Câu 1: Bài 1 “giới thiệu” về “chú tôi” như thế nào? Hai dòng đầu có ý nghĩa gì? Bài này châm biếm hạng người nào trong xã hội?

Bài thứ nhất là lời “giới thiệu”, “quảng cáo” về nhân vật chú tôi. Chân dung người chú là bức biếm hoạ được vẽ bằng những nét trào lộng, mỉa mai.

Hai câu mở đầu: Cái cò lặn lội bờ ao, Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng? làm nhiệm vụ bắt vần và chuẩn bị cho việc giới thiệu nhân vật.

Hình ảnh cô yếm đào tương phản với hình ảnh chú tôi. Chiếc yếm đào tượng trưng cho những cô gái nông thôn trẻ đẹp. Xứng đáng lấy cô yếm đào phải là chàng trai chăm chỉ, giỏi giang chứ không thể là kẻ có nhiều thói hư tật xấu.

Cái cò giới thiệu về người chú của mình với giọng điệu cố làm ra vẻ phô trương, trịnh trọng: Chú tôi hay tửu hay tăm, Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa. Ý nghĩa phê phán, chỉ trích nằm cả ở từ hay. Theo cách hiểu dân gian thì hay có nghĩa là tài giỏi, nhưng trong văn cảnh này thì nó có nghĩa ngược lại. Tưởng hay lam hay làm, ai dè lại hay rượu hay chè đến mức nghiện ngập, bê tha. Ý mỉa mai của từ hay còn hàm chứa ở tầng nghĩa sâu hơn nữa: Tuổi thanh niên sức dài vai rộng mà không lo chí thú làm ăn, lại chấp nhận sống đời tầm gửi thì quả là chẳng đáng mặt làm trai chút nào.

Câu ca dao cụ thể hoá sự lười biếng của nhân vật chú tôi thành những ước muốn trái lẽ tự nhiên: Ngày thì ước những ngày mưa, Đêm thì ước những đêm thừa trống canh. Anh ta ước những ngày mưa để không phải đi làm; ước những đêm thừa trống canh để được tha hồ ngủ. Vậy là ngoài nghiện rượu, nghiện chè, nhân vật chú tôi lại còn thêm nghiện... ngủ (!) Toàn là những thói xấu rất đáng chê cười.

Thông thường, để tác thành việc nhân duyên cho ai đó, người ta phải nói những điều hay, điều tốt. Nhưng ở bài ca dao này thì ngược lại. Tác giả đặt cái vô giá trị cạnh cái giá trị, cái xấu cạnh cái tốt với ý mỉa mai giễu cợt nhân vật chú tôi - tiêu biểu cho hạng đàn ông bất tài vô dụng.

Câu 2: Bài 2 nhại lời của ai nói với ai? Em có nhận xét gì về lời của thầy bói? Bài ca này phê phán hiện tượng nào trong xã hội? Hãy tìm những bài ca dao khác có nội dung tương tự.

Bài ca dao thứ hai chỉ nhại lại những lời phán của ông thầy bói nói với cô gái đi xem bói chứ tuyệt nhiên không đưa ra ý kiến bình luận, đánh giá nào. Đây là nghệ thuật dùng “gậy ông đập lưng ông”, có tác dụng gây cười và châm biếm rất thâm thuý.

Ông thầy bói phán toàn những chuyện hệ trọng mà người đi xem bói (là nữ) rất quan tâm: giàu - nghèo, cha - mẹ, chồng - con. Ở đây, ta thấy chuyện nào thầy bói cũng nói vanh vách và hết sức cụ thể. Chỉ buồn cười là thầy nói theo kiểu nước đôi, chẳng thế này thì thế nọ. Những sự việc hiển nhiên mà người nào cũng thấy, cũng biết, chẳng cần đến thần thánh phán bảo qua miệng lưỡi dẻo quẹo của thầy.

Ở đời, mỗi người một số phận khác nhau, có kẻ giàu, người nghèo, có kẻ sang, người hèn... Thầy bói phán: Số cô không giàu thì nghèo, có nghĩa là bất luận thế nào thì lời thầy cũng đều đúng cả (!) Ba ngày Tết, dù giàu dù nghèo thì mỗi nhà cũng cố mà lo cho được miếng thịt, đĩa xôi để cúng tổ tiên, ông bà, đó là lẽ đương nhiên. Nhà cô Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà, chắc chắn là thế, thầy chẳng có nói sai đâu (?!)

Tính chất trào lộng, châm biếm của bài ca dao được đẩy lên tới điểm đỉnh ở những lời thầy phán về phụ mẫu: Số cô có mẹ có cha, Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông và về nhân duyên: Số cô có vợ có chồng, Sinh con đầu lòng, chẳng gái thì trai. Điệp từ Số cô được đặt ở đầu mỗi câu và lặp đi lặp lại nhiều lần làm tăng vẻ trịnh trọng, thiêng liêng của lời thánh phán nhưng thực chất là thủ đoạn để moi tiền của những người nhẹ dạ, cả tin.

Cách nói ỡm ờ nước đôi thật ở hình thức, giả ở nội dung đã lật tẩy bản chất lừa bịp của những kẻ hành nghề bói toán lợi dụng sự mê tín để trục lợi. Bài ca dao cũng phê phán sự mê tín đến mức mù quáng của không ít người trong xã hội đương thời. Với nội dung tích cực như vậy nên cho đến nay, bài ca dao vẫn nóng hổi ý nghĩa thời sự.

Ca dao có câu châm biếm hạng người lười biếng, chuyên đi lừa đảo, dụ dỗ người khác: Thầy đi xem bói cho người, số thầy thì để cho ruồi nó bâu.

Câu 3: Mỗi con vật trong bài ca dao thứ ba tượng trưng cho ai, hạng người nào trong xã hội xưa? Việc chọn các con vật để miêu tả, “đóng vai” như thế lí thú ở điểm nào? Cảnh tượng trong bài có phù hợp với đám tang không? Bài ca này phê phán, châm biếm cái gì?

Bài ca dao thứ ba vẽ lên cảnh tượng một đám ma theo tục lệ cũ. Mỗi con vật tượng trưng cho một loại người, một hạng người trong xã hội phong kiến. Con cò tượng trưng cho người nông dân nghèo. Cà cuống tượng trưng cho những kẻ có máu mặt như lí trưởng, chánh tổng và đám chức dịch trong làng. Lũ chim ri, chào mào gợi liên tưởng tới bọn cai lệ, lính lệ tay sai. Chim chích giống như anh mõ chuyên đi rao việc làng trong các tích chèo cổ.

Người xưa chọn các con vật để “đóng vai” như thế là nhằm mục đích mượn thế giới loài vật để nói về xã hội loài người (giống truyện ngụ ngôn). Từng con vật với những đặc điểm riêng là hình ảnh sinh động tiêu biểu cho từng loại người, hạng người trong xã hội cũ. Do vậy mà nội dung châm biếm, phê phán của bài ca dao trở nên kín đáo hơn, sâu sắc hơn.

Cảnh đám ma được miêu tả trong bài ca dao hoàn toàn trái ngược với cảnh tượng ở một đám ma bình thường bởi nó không buồn thảm mà còn có vẻ tưng bừng. Cuộc đánh chén lu bù diễn ra vui vẻ trong cảnh tang tóc. Bài ca dao này châm biếm hủ tục ma chay trong xã hội cũ. Phê phán những kẻ lợi dụng hủ tục để hưởng lợi. Tàn dư của hủ tục ấy đến nay vẫn còn, chúng ta cần phê phán mạnh mẽ để loại trừ nó ra khỏi đời sống văn minh.

Câu 4: Trong bài ca dao thứ tư, chân dung “cậu cai” được miêu tả như thế nào? Em có nhận xét gì về nghệ thuật châm biếm của bài ca này?

Bài ca dao thứ tự miêu tả chân dung anh chàng cai lệ - kẻ đứng đầu đám lính canh gác và phục dịch ở phủ, huyện; là chức thấp nhất trong quân đội thời phong kiến.

Trước tiên phải kể đến cái bề ngoài nhố nhăng của cậu cai. Đầu đội nón dấu lông gà, chứng tỏ cậu cai là lính, nhưng chi tiết ngón tay đeo nhẫn lại đặc tả tính thích phô trương, làm dáng và trai lơ của cậu.

Lâu lâu được các quan phủ, quan huyện sai phái, dù là việc vặt thì cậu cai cũng coi đó là dịp may để phô trương “quyền lực”. Cậu phải vất vả xoay sở sao cho đủ bộ: Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê. Câu ca dao đã nói lên cái thân phận bé mọn đến thảm hại của kẻ đầy tớ chốn công đường. Ở đây, tác giả dùng biện pháp phóng đại nhằm mỉa mai, giễu cợt những kẻ hữu danh vô thực, chỉ có cái mẽ ngoài, thậm chí đến cái mẽ ngoài cũng không thật.

Câu 5: Nhận xét về sự giống nhau của bốn bài ca dao trong văn bản, em đồng ý với ý kiến nào dưới đây:

a) Cả bốn bài đều có hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng.

b) Tất cả đều sử dụng biện pháp phóng đại.

c) Cả bốn bài đều có nội dung và nghệ thuật châm biếm.

d) Nghệ thuật tả thực có trong cả bốn bài.

Đồng ý với ý kiến c, bởi vì:

* Về nội dung: Cả bốn bài đều giễu cợt hoặc phê phán các hiện tượng xấu trong xã hội như lười nhác, tham ăn; lừa bịp, cố biến những việc tự nhiên thành huyền bí; chuyện buồn bị biến thành vui; có danh mà không có thực.

* Về hình thức: Cả bốn bài đều sử dụng nghệ thuật trào lộng, châm biếm. Tuy nhiên, ở mỗi bài có cách nói châm biếm khác nhau. Bài 1 là cách nói ngược, bài 2 là cách nói nhại, bài 3 là cách nói bóng bẩn dụ tượng trưng, bài 4 là cách miêu tả hài hước, phóng đại.

Câu 6: Những câu hát châm biếm nói trên có điểm gì giống truyện cười dân gian?

Những câu hát châm biếm nói trên và truyện cười dân gian giống nhau ở chỗ: đều lấy thói hư tật xấu của người đời để chê cười, châm biếm, dùng tiếng cười như một phương tiện để xây dựng cho con người và xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.