11. SANG THU

11.1. Những điều cần lưu ý về tác giả và tác phẩm

11.1.1. Tác giả

- Nguyễn Hữu Thỉnh, sinh 1942 tại Vĩnh Phúc.

- Là nhà thơ quân đội trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ.

- Tham gia BCH Hội nhà văn Việt Nam, hiện là Tổng thư ký Hội nhà văn Việt Nam.

- Phong cách viết: thiết tha, nhỏ nhẹ, sâu lắng.

11.1.2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh ra đời

Bài thơ được sáng tác vào mùa thu năm 1977 khi đất nước đã thống nhất. Bài thơ được in trong tập "Từ chiến hào đến thành phố"

b. Đề tài

Viết về cảnh sắc nông thôn đồng bằng Bắc bộ.

c. Chủ đề

Cảm nhận tinh tế về những biến chuyển của thiên nhiên lúc giao mùa.

11.2. Bài luyện tập

11.2.1. Bài tập 1

Phân tích những cảm nhận tinh tế của nhà thơ Hữu Thỉnh về giây phút “hình như thu đã về” trong khổ thơ thứ nhất.

Gợi ý

Bốn câu thơ đầu là cảm nhận tinh tế, bất ngờ của nhà thơ trước những tín hiệu thu về ở không gian gần và hẹp.

- Cảm nhận bằng khứu giác và xúc giác:

+ Hương ổi + cái se lạnh của gió → lan toả trong không gian nơi vườn thôn, ngõ xóm

+ "Phả" → hương thơm như sánh lại, luồn vào trong gió.

→ Gợi hình dung cụ thể hương ổi chín + Gợi sự vận động nhẹ nhàng của gió đưa hương.

- Cảm nhận bằng thị giác:

"Chùng chình" → Nghệ thuật nhân hóa: sương thu có ý chậm lại, quấn quýt bên ngõ xóm đường làng.

- Cảm xúc:

+ “Bỗng”: cảm giác bất ngờ.

+ “Hình như": cảm giác mơ hồ mong manh, chưa rõ ràng.

→ Sự giao thoa của tạo vật và cảm xúc ngỡ ngàng, xao xuyến của nhà thơ.

Đoạn văn tham khảo

Khổ thơ thứ nhất bài thơ "Sang thu" của Hữu Thỉnh là những cảm nhận tinh tế ban đầu của nhà thơ về tín hiệu thu về:

"Bỗng nhận ra hương ổi

Phả vào trong gió se

Sương chùng chình qua ngõ

Hình như thu đã về"

Sự biến chuyển của tạo vật với những đặc trưng của thu về đã đánh thức các giác quan tinh tế của nhà thơ. Bắt đầu bằng hương ổi thơm náo nức "phả" vào trong "gió se", cơn gió đặc trưng của mùa thu đất Bắc . Từ "phả" gợi hương thơm như sánh lại, đậm đà, luồn vào trong gió làm thức dậy cả không gian vườn ngõ. Từ "bỗng" thể hiện sự bất ngờ, đột ngột có phần ngỡ ngàng, ngạc nhiên của tác giả trước sự thay đổi của thời tiết, thiên nhiên. Và tín hiệu thu về không chỉ là gió, là hương ổi, mà còn là sương: "Sương chùng chình qua ngõ". "Chùng chình" là cố ý đi chậm lại, giăng mắc nhẹ nơi đường thôn ngõ xóm. Biện pháp nhân hóa khiến làn sương trở nên có tâm trạng, bâng khuâng, bịn rịn, ngập ngừng, lưu luyến, làm cho cảnh thêm hữu tình. Cái "ngõ" mà sương "chùng chình" đi qua vừa có thể là ngõ thực, vừa có thể là cái ngõ thời gian thông giữa hai mùa. Bước chân mùa thu thật mềm mại, thu đến thật nhẹ nhàng khiến cho tác giả bối rối "Hình như thu đã về". Tình thái từ "hình như" là mơ hồ, chưa rõ ràng, chưa chắc chắn, đã miêu tả được tâm trạng ngỡ ngàng của thi sĩ trước sự thoáng đi bất chợt của mùa thu. Quả thật, trong khổ thơ thứ nhất, tâm hồn thi sĩ đã chuyển biến nhịp nhàng cùng phút giao mùa, nhà thơ đã mở rộng các giác quan để cảm nhận thu về, bắt đầu từ khứu giác (hương ổi) rồi xúc giác (gió se) tiếp đến là thị giác (sương chùng chình) và cuối cùng là tâm hồn, lí trí "hình như thu đã về".

11.2.2. Bài tập 2

Cảm nhận của em về hình ảnh thơ:

"Có đám mây mùa hạ

Vắt nửa mình sang thu".

Gợi ý

Sự biến chuyển của đất trời sang thu trong khoảnh khắc giao mùa được tô đậm bằng hình ảnh thơ đẹp và độc đáo.

- Hình ảnh đám mây “vắt nửa mình sang thu” – nghệ thuật nhân hoá → gợi hình ảnh:

+ Mây mỏng như dải lụa treo trên bầu trời.

+ Ranh giới vô hình nửa nghiêng về mùa hạ, nửa nghiêng về mùa thu.

→ Cảm nhận vừa tinh tế, vừa khác lạ. Hình ảnh thơ đẹp về mặt tạo hình. Thể hiện cảm xúc say sưa, tâm hồn giao cảm với thiên nhiên.

Đoạn văn tham khảo

Cũng như sương thu, dòng sông thu dường như cũng thong thả chậm chạp hơn, như hút vào lòng mình tất cả niềm sung sướng, thỏa thích của cuộc sống để dềnh lên những con nước mát lành. Mọi chuyển động có chầm chậm, rất êm nhẹ, đối lập với cánh chim "vội vã" của đất trời. Đó phải chăng là sự vội vàng trong tâm hồn Hữu Thỉnh, muốn được mở lòng mình đón nhận mọi sự rung động dù là nhỏ nhất. Các từ "vội vã" đối rất đẹp với "dềnh dàng" nhưng còn độc đáo hơn ở cái "bắt đầu", bắt đầu vội vã thôi chứ chưa phải là đang vội vã. Phải tinh tế lắm mới có thể nhận ra sự "bắt đầu" này trong những cánh chim. Dù sự vội vã mới chớm nơi những cánh chim nhưng không khí thu vẫn là không khí thư thái, lắng đọng, chậm rãi và lâng lâng. Chính vì thế mà “đám mây mùa hạ” mới thảnh thơi duyên dáng "vắt nửa mình sang thu", mang trên mình cả hai mùa thật đẹp. Đây chính là một phát hiện rất mới lạ và độc đáo của Hữu Thỉnh và bức tranh thu vì thế càng trở nên sinh động, giàu sức gợi cảm.

11.2.3. Bài tập 3

Phân tích khổ thơ cuối để thấy được cảm nhận của nhà thơ về thời tiết, tạo vật sang thu bằng tâm tưởng suy tư.

Gợi ý

- “vẫn còn”, “vơi dần”, “bớt” → từ chỉ mức độ → sự chuyển biến của các hiện tượng tự nhiên: hạ nhạt dần, thu đậm nét hơn.

→ Quan sát tinh tế, tâm hồn nhạy cảm.

- Sấm bất ngờ, hàng cây đứng tuổi

+ Tả thực: Sang thu, sấm thưa và nhỏ dần, không đủ sức lay động hàng cây đã bao mùa thay lá.

+ Nghệ thuật nhân hoá: bất ngờ + đứng tuổi → trạng thái của con người.

+ Hình ảnh ẩn dụ: con người từng trải sẽ vững vàng hơn trước những thử thách của cuộc đời.

+ Đất trời sang thu khiến lòng người cũng bâng khuâng, xúc cảm, gợi bao suy nghĩ về đời người lúc sang thu.

Đoạn văn tham khảo

Nếu ở khổ đầu tác giả diễn tả những tín hiệu bắt đầu vào mùa thu thì khổ hai Hữu Thỉnh đã tả những hình ảnh sắp lập thu một cách rõ rệt, sắc nét hơn. Hơn nữa ông còn thêm vào khổ cuối chiều sâu của sự đối sánh và chiêm nghiệm.

“Vẫn còn bao nhiêu nắng

Đã vơi dần cơn mưa

Sấm cũng bớt bất ngờ

Trên hàng cây đứng tuổi”

Ở khổ này, tác giả chú ý tới yếu tố thời tiết nhiều hơn như: nắng, mưa, sấm... Nhà thơ mô tả "vẫn còn bao nhiêu nắng" để gợi cho người đọc về cái nắng cuối hạ đầu thu vẫn còn ấm, sáng, nồng nàn nhưng đã dần nhạt màu, không gắt như giữa mùa ve râm ran. Có lẽ vì làn "sương chùng chình” qua ngõ làm dịu lại cái nắng hạ và cơn gió heo may làm bớt đi sự chói chang của màu nắng. Từng cơn mưa ào ạt chợt đến chợt đi rồi dần vơi. Và những cơn mưa dông kèm theo sấm chớp cũng vãn dần. Những biến chuyển như “vẫn còn”, “đã vơi”, cũng bớt dường như là chuyển động rất nhẹ nhàng, tinh vi của tự nhiên nhưng cũng khó lọt qua con mắt quan sát tinh tế và đầy những xúc cảm dâng trào làm cho mỗi câu chữ, hình ảnh phập phồng sự sống đang chuyển động xoay vần. Song hay nhất là hai câu cuối với hình ảnh đặc sắc mang tầng nghĩa ẩn lồng trong tầng nghĩa thực. Bằng những hiện tượng thiên nhiên (dường như rất tự nhiên) sấm bớt bất ngờ nên cây không còn giật mình run rẩy cũng chính là để nói đến con người từng trải sẽ vững vàng hơn trước những thử thách của cuộc đời. Nói tóm lại, đất trời sang thu khiến lòng người cũng bâng khuâng, xúc cảm, gợi bao suy nghĩ về đời người lúc sang thu.