Câu 1: Em hãy dựa vào lời giới thiệu sơ lược về thể thơ lục bát ở chú thích (SGK) để nhận dạng thể thơ của đoạn thơ được trích dịch trong Bài ca Côn Sơn về số câu, số chữ trong câu, cách gieo vần.

Bản dịch Bài ca Côn Sơn là thể lục bát. Lục bát nghĩa là 6 - 8, cứ sau một câu 6 chữ là một câu 8 chữ. Chữ cuối câu lục vần với chữ thứ 6 của câu bát, chữ cuối câu bát lại vần với chữ cuối của câu lục ở dưới.

Câu 2: Em hãy đếm trong đoạn thơ có mấy từ ta và trả lời các câu hỏi:

a) Nhân vật ta là ai?

b) Hình ảnh và tâm hồn của nhân vật ta hiện lên trong đoạn thơ như thế nào?

c) Tiếng suối chảy rì rầm được ví với tiếng đàn cầm. Đá rêu phơi được ví với chiếu êm. Cách ví von đó giúp em cảm nhận được điều gì về nhân vật ta?

Trong bài thơ, đại từ ta xuất hiện năm lần. Ta ở đây chính là tác giả bài thơ. Ta nghe tiếng suối mà như nghe tiếng đàn. Ta ngồi trên đá lại tưởng ngồi chiếu êm. Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm..., ta ngâm thơ nhàn...

Giữa khung cảnh thơ mộng, hình ảnh của thi sĩ giống như một nhà hiền triết hoặc một Tiên ông đang đắm mình vào thiên nhiên tuyệt mĩ. Bóng dáng nhà thơ hiện lên mờ ảo, thấp thoáng. Dường như ông hoà lẫn vào suối, vào rêu, vào đá, vào thông, vào trúc. Cái bóng dáng ẩn hiện và tiếng ngâm thơ trầm bổng, ngân nga trong không gian ấy gần như đã thể hiện đúng hoàn cảnh và tâm trạng của Nguyễn Trãi lúc bấy giờ.

Nguyễn Trãi vừa là thi sĩ, vừa là hoạ sĩ vẽ vời phong cảnh hữu tình của Côn Sơn. Ông đã vẽ bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ với nhân vật trữ tình là chính mình. Ông còn là một nhạc sĩ tài hoa đã sáng tác Bài ca Côn Sơn bằng những nốt nhạc trầm bổng du dương cuốn hút lòng người.

Nhà thơ hoà mình vào thiên nhiên hoang sơ, thanh tĩnh. Từ tiếng suối trong, từ những tấm thảm rêu biếc, những tán thông, rừng trúc đều toát lên vẻ êm ả, đem lại sự bình yên cho tâm hồn. Bao lo lắng, phiền muộn của cuộc đời dường như được trút sạch, con người và thiên nhiên hoà làm một.

Câu 3: Cùng với hình ảnh của nhân vật ta, cảnh tượng Côn Sơn được gợi tả bằng những chi tiết nào? Hãy nhận xét về cảnh tượng Côn Sơn.

Cảnh tượng Côn Sơn được Nguyễn Trãi cảm nhận và miêu tả không chỉ bằng thị giác, thính giác mà còn bằng cả trái tim. Người đọc nhận ra tâm hồn trong sáng và tài hoa hiếm có của thi nhân qua bài thơ này.

Khung cảnh thiên nhiên Côn Sơn hiện lên khoáng đạt và thanh tĩnh trong sắc lá xanh ngời. Dòng suối trong veo chảy róc rách như tiếng đàn lúc khoan, lúc nhặt. Phiến đá phẳng phủ rêu xanh mướt, mịn như chiếu êm. Thông, tùng mọc như nêm; rừng trúc bạt ngàn màu xanh tươi mát che ánh nắng mặt trời, tạo ra khung cảnh tao nhã cho thi nhân ngồi ngâm thơ nhàn một cách thú vị... Hình ảnh cây trúc, cây tùng trong văn chương tượng trưng cho khí phách cứng cỏi của người quân tử: Bần tiện bất năng di, Uy vũ bất năng khuất. Qua nét vẽ tài hoa của ngòi bút Nguyễn Trãi, khung cảnh Côn Sơn hiện lên với những đặc điểm riêng biệt, không thể lẫn với bất cứ bức tranh sơn thuỷ nào.

Câu 4: Em có cảm nghĩ gì về hình ảnh nhân vật ta ngâm thơ nhàn trong màu xanh mát của bóng trúc râm? Từ đó, em thử hình dung thi sĩ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn là con người thế nào.

Nếu như ở bốn câu đầu, khung cảnh thiên nhiên Côn Sơn được Nguyễn Trãi miêu tả một cách khách quan thì ở các câu thơ sau, tác giả lại kín đáo lồng vào trong đó lời khuyên xuất thế.

Hai câu thơ cuối đoạn: Trong rừng có bóng trúc râm, Dưới màu xanh mát ta ngâm thơ nhàn cho thấy hình ảnh một con người giao hoà trọn vẹn với thiên nhiên, tìm thấy trong thiên nhiên niềm vui và sự thanh thản cho tâm hồn mình. Cảnh trí Côn Sơn hiện lên như một người bạn tri âm tri kỉ với nhà thơ.

Câu 5: Hãy chỉ ra hiện tượng dùng điệp từ trong đoạn thơ và phân tích tác dụng của điệp từ đối với việc tạo nên giọng điệu của đoạn thơ.

Đoạn thơ có giọng điệu nhẹ nhàng, du dương nghe rất êm tai. Các điệp từ Côn Sơn, ta, trong rừng... góp phần tạo nên giọng điệu đó.