5. NHỮNG NGÔI SAO XA XÔI (Trích)
5.1. Những điều cần lưu ý về tác giả và tác phẩm
5.1.1. Tác giả
- Lê Minh Khuê, sinh năm 1949, quê Tĩnh Gia - Thanh Hoá.
- Là Thanh niên xung phong trên đường Trường Sơn. Bắt đầu viết văn vào đầu những năm 70 của thế kỉ XX.
- Trước 1975: Viết về cuộc sống, chiến đấu của thanh niên xung phong, bộ đội trên đường Trường Sơn.
- Sau 1975: Viết về những chuyển biến đời sống xã hội và con người trên tinh thần đổi mới.
- Sở trường: Viết truyện ngắn với ngòi bút miêu tả tinh tế, đặc sắc (đặc biệt là nhân vật nữ).
- Tác phẩm chính: Cao điểm mùa hạ (1978); Đoàn kết (1980); Bi kịch nhỏ (1993); Một mình qua đường (tập truyện - 2006).
5.1.2. Tác phẩm
a. Xuất xứ:
Tác phẩm được sáng tác vào năm 1971 khi tác giả đang là phóng viên hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn, được in lần đầu trong "Tác phẩm mới".
b. Đề tài:
Ca ngợi cuộc sống, chiến đấu của thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn.
c. Tìm hiểu ngôn ngữ, giọng điệu, cách viết câu:
- Ngôn ngữ: Trần thuật phù hợp với nhân vật kể.
- Giọng điệu: Tự nhiên, gần với khẩu ngữ thể hiện tính cách trẻ trung, nhí nhảnh.
- Câu văn: Ngắn, nhịp nhanh tạo không khí khẩn trương của chiến trường.
d. Tìm hiểu ngôi kể:
- Truyện kể theo ngôi thứ nhất.
- Tác dụng:
+ Tạo một điểm nhìn phù hợp dễ dàng tái hiện hiện thực khốc liệt của chiến tranh.
+ Khắc họa thế giới tâm hồn, cảm xúc và suy nghĩ của nhân vật một cách chân thực giàu sức thuyết phục.
+ Làm hiện lên vẻ đẹp của con người trong chiến tranh.
e. Nghệ thuật:
- Truyện được kể bằng ngôi thứ nhất, điểm nhìn bên trong nhân vật Phương Định. Điều này làm cho thế giới tâm hồn của nhân vật hiện lên phong phú, đậm nét. Ngôi kể này cũng làm cho câu chuyện chân thực hơn.
- Người kể chuyện là một cô gái trẻ trung, vì thế giọng điệu cũng sôi nổi và đầy nữ tính.
- Lời kể rất linh hoạt. Có khi dùng những câu văn ngắn, câu tỉnh lược, câu đặc biệt tạo nhịp nhàng phù hợp với không khí căng thẳng, khẩn trương nơi chiến trường. Những đoạn hồi tưởng, giọng kể chậm rãi.
- Nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật rất tinh tế, sống động.
f. Tóm tắt đoạn trích:
* Sự việc chính
- Ba cô gái Thanh niên xung phong Định, Nho và tổ trưởng là chị Thao ở một tổ trinh sát phá bom tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn.
- Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do bom địch gây ra, đánh dấu các vị trí những trái bom chưa nổ và phá bom.
- Cuộc sống ở nơi trọng điểm giữa chiến trường dù khắc nghiệt hết sức nguy hiểm nhưng họ vẫn có những niềm vui hồn nhiên, thanh thản mơ mộng của tuổi trẻ.
- Mỗi người một cá tính nhưng họ rất gắn bó yêu thương nhau trong tình đồng đội.
- Trong một lần phá bom, Nho bị thương, Định và Thao lo lắng săn sóc Nho.
* Đoạn văn tóm tắt tham khảo:
Ba nữ thanh niên xung phong: Phương Định, Nho, Thao - tổ trưởng, làm nhiệm vụ trinh sát mặt đường ở một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Nhiệm vụ của họ là quan sát địch ném bom, đo khối lượng đất đá phải san lấp do bom địch gây ra, đánh dấu vị trí các quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc của họ hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, họ phải bình tĩnh đối mặt với thần chết trong mỗi lần phá bom - công việc diễn ra từ ba đến năm lần mỗi ngày. Họ ở trong một cái hang dưới chân cao điểm. Cuộc sống của ba cô gái dù là khắc nghiệt và nguy hiểm nhưng vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản thơ mộng và đặc biệt họ gắn bó, yêu thương nhau trong tình đồng đội dù mỗi người một cá tính. Phương Định là một cô gái giàu cảm xúc, hay mơ mộng, hồn nhiên và luôn nhớ về những kỷ niệm với gia đình và thành phố của mình. Trong một lần phá bom, Nho bị thương, Phường Định và chị Thảo đã hết lòng lo lắng chăm sóc. Một cơn mưa đá bất chợt đến trên điểm cao khiến các cô hết sức vui thích.
5.2. Bài luyện tập
5.2.1.Bài tập 1
Hoàn cảnh sống và chiến đấu của ba nữ Thanh niên xung phong như thế nào?
Gợi ý
- Họ sống trên một điểm cao giữa một vùng trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn, nơi tập trung nhất bom đạn, sự hiểm nguy và ác liệt.
- Công việc đặc biệt nguy hiểm (phải chạy ở trên cao cả ban ngày, phơi mình giữa vùng trọng điểm bắn phá của máy bay địch; sau mỗi trận bom, phải đo khối lượng đất đá, đánh dấu những quả bom chưa nổ, phá bom).
→ Đây là công việc hàng ngày của 3 cô gái – một công việc vô cùng mạo hiểm, luôn căng thẳng thần kinh, đòi hỏi sự dũng cảm, bình tĩnh...
5.2.2. Bài tập 2
Hãy viết một đoạn văn giới thiệu những nét chung của ba cô gái trong đoạn trích “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê.
Gợi ý
Tuy ba cô gái mỗi người một cá tính, hoàn cảnh riêng khác nhau nhưng họ đều có phẩm chất chung của người chiến sĩ xung phong ở chiến trường.
* Phẩm chất:
- Có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ: Ở đây đầy bom Mĩ, cái chết có thể đến bất cứ lúc nào nhưng để mạch giao thông luôn thông suốt nên các cô luôn sẵn sàng cho việc ra trận địa. Có những lúc họ nghĩ đến cái chết khi nguy hiểm kề bên, nhưng điều ấy chỉ thoáng qua rất mờ nhạt nhường chỗ cho ý nghĩ làm thế nào để những quả bom kia phải nổ → Đặt nhiệm vụ lên trên cả tính mạng.
- Dũng cảm, gan dạ: Sẵn sàng nhận việc phá bom mà không cần sự trợ giúp của đơn vị, dám đối mặt với thần chết mà không hề run sợ.
- Họ có tình đồng đội gắn bó, thân thiết, hiểu được tính tình, sở thích của nhau, quan tâm chăm sóc nhau rất chu đáo (khi Nho bị thương, Phương Định và chị Thao đã lo lắng, băng bó chăm sóc Nho cẩn thận với một niềm xót xa như chị em ruột thịt).
* Tâm hồn:
- Ở họ còn có nhiều nét chung của các cô gái trẻ, dễ cảm xúc, hay mơ mộng, dễ vui nhưng cũng dễ trầm tư.
- Họ rất nữ tính, thích làm đẹp dù nơi chiến trường khói lửa (Nho thích thêu thùa. Thao chăm chép bài hát, hay làm dáng. Phương Định thích ngắm mình trong gương, bó gối mơ mộng và thích hát...).
→ Họ là những cô gái sống thật giản dị, hồn nhiên, yêu đời, có tâm hồn trong sáng và là những anh hùng phá bom trên tuyến đường Trường Sơn.
5.2.3. Bài tập 3
Hãy làm rõ những nét riêng của ba nữ Thanh niên xung phong trong đoạn trích “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê.
Gợi ý
- Nho là em út trong tổ trinh sát, tính nết trẻ con, thích ăn kẹo, có dáng người bé nhỏ, nhẹ nhàng, cứ mỗi lần đi trinh sát về lại đi tắm khiến Phương Định luôn liên tưởng đến một que kem mát mẻ. Thế nhưng khi bị thương, Nho lại rất rắn rỏi, bản lĩnh.
- Chị Thao là một người chị cả nhưng chị hay làm dáng nhất: lông mày tỉa nhỏ như cái tăm, áo lót cái nào cũng thêu chỉ màu. Ở nhân vật này có những nét tính cách tưởng như mâu thuẫn nhau (Rất thích chép bài hát thậm chí chép cả những lời Phương Định bịa ra nhưng lại chẳng bao giờ hát đúng nhạc bài hát và không thuộc trôi chảy bài nào; trong công việc rất dũng cảm táo bạo quyết đoán nhưng lại sợ máu, sợ vắt → Trong cô có sự kết hợp giữa cái nhút nhát, mềm yếu của một cô gái và cái bản lĩnh quyết đoán của một người chiến sỹ nơi lửa đạn).
- Phương Định là một người hồn nhiên, hay mơ mộng, hay sống với những kỷ niệm tuổi thiếu nữ hồi ở thành phố.
→ Cả ba cô gái đều có những nét tính cách đẹp đẽ, đáng yêu. Họ là những con người sinh động từ cuộc sống thực bước vào tác phẩm một cách tự nhiên. Ở họ có sự kết hợp hài hoà giữa cái chung và cái riêng. Lê Minh Khuê miêu tả những nữ anh hùng phá bom nhưng họ không mang cái vẻ gân guốc, cứng nhắc giả tạo, ngược lại, họ là những cô gái bình dị, có cá tính và vô cùng đáng yêu. Tổ quốc cần, họ sẵn sàng đón nhận những nguy hiểm. Và cuộc sống ác liệt nơi chiến trường đã biến họ thành những anh hùng.
5.2.4. Bài tập 4
Hãy viết một đoạn văn để phân tích những nét tính cách nổi bật của nhân vật Phương Định trong truyện ngắn “Những ngôi sao xa xôi” của nhà văn Lê Minh Khuê.
Gợi ý
a. Phương Định là cô gái có tâm hồn trong sáng:
* Nhạy cảm, mơ mộng:
- Là cô gái trẻ người Hà Nội, từng có một thời học sinh hồn nhiên vô tư.
- Hay nhớ về kỷ niệm (kỷ niệm luôn sống lại trong cô ngay giữa chiến trường ác liệt; chỉ một cơn mưa đá vụt qua là kỷ niệm lại thức dậy trong cô...) → Nó vừa là khao khát, vừa là liều thuốc tinh thần động viên cô nơi tuyến lửa.
- Nhạy cảm, thường quan tâm đến hình thức (tự đánh giá mình là một cô gái khá...); biết mình được nhiều người để ý, thấy tự hào nhưng không vồn vã mà tỏ ra kín đáo, tưởng như kiêu kì.
- Hay mơ mộng, tìm thấy sự thú vị trong cuộc sống, trong cả công việc đầy nguy hiểm “Việc nào cũng có cái thú vị của nó. Có ở đâu như thế này hay không...” → Nó như thách thức thần kinh con người để rồi lúc vượt qua nó, chiến thắng nó, cô cảm thấy thú vị.
* Hồn nhiên, yêu đời:
- Thích hát, thuộc rất nhiều bài hát (từ bài hành khúc bộ đội đến...), thậm chí bịa ra lời mà hát.
- Dưới cơn mưa đá, cô “vui thích cuống cuồng”, say sưa tận hưởng cơn mưa hồn nhiên như chưa hề nghe thấy tiếng bom rơi đạn nổ.
b. Phương Định là người có phẩm chất anh hùng:
- Có tinh thần trách nhiệm với công việc.
- Dũng cảm, gan dạ.
- Bình tĩnh, tự tin và rất tự trọng.
- Khi thực hiện nhiệm vụ phá bom, ban đầu cô cũng thấy căng thẳng, hồi hộp, nhưng cảm thấy có ánh mắt của các chiến sĩ đang dõi theo động viên, khích lệ, lòng tự trọng trong cô đã thắng cả bom đạn → Cô không đi khom mà đàng hoàng bước tới; bình tĩnh, tự tin thực hiện từng thao tác phá bom, chạy đua với thời gian để vượt qua cái chết.
- Thương yêu những người đồng đội của mình:
+ Chăm sóc Nho chu đáo.
+ Hiểu rõ tâm trạng lo lắng của Thao khi Nho bị thương, mặc dù Thao đã cố che dấu bằng việc bảo cô hát.
+ Với đại đội trưởng, chỉ tiếp xúc qua điện thoại nhưng biết rõ từ cách ăn nói đến đặc điểm riêng.
+ Quý trọng và cảm phục tất cả những chiến sĩ mà cô đã gặp trên tuyến đường Trường Sơn.
- Qua dòng suy tư của Phương Định, người đọc không chỉ thấy sự toả sáng của phẩm chất anh hùng mà còn hình dung được thế giới nội tâm phong phú ở cô
- Sự khốc liệt của chiến tranh đã tôi luyện tâm hồn vốn nhạy cảm vếu đuối thành bản lĩnh kiên cường của người anh hùng cách mạng.
- Nét điệu đà, hồn nhiên, duyên dáng của một cô gái càng tôn thêm vẻ đáng yêu của cô Thanh niên xung phong gan dạ, dũng cảm.
- Phương Định (cũng như Nho và Thao) là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam thời chống Mỹ cứu nước.
5.2.5. Bài tập 5
Qua ba nhân vật trong truyện, em cảm nhận như thế nào về tuổi trẻ Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ?
Gợi ý
- Cảm phục trước lòng yêu nước, sự gan dạ, dũng cảm, dám đối mặt với khó khăn của họ.
- Yêu mến bởi họ lạc quan, yêu đời ngay trong hoàn cảnh khói lửa đạn bom.
- Tự hào về tuổi trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Biết ơn những con người đã đem cả tuổi thanh xuân và tính mạng của mình để đổi lấy độc lập tự do cho Tổ quốc. Sự hy sinh của họ đã góp một phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
- Liên hệ với bản thân: Bộc lộ ý thức kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của thế hệ đi trước.
5.2.6. Bài tập 6
Để nêu suy nghĩ của mình về ba cô gái Thanh niên xung phong trong truyện, một bạn học sinh viết: “Truyện đâu chỉ ca ngợi tinh thần dũng cảm của ba cô gái thanh niên sung phong trên tuyến đường Trường Sơn quyết liệt mà truyện còn làm nổi bật tâm hồn trong sáng, thơ mộng, hồn nhiên, lạc quan của họ”.
a. Chép lại câu văn trên sau khi đã sửa hết các lỗi về chính tả và cách dùng từ.
b. Nếu coi đây là câu mở đầu cho một đoạn văn kiểu Tổng hợp - Phân tích - Tổng hợp, thì theo em đề tài của đoạn văn ấy là gì? Đề tài của đoạn văn trước đó là gì?
c. Hãy viết tiếp sau câu mở đoạn trên khoảng 10 - 12 câu văn để hoàn chỉnh đoạn văn với đề tài mà em vừa xác định. (Trong đó có ít nhất một lời dẫn trực tiếp và câu kết đoạn là một câu cảm thán).
Gợi ý
- Câu văn đã được sửa lỗi và chép lại: “Truyện đâu chỉ ca ngợi tinh thần dũng cảm của ba cô gái Thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt mà còn làm nổi bật tâm hồn trong sáng, thơ mộng, hồn nhiên, lạc quan của họ”.
- Nếu coi đây là câu mở đầu cho một đoạn văn kiểu Tổng hợp - Phân tích - Tổng hợp thì:
+ Đề tài của đoạn văn đó là: Tâm hồn trong sáng, thơ mộng, hồn nhiên, lạc quan của ba cô gái Thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn.
+ Đề tài của đoạn văn trước đó là: Tinh thần dũng cảm của ba cô gái Thanh niên xung phong.
- Hoàn chỉnh đoạn văn bằng cách viết nối tiếp sau câu mở đoạn đã được sửa lỗi, đảm bảo được những yêu cầu cơ bản sau về mặt nội dung:
+ Họ đều là những cô gái trẻ, dễ cảm xúc, hay mơ mộng, dễ vui nhưng cũng dễ trầm tư.
+ Dù nơi chiến trường khói lửa, họ vẫn luôn yêu đời: thích làm đẹp cho cuộc sống của mình (Nho thích thêu thùa, thích nhai kẹo. Thao hay làm dáng. Phương Định thích ngắm mình trong gương, bó gối thơ mộng...); rất thích hát...
+ Dưới cơn mưa đá, cả ba đều vui thích, hồn nhiên như con trẻ.
+ Bom đạn của kẻ thù, sự hi sinh gian khổ đã không thể làm cho tâm hồn các cô chai cứng, khô cằn mà ngược lại trái tim họ, tâm hồn họ vẫn luôn toả sáng, lung linh như những ngôi sao trên bầu trời. Họ thật đáng yêu và đáng trân trọng !
5.2.7. Bài tập 1
Chép lại câu viết dưới đây, sau khi đã sửa hết các lỗi chính tả, ngữ pháp:
"Trong truyện "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê bằng những nét đặc sắc trong cách miêu tả nhân vật và cách kể truyện đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, dũng cảm vượt khó khăn gian khổ, hi sinh lạc quan trong cuộc sống chiến đấu của những cô gái thanh niên sung phong trên tuyến đường Trường Sơn".
a. Hãy nhận xét về ngôi kể trong truyện trên.
b. Dùng câu văn đã sửa trên làm phần mở đoạn viết tiếp 8 - 10 câu, phần kết đoạn là một câu cảm.
Gợi ý
Sửa lỗi chính tả và lỗi ngữ pháp:
→ Trong truyện "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê, bằng những nét đặc sắc trong cách miêu tả nhân vật và cách kể chuyện, tác giả đã làm nổi bật tâm hồn trong sáng, dũng cảm vượt khó khăn gian khổ, hi sinh lạc quan trong cuộc sống, chiến đấu của những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn.
a. Nhận xét về người kể trong truyện:
- Truyện được kể bằng ngôi thứ nhất, điểm nhìn bên trong từ nhân vật Phương Định → điều này làm cho thế giới tâm hồn của nhân vật hiện lên phong phú, đậm nét. Ngôi kể này làm cho câu chuyện chân thực hơn: hiện thực cuộc chiến đấu ở một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn.
- Người kể chuyện là một cô gái trẻ trung, vì thế giọng điệu cũng sôi nổi và đầy nữ tính.
b. Viết đoạn: Cần đảm bảo các yêu cầu sau:
- Tâm hồn trong sáng của những cô gái thanh niên xung phong: hay mơ mộng dễ vui nhưng cũng dễ trầm tư, họ rất nữ tính, thích làm đẹp ngay nơi chiến trường khói lửa.
Dẫn chứng: Nho thích thêu thùa. Thao chăm chép bài hát, hay làm dáng. Phương Định thích ngắm mình trong gương, bó gối mơ mộng và thích hát.
- Dũng cảm vượt khó khăn, gian khổ, hi sinh lạc quan trong cuộc sống, chiến đấu.
+ Sẵn sàng nhận việc phá bom mà không cần sự trợ giúp của đơn vị, dám đối mặt với thần chết mà không hề run sợ.
+ Có tinh thần trách nhiệm cao với nhiệm vụ: Có những lúc họ nghĩ đến cái chết khi nguy hiểm kề bên nhưng điều ấy chỉ thoáng qua rất mờ nhạt nhường chỗ cho ý nghĩ làm thế nào để những quả bom kia phải nổ → luôn đặt nhiệm vụ lên trên cả tính mạng.