3. CHIẾC LƯỢC NGÀ

3.1. Những điều cần lưu ý về tác giả - tác phẩm

3.1.1. Tác giả

- Nguyễn Quang Sáng còn có bút danh là Nguyễn Sáng, sinh ngày 12/1/1932 tại xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.

- Sau ngày giải phóng (4 - 1975) ông trở lại thành phố Hồ Chí Minh và giữ chức Tổng thư kí Hội nhà văn Thành phố trong suốt 20 năm.

- Là Uỷ viên Ban chấp hành Hội nhà văn Việt Nam khoá III và là Phó Tổng thư kí Hội nhà văn khoá IV.

- Tác phẩm tiêu biểu:

+ Truyện: Con chim vàng, Người quê hương, Bông cẩm thạch, Tạo hoá dưới trần gian...

+ Tiểu thuyết: Nhật kí người ở lại, Đất lửa, Mùa gió chướng, Dòng sông thơ ấu..

+ Kịch bản phim: Như một huyền thoại, Mùa nước nổi,...

3.1.2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

Tác phẩm được sáng tác vào năm 1966 tại chiến trường Nam Bộ trong thời kì cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra quyết liệt.

b. Sự việc chính (dùng viết đoạn tóm tắt).

- Anh Sáu từ chiến khu về thăm nhà, gặp con.

- Bé Thu không chịu nhận anh Sáu là ba.

- Lúc Thu nhận ba cũng là lúc anh Sáu phải đi.

- Ở chiến khu anh Sáu làm lược ngà tặng con.

- Trong một trận càn của địch anh Sáu bị trúng đạn, trước lúc hi sinh anh nhờ bạn trao lại lược cho con.

c. Tình huống truyện

- Tình huống 1: Anh Sáu về phép thăm nhà, bé Thu không chịu nhận anh là ba, đến lúc hiểu ra thì cha con lại phải chia tay.

- Tình huống 2: Anh Sáu trở lại chiến khu và làm chiếc lược ngà để tặng con gái nhưng anh chưa kịp trao món quà ấy cho con thì hi sinh.

d. Chủ đề

Diễn tả một cách cảm động tình cha con thắm thiết, sâu nặng của cha con ông Sáu trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh.

e. Thể loại - phương thức biểu đạt - ngôi kể

- Thể loại: Truyện ngắn

- Phương thức biểu đạt: Tự sự

- Ngôi kể: Ngôi thứ nhất (nhân vật ông Ba - người chứng kiến).

f. Ý nghĩa nhan đề

- Chiếc lược ngà là cầu nối tình cảm hai cha con ông Sáu.

- Chiếc lược ngà là kỷ vật của người cha vô cùng yêu con, để lại cho con trước lúc hy sinh.

3.2. Bài luyện tập

3.2.1. Bài tập 1

Câu 1. Người kể chuyện trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” là ai? Vì sao tác giả lại chọn vai kể đó cho tác phẩm?

Câu 2. Một bạn học sinh cần viết đoạn văn về nhân vật bé Thu trong tác phẩm “Chiếc lược ngà”. Bạn định mở đầu đoạn văn bằng câu sau:

"Trước khi nhận ra ông Sáu là cha, bé Thu đã tỏ ra ương ngạnh nhưng sự ương ngạnh của em không hề đáng trách.”

a. Câu văn trên là câu đơn hay câu ghép? Từ “nhưng” giữ vai trò gì trong câu?

b. Viết đoạn văn khoảng 12 câu (theo cách Tổng hợp - Phân tích - Tổng hợp) làm rõ nội dung câu văn trên, trong đoạn có sử dụng câu bị động.

Gợi ý

Câu 1.

Người kể chuyện trong tác phẩm “Chiếc lược ngà” là ông Ba, bạn thân của ông Sáu - một trong hai nhân vật chính của tác phẩm.

Việc chọn ông Ba là người kể chuyện cũng góp phần làm nên thành công của tác phẩm: Ông Ba là bạn thân thiết của ông Sáu, hiểu ông Sáu nên chuyện đáng tin hơn. Ông cũng là người chứng kiến những việc xảy ra với cha con họ, đồng cảm, chia sẻ vui buồn của cha con bạn. Giữ vai trò kể chuyện, ông Ba chủ động nhịp kể theo cảm xúc và dẫn dắt sự tiếp nhận của người đọc. Những cảm xúc, suy nghĩ của ông Ba trong vai trò người kể chuyện còn giúp người đọc hiểu nhân vật và ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm được bộc lộ rõ hơn.

Câu 2.

a. Câu văn trên là câu ghép có hai vế câu. Từ “nhưng" giữ vai trò nối giữa hai vế câu, chỉ ra ý đối lập của hai vế câu.

b. Đoạn văn sẽ có độ dài khoảng 12 câu. Trong đoạn có câu bị động. Đoạn có bố cục ba phần:

* Mở đoạn bằng câu đã cho: Trước khi nhận ra ông Sáu là cha, bé Thu đã tỏ ra ương ngạnh nhưng sự ương ngạnh của em không hề đáng trách.

* Thân đoạn:

- Bé Thu tỏ ra ngờ vực, lảng tránh, lạnh nhạt với ông Sáu: vụt chạy khi gặp, nói trổng, không chịu gọi ông Sáu là cha dù bị đẩy vào hoàn cảnh phải dùng đến từ “Ba”. Nó phản ứng quyết liệt khi ông Sáu chăm sóc, gắp cho nó cái trứng cá, khi xuống xuồng vào nhà ngoại nó còn cố ý khua dây cột xuồng kêu to.

- Thái độ ương ngạnh của nó không đáng trách vì người lớn chưa chuẩn bị tâm lí cho nó biết ông Sáu đã thay đổi diện mạo do vết sẹo vì chiến tranh gây ra và nó thấy ông không giống như tấm hình ba chụp chung với má nó.

- Thái độ phản ứng của Thu là tự nhiên bởi tình cảm của em với ba là chân thật, sâu sắc, em không dành tiếng ba cho người khác. Em chỉ yêu người mà em tin chắc là ba mình.

- Thái độ đó cũng thể hiện Thu là cô bé có cá tính mạnh mẽ, có bản lĩnh.

* Kết đoạn: (Viết một câu nêu suy nghĩ về tình cha con)

3.2.2. Bài tập 2

Đọc đoạn trích sau:

“Nghe mẹ nó bảo gọi ba vào ăn cơm thì nó bảo lại:

- Thì má cứ kêu đi.

Mẹ nó đâm nổi giận, quơ đũa bếp dọa đánh, nó phải gọi nhưng lại nói trổng:

- Vô ăn cơm!

Anh Sáu vẫn ngồi im, giả vờ không nghe, chờ nó gọi "Ba vô ăn cơm".

Con bé cứ đứng trong bếp nói vọng ra:

- Cơm chín rồi!

- Anh cũng không quay lại. Con bé bực quá, quay lại mẹ và bảo:

- Con kêu rồi mà người ta không nghe”.

a. Đoạn truyện được kể theo ngôi thứ mấy? Ai là người kể? Vì sao anh Sáu vẫn ngồi im, giả vờ không nghe, chờ nó gọi “Ba vô ăn cơm"?

b. Con bé trong đoạn truyện đã vi phạm phương châm hội thoại nào? Vì sao có sự vi phạm đó?

c. Hãy viết đoạn văn khoảng 10 câu phân tích thái độ của bé Thu đối với cha từ khi gặp mặt đến khi bỏ sang nhà ngoại, trong đoạn văn có sử dụng câu ghép dùng cặp quan hệ từ: “vì...nên.”

Gợi ý

- Đoạn truyện kể theo ngôi thứ ba. Người kể chuyện là ông Ba, một nhân vật trong tác phẩm, là bạn thân của ông Sáu.

- Ông Sáu ngồi im, giả vờ không nghe thấy con bé gọi vì ông muốn chờ đợi con bé sẽ dùng tiếng “ba” để gọi ông.

- Con bé nói trống không như vậy là vi phạm phương châm lịch sự. Nó cố tình vi phạm như vậy vì không muốn dùng từ “ba” để gọi ông Sáu.

* Viết đoạn văn cần đảm bảo các nội dung sau:

- Về hình thức: không giới hạn viết theo cách lập luận cụ thể nào, nên có thể chọn đoạn diễn dịch, quy nạp hoặc Tổng hợp - Phân tích - Tổng hợp. Tuy vậy chú ý câu ghép có dùng cặp quan hệ từ “vì ...nên...”

- Về nội dung: Vì không nhận ra ông Sáu là cha nên bé Thu đã đối xử với ông như với người xa lạ:

+ Khi gặp không nhận ra ông Sáu là ba: nó sợ hãi, bỏ chạy...

+ Cố tình bướng bỉnh.

+ Những ngày ông Sáu ở nhà: nó tìm mọi cách để không phải gọi ông Sáu là cha.

+ Đặc biệt, trong bữa ăn nó khước từ sự chăm sóc của ông Sáu và bỏ sang nhà ngoại.

→ Thái độ thể hiện một cá tính mạnh mẽ, một tình yêu bé Thu dành cho người cha trong suy nghĩ của mình.

3.2.3. Bài tập 3

Hãy nêu những suy nghĩ của em về nhân vật ông Sáu trong đoạn trích “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Gợi ý

a. Lúc còn ở rừng:

- Ông nhớ thương con vô cùng.

- Khao khát được gặp con, được sống trong tình cảm con.

b. Khi gặp con (ở bến xuồng):

- Ông đã không thể chờ xuồng cập lại bến “nhón chân nhảy thót lên bờ, xô chiếc xuồng tạt ra”. Rồi “bước vội vàng với những bước dài”, “kêu to tên con, vừa bước, vừa khom người đưa tay đón chờ con”.

- “Vết thẹo dài trên má phải lại đỏ ửng lên, giần giật”. Giọng nói lập bập, run run: “ba đây con, ba đây con”.

→ Tâm trạng xúc động mạnh mẽ, sau bảy, tám năm xa nhà, tình cảm cha con bị nén lại trong lòng, nên ông Sáu không ghìm nổi.

- Ngược lại, bé Thu giật mình, ngơ ngác, hốt hoảng và vụt bỏ chạy. Điều đó hoàn toàn bất ngờ với ông Sáu khiến “mặt ông sầm lại” và “hai tay buông xuống như bị gãy”.

→ Thể hiện tâm trạng đau khổ tột cùng, ông sung sướng, náo nức. nôn nóng muốn được ôm con vào lòng, nhưng đứa con lại xa lánh, hoảng sợ khiến người cha bị hụt hẫng, ông đau đớn không hiểu nguyên nhân vì sao, ông vừa thất vọng, vừa bất lực.

c. Trong 3 ngày nghỉ phép:

- Ông chẳng đi đâu xa, chỉ tìm cách gần gũi để được nghe một tiếng gọi “ba” của con bé.

- Mọi cố gắng của ông từ việc “giả vờ không nghe” đến việc “dồn nó vào thế bí” (chắt nước cơm) nhưng không có kết quả.

- Trong bữa ăn, do nôn nóng, bực tức, không kịp suy nghĩ, ông đã đánh con bé → con bé bỏ sang nhà ngoại.

- Tình yêu thương con của ông Sáu đã không được bé Thu đón nhận, đáp lại, nó kiên quyết không chịu cất lên cái tiếng mà ba nó mong mỏi - điều đó làm ông Sáu thực sự đau lòng, ông chỉ biết lắc đầu cam chịu, bởi tình cảm không dễ gì gượng ép.

d. Những ngày ông Sáu xa con:

- Ông thương nhớ con, ân hận vì mình đã đánh con.

- Ông dồn tình thương yêu ấy vào việc làm cho con một chiếc lược ngà - lời hứa với con trước lúc chia tay.

- Tự ông đi tìm ngà voi rồi tự tay ông ngồi cưa từng chiếc răng lược thận trọng, khổ công như là một người thợ bạc.

- Ông còn gò lưng tỉ mẩn khắc lên đó dòng chữ: “Yêu nhớ tặng Thu con của ba”.

→ Chiếc lược ngà gỡ rối được phần nào tâm trạng của người cha, chiếc lược ấy là tình cảm, tấm lòng, là yêu thương mà ông gửi gắm - thỉnh thoảng những lúc rảnh rỗi ông lại lấy cây lược ra ngắm nghía rồi mài lên tóc cho cây lược thêm bóng, thêm mượt.

- Trước khi hy sinh, ông Sáu móc cây lược ra trao vào tay người bạn chiến đấu. Chỉ khi nhận được lời hứa “mang về trao tận tay cho cháu”, người cha đó mới nhắm mắt được → Cử chỉ ấy cho ta hiểu tình cha con mãnh liệt và tha thiết.

3.2.4. Bài tập 4

Suy nghĩ của em về nhân vật bé Thu trong đoạn trích “Chiếc lược ngà” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng

Gợi ý

- Bé Thu – một đứa bé bướng bỉnh, cứng đầu và gan lì.

- Khi gặp ông Sáu ở bến xuồng, nghe tiếng gọi tên mình, Thu “giật mình tròn mắt nhìn”. Nó ngơ ngác, lạ lùng, mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: “má, má”.

- Những ngày ông Sáu được nghỉ phép:

+ Thu xa lánh ông Sáu trong lúc ông tìm cách vỗ về, gần gũi. Thu nhất quyết không chịu gọi tiếng ba.

+ Má doạ đánh, Thu buộc phải gọi ông Sáu vô ăn cơm, gọi chắt nước cơm nhưng lại nói trổng.

+ Bác Ba nói mẫu nhưng Thu vẫn không gọi.

+ Bị dồn vào thế bí, nó nhăn nhó muốn khóc nhưng tự lấy vá chắt nước chứ không chịu gọi “ba”.

+ Thu đã hất tung cái trứng cá ra mâm, cơm văng tung toé – bị đòn, không khóc, chạy sang nhà ngoại, cố ý khua cho dây xuồng kêu thật to.

→ Bé Thu thật là bướng bỉnh, cứng đầu và gan lì. Đến bác Ba cũng phải nghĩ “con bé đáo để thật”, còn ông Sáu thì không nén được: “Sao mày cứng đầu quá vậy?”.

→ Chính thái độ ương ngạnh, ngang bướng đó lại là biểu hiện tuyệt vời của tình cha con. Lý do nó không nhận ba thật đơn giản, trẻ con, bất ngờ mà hợp lý.

3.2.5. Bài tập 5

Tình huống nào đã bộc lộ sâu sắc và cảm động tình cha con của ông Sáu và bé Thu trong truyện "Chiếc lược ngà” của Nguyễn Quang Sáng?

Gợi ý

* Có hai tình huống truyện sau:

- Hai cha con gặp nhau sau 8 năm xa cách nhưng điều trớ trêu là bé Thu không nhận cha, đến lúc em nhận ra và biểu lộ tình cảm thắm thiết thì ông Sáu lại phải ra đi → đây là tình huống cơ bản của truyện.

- Ở khu căn cứ, ông Sáu dồn tất cả yêu thương và mong nhớ con vào việc làm chiếc lược ngà để tặng con nhưng ông đã hi sinh khi chưa kịp trao món quà ấy cho cô con gái.

- Tình huống 1: Bộc lộ tình cảm mãnh liệt của bé Thu đối với cha.

- Tình huống 2: Biểu lộ tình cảm sâu sắc của ông Sáu đối với con.

3.2.6. Bài tập 6

Cảm nghĩ của em về nhân vật bé Thu trích trong "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng.

Gợi ý

* Học sinh cần:

- Phân tích được diễn biến tâm lý của bé Thu trước khi nhận ra cha: ngờ vực, lảng tránh, lạnh nhạt, xa cách, bị cha đánh nhưng không cãi, không khóc-

→ Chuỗi hành động của bé Thu có sự bất thường đến ương ngạnh (vết thẹo dài trên má) → bé Thu yêu cha bằng một tình yêu ngây thơ, chân thật, sâu sắc đến kiêu hãnh, chỉ yêu ba - người cha đích thực trong tấm hình chụp chung với má.

- Phát triển được diễn biến tâm lý trong bé Thu khi nhận ra cha. Lần đầu bé Thu cất tiếng gọi ba → trạng thái tình cảm bấy lâu bị dồn nén đã bùng ra mạnh mẽ, hối hả cuống quýt xen cả hối hận của bé Thu.

→ Tình cảm bé Thu dành cho người cha thật sâu sắc, mạnh mẽ nhưng cũng thật dứt khoát, rạch ròi, đó là một đứa bé với nét cá tính cứng cỏi, tưởng như ương ngạnh nhưng Thu vẫn là đứa trẻ với tất cả nét hồn nhiên, ngây thơ của trẻ thơ. Đồng thời cũng khẳng định và ngợi ca tình cảm cha con bất tử.

3.2.7. Bài tập 7

Trong tác phẩm "Chiếc lược ngà" ghi lại cảnh chia tay của cha con ông Sáu, nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết:

“Nhìn cảnh ấy, bà con xung quanh có người không cầm được nước mắt, còn tôi bỗng thấy khó thở như có bàn tay ai nắm lấy trái tim tôi.”

a. Vì sao chứng kiến giây phút này, bà con xung quanh và nhân vật tôi có cảm xúc như vậy?

b. Người kể chuyện ở đây là ai? Cách chọn vai kể ấy góp phần như thế nào để tạo lên sự thành công của "Chiếc lược ngà"?

c. Kể tên hai tác phẩm khác viết về đề tài cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta mà em đã được học trong chương trình Ngữ văn 9 và ghi rõ tên tác giả?

Gợi ý

a. Chứng kiến giây phút chia tay, bà con xung quanh và nhân vật tôi có cảm xúc như vậy vì:

- Hiểu hoàn cảnh trớ trêu, éo le và sự hi sinh mà ông Sáu phải chịu đựng

- Xúc động trước tình cảm sâu nặng, trọn vẹn trong cha con ông Sáu và phần nào cả sự ân hận của bé Thu.

b. Người kể chuyện là ông Ba, người bạn chiến đấu thân thiết của ông Sáu, tác dụng của việc chọn vai kể:

- Làm cho câu chuyện trở nên khách quan, người kể có thể đồng cảm với các nhân vật.

- Chủ động điều chỉnh nhịp kể và xen vào những suy nghĩ, bình luận.

- Các chi tiết, sự việc khác được bộc lộ rõ, làm truyện thêm sức hấp dẫn.

c. Hai tác phẩm khác cùng viết về đề tài cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta mà các em đã được học trong chương trình Ngữ văn 9 là:

- Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật.

- Những ngôi sao xa xôi - Lê Minh Khuê.