Câu 1: Qua tiêu đề bài thơ, có thể thấy sự biểu hiện tình yêu quê hương ở bài thơ này có gì độc đáo?
Gợi ý: So sánh với tình huống thể hiện tình quê hương trong bài Tĩnh dạ tứ
- Tĩnh dạ tứ : Ở nơi đất khách, thi sĩ nhìn trăng sáng mà nhớ quê nhà.
- Hồi hương ngẫu thư: Tác giả cả đời xa nhà, nay về lại quê hương. Một nỗi chua xót dâng lên trong lòng ông khi bị đám trẻ ở làng coi như khách lạ. Chính trong tâm trạng đó mà tình yêu quê hương của tác giả lại càng bộc lộ một cách thiết tha, sâu sắc.
- Tên chữ Hán của bài thơ là Hồi hương ngẫu thư. Ngẫu thư nghĩa là ngẫu nhiên mà viết ra. Ngẫu nhiên vì tác giả không có chủ định làm thơ. Tác giả kể rằng khi về đến làng, ông không gặp bạn bè hay những người thân trong gia đình ra đón mà gặp đám trẻ con đang chơi đùa. Đó chính là duyên cớ - mà duyên cớ thì bao giờ cũng có tính chất ngẫu nhiên, khiến tác giả cũng ngẫu nhiên nổi lên thi hứng mà viết bài thơ này.
Nhưng nếu chỉ vì duyên cớ ngẫu nhiên thì bài thơ không thể hay, không thể rung động lòng người mà đằng sau nó là tình cảm quê hương của nhà thơ dồn nén bao năm giờ đây cần được thổ lộ.
Câu 2: Chứng minh hai câu đầu đã dùng phép đối trong câu (còn gọi là tiểu đối, tự đối ). Nêu tác dụng của việc dùng phép đối ấy. Lưu ý: Ở thơ ngũ ngôn và thất ngôn, số chữ của hai vế đối nhau trong câu không bằng nhau, tuy vậy, xét về mặt từ loại và cú pháp, vẫn có thể đối rất chỉnh.
- Phép đối ở hai câu đầu thể hiện tài thơ sắc sảo của tác giả:
Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi,
Hương âm vô cải, mấn mao tồi.
(Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao.)
Vì là bài thơ thất ngôn nên số chữ của hai vế đối nhau trong câu không bằng nhau (4/3). Tuy vậy, xét về mặt từ loại và cú pháp, vẫn có thể đối rất chỉnh cả về ý lẫn lời (ở câu đầu); Ở câu thứ hai, một bộ phận đối chỉnh cả ý lẫn lời (hương âm / mấn mao), một bộ phận tuy đối không thật chỉnh về lời song vẫn rất chỉnh về ý (vô cải: không đổi / tồi: thay đổi) và chức năng ngữ pháp của hai từ vô cải và tồi đều làm vị ngữ trong câu.
Nhờ phép đối, câu 1 đã làm nổi bật sự thay đổi về hình dáng do tuổi tác của một con người cả đời xa quê và bước đầu hé lộ tình cảm đối với quê hương của nhà thơ; để rồi tiếp đó, ở câu 2, sự tương phản giữa mái tóc bạc đã rụng với giọng quê không đổi đã nói lên tình cảm yêu mến, gắn bó với quê hương của tác giả là sâu nặng, thuỷ chung.
Ở câu thứ hai, tác giả miêu tả chính mình bằng hai chi tiết đối lập: Hương âm vô cải, mấn mao tồi. Nhà thơ lấy một chi tiết đã thay đổi là mái tóc (mấn mao tồi) để làm nổi bật yếu tố không thay đổi là giọng nói quê hương (hương âm vô cải) với mục đích nhấn mạnh ý: hình thức bên ngoài dẫu có bị thời gian và cuộc sống lâu dài ở kinh thành làm cho đổi thay nhiều nhưng bản chất bên trong vẫn nguyên vẹn là con người của quê hương.
Câu 3: Kẻ lại bảng sau vào vở và đánh dấu x vào ô mà em cho là hợp lí:
Phương thức biểu đạt | Tự sự | Miêu tả | Biểu cảm | Biểu cảm qua tự sự | Biểu cảm qua miêu tả |
Câu 1 | |||||
Câu 2 |
Sau khi đánh dấu, có thể dùng lời để giải thích thêm; cũng có thể dùng cách giải thích khác không có trong các ô.
Phương thức biểu đạt | Tự sự | Miêu tả | Biểu cảm | Biểu cảm qua tự sự | Biểu cảm qua miêu tả |
Câu 1 | × | × | × | ||
Câu 2 | × | × | × |
- Câu 1 là câu kể, phương thức biểu đạt là tự sự nhưng vẫn có yếu tố biểu cảm, vì vậy phương thức biểu đạt chủ yếu là biểu cảm qua tự sự.
- Câu 2 là câu tả, phương thức biểu đạt là miêu tả nhưng vẫn có yếu tố biểu cảm, vì vậy phương thức biểu đạt chủ yếu là biểu cảm qua miêu tả.
Câu 4: Sự biểu hiện của tình quê hương ở hai câu trên và hai câu dưới có gì khác nhau về giọng điệu?
Gợi ý: Phân tích xem vì sao chỉ có nhi đồng xuất hiện và sự xuất hiện đó cùng tiếng cười, câu hỏi hồn nhiên, thơ ngây của các em có làm cho tác giả vui lên không.
Chỉ có nhi đồng xuất hiện khi tác giả đặt chân về làng vì những người cùng trang lứa với ông giờ đây chắc không còn ai nữa.
Trẻ em trong làng đón khách lạ bằng tiếng cười trong trẻo và những câu hỏi hồn nhiên, thơ ngây khiến cho nỗi lòng tác giả càng thêm chua xót. Tình huống ấy đã tạo nên cảm xúc bi hài thấp thoáng sau lời kể cố giữ vẻ khách quan, trầm tĩnh của nhà thơ. Không chỉ nhà thơ ngậm ngùi, đau xót mà người đọc cũng đồng cảm sâu sắc trước cảnh ngộ trớ trêu ấy của ông.
Câu 5: Căn cứ vào bản dịch nghĩa bài Hồi hương ngẫu thư và những điều cảm nhận được qua việc học bài thơ, hãy so sánh hai bản dịch thơ của Phạm Sĩ Vĩ và Trần Trọng San.
Dịch nghĩa:
Rời nhà từ lúc còn trẻ, già mới quay về,
Giọng quê không đổi, nhưng tóc mai đã rụng.
Trẻ con gặp mặt, không quen biết,
Cười hỏi: khách ở nơi nào đến?
Dịch thơ:
Khi đi trẻ, lúc về già
Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao.
Trẻ con nhìn lại không chào
Hỏi rằng: Khách ở chốn nào lại chơi?
(Phạm Sĩ Vĩ dịch)
Trẻ đi, già trở lại nhà,
Giọng quê không đổi, sương pha mái đầu.
Gặp nhau mà chẳng biết nhau,
Trẻ cười hỏi: “Khách từ đầu đến làng?".
(Trần Trọng San dịch)
Cả hai bản dịch thơ đều hay, nhưng bản dịch của Phạm Sĩ Vĩ sát ý với nguyên tác hơn.