Câu 1: Về thể thơ, bài Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra giống với bài thơ nào đã học? Hãy nêu một số đặc điểm của thể thơ đó và chỉ rõ những đặc điểm ấy đã thể hiện ở bài thơ này như thế nào.

+ Giống bài thơ Sông núi nước Nam.

- Ở thể thất ngôn tứ tuyệt.

- Cả bài có bốn câu, mỗi câu bảy tiếng, vần hiệp ở tiếng cuối câu 1, 2, 4. (Yên, biên, điền - bản phiên âm; lồng, không, đồng - bản dịch thơ.)

Câu 2: Cụm từ “nửa như có nửa như không” (bán vô bán hữu) có nghĩa là gì? Hãy hình dung quang cảnh được gợi lên ở câu thơ thứ hai này.

- Cụm từ “nửa như có nửa như không” có nghĩa là cảnh vật hiện ra không rõ nét, nửa hư nửa thực, mờ mờ ảo ảo. Sự vật trước xóm, sau thôn chìm dần vào màn sương đang từ từ buông xuống, hoà lẫn với làn khói lam toả ra từ các mái bếp. Trong bóng chiều man mác, mọi vật thấp thoáng ẩn hiện, dường như có, dường như không. Bức tranh làng quê với những sắc màu quen thuộc của ánh tà dương vương trên ngọn tre, của sương tím, cò trắng, lúa xanh... chỗ đậm, chỗ nhạt, cùng tiếng sáo mục đồng véo von gợi cảm giác về một cuộc sống thanh bình đã trở lại sau bao năm binh lửa.

Hình ảnh trong bài thơ rất giản dị, bình thường nhưng lại gây xúc động lạ lùng bởi dân tộc ta đã phải đổ bao xương máu, phải chịu bao đau thương, tang tóc mới giành lại được cuộc sống yên ấm từ tay quân xâm lược hung tàn.

Câu 3: Trong bài thơ, cảnh vật được miêu tả vào thời điểm nào trong ngày và gồm những chi tiết gì? (về ánh sáng, âm thanh, màu sắc và cảnh vật).

Đây là cảnh chiều muộn nơi thôn dã hiện lên trước đôi mắt và hồn thơ của một ông vua - thi sĩ. Cảnh vật tĩnh lặng mà không đìu hiu, vẫn ăm ắp sự sống. Con người hoà hợp với thiên nhiên làm một. Bức tranh quê có ánh sáng mờ ảo của hoàng hôn, có màn sương chiều mông lung tựa khói, có âm thanh của tiếng sáo mục đồng văng vẳng, có màu trắng thanh khiết của cánh cò, có cảnh mục đồng thong thả cưỡi trâu về làng. Tác giả chỉ phác hoạ vài nét đơn sơ như thế nhưng bức tranh vẫn đậm đà sắc quê, hồn quê.

Câu 4: Qua các nội dung được miêu tả trong bài thơ, em có những cảm nhận gì trước cảnh tượng buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường và về tâm trạng của tác giả trước cảnh tượng đó?

- Nhà thơ đã lựa chọn hai hình ảnh tiêu biểu cho cảnh đồng quê lúc chiều muộn là trẻ chăn trâu thổi sáo dẫn trâu về chuồng và cò trắng từng đôi sà xuống cánh đồng đã vắng bóng người. Đây là cảnh làng quê thanh bình, người dân sống ấm no, hạnh phúc.

- Lời thơ không đơn thuần là kể và tả mà nó còn thể hiện một niềm vui đang xốn xang, rạo rực trong lòng nhà thơ. Ngắm đàn trâu no căng đang chậm rãi nối đuôi nhau về làng, trên lưng vắt vẻo mấy chú mục đồng ung dung thổi sáo; phóng tầm mắt ra xa (vọng), thấy trên thảm lúa xanh, dăm ba cánh cò trắng muốt đang chao liệng, thử hỏi lòng nào không xao xuyến, bâng khuâng, không dạt dào yêu mến, nhất là đối với một ông vua - thi sĩ ?!

Câu 5: Sau khi hiểu được giá trị của bài thơ, em có thêm suy nghĩ gì khi nhớ rằng tác giả là một ông vua chứ không phải là một người dân quê? Từ đó, em có thể nói gì nữa về thời nhà Trần trong lịch sử nước ta?

Cảnh tượng buổi chiều ở nông thôn được tác giả phác hoạ rất đơn sơ nhưng vẫn đậm đà sắc quê, hồn quê. Điều đó chứng tỏ tác giả là vị vua xuất thân từ nông dân, đã cùng vào sinh ra tử với dân để đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại cho đất nước cảnh sống thanh bình. Dù có địa vị tối cao nhưng tâm hồn nhà vua - thi sĩ vẫn gắn bó máu thịt với quê hương và dân chúng. Điều đó chứng tỏ ở thời đại ấy, dân tộc ta sống rất cao đẹp, đúng như sử sách đã từng ca ngợi đây là thời đại sinh ra những ông vua sáng vua hiền yêu dân, yêu nước và văn võ song toàn.