Câu 1: Em hãy căn cứ vào lời giới thiệu sơ lược về thể thơ ngũ ngôn tứ tuyệt ở chú thích (SGK) để nhận dạng thể thơ của bài Tụng giá hoàn kinh sư (bản phiên âm chữ Hán) về số câu, số chữ trong câu, cách hiệp vần.

- Gồm bốn câu.

- Mỗi câu có năm tiếng.

- Vần hiệp ở tiếng cuối câu 2 và câu 4: quan, san.

Câu 2: Nội dung được thể hiện trong hai câu đầu và hai câu sau của bài thơ khác nhau ở chỗ nào? Hãy nhận xét về cách biểu ý và biểu cảm của bài thơ.

- Hai câu đầu: Hào khí chiến thắng quân xâm lược.

- Hai câu sau: Khát vọng hoà bình lâu dài cho đất nước.

* Nhận xét về cách biểu ý:

+ Nêu hai chiến công vang dội đánh bại quân Nguyên - Mông của quân dân nhà Trần:

Đoạt sáo Chương Dương Độ,

Cầm Hồ Hàm Tử Quan.

(Chương Dương cướp giáo giặc

Hàm Tử bắt quân thù.)

- Cả hai trận chiến đấu ác liệt này đều do thượng tướng Trần Quang Khải trực tiếp chỉ huy cùng vị tướng tài ba Trần Nhật Duật. Hàng vạn quân giặc đã bị giết và bị bắt sống. Hàng trăm chiến thuyền của giặc bị quân ta đốt cháy và tịch thu.

- Tái hiện không khí chiến thắng oanh liệt của dân tộc ta trong cuộc đối đầu với quân xâm lược Nguyên - Mông. Phản ảnh thất bại thảm hại của kẻ thù.

+ Động viên quân dân ta bắt tay ngay vào sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh:

- Thượng tướng Trần Quang Khải vừa có tài thao lược, vừa có tầm nhìn xa trông rộng trong việc xây dựng và phát triển đất nước. Ông động viên dân chúng:

Thái bình tu trí lực,

Vạn cổ thử giang san.

(Thái bình nên gắng sức

Non nước ấy nghìn thu.)

- Khi đất nước đã thái bình, dân tộc ta cần tập trung hết trí tuệ, công sức vào việc xây dựng đất nước mạnh giàu, không nên quá say sưa với chiến thắng.

* Nhận xét về cách biểu cảm:

- Hai cụm từ: Đoạt sáo..., Cầm Hồ... đặt ở đầu câu kết hợp với nhịp thơ nhanh tạo nên âm hưởng hào hùng, nhấn mạnh khí thế chiến thắng bừng bừng và niềm tự hào to lớn của dân tộc ta.

- Lời động viên trên thể hiện niềm tin to lớn của tác giả vào sức mạnh đoàn kết của dân tộc trong hoà bình để dựng xây đất nước phồn vinh, vững bền muôn thuở.

Câu 3: Cách biểu ý và biểu cảm của bài Phò giá về kinh và bài Sông núi nước Nam có gì giống nhau?

Bài thơ Phò giá về kinh và bài Sông núi nước Nam giống nhau ở chỗ là các tác giả đều diễn đạt ý tưởng theo kiểu nói đanh thép, hào hùng, cảm xúc trữ tình mãnh liệt chứa đựng ngay trong ý tưởng.

Câu 4: Theo em, cách nói giản dị, cô đúc của bài thơ này có tác dụng gì trong việc thể hiện hào khí chiến thắng và khát vọng thái bình của dân tộc ta ở thời đại nhà Trần?

Ngôn ngữ bài thơ Phò giá về kinh rất giản dị nhưng ý tưởng thật lớn lao. Khi Tổ quốc đứng trước họa xâm lăng thì vua tôi đồng lòng, anh em hoà thuận, cả nước góp sức (Trần Quốc Tuấn). Trong hoà bình, từ vua quan đến tướng sĩ, từ vương hầu đến dân chúng, ai cũng phải tu trí lực để đất nước Đại Việt được trường tồn. Câu thơ hàm chứa một tư tưởng vĩ đại, trí tuệ anh minh và cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của danh tướng Trần Quang Khải.