Câu 1: Bài tuỳ bút này nói về cái gì? Để nói về đối tượng ấy, tác giả đã sử dụng những phương thức biểu đạt nào (miêu tả, thuyết minh, biểu cảm, bình luận)? Phương thức nào là chủ yếu? Bài văn có mấy đoạn? Nội dung chính của mỗi đoạn là gì?
Bài tuỳ bút này nói về một đặc sản của Hà Nội là món cốm được làm từ lúa nếp non và nổi tiếng nhất là cốm làng Vòng ở xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm. Nhà văn gọi cốm là một thứ quà của lúa non. Đây là bài tuỳ bút trữ tình nói về cảm nghĩ của tác giả về cốm: cốm là niềm vui tuổi thơ; cốm là vẻ đẹp của người thôn nữ; cốm là sự chia sẻ và liên kết niềm vui bình dị của con người Việt Nam.
Để nói về cốm, tác giả đã sử dụng nhiều phương thức như kể, tả, biểu cảm, bình luận... nhưng nổi bật nhất vẫn là biểu hiện trực tiếp cảm xúc của mình. Phương thức này tạo nên yếu tố trữ tình đậm đà trong bài văn.
Bài văn có thể chia làm 3 đoạn như sau:
- Đoạn 1: Từ đầu đến ... thuyền rồng: Hương thơm của lá sen gợi nhớ đến cốm và sự hình thành của hạt cốm từ những gì tinh tuý nhất của thiên nhiên và bàn tay khéo léo của con người.
- Đoạn 2: Tiếp đến ...kín đáo và nhũn nhặn: Phát hiện và ca ngợi giá trị của cốm - thức dâng đặc biệt thanh khiết của đất trời. Cốm đã trở thành một sản phẩm chứa đựng giá trị văn hoá gắn liền với phong tục sêu tết của dân tộc Việt.
- Đoạn 3: Phần còn lại: Bàn về cách thưởng thức cốm. Ý nghĩa sâu xa trong việc thưởng thức một thứ sản phẩm kết tinh nhiều giá trị của trời đất và con người. Lời đề nghị của tác giả đối với những người mua và thưởng thức món quà đặc biệt này.
Câu 2: Đọc đoạn văn từ đầu đến “trong sạch của Trời” và cho biết:
- Tác giả đã mở đầu bài viết về cốm bằng những hình ảnh và chi tiết nào?
- Những cảm giác, ấn tượng nào của tác giả đã tạo nên tính biểu cảm của đoạn văn?
Tác giả mở bài bằng hình ảnh hương thơm của lá sen trong làn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên hồ. Hương thơm ấy gợi nhắc đến mùi vị của cốm, thứ quà đặc biệt làm từ lúa non.
Cách mở bài như thế rất tự nhiên, sinh động và cuốn hút. Tác giả đã vận dụng tối đa các giác quan để cảm nhận nguồn gốc thiên nhiên trong sạch, thuần khiết của cốm. Cảm giác và ấn tượng của tác giả về cội nguồn của cốm được làm ra từ hạt lúa đồng quê đã tạo nên tính biểu cảm của đoạn văn; đồng thời gợi cảm xúc và tưởng tượng của người đọc.
Câu 3: Tác giả đã nhận xét như thế nào về tục lệ dùng hồng, cốm làm đồ sêu tết của nhân dân ta? Sự hoà hợp, tương xứng của hai thứ ấy đã được phân tích trên những phương diện nào?
- Việc dùng cốm và hồng làm đồ sêu tết (tức là nhà trai đưa lễ vật đến nhà gái trong dịp lễ, tết trước khi cưới) thật thích hợp và có ý nghĩa sâu xa. Việt Nam là xứ sở của lúa nước. Cốm là một sản phẩm đặc biệt được làm ra từ lúa, là thức dâng của đất trời, có hương vị vừa thanh nhã vừa đậm đà.
- Sự hoà hợp của hồng và cốm được tác giả phân tích trên hai phương diện: màu sắc và hương vị. Cốm xanh có hương thanh đạm, hồng đỏ có vị ngọt sắc đặt cạnh nhau. Hai màu xanh, đỏ tương phản tượng trưng cho sự hoà hợp âm dương, cho trai gái đẹp duyên đôi lứa và cũng là hi vọng vào mối nhân duyên tốt đẹp bền vững trăm năm.
Câu 4: “Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam”. Em cảm nhận như thế nào về nhận xét ấy của tác giả.
Đây là một nhận xét chân thực và tinh tế, chứng tỏ Thạch Lam là nhà văn có tâm hồn nhạy cảm, phong phú và tình yêu tha thiết đối với vẻ đẹp của quê hương, đất nước. Cốm là một sản phẩm độc đáo chứa đựng giá trị tinh thần, giá trị văn hoá do người Việt sáng tạo ra từ hạt lúa, cũng giống như bánh chưng, bánh giầy. Hương vị cốm là hương vị mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ, gần gũi với bản tính thuần hậu, chất phác của người nông dân Việt Nam tự bao đời.
Câu 5: Đoạn sau của bài văn (từ “Cốm không phải thức quà của người vội” đến hết) bàn về sự thưởng thức cốm. Sự tinh tế và thái độ trân trọng của tác giả đối với việc thưởng thức một món quà bình dị đã được thể hiện như thế nào?
Bàn về sự thưởng thức món cốm, tác giả đã có một cách nghĩ thấu đáo và một thái độ văn hoá đúng đắn, thanh lịch. Ăn cốm, ta phải ăn từng chút một, vừa nhai nhỏ nhẹ vừa ngẫm nghĩ đến vị thơm của cốm thoang thoảng mùi lúa làm đòng; vị ngọt của cốm phiêu phiêu nhẹ nhàng như khi trời trong sạch. Ta sẽ thấy ăn một miếng cốm là nuốt cả hương thơm của đồng quê vào lòng. Cũng bởi cốm là món quà trang nhã của Thần Nông đem đến cho ta từ những cánh đồng bát ngát nên nó không chấp nhận được những gì phàm tục.
Tuy cốm là một thứ quà bình dị, dân dã nhưng nó là tinh tuý của đất trời nên người thưởng thức cũng phải biết thưởng thức đúng cách để có thể tận hưởng cái đẹp, cái ngon của cốm.
Với nhà văn Thạch Lam, việc thưởng thức Cốm đồng nghĩa với thưởng thức hương vị tuyệt vời của quê hương, đất nước. Cho nên ông đã khuyên người mua hãy nhẹ nhàng, nâng niu thức quà thần tiên ấy và phải biết tỏ ra kính trọng cái lộc của Trời, cái khéo léo của người và sự tiềm tàng và nhẫn nại của Thần Lúa. Có như vậy thì sự thưởng thức... sẽ được trang nhã và đẹp đẽ hơn, và cái vui cũng tươi sáng hơn nhiều lắm.
Đây cũng là một trong những biểu hiện của tình yêu quê hương đất nước tha thiết ở Thạch Lam. Với Thạch Lam, ăn cốm là sự thưởng thức nhiều giá trị được kết tinh trong đó. Đấy cũng chính là cái nhìn văn hoá, lịch lãm và tinh tế trong nghệ thuật ẩm thực.
Câu 6: Bài văn thể hiện nét đặc sắc của ngòi bút Thạch Lam là thiên về cảm giác tinh tế, nhẹ nhàng mà sâu sắc. Em hãy tìm và phân tích một số ví dụ cụ thể trong bài văn để chứng minh nhận xét đó.
- Ở đoạn văn mở đầu, tác giả đã đưa ra nhận xét tinh tế về món cốm, một đặc sản lâu đời của Hà Nội: Cốm là thứ quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ... Tác giả không vội trưng ra vẻ đẹp, vẻ thanh của cốm mà từ từ dẫn dắt người đọc đến với thứ quà đặc biệt này bắt đầu từ nguồn gốc của nó. Bằng tình cảm trân trọng, tác giả đã phát hiện ra nét đẹp văn hoá dân tộc ẩn chứa trong thứ quà quen thuộc ấy.
- Đoạn hai nói về giá trị của cốm. Tác giả đã đưa ra nhiều hình ảnh so sánh rất đẹp và trình bày theo phương thức nghị luận bình luận.
Lời bình thứ nhất: Cốm là thứ quà riêng biệt... của đất nước... giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam. Đoạn văn đem đến cho người đọc có cách hiểu mới mẻ về cốm. Cốm là quà tặng của đồng quê cho con người, là đặc sản vì nó kết tinh hương vị thanh khiết của đồng quê, nội cỏ hiền hoà. Do đó, cốm là món quà mộc mạc, dân dã nhưng có ý nghĩa rất sâu xa.
Tiếp sau đó, tác giả bình luận: Hồng Cốm tốt đôi... để hạnh phúc được lâu bền: Nhà văn đã nhận ra ý nghĩa sâu xa trong việc dùng hồng và cốm để làm quà sêu Tết. Nhà trai đem lễ vật đến nhà gái, còn gì quý hơn là hồng với cốm?! Cốm là thức dâng của đất trời, có hương vị vừa thanh nhã vừa đậm đà, là sự kết tinh của nhiều giá trị (thiên nhiên và công sức con. người). Cốm màu xanh ngọc, hồng màu đỏ thắm. Hai màu tương phản đi với nhau thật ăn ý, tượng trưng cho sự hoà hợp âm dương, cho trai gái xứng đôi vừa lứa và cũng là hi vọng vào mối nhân duyên tốt đẹp, vững bền.
Giá trị của cốm được tác giả phát hiện trên hai phương diện: Giá trị tinh thần và giá trị văn hoá dân tộc. Qua đó, tác giả muốn truyền tới bạn đọc tình cảm và thái độ trân trọng và giữ gìn cốm như một vẻ đẹp văn hoá dân tộc.