II. CHUYỆN CŨ TRONG PHỦ CHÚA TRỊNH

(Trích: Vũ trung tùy bút)

1. Những điều cần lưu ý về tác giả và tác phẩm

1.1. Tác giả

- Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) tục gọi là Chiêu Hổ.

- Quê: Đan Loan - Đường An - Tỉnh Hải Dương (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).

- Sự nghiệp: Có nhiều công trình biên soạn, khảo cứu có giá trị đủ các lĩnh vực văn học, triết học, lịch sử, địa lí..., tất cả đều bằng chữ Hán.

1.2. Tác phẩm

a. Xuất xứ: "Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh" trích từ “Vũ trung tùy bút” (Tùy bút viết trong những ngày mưa) gồm 88 mẩu chuyện nhỏ bàn về các thứ lễ nghi, phong tục, tập quán: ghi chép những sự việc xảy ra trong xã hội lúc đó. Tác phẩm có giá trị văn chương đặc sắc, cung cấp những tài liệu quý và sử học, địa lí, xã hội học.

b. Nội dung:

- Thói ăn chơi xa xỉ của chúa Trịnh và các quan lại hầu cận trong phủ Chúa.

- Những thủ đoạn nhũng nhiễu dân của bọn quan lại hầu cận.

- Tình cảnh của người dân.

c. Nghệ thuật: Các sự việc đưa ra cụ thể, chân thực, khách quan, không xen lời bình của tác giả, có liệt kê và cũng có miêu tả tỉ mỉ vài sự kiện để khắc hoạ ấn tượng. Cảm xúc của tác giả (thái độ bất bình, phê phán) cũng được gửi gắm kín đáo.

d. Chủ đề: "Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh" phản ánh đời sống xa hoa của vua chúa và sự nhũng nhiễu của quan lại thời Lê - Trịnh.

2. Bài luyện tập

2.1. Bài tập 1

Viết đoạn văn từ 10-15 dòng nêu ý nghĩa của đoạn văn sau:

"Nhà ta ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, trước nhà tiền đường có trồng một cây lê, cao vài mươi trượng, lúc nở hoa, trắng xoá thơm lừng, trước nhà trung đường cũng trồng hai cây lựu trắng, lựu đỏ, lúc ra quả trông rất đẹp, bà cung nhân ta sai chặt đi cũng vì cớ ấy."

(Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh - Ngữ văn 9 tập 1)

Gợi ý

a. Mở đoạn:

- Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm: Phạm Đình Hổ là tác giả có nhiều công trình biên soạn, khảo cứu có giá trị thuộc các lĩnh vực: văn học, triết học, lịch sử, địa lý. Tất cả đều bằng chữ Hán.

- Đoạn văn được trích trong văn bản "Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh" trong tác phẩm “Vũ trung tùy bút” của tác giả Phạm Đình Hổ.

b. Thân đoạn:

- Tác giả kể lại một sự việc đã từng xảy ra ngay tại gia đình mình. Bà mẹ của tác giả đã phải sai chặt đi một cây lê và hai cây lựu quí rất đẹp trong vườn nhà mình để tránh tai hoạ.

- Ý nghĩa: Cách dẫn dắt câu chuyện làm tăng sức thuyết phục cho những chi tiết chân thực mà tác giả đã ghi chép, cách viết phong phú và sinh động. Qua đó cảm xúc của tác giả (thái độ bất bình, phê phán) cũng được gửi gắm một cách kín đáo. Sự việc được kể mang tính khách quan.

c. Kết đoạn:

Thủ đoạn của bọn hoạn quan khiến cho người dân phải tự huỷ bỏ cây quý của nhà mình. Đó là điều hết sức vô lí, bất công.

2.2. Bài tập 2

Cảm nhận của em về văn bản "Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh" của Phạm Đình Hổ (Ngữ văn 9 - tập 1)

Gợi ý

a. Mở đoạn:

- Giới thiệu chung về tác giả - tác phẩm, khái quát nội dung nghệ thuật của tác phẩm.

- "Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh" phản ánh đời sống xa hoa của vua chúa và sự nhũng nhiễu của quan lại thời Lê - Trịnh.

b. Thân đoạn:

* Thói ăn chơi xa xỉ của chúa Trịnh

- Xây dựng nhiều cung điện, đình đài ở các nơi để thoả ý.

- Thích chơi đèn đuốc, ngắm cảnh đẹp → Ý thích đó không biết bao nhiêu cho vừa. Vì vậy việc xây dựng đình đài cứ liên miên, hao tài, tốn của.

- Những cuộc dạo chơi của chúa ở Tây Hồ được miêu tả tỉ mỉ (diễn ra thường xuyên, tháng ba bốn lần). Huy động rất đông người hầu hạ (Binh lính dàn hầu vòng quanh bốn mặt hồ, mà Tây Hồ rất rộng)

- Các nội thần, quan hộ giá, nhạc công ... bày đặt nhiều trò giải trí lố lăng và tốn kém.

- Việc tìm thu vật "phụng thủ" thực chất là cưỡng đoạt những của quý trong thiên hạ (chim quý, thú lạ) về tô điểm cho nơi ở của chúa.

- Dẫn chứng: Miêu tả kĩ, công phu: Đưa một cây đa cổ thụ "từ bên bờ Bắc chở qua sông đem về" phải một cơ binh hàng trăm người mới khiêng nôi.

⇒ Ý nghĩa đoạn văn "Mỗi khi đêm thanh vắng... biết đó là triệu bất tường" ⇒ Cảm xúc chủ quan của tác giả được bộc lộ, nhất là khi ông xem đó là "triệu bất tường" (điềm gở, điềm chẳng lành). Báo trước sự suy vong tất yếu của một triều đại chỉ biết ăn chơi hưởng lạc.

* Những thủ đoạn nhũng nhiễu dân của bọn quan lại hầu cận Thời chúa Trịnh Sâm, bọn hoạn quan hầu cận trong phủ chúa rất được sủng ái → Chúng ỷ thế nhà chúa mà hoành hành tác oai, tác quái trong nhân dân. Thủ đoạn của chúng là hành động vừa ăn cướp vừa la làng...

* Tình cảnh của người dân

Người dân bị cướp tới hai lần, bằng không thì phải tự tay huỷ bỏ của quý của mình. Chính bà mẹ của tác giả đã phải sai chặt đi một cây lê và hai cây lựu quí rất đẹp trong vườn nhà mình để tránh tai họa.

* Nghệ thuật

- Cảnh được miêu tả là cảnh thực (cảnh ở các khu vườn rộng...)

- Cảm xúc chủ quan của tác giả được bộc lộ khi ông xem đó là "triệu bất tường".

- Các sự việc đưa ra cụ thể, chân thực, khách quan, không xen lời bình của tác giả, có liệt kê và cũng có miêu tả tỉ mỉ vài sự kiện để khắc hoạ ấn tượng. Cảm xúc của tác giả (thái độ bất bình, phê phán) cũng được gửi gắm kín đáo.

c. Kết đoạn

- Suy nghĩ của bản thân về thực trạng của đất nước qua những ghi chép của tác giả.

- Liên hệ thực tế xã hội ngày nay.