Câu 1: Bài văn viết về cảnh sắc và không khí mùa xuân ở đâu? Hoàn cảnh và tâm trạng của tác giả khi viết bài này?

Bài văn được viết trong hoàn cảnh đất nước ta bị chia cắt, tác giả phải sống trong vùng kiểm soát của Mĩ - nguỵ ở miền Nam. Xa cách quê hương đất Bắc, nhà văn đã gửi vào từng trang sách nỗi niềm thương nhớ quê hương, gia đình tha thiết và lòng mong mỏi đất nước hoa bình, thống nhất. Tình cảm đó được thể hiện qua dòng hoài niệm miên man về cảnh sắc thiên nhiên và phong vị cuộc sống của Thủ đô Hà Nội với vẻ đẹp mang đậm bản sắc văn hoá tinh tế của một vùng và cũng là của chung đất nước.

Câu 2: Bài văn có thể chia làm mấy đoạn? Nêu nội dung chính của mỗi đoạn và sự liên kết giữa các đoạn.

Bài văn có thể chia làm ba đoạn như sau:

- Đoạn mở đầu: Từ đầu đến ... mê luyến mùa xuân: Tình cảm yêu mến của con người đối với mùa xuân là quy luật tất yếu, tự nhiên.

- Đoạn hai: Từ Tôi yêu sông xanh... đến ...mở hội liên hoan: Cảnh sắc, không khí mùa xuân của đất trời và lòng người.

- Đoạn ba: Phần còn lại: Nét đặc sắc của khung cảnh mùa xuân đất Bắc sau rằm tháng Giêng.

* Nhận xét: Từ tình cảm yêu mến tự nhiên của con người đối với mùa xuân, tác giả nhớ lại cảnh sắc và không khí mùa xuân Hà Nội, rồi hồi tưởng đến những nét riêng của mùa xuân quê hương. Bài văn có sự liên kết khá chặt chẽ theo dòng hồi tưởng của tác giả.

Câu 3: Đọc lại đoạn văn từ “Tôi yêu sông xanh, núi tím” đến “mở hội liên hoan” và cho biết:

a) Cảnh sắc mùa xuân Hà Nội và miền Bắc đã được gợi tả như thế nào, qua những chi tiết nào?

b) Mùa xuân đã khơi dậy sức sống trong thiên nhiên và con người như thế nào? Những tình cảm gì trỗi dậy mạnh mẽ nhất trong lòng tác giả khi mùa xuân đến?

c) Em có nhận xét gì về giọng điệu và ngôn ngữ của đoạn văn này?

a. Cảnh sắc mùa xuân Hà Nội và miền Bắc đã được tác giả gợi tả thật tinh tế bằng những chi tiết tiêu biểu mang nét đẹp riêng cả trong thiên nhiên và đời sống sinh hoạt của con người. Về cảnh sắc thiên nhiên, tác giả đã miêu tả thời tiết, khí hậu đặc biệt của mùa xuân: mưa riêu riêu, gió lành lạnh... Cái lạnh như từ mùa đông còn vương lại nhưng trong đó đã có cái ấm áp nồng nàn của khí xuân, hơi xuân tràn ngập đất trời và thấm vào lòng người: Mùa xuân có tiếng nhạn kêu trong đêm xanh, có tiếng trống chèo vọng lại từ những thôn xóm xa xa, có câu hát huê tình của cô gái đẹp như thơ mộng. Không khí mùa xuân hiện lên trong khung cảnh sum họp đầm ấm của gia đình ngày Tết với bàn thờ, đèn nến, nhang trầm,... và tình cảm ruột thịt yêu thương thắm thiết.

b. Sức sống của thiên nhiên và con người trong mùa xuân cũng được nói lên bằng nhiều hình ảnh gợi cảm và so sánh cụ thể: nhựa sống ở trong người căng lên như máu căng lên trong lộc của loài nai, như mầm non của cây cối nằm im mãi không chịu được phải trồi ra thành những cái lá nhỏ li ti.

Mùa xuân đến làm cho tim người ta dường như cũng trẻ hơn ra và đập mạnh hơn trong những ngày đông tháng giá.

Mùa đông khơi dậy nỗi khao khát yêu thương trong lòng tác giả: Ra ngoài đường, thấy ai cũng muốn yêu thương, về đến nhà lại cũng thấy yêu thương nữa.

c. Cảm xúc của tác giả được nói lên bằng một giọng điệu sôi nổi, tha thiết, bằng một ngôn ngữ uyển chuyển, trau chuốt, giàu chất trữ tình. Điều đó đã góp phần quan trọng tạo nên sức truyền cảm mạnh mẽ của đoạn văn.

Câu 4: Đọc lại đoạn văn từ “Đẹp quá đi” đến hết và tìm hiểu:

a) Không khí và cảnh sắc thiên nhiên từ sau ngày rằm tháng Giêng qua sự miêu tả của tác giả.

b) Qua việc tái hiện những cảnh sắc và không khí ấy, tác giả đã thể hiện sự tinh tế, nhạy cảm trước thiên nhiên như thế nào?

a. Ở đoạn văn này, nhà văn đã phát hiện và đem đến cho người đọc cảm nhận về vẻ đẹp đặc biệt của mùa xuân trong thời điểm từ sau ngày rằm tháng Giêng. Đó là lúc Tết đã hết mà chưa hết hẳn, đào hơi phai nhưng nhụy vẫn còn phong, cỏ không mướt xanh như cuối đông đầu Giêng, nhưng trái lại, lại nức một mùi hương man mác. Và mưa xuân bắt đầu thay thế cho mưa phùn, bầu trời cũng xanh tươi, trong sáng hơn.

b. Miêu tả sự thay đổi của cảnh sắc và không khí mùa xuân vào thời điểm ấy, tác giả đã bộc lộ sự quan sát sắc sảo và cảm nhận tinh tế trước thiên nhiên của mình. Bài văn cho thấy tác giả không chỉ am hiểu mà còn yêu mến thiên nhiên, trân trọng sự sống và biết tận hưởng những vẻ đẹp của cuộc sống. Tác giả đã miêu tả sự thay đổi, chuyển biến của không khí và màu sắc từ bầu trời, mặt đất, cây cỏ trong khoảng từ sau Tết Nguyên Đán qua rằm tháng Giêng. Có thể thấy điều đó qua những hình ảnh, chi tiết đặc sắc mà hình ảnh so sánh sau đây là một ví dụ tiêu biểu: Chỉ độ tám chín giờ sáng, trên nền trời trong trong có những làn sáng hồng hồng rung động như cánh con ve mới lột. Không có sự rung động mãnh liệt, không có óc quan sát tinh tế thì không thể viết nên những câu văn truyền cảm đến vậy.

Câu 5: Nêu cảm nhận của em về cảnh sắc mùa xuân miền Bắc qua ngòi bút tài hoa, tinh tế của tác giả.

- Mùa xuân của đất Bắc có mưa phùn, chim én. Mùa xuân đem tới năng lực sống cho muôn loài. Mùa xuân gia đình sum họp, tình người tha thiết yêu thương.

- Khơi dậy tình yêu cuộc sống, sự gắn bó thuỷ chung với quê hương.

- Thể hiện lòng mong mỏi đất nước hoà bình thống nhất, để tác giả có mùa xuân sum họp với những người thân yêu.

Câu 6: Sưu tầm và chép lại một số đoạn văn, câu thơ hay về mùa xuân.

* Tham khảo một số câu thơ, bài thơ dưới đây:

CẢNH MÙA XUÂN

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Cỏ non xanh rợn chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

Thanh minh trong tiết tháng ba,

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.

Gần xa nô nức yến anh,

Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.

Dập dìu tài tử giai nhân,

Ngựa xe như nước áo quần như nêm.

(Nguyễn Du - Truyện Kiều)

Rằm xuân lồng lộng trăng soi

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.

(Hồ Chí Minh - Rằm tháng Giêng)

Trong làn nắng ửng khói mơ tan

Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng

Sột soạt gió trêu tà áo biếc

Trên giàn thiên lý bóng xuân sang.

(Hàn Mặc Tử - Mùa xuân chín)