5. KHÚC HÁT RU NHỮNG EM BÉ LỚN TRÊN LƯNG MẸ

5.1. Những điều cần lưu ý về tác giả và tác phẩm

5.1.1. Tác giả:

- Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm sinh năm 1943, tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hạ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế

- Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964, vào miền Nam hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Huế, tham gia quân đội, xây dựng cơ sở cách mạng, viết báo, làm thơ,... đến năm 1975.

- Ông thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Nguyễn Khoa Điềm từng là Tổng thư kí Hội nhà văn Việt Nam (khóa X), Bộ trưởng bộ Văn hóa Thông tin. Từ năm 2001, ông là ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương.

- Thơ Nguyễn Khoa Điềm là thơ của một trí thức trẻ, giàu vốn sống thực tế và vốn văn hóa, triết lí và trữ tình, suy tư và cảm xúc.

- Các tác phẩm chính: Cửa thép (ký, 1972); Đất ngoại ô (thơ, 1973); Mặt đường khát vọng (trường ca, 1974); Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (thơ, 1986); Thơ Nguyễn Khoa Điềm (1990)...

5.1.2. Tác phẩm:

a. Hoàn cảnh sáng tác

Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” được tác giả Nguyễn Khoa Điềm sáng tác năm 1971, khi đang công tác ở chiến khu miền Tây Thừa Thiên. Lúc này cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta đang bước vào giai đoạn gay go quyết liệt nhất “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

b. Chủ đề

Bài thơ đã thể hiện truyền thống yêu nước thương dân một cách đặc sắc qua hình ảnh bà mẹ cõng con lên rẫy. Những lời người mẹ ru con bộc lộ sâu sắc tinh thần yêu nước cùng ý chí quyết tâm sắt đá .

c. Hình ảnh thơ

- Mặt trời ở đây là một hình ảnh so sánh, ẩn dụ rất sáng tạo, giàu ý nghĩa thẩm mĩ, thể hiện một liên tưởng đẹp: “mặt trời của bắp” là mặt trời của thiên nhiên vĩnh hằng, đem ánh sáng và sự sống cho muôn loài, đem lại sự tốt tươi cho ngô lúa, sắn khoai...Từ mặt trời của vũ trụ, nhà thơ đã liên tưởng đến “mặt trời của mẹ”, đó là em cu Tai. Em là nguồn sống, nguồn hạnh phúc, niềm tự hào của mẹ.

- Ca ngợi lòng mẹ, tình yêu thương tha thiết của mẹ dành cho con thì đây là hai câu thơ tuyệt vời nhất, nó vừa bình dị nhưng vừa thấm thía biết bao! Đứa con chính là mặt trời trong lòng mỗi người mẹ, một ẩn dụ sáng tạo làm rung động lòng người. Thế mới thấy tình mẫu tử thiêng liêng biết nhường nào!

5.2. Bài luyện tập:

5.2.1. Bài tập 1

Trình bày bằng một đoạn văn ngắn cảm nghĩ của em về hình ảnh người mẹ Tà Ôi trong bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.

Gợi ý

1. Yêu cầu về nội dung:

Có thể nêu một số cảm nghĩ (tương đối tự do) về hình ảnh người mẹ Tà Ôi trong bài thơ, nhưng cần làm rõ cảm nghĩ về những tình cảm sau của người mẹ:

- Người mẹ Tà-ôi làm những công việc vất vả: giã gạo, phát rẫy, tỉa bắp, chuyển lán, đạp rừng.

- Tình cảm của mẹ: Tình thương con hoà quyện trong tình thương bộ đội, thương dân làng, thương đất nước. Chính tình thương ấy làm cho mẹ có sức mạnh bền bỉ, dẻo dai để nuôi những đứa con hiến dâng cho kháng chiến.

- Người mẹ Tà-ôi vô danh là tiêu biểu cho người mẹ Việt Nam anh hùng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.

2. Yêu cầu về hình thức:

- Hình thức là một đoạn văn ngắn (có độ dài từ 8 đến 10 câu văn).

- Các câu liên kết chặt chẽ.

- Lời văn có cảm xúc.

- Diễn đạt lưu loát.

5.2.2. Bài tập 2

Trong bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”, tại sao chỉ có một em cu Tai mà tác giả lại viết là “Những em bé lớn trên lưng mẹ”? Nhan đề bài thơ có ý nghĩa như thế nào?

Gợi ý

- Chỉ có một em cu Tai, nhưng tác giả lại viết là “những em bé”. Đây là cách nói khái quát ở trong thơ. Em cu Tai là một hình ảnh cụ thể, nhưng có bao nhiêu em bé ở rừng đã lớn trên lưng của các bà mẹ người dân tộc Tà - ôi. Cũng có bao nhiêu bà mẹ ngoài đời, nhưng nhà thơ lại chỉ viết một bà mẹ mà thôi. Một em bé để nói rất nhiều em bé. Một bà mẹ, nhưng là để nói nhiều người mẹ.

- Nhan đề bài thơ là một ý thơ. Bài thơ ca ngợi người mẹ miền núi, cũng là người mẹ Việt Nam, kết hợp lòng thương con, yêu con với yêu thương bộ đội, yêu thương dân làng, yêu nước. Hình ảnh người mẹ là hình ảnh tượng trưng - mẹ đã nuôi lớn những người con của mình để hiến dâng cho cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của Tổ quốc.

5.2.3. Bài tập 3

Đọc bài thơ: “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” của Nguyễn Khoa Điềm, đối chiếu với bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên, chỉ ra cách vận dụng lời ru ở mỗi bài thơ có điểm gì giống và khác nhau?

Gợi ý

Cả hai bài thơ đều thấm đẫm âm điệu ru con của người mẹ, nhưng hai bài thơ lại có những điểm khác nhau:

- Bà mẹ Tà-ôi ru trực tiếp đứa con, trực tiếp nói lên tình cảm của người mẹ. Còn bà mẹ trong “Con cò” của Chế Lan Viên gửi gắm tình cảm suy nghĩ về con qua hình ảnh con cò trong ca dao.

- Thơ Nguyễn Khoa Điềm : Thể thơ 8 chữ. Thơ Chế Lan Viên: Thể thơ tự do.

- Hình ảnh con cò ở bài thơ của Chế Lan Viên thay đổi theo suy nghĩ, tình cảm, mang tính đa nghĩa. Còn ở bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” hình ảnh người mẹ Tà - ôi được nâng dần lên từ người mẹ thương con đến người mẹ chiến sĩ.

- Ở bài thơ “Con cò”, người mẹ ru con trong cuộc sống hoà bình trên miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở bài “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” người mẹ - chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Mĩ ác liệt của dân tộc.

5.2.4. Bài tập 4

Trong bài “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” có câu thơ:

“Vai mẹ gầy nhấp nhô làm gối

Lưng đưa nôi và tim hát thành lời.”

a. Em hiểu hai câu thơ trên như thế nào?

b. Chép chính xác năm câu thơ trước hai câu thơ trên.

c. Có ý kiến cho rằng trong tác phẩm không chỉ có một lời ru. Theo em điều đó có đúng không?

d. Viết một đoạn văn 10 câu theo cách Tổng hợp - Phân tích - Tổng hợp trong đó sử dụng câu hỏi tu từ, thành phần tình thái để phân tích đoạn thơ em vừa chép.

Gợi ý

a. Hai câu thơ trên vừa tả việc làm của mẹ, vừa biểu hiện tình cảm sâu nặng của mẹ với con. Người mẹ nhỏ nhắn vừa giã gạo, vừa địu con trên lưng. Trong lúc lao động cật lực, mẹ vẫn chăm chút đến giấc ngủ của con. Câu thơ gợi lên hình ảnh người mẹ chịu thương, chịu khó trong lao động và vô cùng yêu con.

b. Chép năm câu thơ trước hai câu thơ trên

“Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi

Em ngủ cho ngoan đừng rời lưng mẹ

Mẹ giã gạo mẹ nuôi bộ đội

Nhịp chày nghiêng giấc ngủ em nghiêng

Mồ hôi mẹ rơi má em nóng hổi.”

c. Bài thơ “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ” không chỉ có một lời ru: Bài thơ có ba khúc hát, mỗi khúc hát được tạo nên bằng hai lời ru (Lời ru của tác giả và lời ru của mẹ).

- Lời ru “em” (Tác giả nhập vai) được mở đầu bằng câu: “Em cu Tai ngủ trên lưng mẹ ơi.”

- Lời ru “con” (mẹ) được mở đầu bằng câu: “Ngủ ngoan a - kay ơi, ngủ ngoan a – kay hỡi”.

d. Viết đoạn văn

* Nội dung.

- Câu chủ đề: Hình ảnh người mẹ Tà-ôi chịu thương chịu khó trong lao động và vô cùng yêu con.

- Các câu triển khai.

+ Mẹ vừa địu con trên lưng vừa giã gạo góp phần nuôi bộ đội ăn no đánh giặc.

+ Từ láy “nghiêng”: Giàu chất tạo hình và gợi nhiều xúc động, diễn tả dáng điệu nghiêng nghiêng vất vả của mẹ bên cối gạo đồng thời cũng giúp ta cảm nhận về giấc ngủ của em cu Tai. Trong giấc ngủ say nồng trên tấm lưng gầy của mẹ, cả người em cũng nghiêng nghiêng áp vào lưng mẹ và nhấp nhô lên xuống theo mỗi nhịp chày.

+ Hình ảnh giọt mồ hôi nóng hổi : khiến ta cảm nhận được sự vất vả, chịu thương, chịu khó của mẹ.

+ Hình ảnh “vai mẹ gầy” kết hợp với từ láy “nhấp nhô”: không chỉ diễn tả sự thiếu thốn mà còn cho ta thấy tất cả sự cố gắng, nỗ lực, kiên trì, nhẫn nại trong công việc của mẹ.

+ Dù lao động cật lực nhưng mẹ vẫn chăm chút đến giấc ngủ của đứa con yêu.

- Câu kết: Hình ảnh người mẹ Tà - ôi cần cù, nhân hậu chính là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

* Hình thức:

- Đoạn văn viết theo kiểu Tổng hợp - Phân tích - Tổng hợp.

- Sử dụng câu hỏi tu từ và thành phần tình thái.