C. NGHỊ LUẬN VỀ MỘT VẤN ĐỀ TƯ TƯỞNG ĐẠO LÝ

I. Những lưu ý chung

1. Khái niệm

Nghị luận về một vấn đề tư tưởng, đạo lý là bàn về một vấn đề thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống của con người

2. Yêu cầu

2.1. Nội dung

Phải làm sáng tỏ các vấn đề tư tưởng đạo lý bằng cách giải thích, chứng minh, so sánh, đối chiếu, phân tích... để chỉ ra chỗ đúng (hay chỗ sai) của một tư tưởng nào đó, nhằm khẳng định tư tưởng của người viết.

2.2. Hình thức

- Bố cục ba phần

- Luận điểm đúng đắn sáng tỏ

- Lời văn chính xác, sinh động thuyết phục

2.3. Một số chủ đề nghị luận về tư tưởng đạo lý thường gặp trong các kỳ thi

- Lòng biết ơn.

- Lòng nhân ái.

- Đoàn kết.

- Học hỏi.

- Giá trị của thời gian.

- Kiên định ý chí.

- Lòng trung thực.

- Lý tưởng sống cao đẹp.

- Mối quan hệ giữa đức - tài.

- Lời ăn tiếng nói.

...

II. Các bước làm bài

1. Bước 1: Tìm hiểu đề - Tìm ý

1.1. Tìm hiểu đề

Đề 1: Suy nghĩ từ truyện ngụ ngôn Đẽo cày giữa đường.

Đề 2: Bàn về tranh giành và nhường nhịn.

Đề 3: Suy nghĩ về đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Đề 4: Có chí thì nên.

Đề 5: Đức tính trung thực.

Đề 6: Tinh thần tự học.

Đề 7: Hút thuốc lá có hại.

Đề 8: Suy nghĩ từ câu ca dao:

“Ngày nào em bé cỏn con

Bây giờ em đã lớn khôn thế này

Cơm cha áo mẹ chữ thầy

Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”

Đề 9: Tình bạn thời @

Lập bảng Tổng hợp - Phân tích

Đề

Nội dung nghị luận

Cách nêu vấn đề nghị luận Mệnh lệnh trong đề
1 Trong cuộc sống phải có chính kiến. Gián tiếp - qua truyện Suy nghĩ
2 Tranh giành và nhường nhịn. Trực tiếp Bàn
3 Lòng biết ơn. Gián tiếp - qua một câu tục ngữ Suy nghĩ
4 Muốn thành công phải có ý chí. Trực tiếp Không hiện diện
5 Đức tính trung thực. Trực tiếp Không hiện diện
6 Tinh thần tự học. Trực tiếp Không hiện diện
7 Hút thuốc lá có hại. Trực tiếp Không hiện diện
8

- Công lao to lớn của cha mẹ và thầy cô.

- Bổn phận làm con, làm trò.

Gián tiếp - qua câu ca dao Suy nghĩ
9 Tình bạn thời @ Trực tiếp Không hiện diện

Từ những thông tin trong bảng học sinh dễ dàng nhận thấy:

Đề nghị luận về một tư tưởng đạo lý có nhiều dạng:

- Về nội dung nghị luận:

* Nêu trực tiếp (đề 2, 4, 5, 6, 7)

* Nêu gián tiếp:

+ Thông qua một câu tục ngữ ca dao (đề 3, 8).

+ Thông qua một câu chuyện (đề 1).

+ Thông qua một tình huống

+ Thông qua một nhận định.

+...

Chú ý: Nếu nội dung nghị luận nêu gián tiếp học sinh phải sử dụng lập luận giải thích để rút ra chính xác vấn đề nghị luận.

- Về yêu cầu nghị luận: Mệnh lệnh yêu cầu nghị luận có thể : Xuất hiện trực tiếp, không xuất hiện.

* Ghi nhớ thao tác phân tích đề:

- Xác định nội dung nghị luận

?1 Đề yêu cầu nghị luận vấn đề gì?

?2 Vấn đề nghị luận được nêu trực tiếp hay gián tiếp?

?3 Nếu gián tiếp thì vấn đề cần nghị luận ở đây là gì?

- Xác định yêu cầu nghị luận

?4 Mệnh lệnh trong đề là gì?

?5 Không có mệnh lệnh thì sử dụng thao tác lập luận nào?

1.2. Tìm ý

Tùy từng đề nghị luận về một tư tưởng đạo lý cụ thể học sinh đặt câu hỏi sát hợp với vấn đề nghị luận. Tuy nhiên học sinh vẫn có thể vận dụng hệ thống câu hỏi khái quát sau:

?1 Vấn đề nghị luận là gì? (Quy ước Vấn đề nghị luận là Z)

?2 Thế nào là Z hoặc Z là gì?

?3 Biểu hiện của Z (Có thể tìm theo trục thời gian: xưa - nay, hoặc không gian, vùng miền...)?

?4 Tại sao? Vì sao lại có Z?

?5 Làm thế nào để rèn luyện Z?

?6 Z có ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng như thế nào trong cuộc sống, đối với mỗi người

2. Bước 2: Lập dàn bài

Dàn ý chung

* Mở bài:

- Dẫn dắt

- Giới thiệu vấn đề tư tưởng đạo lý cần bàn luận

* Thân bài: Lần lượt trình bày các luận điểm

- Luận điểm 1: Giải thích vấn đề nghị luận (trả lời cho câu hỏi thế nào là Z hoặc Z là gì)

- Luận điểm 2: Nêu biểu hiện của vấn đề nghị luận (trả lời cho câu hỏi Biểu hiện của Z?)

- Luận điểm 3: Giải thích, chứng minh, phân tích... nguyên nhân một vấn đề (trả lời cho câu hỏi Tại sao? Vì sao lại có Z)

- Luận điểm 4: Phương hướng vận dụng vấn đề (trả lời cho câu hỏi làm gì, làm như thế nào để có Z?)

- Luận điểm 5: Nhận định, đánh giá (trả lời cho câu hỏi Z có ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng như thế nào trong cuộc sống, đối với mỗi người?)

* Kết bài:

Kết luận, tổng kết, nêu nhận thức mới, tỏ ý khuyên bảo hoặc tỏ ý hành động.

3. Bước 3: Viết bài

3.1. Yêu cầu chung

Về hình thức, bài viết phải có bố cục mạch lạc, có luận điểm rõ ràng, luận cứ xác thực, phép lập luận phù hợp, lời văn chính xác, sống động.

3.2. Gợi ý dựng đoạn:

* Mở bài:

- Trực tiếp (Không dẫn dắt).

- Gián tiếp (có dẫn dắt)

- Có nhiều cách dẫn dắt khác nhau:

* Cách 1: Đi từ chung đến riêng

Ví dụ minh họa: Giới thiệu hiểu biết về tục ngữ → đến vấn đề nghị luận

Tục ngữ được coi là túi khôn nhân loại bởi tục ngữ chứa đựng kinh nghiệm quý báu của cha ông. Từ những trải nghiệm thấm thía từ đời này sang đời khác cha ông ta đã đúc kết những bài học về lao động sản xuất, lối sống ứng xử...đặc biệt là bài học đạo đức về lòng biết ơn. Là người Việt Nam không ai là người không biết đến câu tục ngữ “uống nước nhớ nguồn”

Ví dụ minh họa: Giới thiệu về đề tài → vấn đề nghị luận

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây là một truyền thống đạo lý quý báu của người Việt Nam. Truyền thống ấy được cha ông ta đúc kết và gửi gắm trong những câu ca dao, tục ngữ. Một trong những câu tục ngữ đó là “uống nước nhớ nguồn”.

* Cách 2: Đi từ thực tế → đạo lý

Tháng giêng là tháng ăn chơi

Tháng hai đình đám, tháng ba hội hè.

Câu ca dao gợi lên một tập tục của cha ông đó là những lễ hội truyền thống được tổ chức để tưởng nhớ các vị anh hùng dân tộc, những người có công với làng, với nước. Những lễ hội ấy đã phản ánh được nét đẹp trong đời sống tinh thần của người dân: Lòng biết ơn

4. Bước 4: Đọc, kiểm tra, sửa lỗi

- Học sinh sửa lỗi chính tả, lỗi dùng từ, lỗi ngữ pháp

- Chú ý đến liên kết, mạch lạc giữa các câu trong đoạn văn và các đoạn văn trong văn bản

III. Một số đề minh họa

Đề 1.

Arnold Schwarzenegger, từ một chàng trai người Áo 21 tuổi bỡ ngỡ bước chân đến Mĩ để đi tìm thành công cho bản thân đến hiện tại đang đương nhiệm chức vụ Thống đốc bang California ở Hoa Kì, có nói một câu nổi tiếng:

“Thành công chỉ đến khi bạn làm việc tận tâm và luôn nghĩ đến những điều tốt đẹp”

Hãy ghi lại những suy nghĩ của em về câu nói trên trong khoảng 2 trang giấy thi.

(Đề thi học sinh giỏi huyện Từ Liêm năm học 2010 - 2011)

Gợi ý

* Về phương pháp:

- Vận dụng kiểu bài nghị luận xã hội, kết hợp các thao tác lập luận, phân tích, so sánh, giải thích, chứng minh...

- Bài viết có bố cục hợp lí, chặt chẽ, văn phong phù hợp, diễn đạt trôi chảy, bài sạch chữ rõ, khuyến khích những bài viết sáng tạo và độc đáo trong cảm nhận.

* Về nội dung:

HS cần giải thích câu nói để hiểu: thành công chỉ đến khi chúng ta luôn cố gắng hết sức và lạc quan. Trong quá trình viết bài, HS phải lấy được dẫn chứng để làm sáng tỏ ý kiến của mình (đồng ý với câu nói hay có quan điểm khác...). Cuộc đời tác giả câu nói cũng là một dẫn chứng điển hình.

Bài viết xoay quanh 3 ý lớn sau:

1. Thành công là gì?

- Thành công có nghĩa là sự hoàn thành thỏa đáng một dự liệu, là sự đạt được mục đích mà mình mong muốn, dẫu đó là mục đích gì. Là đạt được kết quả, mục đích như dự định... hay là vươn tới được ước mơ, hoài bão...? Là trái với “thất bại"

- Vậy, làm thế nào để có được thành công? Phải làm việc tận tâm, phải nghĩ đến điều tốt đẹp.

2. Thế nào là làm việc tận tâm?

- Con đường đi tới thành công chắc chắn có nhiều chông gai thử thách, đòi hỏi người làm việc phải tận tâm.

- “Tận tâm” là làm việc chăm chỉ, cố gắng hết sức để đi tới cuối con đường dẫn đến thành công, là thái độ làm việc tích cực, hết mình, hăng say và nhiệt huyết.

3. Lạc quan và nghĩ đến những điều tốt đẹp để làm động lực tinh thần tiếp tục vươn tới những ước mơ, đi đến thành công.

- Đôi khi, cố gắng hết sức, nỗ lực hết mình nhưng kết quả không khả quan như chúng ta mong muốn, thậm chí là “thất bại”. Âu lo, buồn phiền xuất hiện - một cảm xúc của con người, nhưng nó lại có sức ảnh hưởng lớn tới sức làm việc, sáng tạo và khả năng thành công...

- Điều cần thiết là quẳng gánh lo ấy đi để vui sống, để lạc quan. Hãy nghĩ tới những điều tốt đẹp ở phía trước.