I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Kỉ niệm tuổi thơ mà em hay nhớ đến là kỉ niệm cùng bạn bè đánh trận giả ở trên đê sông Hồng.

2. Thân bài:

* Kể lại kỉ niệm đó:

- Đám trẻ chăn trâu chia làm 2 phe; “quân ta”, “quân địch”.

- Trang bị súng bằng bẹ chuối, lựu đạn nặn bằng đất sét.

- Cài lá ngụy trang trên lưng.

- Quân đỏ tấn công mạnh mẽ, quân xanh yếu thế nên thua, bị bắt làm tù binh.

- Trận đánh kết thúc, đám trẻ cùng nhau nướng khoai ăn, cười đùa vui vẻ.

3. Thân bài:

* Cảm nghĩ của em:

- Kỉ niệm về tình bạn tuổi thơ trong sáng, hồn nhiên để lại ấn tượng khó quên trong tâm hồn.

- Kỉ niệm ấy gắn liền với quê hương yêu dấu.

II. BÀI LÀM

Làng Linh Chiểu quê em nằm sát chân đê sông Hồng, con đê sừng sững như một bức tường thành bao đời nay ngăn nước lũ để bảo vệ mùa màng. Mùa xuân, chỉ sau vài cơn mưa bụi, cỏ non mọc xanh mướt hai bên triền đê. Chiều chiều, lũ trẻ chúng em thường hẹn nhau dắt trâu bò ra đấy thả.

Trong lúc lũ trâu bò mải mê gặm cỏ, chúng em chia làm hai phe “quân ta” và “quân địch” để chơi trò đánh trận giả. Đứng đầu “quân ta” là Đức “kều" con bác Phúc, nhà ở xóm Đông. Đứng đầu “quân địch” là cu Kiệm, con bác Cần ở xóm Chùa.

Tất cả “vũ khí” của "trận đánh” đều được chuẩn bị sẵn từ trước. Lựu đạn nặn bằng đất sét. Súng tiểu liên, trung liên ghép bằng bẹ chuối tươi, cũng có báng, có nòng, có dây đeo... đàng hoàng. Trên lưng mỗi đứa là một vòng lá ngụy trang. Thôi thì đủ cả lá bàng, lá ổi, là muồng muồng, lá đuối... Đứa nào kiếm được cái gì cài cái nấy, lùm xùm, loè xoè trông thật buồn cười!

Trước khi vào trận, quân của mỗi phe chụm đầu hội ý với nhau. Tiếng thì thầm vừa đủ nghe, không để lọt vào tai đối phương. Chỉ có tiếng hô Quyết thắng là cố gào thật to để vừa động viên tinh thần phe ta, vừa khủng bố tinh thần phe địch. Sau đó, mỗi bên chiếm cứ một bên sườn để làm trận địa.

Bắt chước các anh bộ đội, chúng em cũng lăn, lê, bò, trườn, hoặc cúi mình lom khom chạy rồi bất thần ào qua mặt đê, tấn công “quân địch”. Đạn “mồm” nổ pằng pằng, chíu chíu. Lựu đạn “đất” ném vèo vèo về phía đối phương kèm theo những tiếng nổ ầm ầm và tiếng hô xung phong vang dội phát ra từ hàng chục cái cổ họng đầy khí thế. Cu Đức dẫn đầu “quân ta”, tay cầm tiểu liên “bẹ chuối” bắn liên hồi. Đôi chân sếu chạy nhanh thoăn thoắt khiến em cầm cờ (bằng một tàu lá chuối to tướng) chạy theo nó bở cả hơi tai. Đằng sau em là hàng chục “chiến sĩ” cũng chiến đấu hăng say không kém. “Tướng địch” là cu Kiệm, béo tròn như cái hột mít, chân ngắn chạy không kịp nên đã bị “quân ta” bắt sống làm “tù binh”. Như rắn mất đầu, “quân địch” quay lưng tháo chạy, có đứa ríu cả cẳng, ngã lăn lông lốc xuống tận vệ đê.

Theo đúng thoả thuận, bên thua phải làm ngựa cho bên thắng cưỡi. Được cưỡi lên lưng “ngựa”, miệng hét nhoong nhoong rồi quất roi (cũng bằng bẹ chuối) vào mông “con ngựa” nào chạy chậm, thật không gì thích thú bằng!

Chơi chán, đứa nào cũng mệt nhoài, mồ hôi lấm tấm trên những gương mặt ửng hồng, tươi rói. Trận đánh kết thúc, cả lũ xúm xít quanh đống lửa nhóm sau tường trạm canh đê, hí húi nướng khoai ăn. Mùi khoai chín thơm nức lan xa trong gió xuân hây hẩy. Cái vị ngọt bùi, đậm đà của củ khoai trồng trên đất phù sa sông Hồng cùng với tình bạn hồn nhiên thân thiết của tuổi thơ đã để lại trong em những kỉ niệm sâu sắc, không thể nào quên.

Chiều muộn. Mặt sông Hồng như rộng thêm ra. Những bờ dâu, bãi mía bên kia sông nhạt nhoà trong màn sương tim tím. Chúng em thong thả dong trâu về làng. Tiếng cười nói ríu rít, trong trẻo hoà cùng với tiếng chân trâu gõ móng lộp cộp trên con đường quen thuộc đang sẫm lại trong bóng hoàng hôn.