I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Khung cảnh thiên nhiên và cảnh sinh hoạt của Thủ đô Hà Nội trong những ngày vào xuân.

2. Thân bài:

a/ Khung cảnh những ngày giáp Tết Nguyên Đán:

- Khí trời ấm dần, bầu trời quang đãng, cây cối đâm chồi nảy lộc, chim chóc về nhiều...

- Trên đường nườm nượp người và xe. Phố phường được trang hoàng lộng lẫy...

- Chợ búa đầy ắp hàng hoá, nhộn nhịp kẻ bán người mua.

- Chợ hoa với hàng trăm thứ, nhiều nhất là hoa đào, hoa cúc, cây quất... Có cả hoa mai vàng miền Nam.

- Tranh Đông Hồ đem lại cho các chợ màu sắc đặc biệt của chợ Tết.

b/ Khung cảnh ngày 30 và mùng Một Tết:

+ 30 Tết:

- Trong các gia đình, bàn thờ tổ tiên đèn nến sáng trưng, khói nhang nghi ngút.

- Phòng khách bày biện đẹp đẽ. Cây đào được đặt ở vị trí trang trọng nhất.

- Cả nhà đoàn tụ ăn bữa cỗ tất niên.

- Ở góc sân, nồi bánh chưng sôi sùng sục.

- Giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, có lễ cúng giao thừa tiễn năm cũ, đón năm mới. Mọi người đổ ra đường, đến các đền chùa dâng hương và hái lộc cầu may.

- Cảnh đón giao thừa tưng bừng nhộn nhịp quanh Hồ Gươm.

+ Mùng Một với tục xông đất và mừng tuổi:

- Người nhà tự xông đất hoặc nhờ sẵn một người nào đó "tốt vía" xông đất lấy may.

- Con cháu chúc thọ ông bà, cha mẹ.

- Ông bà, cha mẹ mừng tuổi con cháu.

- Mọi người chúc nhau những điều tốt lành.

- Sang nhà người thân quen hoặc hàng xóm để chúc mừng năm mới.

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của em:

- Tết là dịp sum họp của gia đình, họ tộc để tưởng nhớ tới công đức của tổ tiên, ông bà...

- Tết là dịp mọi người gặp gỡ, tâm sự và động viên, cầu chúc cho nhau gặp nhiều may mắn trong năm mới.

- Tết Nguyên Đán là phong tục cổ truyền tốt đẹp của dân tộc ta. Mùa xuân đem tới niềm vui và hi vọng cho mọi người, nhất là tuổi trẻ...

II. BÀI LÀM

Chỉ còn vài ngày nữa là tới Tết Nguyên Đán. Thiên nhiên và con người của Thủ đô Hà Nội - đất Thăng Long ngàn năm văn vật đang náo nức chờ đón xuân sang.

Trên những con đường từ ngoại thành dẫn vào nội ô, người và xe nườm nượp. Dường như ai cũng hối hả hơn, vội vã hơn trong lúc năm hết Tết đến. Ở khu trung tâm thành phố, quang cảnh nhộn nhịp lạ thường. Bưu điện, khách sạn, siêu thị, cửa hàng... đều được trang hoàng lộng lẫy bằng những hình ảnh của mùa xuân như cành mai, cành đào... cùng hàng chữ Chúc mừng năm mới.

Chợ Đồng Xuân đầy ắp hàng hoá, người mua kẻ bán đông đúc giữa khung cảnh ồn ào, náo nhiệt. Đông nhất là ở dãy bán hàng Tết như gạo nếp, đậu xanh, lá dong, lạt giang, măng, miến, mộc nhĩ, nấm hương, giò chả, lạp xưởng, rượu, bánh kẹo, mứt và hoa quả...

Nhưng hấp dẫn nhất phải kể đến chợ hoa. Từ những làng chuyên trồng hoa như Ngọc Hà, Nhật Tân, Hữu Tiệp... hoa tuôn về các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Lược... mỗi lúc một nhiều. Nào hồng, nào cúc, lay ơn, thược dược, mẫu đơn, huệ, cẩm chướng, hướng dương... Dưới làn mưa xuân phơi phới bay, trăm thứ hoa, hoa nào cũng đẹp nhưng nổi bật hơn cả là hoa đào - tượng trưng cho mùa xuân phương Bắc. Những cây đào bích màu hồng sẫm, bông lớn, cánh nhiều, trông xa như một khối hồng đầy sức sống. Những gốc đào thế đủ hình đủ dáng phượng múa, rồng bay... Những chậu quất lá xanh quả đỏ sai lúc lỉu, tượng trưng cho may mắn và hạnh phúc... Thiên nhiên phân định cho miền Bắc cái lạnh mùa đông hợp với những cành đào thắm và đem lại cho phương Nam cái nắng rực rỡ để mai vàng khoe sắc. Thú vị thay! Hoa mai phương Nam vượt dặm trường gần hai ngàn cây số cũng đã có mặt ở đây, đem sắc nắng vàng tươi tô điểm cho bức tranh xuân Hà Nội thêm rực rỡ sắc màu.

Nhiều cụ già tóc trắng như bông, nâng niu trên tay giò thuỷ tiên hoặc phong lan vừa mua được với vẻ mặt mãn nguyện. Có cụ chăm chú xem tranh Tết dân gian Đông Hồ rồi giải thích cho những người đứng xung quanh hiểu về ý nghĩa của từng bức tranh gà, tranh lợn, đám cưới chuột, hứng dừa, đánh ghen, thầy đồ Cóc...

Mấy năm gần đây, người Hà Nội trở lại với thú chơi câu đối và chơi chữ đẹp. Những câu đối chữ Hán, chữ Việt được viết bằng mực Tàu và nhũ vàng trên nền giấy đỏ, nét chữ cầu kì, bay bướm đủ kiểu, với nội dung nhắc nhở lòng biết ơn, đạo làm người... hoặc cầu mong may mắn. Mua đôi câu đối và vài bức tranh dân gian Đông Hồ treo trong nhà mới thực sự có màu sắc Tết.

Sáng ba mươi, trên bàn thờ gia tiên của mỗi nhà, đèn nến được thắp sáng trưng, khói nhang trầm quyện với hương hoa thơm ngát. Phòng khách được bày biện gọn gàng, cành đào đặt ở vị trí trang trọng nhất. Mọi người quây quần bên mâm cỗ tất niên, chuyện trò rôm rả. Tưởng như tổ tiên cũng về sum họp với con cháu trong ba ngày Tết. Trên bếp lửa cháy đều ở góc sân, nồi bánh chưng đang sôi sùng sục. Đám trẻ nôn nao sốt ruột chờ được nếm những chiếc bánh bé xíu thơm ngậy và nóng hổi. Xong bữa cơm tất niên, ông bà, cha mẹ lại chuẩn bị mâm cúng giao thừa.

Sau mọi lo toan của công việc làm ăn trong năm và những tất bật mua sắm ngày giáp Tết, người Hà Nội hân hoan đi đón giao thừa. Đêm giao thừa ở Hồ Gươm mang một ý nghĩa thiêng liêng, đậm màu sắc tâm linh đối với người dân Thủ đô. Thời tiết giá rét không làm vơi dòng người đến với Hồ Gươm vào khoảnh khắc trời đất giao hoà; trái lại, nó như một chút men say khiến lòng người thêm rộn rã, bâng khuâng. Cái rét cuối đông mang theo chút ẩm ướt vào dịp chớm xuân khiến giao thừa mỗi năm một khác. Năm thì khô ráo, se se lạnh, năm thì lất phất mưa phùn và rét đậm đến cắt da cắt thịt.

Những ngày trước Tết, Hồ Gươm được trang hoàng lộng lẫy. Hàng cây ven hồ được khoác tấm áo rực rỡ làm bằng muôn sắc đèn màu. Khi màn sương bắt đầu buông, Hồ Gươm thấp thoáng như mơ, như thực. Tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn uy nghiêm soi bóng trên mặt nước lung linh. Không gian huyền ảo có sức thu hút lạ lùng đối với mọi người.

Quanh Hồ Gươm đông nghịt người. Tiếng reo hò, tiếng cười rộn rã làm ấm cả đêm xuân. Đền Ngọc Sơn cùng các ngôi chùa khác mở cửa đón dòng người vào dâng hương và hái lộc cầu may. Cả trời đất và lòng người đều rạo rực sức sống, tràn ngập hạnh phúc và tin tưởng.

Lắng nghe trong tiếng gió lao xao, ta sẽ thấy bước đi êm ái của mùa xuân. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đang đến thật gần. Trước thềm nhà, trong phòng khách, cây đào, cây quất, bình hồng nhung thắm đỏ... cũng như đang thức cùng người, háo hức đón đợi chúa xuân.

Giờ giao thừa đã điểm. Tiếng nhạc đón chào năm mới vang lên rộn rã. Chủ tịch nước đọc thư chúc mừng năm mới. Tiếng chuông chùa ngân nga. Bầu trời Thủ đô lộng lẫy trong vũ hội pháo hoa muôn màu muôn sắc.

Mùng Một Tết - ngày đầu tiên của năm mới náo nức làm sao. Ai cũng ăn mặc lịch sự, đẹp đẽ. Trẻ em xúng xính trong bộ quần áo mới, tung tăng chạy nhảy, nói cười. Tục xông đất và mừng tuổi đã có từ ngàn năm. Có nhà tự xông đất lấy. Có nhà nhờ người quen “tốt vía” xông đất lấy may. Rồi con cháu chúc thọ ông bà, cha mẹ mừng tuổi, chúc phúc cho con cháu. Hàng xóm láng giềng sang nhà nhau chúc Tết.

Tết Nguyên Đán là một trong những phong tục cổ truyền của dân tộc ta. Tết đến, xuân về là dịp sum họp của gia đình và dòng họ để tưởng nhớ đến công đức tổ tiên; là dịp mọi người gặp gỡ chia sẻ buồn vui, quan tâm đến nhau và cầu chúc cho nhau đạt được những điều tốt lành. Mùa xuân căng tràn sức sống đem lại niềm tin và hi vọng, mở đầu cho một năm mới với bao điều thú vị đang chờ phía trước!