PHẦN MỘT: ĐỌC – HIỂU VĂN BẢN

A. CÁC TÁC PHẨM THƠ – TRUYỆN TRUNG ĐẠI

I. CHUYỆN NGƯỜI CON GÁI NAM XƯƠNG

1. Những điều cần lưu ý về tác giả và tác phẩm

1.1. Tác giả

- Nguyễn Dữ (chưa rõ năm sinh, năm mất), quê ở Hải Dương.

- Nguyễn Dữ sống vào nửa đầu thế kỉ XVI, thời kì Triều đình nhà Lê đã bắt đầu khủng hoảng, các tập đoàn phong kiến Lê, Mạc, Trịnh tranh giành quyền lực, gây ra những cuộc nội chiến kéo dài.

- Ông học rộng, tài cao nhưng chỉ làm quan một năm rồi cáo về, sống ẩn dật ở vùng núi Thanh Hoá.

1.2. Tác phẩm

a. Xuất xứ: “Chuyện người con gái Nam Xương” là một trong 20 truyện nằm trong tác phẩm nổi tiếng nhất của Nguyễn Dữ: “Truyền kì mạn lục” (Ghi chép tản mạn những truyện kì lạ).

b. Thể loại: Truyện truyền kì (những truyện kì lạ được lưu truyền). Viết bằng chữ Hán.

c. Chủ đề: “Chuyện người con gái Nam Xương” thể hiện niềm thương cảm đối với số phận oan nghiệt, đồng thời ca ngợi vẻ đẹp truyền thống của những phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến.

1.3. Tóm tắt văn bản

(Có nhiều cách tóm tắt, bạn có thể tham khảo một trong các cách sau)

a. Cách 1: Cần đảm bảo các ý sau:

- Vũ Thị Thiết quê ở Nam Xương, thùy mị, nết na lấy chồng là Trương Sinh, người có tính đa nghi cả ghen. Biết tính chồng, nàng ăn ở khuôn phép nên gia đình êm ấm thuận hòa.

- Buổi giặc giã nhiễu nhương, triều đình bắt Trương Sinh đi lính. Vũ Nương đã có mang. Chồng ra trận, nàng ở nhà nuôi mẹ già, sinh con trai đặt tên là Đản. Chẳng may mẹ chồng qua đời, nàng lo toan cho mẹ mồ yên mả đẹp.

- Chồng đi xa, thương con nàng chỉ cái bóng trên tường bảo là cha. Trương Sinh về nghe con nói lại nên nghi ngờ vợ. Không phân giải được, Vũ Nương nhảy xuống sông tự vẫn. Cảm động vì tấm lòng của nàng, Linh Phi (vợ vua Nam Hải) cứu vớt và cho nàng ở lại Thủy cung.

- Mãi về sau chàng Trường mới biết sự thật, bèn lập đàn giải oan cho năng. Mặc dù vậy chẳng bao giờ nàng có thể trở về trần gian để có thể sống hạnh phúc bên chồng con được nữa.

b. Cách 2: Đoạn văn tham khảo:

- Vũ Nương tên thật là Vũ Thị Thiết là một người con gái đẹp người đẹp nết. Nàng có chồng là Trường Sinh – một người thất học, có tính đa nghi. Khi chồng đi lính, Vũ Nương hết lòng nuôi dạy con thơ, chăm sóc mẹ chồng. Giặc tan, Trương Sinh trở về quê nhà, đau buồn khi nghe tin mẹ mất vội tin lời con nhỏ mà cho rằng vợ thất tiết nên la mắng, đánh đập, đuổi xua Vũ Nương. Uất ức nàng trầm mình xuống sông Hoàng Giang tự vẫn. Vũ Nương được Linh Phi cứu sống rồi nàng gặp một người cùng làng tên là Phan Lang. Vũ Nương kể lại chuyện xưa và nhờ Phan Lang khi trở về nói hộ với Trường Sinh lập đàn giải oan, Khi Trương Sinh lập đàn giải oan Vũ Nương hiện về trần gian một lúc rồi biến mất.

1.4. Giá trị của tác phẩm

1.4.1. Giá trị nội dung

+ Giá trị hiện thực

- Chuyện phản ánh hiện thực xã hội phong kiến bất công với chế độ nam quyền, chà đạp lên số phận người phụ nữ (Đại diện là nhân vật Trương Sinh).

- Phản ánh số phận con người chủ yếu qua số phận người phụ nữ: chịu nhiều oan khuất và bế tắc.

- Phản ánh xã hội phong kiến với những cuộc chiến tranh phi nghĩa liên miên, làm cho cuộc sống của người dân càng rơi vào bế tắc.

+ Giá trị nhân đạo

a. Ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam qua nhân vật Vũ Nương

- Vũ Nương là người con gái thuỳ mị, nết na, tư dung tốt đẹp.

- Vũ Nương là người có vẻ đẹp đức hạnh.

* Vũ Nương là một người vợ thuỷ chung:

- Mới về nhà chồng, hiểu Trương Sinh có tính đa nghi, nàng luôn giữ gìn khuôn phép...

- Khi tiễn chồng đi lính nàng chỉ thiết tha: “ngày về mang theo được hai chữ bình yên”.

- Khi chồng đi lính, nàng da diết nhớ chồng, luôn thấy hình bóng chồng bên mình như hình với bóng.

- Khi bị nghi oan, nàng nhẫn nhục, cố gắng hàn gắn tình cảm vợ chồng.

- Sống ở thuỷ cung nàng vẫn nặng tình với quê hương, với chồng con...

* Vũ Nương là một người con dâu hiếu thảo:

- Thay chồng chăm sóc mẹ.

- Mẹ chồng ốm, nàng thuốc thang, lễ bái, nói lời ngọt ngào khuyên lơn.

- Mẹ chồng mất: nàng hết lòng thương xót, lo liệu ma chay chu đáo như đối với cha mẹ đẻ.

(Lời người mẹ chồng trước lúc mất đã khẳng định tấm lòng hiếu thảo hết mực của Vũ Nương)

* Vũ Nương là một người mẹ yêu thương con:

- Yêu thương, chăm sóc con.

- Chỉ cái bóng mình trên tường để dỗ dành con,...

* Vũ Nương là người phụ nữ trọng nhân phẩm và tình nghĩa:

- Vũ Nương đã chọn cái chết để tự minh oan cho mình, để bảo vệ nhân phẩm của người phụ nữ (khác với nhân vật Vũ Nương trong truyện cổ tích).

- Dù nhớ về quê hương nhưng nàng vẫn quyết giữ lời hứa với Linh Phi coi trọng tình nghĩa.

b. Thể hiện niềm thương cảm đối với số phận oan nghiệt của người phụ nữ và ước mơ, khát vọng về một cuộc sống công bằng, hạnh phúc cho họ. (Đoạn truyện dưới thuỷ cung chính là sáng tạo của Nguyễn Dữ)

c. Gián tiếp lên án, tố cáo xã hội phong kiến bất công

- Xã hội phong kiến với chế độ nam quyền đã dung túng, bênh vực những suy nghĩ, hành động của Trương Sinh, đẩy Vũ Nương đến cái chết bi thảm.

- Xã hội phong kiến với những cuộc chiến tranh phi nghĩa chia cách tình cảm vợ chồng, cha con, đã gây ra bi kịch của cuộc đời Vũ Nương.

- Xã hội phong kiến không có chỗ cho những con người tốt đẹp như Vũ Nương được sống → Vũ Nương không thể trở về.

1.4.2. Giá trị nghệ thuật

- Nghệ thuật dụng truyện: Trên cơ sở có sẵn, tác giả đã sáng tạo thêm và sắp xếp các tình tiết làm cho diễn biến của truyện hợp lí, tự nhiên, tăng kịch tính, hấp dẫn và sinh động.

- Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Nhân vật được khắc hoạ tâm lí và tính cách thông qua lời nói (đối thoại) và lời tự bạch (độc thoại). (Khác với nhân vật trong truyện cổ tích)

- Sử dụng yếu tố truyền kì (kì ảo): làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm.

- Kết hợp các phương thức biểu đạt: Tự sự + Biểu cảm (trữ tình) làm nên một áng văn xuôi trữ tình sống mãi với thời gian.

2. Bài luyện tập

2.1. Bài tập 1

"Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ xuất hiện nhiều yếu tố kì ảo. Hãy chỉ ra các yếu tố kỳ ảo ấy và cho biết tác giả muốn thể hiện điều gì khi đưa ra những yếu tố kỳ ảo vào một câu chuyện quen thuộc?

Gợi ý

* Các chi tiết kì ảo trong câu chuyện:

- Phan Lang nằm mộng rồi thả rùa.

- Phan Lang gặp nạn, lạc vào động rùa, gặp Linh Phi, được cứu giúp: gặp lại Vũ Nương, được sứ giả của Linh Phi vẽ đường nước đưa về dương thế.

- Vũ Nương tự tử được Linh Phi rẽ nước cứu về ở Thủy Cung.

- Vũ Nương hiện về trong lễ giải oan trên bến Hoàng Giang giữa lung linh, huyền ảo rồi lại biến đi mất.

* Ý nghĩa của các chi tiết kỳ ảo:

- Làm hoàn chỉnh thêm nét đẹp vốn có của Vũ Nương: nặng tình, nặng nghĩa, quan tâm đến chồng con, phần mộ tổ tiên, khao khát được phục hồi danh dự.

- Tạo nên một kết thúc phần nào có hậu cho câu chuyện.

- Thể hiện ước mơ về lẽ công bằng ở đời của nhân dân ta.

2.2. Bài tập 2

Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, chi tiết “cái bóng” có ý nghĩa gì trong cách kể chuyện?

Gợi ý

a. Về nội dung:

Cái bóng trong câu chuyện có ý nghĩa đặc biệt vì đây là chi tiết tạo nên các thắt nút và mở nút hết sức bất ngờ.

* Cái bóng có ý nghĩa thắt nút câu chuyện vì:

- Đối với Vũ Nương: Trong những ngày chồng đi xa, vì thương nhớ chồng, vì không muốn con nhỏ thiếu vắng bóng người cha, nên hàng đêm Vũ Nương đã chỉ bóng mình trên tường, nói dối con đó là cha nó. Lời nói dối của Vũ Nương với mục đích hoàn toàn tốt đẹp.

- Đối với bé Đản: Mới 3 tuổi, còn ngây thơ, chưa hiểu biết những điều phức tạp nên đã tin là có một người cha đêm nào cũng đến, mẹ đi cũng đi, mẹ ngồi cũng ngồi, nhưng nín thin thít và không bao giờ bế nó.

- Đối với Trương Sinh: Lời nói của bé Đản về người cha khác (chính là cái bóng) đã làm nảy sinh sự nghi ngờ vợ không chung thuỷ, nảy sinh thái độ ghen tuông và lấy đó làm bằng chứng để về nhà mắng nhiếc, đánh đuổi Vũ Nương đi để nàng phải tìm đến cái chết đầy oan ức.

* Cái bóng cũng là chi tiết mở nút câu chuyện vì:

Chàng Trương sau này hiểu ra nỗi oan của vợ cũng chính là nhờ cái bóng của chàng trên tường được bé Đản gọi là cha → Bao nhiêu nghi ngờ của Trương Sinh và oan ức của Vũ Nương đều được hoá giải nhờ cái bóng.

→ Chính cách thắt nút, mở nút câu chuyện bằng chi tiết cái bóng đã làm cho cái chết của Vũ Nương thêm oan nghiệt, giá trị tố cáo xã hội phong kiến nam quyền đầy bất công với người phụ nữ càng thêm sâu sắc.

b. Về hình thức:

Trình bày thành đoạn văn; dẫn dắt chuyển ý hợp lý, diễn đạt lưu loát.

2.3. Bài tập 3

Kết thúc “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ có những chi tiết:

- Khi Trương Sinh lập đàn giải hạn ở bến Hoàng Giang ba ngày đêm, Vũ Nương đã hiện về trên một chiếc kiệu hoa, theo sau là xe, cờ tán võng lọng, rực rỡ đầy sông, lúc ẩn lúc hiện.

- Vũ Nương đứng giữa dòng sông, nói lời đa tạ với Trương Sinh, rồi bóng nàng loang loáng, mờ nhạt dần mà biến đi.

Nhận xét về chi tiết cuối cùng này, có ý kiến cho rằng: “Tính bi kịch của truyện vẫn tiềm ẩn ở ngay trong cái lung linh kỳ ảo”. Theo em, nhận xét này có đúng không? Vì sao? Qua đó Nguyễn Dữ đã gửi gắm tâm sự gì?

Gợi ý

Bày tỏ được thái độ đánh giá của mình với ý kiến cho rằng:

- Tính bi kịch của cuộc đời, số phận người phụ nữ (Vũ Nương) vẫn tiềm ẩn ngay trong cái lung linh kỳ ảo.

- Dù cho câu chuyện có kết thúc phần nào có hậu, thể hiện khát vọng cuộc sống vĩnh hằng. Vũ Nương đã được sống một cuộc sống khác, ở một thế giới khác, giàu sang, được tôn trọng, yêu thương, xoa dịu nỗi đau trong lòng người đọc... nhưng tất cả chỉ là ảo ảnh. Dù cho Vũ Nương có trở về trong rực rỡ uy nghi nhưng cũng chỉ thấp thoáng, ẩn hiện và ngậm ngùi từ tạ: “...Đa tạ tình chàng, thiếp chẳng thể trở về nhân gian được nữa”. Người đã chết không thể sống lại, hạnh phúc thực sự đâu có thể làm lại được nữa. Đó chính là bi kịch.

→ Điều đó một lần nữa khẳng định niềm cảm thương của tác giả đối với số phận bi thảm của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Tác giả muốn đề cao tiếng nói đấu tranh cho quyền sống của người phụ nữ trong xã hội phong kiến.

2.4. Bài tập 4

Nói về những người phụ nữ đức hạnh mà chịu hàm oan, có người từ câu chuyện của Vũ Nương mà nghĩ đến tích chèo “Quan Âm Thị Kính”, mặc dù hai tác phẩm đó xa nhau về thể loại. Em nghĩ gì về mối liên tưởng ấy?

Gợi ý

“Chuyện người con gái Nam Xương” và tích chèo “Quan âm Thị Kính” là hai tác phẩm không cùng thể loại. Nếu tác phẩm thứ nhất được viết bằng thể văn tự sự thì tác phẩm thứ hai được sáng tác theo loại hình kịch (cụ thể là chèo, một thể loại kịch hát dân gian). Tuy vậy, cả hai hình tượng trong tác phẩm có nhiều nét tương đồng: cả hai người phụ nữ đức hạnh chịu hàm oan, và cả hai chi tiết tình huống gây ra ngộ nhận cho chồng đều là những chi tiết hiểu lầm đáng tiếc.

- Nếu ở vở chèo, nhân người chồng đang lúc ngủ say, Thị Kính cầm dao cắt chiếc râu mọc ngược của chồng (Thiện Sĩ), thì ở câu chuyện đau lòng này, Vũ Nương chỉ vào cái bóng trên vách của mình và nói với con đó là cha Đản.

- Hậu quả xảy ra sau đó là hạnh phúc tình yêu, hạnh phúc gia đình tan vỡ.

- Bi kịch ở cả hai đều xảy ra trong hoàn cảnh gia đình hai đôi vợ chồng đều không phải “môn đăng hộ đối” (cả hai người phụ nữ đều thuộc tầng lớp nghèo hèn lấy chồng con nhà giàu có, hào phú).

- Từ đó, có thể thấy được sự phong phú, đa dạng trong cách thể hiện chủ đề, tư tưởng của những tác phẩm văn học.