâm hồn, trí tuệ, bài thơ lóe sáng, làm rung lên những cung bậc tình cảm nào đó trong hồn người đọc.

* Trình bày cảm nhận về cái hay của bài “Đồng chí"

- Giới thiệu về tác giả (chú ý phong cách), hoàn cảnh ra đời của bài thơ

- Nêu bố cục và mạch cảm xúc.

- Lí giải cội nguồn của tình đồng chí thiêng liêng mà gần gũi thân thiết bắt đầu từ chữ đồng.

- Những biểu hiện cụ thể của tình đồng chí.

- Biểu tượng cao đẹp nhất của tình đồng chí đồng đội: Chung chiến hào.

* Đánh giá khái quát.

- Hình ảnh người lính trong thơ Chính Hữu

- Nghệ thuật của bài thơ (là một thành công sớm của thi ca chống Pháp trong việc khai thác chất thơ, vẻ đẹp người lính trong cái bình dị đời thường bằng bút pháp tả thực không cường điệu, không tô vẽ, không nhấn mạnh cái phi thường... thể thơ tự do, ngôn ngữ thơ rất gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày, mang hơi thở và vị mồ hôi mặn chát của những nông dân mặc áo lính thời chống Pháp...)

Đề 2:

Đây là dạng đề mở. Sau khi giải thích nhận định học sinh chọn một khổ thơ bất kì hoặc một vài câu trong bài thơ mà mình thấy hay, yêu thích và cảm nhận sâu sắc để làm rõ ý đó là những câu thơ khiến “Người đọc nghe thì thầm mãi trong lòng, mắt không rời trang giấy"