Câu 1: Căn cứ vào lời giới thiệu bước đầu về thơ thất ngôn bát cú Đường luật ở chú thích (SGK), em hãy nhận dạng thể thơ của bài Qua đèo Ngang về số câu, số chữ trong câu, cách gieo vần, phép đối giữa câu 3 với câu 4, câu 5 với câu 6.

- Đây là thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Cấu trúc gồm bốn phần: đề, thực, luận, kết.

- Số câu: 8 câu (bát cú)

- Số tiếng trong câu:7 tiếng (thất ngôn)

- Cách gieo vần: Chỉ gieo một vần ở tiếng cuối các câu 1,2, 4, 6, 8. Ở bài thơ này là vần a: tà, hoa, nhà, gia, ta.

+ Phép đối:

- Giữa câu 3 với câu 4:

Lom khom / dưới núi, / tiều vài chú

Lác đác / bên sông, / chợ mấy nhà.

- Giữa câu 5 với câu 6:

Nhớ nước / đau lòng, / con quốc quốc

Thương nhà / mỏi miệng, / cái gia gia

Câu 2: Cảnh tượng đèo Ngang được miêu tả ở thời điểm nào trong ngày? Thời điểm đó có lợi thế gì trong việc bộc lộ tâm trạng của tác giả?

Câu thơ đầu tiên (phá đề) nói đến thời điểm nữ sĩ đặt chân đến đây:

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,

Đó là lúc mặt trời đang lặn. Phía Tây chỉ còn chút nắng hắt những tia sáng yếu ớt lên nền trời đang sẫm dần. Thời điểm này rất dễ gợi buồn, nhất là đối với kẻ lữ thứ tha hương.

Câu 3: Cảnh đèo Ngang được miêu tả gồm những chi tiết gì? Chú ý đến không gian, thời gian, cảnh vật, âm thanh, cuộc sống con người; các từ láy: lác đác, lom khom; các từ tượng thanh: quốc quốc, gia gia.

Cảnh đèo Ngang được tác giả miêu tả bằng những hình ảnh: bóng xế tà, cỏ cây, đá, hoa, lá, núi, sông, tiều vài chú, chợ mấy nhà, có tiếng chim cuốc và chim đa đa. Cảnh đẹp nhưng nhuốm màu buồn tẻ, quạnh hiu. Màu sắc của những bông hoa rừng không đủ làm sáng lên khung cảnh núi non lúc ngày tàn, đêm xuống. Linh hồn của tạo vật như thấp thoáng sau từng chữ, từng câu.

Dáng vẻ lom khom của mấy chú tiểu hái củi sườn non làm cho con người vốn đã nhỏ bé lại càng thêm nhỏ bé trước thiên nhiên cao rộng. Cái chợ là nơi biểu hiện đời sống của một cộng đồng làng xã lẽ ra phải tấp nập, đông vui, nhưng ở đây nó chỉ là mấy túp lều xơ xác bên sông...

Giữa không gian tĩnh lặng gần như tuyệt đối ấy, vẳng lên tiếng chim cuốc khắc khoải, tiếng chim đa đa não nuột. Đó là những âm thanh có thật mà cũng có thể là tiếng vọng từ tâm trạng chất chứa nỗi buồn thời cuộc của nữ sĩ. Tiếng chim kêu không làm cho cảnh vui thêm chút nào mà lại làm tăng phần quạnh quẽ, cô liêu.

Quả là một nỗi buồn khó san sẻ, giãi bày. Nó như kết thành hình, thành khối, thành mảnh tình riêng khiến nhà thơ phải thốt lên chua xót: ta với ta. Chỉ có ta hiểu tâm sự của ta mà thôi! Vì thế nên nỗi cô đơn càng tăng lên gấp bội.

Câu 4: Hãy nhận xét về cảnh tượng đèo Ngang qua sự miêu tả của Bà Huyện Thanh Quan

Qua đèo Ngang là một bức tranh thiên nhiên hùng vĩ và hoang sơ. Cảnh núi đèo bát ngát, vắng lặng rất hợp với tâm trạng cô đơn, bâng khuâng, buồn nhớ của tác giả. Trong không gian tĩnh lặng gần như tuyệt đối, thỉnh thoảng vang lên tiếng chim cuốc (quốc quốc), chim đa đa (gia gia) kêu da diết, khắc khoải. Bóng dáng con người thật nhỏ bé, ít ỏi:

Lom khom dưới núi, tiều vài chú

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

Bằng nghệ thuật đối và đảo ngữ, hai câu thơ đã thể hiện rõ khung cảnh quạnh vắng, đìu hiu của đèo Ngang. Những từ láy lom khom, lác đác đã được dùng thật “đắc địa” trong bài thơ Đường luật này. Tiếng chim kêu cũng chỉ làm tăng thêm sự vắng lặng và càng xoáy sâu thêm vào tâm trạng buồn nhớ của nhà thơ. Cảnh đèo Ngang được nhìn ngắm vào lúc chiều tà, với một tâm trạng cô đơn, vì thế mà gợi lên cảm giác buồn đến nao lòng.

Câu 5: Hãy hình dung tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan khi qua đèo Ngang. Tâm trạng đó được thể hiện qua hai hình thức: mượn cảnh nói tình và trực tiếp tả tình như thế nào?

Khi qua đèo Ngang, bà Huyện Thanh Quan cảm thấy một nỗi cô đơn, hoài cổ thấm đẫm tâm hồn. Tâm trạng đó biểu hiện qua tâm trạng rưng rưng xúc động khi nghe tiếng chim cuốc cuốc, tiếng chim đa đa khắc khoải, da diết.

Đó cũng chính là nỗi lòng thiết tha của nhà thơ: nhớ nhà, nhớ quá khứ lịch sử vàng son của đất nước. Câu thơ cuối bài được viết theo lối biểu cảm trực tiếp càng làm nổi bật thêm tâm trạng bâng khuâng, buồn nhớ không thể san sẻ cùng ai của nữ sĩ: Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Câu 6: Nói đến một mảnh tình riêng giữa cảnh trời, non, nước bao la ở đèo Ngang thì có gì khác với cách nói một mảnh tình riêng trong một không gian chật hẹp?

Nói đến một mảnh tình riêng giữa cảnh trời, non, nước bao la ở đèo Ngang là thể hiện một mối tương quan đối lập: trời, non, nước càng bao la, cao rộng bao nhiêu thì mảnh tình riêng của nữ sĩ càng nặng nề, u uất bấy nhiêu! Dĩ nhiên là khác hẳn với cách nói một mảnh tình riêng trong một không gian chật hẹp.

Một mảnh tình riêng giữa cảnh trời, non, nước bao la là mối tương quan đối lập, ngược chiều.

Một mảnh tình riêng trong một không gian chật hẹp (ta với ta) là mối tương quan thuận chiều.

Hai cách nói hoàn toàn khác nhau và rõ ràng là cách nói thứ nhất đã đạt hiệu quả nghệ thuật cao: càng tô đậm và khắc sâu nỗi cô đơn không thể chia sẻ của nhà thơ trước cảnh đèo Ngang hoang sơ, hùng vĩ.

Câu 7: Tìm hàm nghĩa của cụm từ ta với ta.

Muốn hiểu hết hàm nghĩa của cụm từ này, ta cần đặt nó trong ngữ cảnh của toàn bài thơ, đặc biệt là ở hai câu cuối khi nhà thơ trực tiếp bộc lộ lòng mình trước cảnh đèo Ngang:

Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Trời, non, nước bát ngát, rộng mở bao nhiêu thì mảnh tình riêng càng nặng nề, khép kín bấy nhiêu. Và chỉ còn lại ta với ta! Cụm từ ta với ta đã bộc lộ sự cô đơn tuyệt đối của tác giả.