B. MỘT SỐ VẤN ĐỀ THAM KHẢO:

Vấn đề 1: Đạo hiếu

Gợi ý:

Mở đoạn (Nêu luận điểm): Lòng hiếu thảo là một trong những phẩm chất, đạo lí tốt đẹp của con người.

Phát triển đoạn (giải thích): Lòng hiếu thảo có nghĩa là lòng kính yêu cha mẹ, người đã có công sinh thành, dưỡng dục chúng ta. Mẹ chín tháng mười ngày mang nặng đẻ đau, cha nặng vai gánh vác nuôi nấng ta nên người. Suốt cuộc đời mẹ cha tận tụy hi sinh không hề tính tháng tính ngày... Vậy đạo làm con phải giữ gìn chữ hiếu. Thờ mẹ, kính cha không phải chỉ là lời nói suông mà cần được thể hiện bằng thái độ và hành động cụ thể...

Kết đoạn (chốt ý, liên hệ): Hãy giữ gìn và bồi đắp phẩm chất này bằng sự tự giác trong suy nghĩ và hành động cụ thể.

Bài tham khảo:

(1) Dân tộc Việt Nam vốn coi trọng đạo lí làm người, nhất là chữ hiếu. (2) Chữ hiếu mà ta đề cập đến chính là lòng kính yêu của con cái đối với cha mẹ. (3) Phận là con ta phải có bổn phận hiếu kính đối với cha mẹ vì công cha, nghĩa mẹ vô cùng to lớn. (4) Sự to lớn ấy thể hiện trước tiên ở công sinh thành: cha mẹ là người sinh ra ta, không có cha mẹ thì không có ta. (5) Không chỉ sinh chúng ta ra, cha mẹ còn nuôi dưỡng ta khôn lớn nên người với bao lo toan vất vả: cơm ăn áo mặc hằng ngày, thuốc thang khi ta đau ốm, các vật dụng ta dùng đều do công lao động vất vả và tấm lòng lo toan, yêu thương bao la của cha mẹ. (6) Ta hiểu điều hay lẽ phải, biết cách cư xử trong gia đình, ngoài xã hội đều do công lao dạy bảo, giáo dục của cha mẹ. (7) Ta được đi học để mở mang kiến thức trở thành người có văn hóa cũng là nhờ công sức và tình thương của cha mẹ. (8) Vậy ta phải làm thế nào để tỏ lòng hiếu thảo của mình đối với cha mẹ? (9) Khi còn nhỏ, ta biết vâng lời cha mẹ, giúp đỡ cha mẹ những công việc nhà, cố gắng học để làm rạng danh, là niềm tự hào của cha mẹ. (10) Khi ta trưởng thành thì cha mẹ đã già yếu, ta phải chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ với tấm lòng quý trọng của mình. (11) Nhìn vào dân gian từ xưa đến nay có biết bao tấm lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ làm ta cảm phục: Mục Kiều Liên, Thúy Kiều,...(12) Phát huy truyền thống tốt đẹp đó, nhiều địa phương trong cả nước, hằng năm đều tổ chức ngày hội vinh danh “Những người con hiếu thảo”; tổ chức trọng thể lễ Vu lan báo hiếu cha mẹ. (13) Tuy nhiên bên cạnh những người con hiếu thảo ta vẫn thấy đây đó những đứa con bất hiếu, đối xử tệ bạc với cha mẹ, đó là những hành vi xấu mà chúng ta cần lên án vì nó là biểu hiện của sự suy đồi đạo đức xã hội. (14).Tóm lại, công ơn cha me là vô cùng to lớn và vĩ đại, phận làm con chúng ta phải biết giữ tròn chữ hiếu. (15) Riêng em, em sẽ cố gắng học tập chăm chỉ, vâng lời để cha mẹ vui lòng.

Vấn đề 2: Lòng nhân ái

(1) Từ xưa đến nay, lòng nhân ái là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, nó thể hiện tình yêu thương giữa con người với con người trong xã hội. (2) Người Việt Nam luôn tự hào là “Con rồng cháu Tiên” cùng sinh ra trong một bọc trứng, cùng chung một giống nòi. (3) Bởi vậy, từ ngàn xưa, cha ông ta đã cất lên những tiếng hát đầy yêu thương: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương - Người trong một nước thì thương nhau cùng”. (4) Biểu hiện của lòng nhân ái đôi khi rất đơn giản. (5) Kính trọng ông bà, cha mẹ, yêu thương, giúp đỡ anh chị em,... là thể hiện tình thương yêu đối với những người ruột thịt. (6) Quan tâm, chia sẽ, giúp đỡ bạn bè, đồng nghiệp cũng là yêu thương. (7) Xót xa cho những đứa trẻ mồ côi, những người nghèo khổ hay đôi khi chỉ là cầm tay dìu một bà lão qua đường cũng là thể hiện lòng nhân ái đối với đồng loại. (8) Mở rộng ra, chúng ta có thể yêu thương loài vật, nâng niu từng ngọn cây, cành lá... (9) Lòng nhân ái rất cần thiết trong cuộc sống. (10) Hãy tưởng tượng thử xem nếu thế giới này không có tình yêu thương, sẽ như thế nào nếu trái tim chúng ta đều khép kín và băng giá? (11) Tất cả sẽ sẽ lạnh lẽo biết bao, tất cả sẽ bị bao trùm bởi đám mây u ám và cuộc sống sẽ vô cùng tẻ nhạt, vô vị. (12) Và mỗi con người sẽ biến thành một ốc đảo đơn độc trong thế giới rộng lớn này. (13) Hãy mở rộng hồn mình, hãy sưởi ấm trái tim của nhau bằng hơi ấm của tình thương, hãy chia sẻ với mọi người những gì bạn có! (14) Giúp đỡ những người còn khó khăn đang ở ngay cạnh bạn; góp một phần nhỏ để giúp đỡ những người đồng bào ruột thịt đang bị thiên tai hoành hành,... (15) Làm được như vậy là bạn đang nối kết những sợi dây vô hình kéo con người xích lại gần nhau hơn và tiếp nối truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc.

Vấn đề 3: Sống có trách nhiệm

Xã hội văn minh đòi hỏi con người sống phải có trách nhiệm với cộng đồng (1). Vậy thế nào là người sống có trách nhiệm (2)? Sống có trách nhiệm là tuân thủ những qui định của tập thể, của xã hội mà mình đang sống; là làm tròn bổn phận và nghĩa vụ của mình với tập thể, với xã hội ấy(3).Trong gia đình, ông bà, cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy con cháu (4). Con cháu có trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ lúc tuổi già (5). Mỗi thành viên trong gia đình đều phải có trách nhiệm quan tâm, lo lắng, bảo vệ, chăm sóc nhau (6). Ở ngoài xã hội, mỗi công dân phải có trách nhiệm tuân thủ những qui định của pháp luật, của đạo lí trong lối sống và hành vi của mình, đặt lợi ích của tập thể, của cộng đồng, của quốc gia lên hàng đầu (7). Người sống có trách nhiệm sẽ có kế hoạch làm việc cụ thể, làm việc nghiêm túc vì thấy rằng thành quả của công việc không chỉ vì lợi ích của bản thân mà còn là đóng góp của họ cho xã hội (8). Chính vì lẽ đó mà người sống có trách nhiệm sẽ làm việc hiệu quả hơn, sống nghiêm túc và tử tế hơn (9). Như vậy, sống có trách nhiệm sẽ giúp con người ta sống đẹp hơn, xã hội văn minh, tốt đẹp, phồn vinh hơn (10). Để rèn luyện tinh thần trách nhiệm, ngay từ bé, bản thân mỗi chúng ta hãy có trách nhiệm với bản thân trong việc học tập như hoàn thành bài tập thầy cô đã giao, rèn luyện, bảo vệ bản thân; có trách nhiệm với gia đình như phụ giúp bố mẹ việc nhà; trách nhiệm với nhà trường và xã hội như tuân thủ các qui định của các đơn vị tập thể này (11). Tuy nhiên, xã hội vẫn còn tồn tại những kẻ sống vô trách nhiệm(12). Những kẻ này thường làm trái pháp luật, đi ngược lại với lợi ích của cộng đồng và xã hội (13). Chúng là những con sâu làm rầu nồi canh (14). Hãy triệt để bài trừ thói vô trách nhiệm để xã hội trong sạch, phát triển và tốt đẹp hơn (15).

Vấn đề 4: Sống đẹp

Trong cuộc sống, có những người chỉ biết sống cho riêng mình, đó là lối sống nhỏ nhen, ích kỉ (1). Muốn xã hội tốt đẹp hơn thì con người phải biết sống cao đẹp (2). Lẽ sống cao đẹp ở đây là sống có mục đích, có ước mơ, lí tưởng, sống vì cộng đồng, sống để cống hiến cho xã hội, cho đất nước (3). Sống đẹp là sống có ý chí cầu tiến, biết đứng dậy bằng chính đôi chân của mình khi bị vấp ngã, biết bền lòng và dũng cảm vượt qua những thử thách, khó khăn để vươn lên, chắp cánh cho ước mơ của mình được bay cao, bay xa (4). Chúng ta cần phải sống đẹp vì đó là mục đích tốt đẹp mà mỗi con người cần hướng tới. Là lí do mà mỗi con người cần mong muốn đạt được (5). Người có lí tưởng sống cao đẹp là người luôn suy nghĩ và hành động để hoàn thiện mình hơn, giúp ích cho gia đình, xã hội và đất nước (6). Trong lịch sử của dân tộc có biết bao tấm gương về sống đẹp: xưa có Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,...; nay có anh Kim Đồng, chị Võ Thị Sáu, anh Lê Văn Tám,... và cao cả hơn là Bác Hồ kính yêu (7). Họ là người sống hết mình vì dân tộc, đã hiến dâng trọn vẹn cả cuộc đời cho dân tộc, cho Tổ quốc (7). Họ xứng đáng là tấm gương sáng về lí tưởng sống đẹp cho chúng ta noi theo(8). Bên cạnh đó cũng không hiếm những người có lối sống tiêu cực, đi ngược với luân lí và đạo đức(8). Đó là những tên bán nước, buôn người, những người đầu độc chính dân tộc mình bằng thuốc phiện, rượu cồn(9). Đó là những tấm gương xấu đáng bị bài trừ (10). Vậy chúng ta làm gì để trở thành người có lí tưởng sống đẹp (11)? Trước hết, ta cần phải xác định lí tưởng sống đúng đắn, có những hoài bão lớn ích nước lợi nhà ra sao (12). Tiếp theo cần phải lên kế hoạch học tập, rèn luyện kĩ năng, sức khỏe nhằm thực hiện mục đích đó (13). Và điều quan trọng là chúng ta phải cụ thể hóa những kế hoạch ấy bằng những hành động cụ thể (14). Hãy sống và cống hiến hết mình như ngày hôm nay là ngày cuối cùng ta được sống, không sống hoài, sống phí dù chỉ một ngày (15).

Vấn đề 5: Lòng yêu nước theo quan niệm của em?

Lòng yêu nước là một phẩm chất quý giá của người Việt Nam ta từ ngàn xưa. Có thể có nhiều cách hiểu về lòng yêu nước, và khái niệm này ở từng thời kỳ đã có những thay đổi, nhưng tựu trung lại yêu nước chính là cống hiến những giá trị tốt đẹp nhất cho dân tộc cho tổ quốc. Bằng trái tim chúng ta dành tình cảm chân thành nhất cho dân tộc mình yêu thương đùm bọc chở che... chúng ta cũng dành tình yêu cho mỗi tấc đất trên dải đất hình cong chữ S, cho vùng trời vùng biển thân yêu. Ta thủy chung với tình yêu này và coi nó như là một lẽ sống của cuộc đời.

Bằng suy nghĩ và hành động, ta luôn tin vào dân tộc với sức mạnh ngàn xưa và hôm nay. Chúng ta có hành động với mục tiêu bảo vệ và xây dựng tổ quốc đúng với luật pháp Việt Nam và quốc tế. Chúng ta tránh lòng yêu nước mù quáng, cả tin không phân định rạch ròi để sa vào cạm bẫy của kẻ thù lợi dụng. Những sự kiện gần đây về các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào lãnh hải nước ta, đã xuất hiện sự mù quáng đó của một bộ phận người lao động. Đó là các sự kiện lợi dụng biểu tình đập phá các công xưởng nhà máy, hôi của... tại Bình Dương và Thanh Hoá. Hiện tượng này làm cho tình hình thêm rối ren và làm mất đi hình ảnh đẹp về người Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế. Cũng rất cần tỉnh táo để tránh sa vào cạm bẫy của bọn phản động chống lại chính quyền, chia rẽ nội bộ để làm giảm sức mạnh dân tộc. Hãy bày tỏ và hành động vì lòng yêu nước theo đúng cách đó là khẩu hiệu của thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng, đó là yêu nước nhưng tuân thủ pháp luật, yêu nước phải góp phần làm cho đất nước mạnh giàu. Yêu nước có nhiều cung bậc, nhiều mức độ. Hãy tùy thuộc vào khả năng của mình để cống hiến. Khi nói đến yêu nước đừng vội nghĩ đến những điều gì lớn lao to tát mà cần phải thể hiện tình yêu đó ngay trong từng lời nói việc làm và suy nghĩ nhỏ nhất của mình sao cho có lợi cho gia đình, quê hương. Yêu nước không phải là hô khẩu hiệu suông mà hãy thể hiện lòng yêu nước từ công việc hằng ngày mà chúng ta đang làm. Với tuổi trẻ học đường chính là rèn luyện tu dưỡng thật tốt để xứng đáng là thế hệ con người Việt nam mới có đủ năng lực hội nhập quốc tế xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Chúng ta hãy kiên trinh với lòng yêu nước của mình được đúc kết trong dòng máu dân tộc từ ngàn năm xưa. Chúng ta luôn tin tưởng vào sức mạnh của dân tộc như Bác Hồ đã nói: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Tuổi trẻ Việt Nam hãy đoàn kết và đồng hành cùng dân tộc

Vấn đề 6: Vấn nạn an toàn giao thông

I. Mở đoạn:

- Đặt vấn đề: trong nhiều năm trở lại đây, vấn đề tai nạn giao thông đang là điểm nóng thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận bởi mức độ thiệt hại mà vấn đề này gây ra.

- Nhận thức: tuổi trẻ học đường - những công dân tương lai của đất nước - cũng phải có những suy nghĩ và hành động để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

II. Thân đoạn:

1. Thực trạng tai nạn giao thông ở Việt nam hiện nay:

- Đang diễn ra hàng ngày hàng giờ trên cả nước, 33 -34 người chết và bị thương/1 ngày.

- Trong số đó, có không ít các bạn học sinh, sinh viên là nạn nhân hoặc là thủ phạm gây ra các vụ tai nạn giao thông.

2. Hậu quả của vấn đề:

- Thiệt hại lớn về người và của, để lại những thương tật vĩnh viễn cho các cá nhân và hậu quả nặng nề cho cả cộng đồng.

- Gây đau đớn, mất mát, thương tâm cho người thân, xã hội.

3. Nguyên nhân của vấn đề:

- Ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế, thiếu hiểu biết và không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông (lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, coi thường việc đội mũ bảo hiểm...),

- Thiếu hiểu biết về các quy định an toàn giao thông (lấy trộm ốc vít đường ray, chiếm dụng đường...)

- Sự hạn chế về cơ sở vật chất (chất lượng đường thấp, xe cộ không đảm bảo an toàn...)

- Đáng tiếc rằng, góp phần gây ra nhiều tai nạn giao thông, còn có những bạn học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

4. Hành động của tuổi trẻ học đường góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông:

- Tham gia học tập luật giao thông đường bộ ở trường lớp. Ngoài ra, bản thân mỗi người phải tìm hiểu, nắm vững thêm các luật lệ và quy định đảm bảo an toàn giao thông.

- Chấp hành nghiêm chỉnh quy định về an toàn giao thông: không lạng lách, đánh võng trên đường đi, không đi xe máy khi chưa có bằng lái, không vượt đèn đỏ, đi đúng phần đường, dừng đỗ đúng quy định, khi rẽ ngang hoặc dừng phải quan sát cẩn thận và có tín hiệu báo hiệu cho người sau biết, đi chậm và quan sát cẩn thận khi qua ngã tư...

- Đi bộ sang đường đúng quy định, tham gia giúp đỡ người già yếu, người tàn tật và trẻ em qua đường đúng quy định.

- Tuyên truyền luật giao thông: trao đổi với người thân trong gia đình, tham gia các hoạt động tuyên truyền xung kích về an toàn giao thông để góp phần phổ biến luật giao thông đến tất cả mọi người, tham gia các đội thanh niên tình nguyện đảm bảo an toàn giao thông...

III. Kết đoạn:

- An toàn giao thông là hạnh phúc của mỗi người mỗi gia đình và toàn xã hội.

- Tuổi trẻ học đường với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ tiên phong trong nhiều lĩnh vực, có sức khoẻ, có tri thức.. cần có những suy nghĩ đúng đắn và gương mẫu thực hiện những giải pháp thiết thực để góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông...

Vấn đề 7: Sống là cho

Có ai đó nói rằng, khi quay ngược trái tim mình lên, trái tim sẽ có hình ngọn lửa. Có phải đó là ngọn lửa của tình yêu thương, của tình người ấm áp? Ngọn lửa ấm áp cho tình yêu đi đến phút sống cuối cùng. Tôi cũng từng nghe người ta nói rằng, tuổi trẻ mang trái tim và tình yêu đầy nhiệt huyết, có thể cống hiến hết mình cho tình yêu và lý tưởng. Nhưng phải chăng chính vì trái tim nhiệt huyết ấy mải mê chạy theo những đam mê hoài bão mà quên mất ngọn lửa yêu thương? Tôi đã từng chứng kiến cảnh một bà già mù lòa dắt theo một đứa bé nhỏ đi ăn xin trong trời mưa gió lạnh căm căm, không một manh áo ấm. Nhưng đi đến đâu người ta cũng xua đuổi. Người bán hàng sợ “dông”, sợ hôi, sợ bẩn, sợ cả một ngày bị bà già “ám vía” mà không bán được hàng. Người qua lại thì muốn đi thật nhanh, tránh động phải bà lão kẻo bẩn những bộ cánh đắt tiền. Họ thì thầm: “Thời nay người giả ăn mày không hiếm. Thóc đâu mà đãi gà rừng”... Một đám đông xúm lại trên đường quay quanh anh thanh niên bị ngã nằm xõng xoài trên đường, máu bê bết, ánh mắt như cầu cứu van xin. Nhưng không ai để tâm. Họ tụ tập lại đây không gì hơn ngoài sự hiếu kỳ.

Người ta không muốn dây, không muốn xắn tay vào đưa anh ta đến bệnh viện vì nghĩ sẽ gặp xui xẻo, rắc rối nếu nạn nhân chết trên đường đến bệnh viện. Có người độc miệng thì nói: “Uống rượu cho lắm vào. Tự chuốc vạ vào thân, ai thương”. Người tử tế bấm máy gọi cho xe cứu thương nhưng chờ xe cứu thương nhanh cũng 15-20 phút, còn nếu lâu và bị tắc đường cũng phải đến nửa tiếng, mà sự sống lại được tính bằng giây. Tôi đã từng chứng kiến một em bé gái mặt nhễ nhãi mồ hôi giữa trưa nắng hè đến từng cổng trường đại học cầu xin sự ban ơn của các anh chị sinh viên để có thêm chút tiền viện phí cho bố. Em tin rằng các anh chị sinh viên, với trái tim thanh niên đầy tình yêu và nhiệt huyết có thể phần nào giảm nỗi đau đang cào cấu người bố nằm chờ chết trong bệnh viện. Nhưng mọi người đứng đó nghe em trình bày rồi lại lắc đầu bỏ đi. “Lừa đảo bây giờ đâu có thiếu!”. Một anh chàng sinh viên nọ gọi điện về cho mẹ nói đang bận thi khi được biết mẹ ốm. Sự thật là anh ta “bận” dự lễ sinh nhật của người yêu. Thoáng chút ăn năn nhưng lại tặc lưỡi cho qua: “Mẹ thì có thể một năm về thăm vài lần nhưng sinh nhật người yêu chỉ có một”. Chẳng mấy bạn trẻ quên sinh nhật của người yêu, nhưng ai nhớ được ngày sinh của người mang cho mình sự sống? Có thể bạn sợ rằng tình yêu thương của mình cho đi mà không được nhận lại, hay cho nhầm chỗ. Nhưng đâu phải trên thế giới này tất cả đều là những toan tính, dối lừa. Bà cụ dắt cháu đi ăn xin trong trời rét căm căm, cô bé con đứng cổng trường đại học cầu xin ai đó giúp bố em, để rồi chỉ nhận được những cái xua tay - dường như chính họ mới là những người đã đặt tình yêu thương và sự tin tưởng của mình vào nhầm chỗ. Có ai đó nói gia đình là tất cả, nhưng bạn đã làm gì cho gia đình ấy? Một sự chăm sóc ân cần khi mẹ ốm, một cái nắm tay chia sẻ khi em buồn...đó là tình yêu không lời bạn dành cho họ. Giá như bạn cũng sẵn sàng chia sẻ, sẵn sàng cho đi tình thương như lúc bạn cần sự chia sẻ và tình thương ấy! Dẫu biết rằng ngọn lửa nào rồi cũng có lúc tàn. Nhưng hãy để cho ngọn lửa trong trái tim bạn sưởi ấm đến khi còn có thể. Bởi “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”.

Vấn đề 8: Lí tưởng sống đẹp của thanh niên ngày nay

Ai đã từng biết đến “Thép đã tôi thế đấy” của văn học Nga hẳn không thể quên câu nói chân thành của chàng trai Paven: “Tôi muốn cống hiến cho cách mạng đến tế bào sống của đời mình”. Đó là một quan niệm cao đẹp về cuộc sống: Sống là phải biết hi sinh và cống hiến. Vớ thanh niên Việt Nam lẽ sống ấy càng trở nên đúng đắn.

Lí tưởng sống là cái đích của cuộc sống của thanh niên mà mỗi người khát khao muốn đạt được. Lí tưởng sống của thanh niên Việt Nam trong giai đoạn cách mạng vừa qua là sống để chiến đấu, để bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mĩ trường kì, các thế hệ thanh niên Việt Nam luôn vững bước, trở thành một lực lượng xung kích vươn mình trở thành tiền phong của công cuộc giải phóng đất nước. Họ ra đi với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Khi miền Bắc xây dựng Chủ nghĩa xã hội thì thanh niên Việt Nam phát huy tinh thần sáng tạo, tự chủ, lao động hăng say, miệt mài, quên mình vì tổ quốc. Họ có một quan niệm đúng đắn, cao đẹp về công việc “Khi ta làm việc, ta với công việc là đôi sao có thể coi là một mình được” như lời nhân vật anh thanh niên trong “Lặng lẽ Sapa”.

Vì sao con người cần sống có lí tưởng và phải có lí tưởng sống cao đẹp. Bởi vì con người luôn luôn muốn sống hạnh phúc cả đời mình. Hạnh phúc có thể đến từ gia đình, xã hội, bạn bè...chỉ thế thôi cũng đủ cho con người phải cố gắng đạt được. Nhưng cũng có lí tưởng sống hết sức tầm thường của những kẻ mong được nhiều tiền, có sự giàu sang để trấn áp, khinh rẻ người khác. Lí tưởng ấy dễ dàng làm bạn với tội ác, với cái xấu. Như vậy muốn sống cao đẹp thì phải có lí tưởng sống cao đẹp. Những người có lí tưởng sống cao đẹp thường cảm thấy hạnh phúc khi hi sinh cho người khác, khi được cống hiến cho cuộc đời chung. Chẳng thế mà Bác Hồ của chúng ta từ khi còn là một cậu thanh niên đã có lí tưởng sống cao đẹp, căm ghét quân thù và Bác đã bôn ba khắp nơi trên thế giới để tìm ra con đường cứu nước. Lí tưởng sống chính là lẽ sống của cuộc đời, lí tưởng phải cao đẹp thì tâm hồn mới thanh cao và hoạt động của con người mới đúng đắn. Lí tưởng cao cả đẹp đẽ chính là điều kiện để con người sống có ý nghĩa. Trong cuộc đời của mỗi con người, lí tưởng sống thể hiện rõ nhất ở tuổi thanh niên. Như nhà thơ Tố Hữu đã từng nói “Thanh niên phải biết ước mơ và hành động”. Phải chăng vì thế mà Lí Tự Trọng - người thanh niên Cộng sản trẻ tuổi đã sớm nhận ra “Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng chứ không có con đường nào khác”. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những người không ích kỷ, hẹp hòi, không biết quan tâm đến người khác. Sống vô trách nhiệm với bản thân, không có mục đích, không có lí tưởng. Những người như vậy đáng bị lên án và phải bị gạt ra lề xã hội. Nếu tất cả thanh niên có lí tưởng thì cuộc đời này sẽ đẹp biết bao nhiêu. Bước vào nền kinh tế tri thức, khi đất nước còn nhiều khó khăn, thế hệ trẻ Việt Nam cần hành trang là lí tưởng cao đẹp.

Thế hệ thanh niên Việt Nam cần luôn biết thắp sáng tình yêu quý báu của cha anh như lời Bác Hồ đã dạy “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, ...” Chúng ta hãy chung tay xây dựng đất nước bằng việc rèn đức luyện tài.

Vấn đề 9: Lòng dũng cảm của tuổi trẻ hiện nay.

Gợi ý:

- Giải thích khái niệm lòng dũng cảm: Lòng dũng cảm là sự quả cảm, kiên cường, ý chí nghị lực cao đương đầu với các hoàn cảnh và tình huống không thuận lợi trong cuộc sống...Là một phẩm chất cao quý trong nhân cách, đạo đức con người.

- Biểu hiện của lòng dũng cảm (Lòng dũng cảm cũng như lòng yêu nước, thể hiện đặc biệt rõ ràng, nổi bật khi chiến đấu với kẻ thù của dân tộc, trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc. Trong cuộc sống thường ngày, lòng dũng cảm thể hiện qua hành động và ý chí, vượt qua tình huống khó khăn, hiểm nghèo. Lòng dũng cảm cũng có thể là nghị lực cao vượt qua các cám dỗ, thói xấu gặp phải trong đời sống thường, và nhiều khi là để chiến thắng chính bản thân mình - Dẫn chứng cụ thể).

- Bàn luận về lòng dũng cảm.

+ Người có lòng dũng cảm luôn khẳng định năng lực và phẩm chất của mình, coi đó là nguồn sức mạnh chân chính, có ý nghĩa quyết định giúp con người vững vàng, lạc quan và thành công trong cuộc sống. Do đó lòng dũng cảm là đức tính quý báu.

+ Lòng dũng cảm là đức tính phải được nuôi dưỡng rèn luyện bằng ý chí, nghị lực vượt qua các tình huống, hoàn cảnh khó khăn, bão táp gặp phải trong cuộc sống, học tập và rèn luyện đạo đức của tuổi trẻ.

+ Lòng dũng cảm bộc lộ khi đối diện với cái xấu, cái tiêu cực (Dẫn chứng)

- Bài học về nhận thức và hành động:

+ Khi gặp phải những khó khăn, thử thách trong học tập, công tác và đời sống con người phải có ý chí cao để vượt lên, đạt kết quả và thành công.

+ Khi phải đối đầu với cái xấu, cái tiêu cực hoặc kẻ thù của dân tộc, phải nêu lên lòng dũng cảm để đấu tranh giành thắng lợi.

- Khẳng định lòng dũng cảm cần thiết đối với mỗi người, xã hội và dân tộc.

Vấn đề 10: Đạo lý uống nước nhớ nguồn

Lòng biết ơn đối với người khác từ xưa đến nay vốn là truyền thống của dân tộc ta. Ông cha ta luôn nhắc nhở, dạy bảo con cháu phải sống ân nghĩa thuỷ chung, đã nhận ơn của ai thì không bao giờ quên. Truyền thống đạo đức đó được thể hiện rõ nét qua câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây".

Đây là một lời giáo huấn vô cùng sâu sắc. Khi ăn những trái cây chín mọng với hương vị ngọt ngào ta phải nhớ tới công lao vun xới, chăm bón của người trồng nên cây ấy. Từ hình ảnh ấy, người xưa luôn nhắc nhở chúng ta một vấn đề đạo đức sâu xa hơn: Người được hưởng thành quả lao động thì phải biết ơn người tạo ra nó. Hay nói cách khác: Ta phải biết ơn những người mang lại cho ta cuộc sống ấm no hạnh phúc như hôm nay.

Tại sao như vậy? Bởi vì tất cả những thành quả lao động từ của cải vật chất đến của cải tinh thần mà chúng ta đang hưởng thụ không phải tự nhiên có được. Những thành quả đó là mồ hôi, nước mắt và cả xương máu của biết bao lớp người đã đổ xuống để tạo nên. Bát cơm ta ăn là do công lao khó nhọc vất vả "một nắng hai sương" của người nông dân trên đồng ruộng. Tấm áo ta mặc, ngôi nhà ta ở, cả những vật dụng hàng ngày ta tiêu dùng là do sức lao động cần cù, miệt mài của những người thợ, những chú công nhân. Cũng như những thành tựu văn hoá nghệ thuật, những di sản của dân tộc còn để lại cho đời sau hôm nay là do công sức, bàn tay, khối óc của những nghệ nhân lao động sáng tạo không ngừng... Còn rất nhiều, nhiều nữa những công trình vĩ đại... mà ông cha ta làm nên nhằm phục vụ cho con người. Chúng ta là lớp người đi sau, thừa hưởng những thành quả ấy, lẽ nào chúng ta lại lãng quên, vô tâm không cần biết đến người đã tạo ra chúng ư? Một thời gian đằng đẵng sống trong những đêm dài nô lệ, chúng ta phải hiểu rằng đã có biết bao lớp người ngã xuống quyết tâm đánh đuổi kẻ thù... để cho ta có được cuộc sống độc lập, tự do như hôm nay. Chính vì vậy, ta không thể nào được quên những hi sinh to lớn và cao cả ấy.

Có lòng biết ơn, sống ân nghĩa thuỷ chung là đạo lí làm người, đó cũng là bổn phận, nhiệm vụ của chúng ta đối với đời. Tuy nhiên, lòng biết ơn không phải là lời nói suông mà phải thể hiện bằng hành động cụ thể. Nhà nước ta đã có những phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa cho các bà mẹ anh hùng, các gia đình thương binh liệt sĩ. Việc đền ơn đáp nghĩa này đã trở thành phong trào, là chính sách lan rộng trên cả nước. Đây không chỉ là sự đền đáp công ơn đơn thuần mà nó trở thành bài học giáo dục thiết thực về đạo lí làm người của chúng ta. Cho nên mỗi người ai ai cũng cần phải có ý thức bảo vệ và phát huy những thành quả đạt được ấy ngày càng tốt đẹp hơn, có nghĩa là ta vừa là "người ăn quả" của hôm nay, vừa là "người trồng cây" cho ngày mai. Cũng từ đó ta càng thấm thía hiểu được rằng: Cha mẹ, thầy cô cũng chính là người trồng cây, còn ta là người ăn quả. Vì vậy ta cần phải thực hiện tốt bổn phận làm con trong gia đình, bổn phận người học trò trong nhà trường. Làm được như vậy tức là ta đã thể hiện được lòng biết ơn sâu sắc của mình đối với những người đã hi sinh, thương yêu, lo lắng cho ta. Đây là một việc làm không thể thiếu được ở thế hệ trẻ hôm nay.

Tóm lại, câu tục ngữ trên giúp ta hiểu rõ về đạo lí làm người. Lòng biết ơn là tình cảm cao quý và cần phải có trong mỗi con người. Vì vậy, chúng ta cần phải luôn trau dồi phẩm chất cao quý đó, nhất là đối với cha mẹ, thầy cô... với những ai đã tạo ra thành quả cho ta hưởng thụ. Lòng biết ơn mãi mãi là bài học quí báu và câu tục ngữ "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" có giá trị và tác dụng vô cùng to lớn trong cuộc sống của chúng ta.