I. DÀN Ý

1. Mở bài:

- Chinh phụ ngâm khúc (hay còn gọi là Chinh phụ ngâm) được nhà thơ Đặng Trần Côn sáng tác vào khoảng thời gian từ 1741 - 1742. Ở giai đoạn này, chế độ phong kiến đang lâm vào tình trạng rối ren, suy thoái.

- Các cuộc khởi nghĩa nông dân bị triều đình đàn áp dã man. Cảnh loạn li, tang tóc xảy ra khắp nơi. Đau lòng trước hiện thực đó, Đặng Trần Côn đã viết ra tác phẩm này. Chinh phụ ngâm là tiếng than ai oán của người phụ nữ trẻ có chồng ra trận. Đoạn trích sau phút chia li nằm ở phần đầu, đặc tả tâm trạng sầu thương của người vợ trẻ sau lúc tiễn chồng đi xa.

2. Thân bài:

* Tâm trạng của người chinh phụ:

+ Bốn câu thơ đầu: Chàng thì đi cõi xa mưa gió... trải ngàn núi xanh.

- Nghệ thuật đối rất chỉnh trong thơ cổ: Chàng thì đi cõi xa mưa gió >< Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn, thể hiện tâm trạng chông chênh, buồn bã của người vợ trẻ. Người đi dấn thân vào cõi xa mênh mông, vô định, đầy bất trắc, hiểm nguy. Người về với buồng cũ còn nguyên dấu ấn hạnh phúc của tình chồng vợ. Hai người hai ngả, mỗi lúc mỗi xa nhau.

- Nỗi sầu chia li thấm đượm trong từng câu chữ, từng hình ảnh, trong âm điệu ngậm ngùi khó tả. Người ở lại đoái trông theo bóng người đi nhưng mây biếc, núi xanh đã xoá nhoà tất cả.

+ Bốn câu thơ giữa: Chốn Hàm Dương... Tiêu Tương mấy trùng.

- Đối vế, đối câu kết hợp với điệp từ, đảo ngữ... làm cho câu thơ uyển chuyển, linh hoạt, có khả năng gợi tả, gợi cảm lớn: Chốn Hàm Dương >< Bến Tiêu Tương; chàng còn ngoảnh lại >< thiếp hãy trông sang Tiêu Tương... Hàm Dương, Hàm Dương... Tiêu Tương tạo thành cấu trúc khép kín, thể hiện tình cảm quyến luyến, tha thiết không rời.

- Bức tranh thiên nhiên thực ra là bức tranh tâm cảnh, nhà thơ mượn các địa danh cách xa nhau để phản ánh nỗi đau chia li trong chiến tranh khó có ngày sum họp. Nỗi oán ghét, bất bình ngụ trong ý thơ chính là thái độ lên án chiến tranh phi nghĩa.

+ Bốn câu thơ cuối: Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy... ai sầu hơn ai?

- Sự ngăn cách của mấy ngàn dâu đã che lấp bóng dáng người đi. Nỗi lưu luyến, bâng khuâng của kẻ ở lại đã chuyển sang buồn bã, tuyệt vọng.

- Hình ảnh ngàn dâu lặp lại hai lần theo kiểu tăng cấp: xanh xanh những mấy ngàn dâu, ngàn dâu xanh ngắt một màu... đặc tả nỗi sầu thương tột độ trong lòng người chinh phụ. Câu hỏi tu từ: Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? nhấn mạnh điều đó.

3. Kết bài:

- Đoạn trích thể hiện tinh tế và sâu sắc nỗi sầu chia li của người vợ trẻ có chồng ra trận, đồng thời bộc lộ sự thương xót chân thành của tác giả trước cảnh ngộ éo le.

- Chinh phụ ngâm được đánh giá là tác phẩm xuất sắc trong thơ ca phong kiến thời trung đại.

II. BÀI LÀM

Chinh phụ ngâm khúc hay còn gọi là Chinh phụ ngâm là khúc ngâm về nỗi lòng sầu thương, nhớ nhung của người vợ trẻ có chồng ra trận, được Đặng Trần Côn người làng Nhân Mục (còn gọi là làng Mọc) nay thuộc quận Thanh Xuân, Hà Nội, sáng tác vào khoảng thời gian từ 1741 - 1742. Thời kì này, chế độ phong kiến đang lâm vào tình trạng rối ren, suy thoái. Các cuộc khởi nghĩa nông dân liên tiếp nổ ra khắp nơi. Triều đình ra sức đàn áp, gây nên cảnh nồi da xáo thịt, nhân dân đau khổ, đất nước rối loạn, kinh thành náo động.

Trước hoàn cảnh đó, trái tim đa cảm của nhà thơ quặn thắt bởi nỗi đau sinh li tử biệt. Ông đã dùng ngòi bút để bày tỏ sự thông cảm và xót thương chân thành, làm rung động lòng người.

Chinh phụ ngâm khúc nguyên bản được viết bằng chữ Hán, sau đó được nhiều người diễn Nôm. Bản diễn Nôm trong sách Ngữ văn 7 từng được xem là của Đoàn Thị Điểm (1705 - 1748), một phụ nữ tài sắc, người làng Giai Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, sống cùng thời với Đặng Trần Côn. Nhưng lại có ý kiến cho là của nhà Nho Phan Huy Ích. Cả nguyên tác và bản diễn Nôm đều được đánh giá là kiệt tác trong lịch sử văn học Việt Nam.

Nội dung khúc ngâm là tiếng nói ai oán đối với chiến tranh của người chinh phụ, nhưng chung quy chỉ có sầu với nhớ và hết nhớ lại sầu. Nghệ thuật độc đáo của khúc ngâm là miêu tả rất tinh tế diễn biến phức tạp của tâm trạng nhân vật mà không hề lặp lại một cách đơn điệu, nhàm chán.

Đoạn trích sau đây phản ánh diễn biến tâm trạng của người vợ trẻ trong phút chia li. Đây là đoạn hay nhất, thể hiện tập trung nhất tài năng miêu tả nội tâm nhân vật của nhà thơ:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió,

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.

Đoái trông theo đã cách ngăn,

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.

Ngàn dâu xanh ngắt một màu,

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?...

Đoạn trích gồm ba khổ, có thể chia làm ba phần. Phần một tả tâm trạng của người vợ trẻ sau phút chia li. Phần hai tả nỗi nhớ thương sầu muộn ở mức độ cao hơn. Phần ba tả nỗi nhớ thương lên đến cực điểm, không thể nào nguôi.

Bốn câu thơ đầu thể hiện tâm trạng chơi vơi, buồn bã của người vợ trẻ bằng nghệ thuật đối rất chỉnh:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió,

Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn.

Đoái trông theo đã cách ngăn,

Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh.

Chàng thì đi >< thiếp thì về, hai người hai ngả ngược chiều nhau, mỗi lúc mỗi xa. Chàng thì đi vào cõi xa mưa gió, thiếp thì về với cảnh phòng không chiếc bóng, vò võ năm canh. Bao nhiêu gian truân, vất vả, thậm chí hiểm nguy đối với người ra đi chứa đựng trong mấy từ cõi xa mưa gió rất giàu khả năng gợi tả. Có cái gì đó thật chông chênh, khó lường. Mưa gió trên con đường thiên lí mịt mù phải chăng cũng là mưa gió trong lòng cả kẻ ở lẫn người đi?!

Không thể đoán định được những gì đang chờ đợi khách chinh phu ở phía trước, nhưng điều dễ nhận biết là công danh thì hão huyền còn chết chóc lại là hiện thực, một hiện thực nghiệt ngã phũ phàng, khó bề tránh khỏi.

Người đi đã khổ, kẻ ở cũng chẳng sung sướng gì. Rồi đây, khi Thiếp trở về buồng cũ chiếu chăn vẫn vương vấn hơi ấm nồng nàn của tình chồng vợ thì khung cảnh ấy như trêu ngươi, như xoáy vào nỗi đau sinh li đang rớm máu trong lòng chinh phụ. Kể từ đây, nàng sẽ vò võ cô đơn suốt những tháng năm xa cách đầy lo lắng, đợi chờ và hi vọng.

Nỗi sầu tràn ngập cõi lòng người ở lại và dường như thấm cả sang đất trời, cây cỏ. Bóng dáng người ra đi đã nhạt nhoà, khuất lấp. Cố dõi mắt đoái trông thì cũng chỉ thấy mây biếc, núi xanh trải dài vô tận như nỗi buồn không thể nguôi ngoai. Cách ngăn đã là sự thật khắc nghiệt và nỗi sầu chia li tưởng như đã phủ lên màu biếc của mây, màu xanh của núi. Hình ảnh mây biếc, núi xanh trập trùng có tính ước lệ thường thấy trong thơ cổ đã được cảm xúc chân thành của người trong cuộc làm cho sống động, tự nhiên và hàm chứa nhiều ý nghĩa.

Bốn câu thơ sau đó tiếp tục miêu tả nỗi nhớ nhung, sầu muộn ở mức độ cao hơn. Đó là nỗi nhớ đằng đẵng nối hai đầu xa cách:

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại,

Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang.

Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương,

Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.

Tác giả vẫn khai thác triệt để thế mạnh của nghệ thuật đối trong những câu thơ bảy chữ: Chốn Hàm Dương >< Bến Tiêu Tương, chàng còn ngoảnh lại >< thiếp hãy trông sang. Kết hợp với cách sử dụng điệp từ, điệp ngữ và đảo ngữ rất uyển chuyển ở cặp câu lục bát: Khói Tiêu Tương / cách Hàm Dương, Cây Hàm Dương / cách Tiêu Tương mấy trùng; tạo thành một cấu trúc khép kín, gợi tình cảm tha thiết, quyến luyến không rời.

Trong mấy câu thơ trên, tuy có đủ cả con người cùng cảnh vật và tưởng như rất thật, nhưng thực ra đây chỉ là bức tranh tâm cảnh. Nhà thơ mượn cảnh để nói đến sự xa xôi, trở ngại về mặt địa lí và thể hiện tâm trạng nhớ nhung, khắc khoải đang chất chứa trong lòng nhân vật. Đồng thời cũng gửi gắm vào đó thái độ bất bình trước tình huống đau lòng: những đôi lứa son trẻ đang đầm ấm sum vầy bên nhau, chỉ vì chiến tranh mà phải chia li và biết đâu lại là chia li mãi mãi. Hạnh phúc gia đình của họ liệu có vẹn toàn sau bao ngày binh lửa?! Nỗi bất bình trên chính là tiếng nói gián tiếp lên án chiến tranh phi nghĩa của riêng tác giả và của chung nhân dân ta thời bấy giờ.

Nếu ở khổ thơ trên, tác giả mới nói đến sự cách ngăn thì đến khổ này, sự cách ngăn đó đã là mấy trùng thăm thẳm. Có điều, sự chia li đã diễn ra trong khi tình cảm, tâm hồn vẫn gắn bó khăng khít. Nhà thơ không chỉ nói đến nỗi sầu chia li mà còn nói đến sự đời oái oăm, nghịch chướng: đôi vợ chồng trẻ muốn gắn bó mà không được gắn bó, không muốn chia li mà lại phải chia li.

Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy,

Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu.

Ngàn dâu xanh ngắt một màu,

Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Khổ thơ cuối tiếp tục dùng phép đối, điệp ngữ, điệp ý (cùng trông, cùng chẳng thấy; ngàn dâu, ngàn dâu, xanh ngắt...) để gợi tả nỗi sầu thương tột độ trong lòng chinh phụ.

Lối ngắt nhịp linh hoạt trong từng câu thơ: Cùng trông lại / mà cũng chẳng thấy, Thấy xanh xanh / những mấy ngàn dâu, Ngàn dâu / xanh ngắt / một màu; Lòng chàng / ý thiếp / ai sầu hơn ai? đã góp phần bộc lộ rõ hơn nỗi khắc khoải, xót xa đang vò xé tâm can người đi, kẻ ở.

Vẫn là những động thái ban đầu: người ở lại cố dõi trông theo, người ra đi cố ngoảnh lại để kéo dài thêm cảm giác còn được gần nhau, để in sâu thêm hình ảnh của nhau trong tâm khảm... Nhưng giờ đây, sự xa cách chẳng thể lấy Cây Hàm Dương, Bến Tiêu Tương... để mà ước tính được nữa, cho nên mọi cố gắng đều trở nên vô vọng.

Bóng người đi đã mất hút vào ngàn dâu xanh ngắt. Trớ trêu thay, cái màu xanh vốn tượng trưng cho sức sống và hi vọng thì trong tình cảnh này chỉ gợi nên một không gian thăm thẳm mênh mông, thấm đẫm mối sầu li biệt.

Câu thơ cuối cùng: Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai? không có ý so sánh mà chỉ nhấn mạnh nỗi sầu thương tột độ trong lòng chinh phụ. Đành gửi vào gió, vào mây nỗi nhớ niềm thương khó giãi bày cho hết của mình.

Qua đoạn trích trên đây, chúng ta có thể thấy được phần nào nỗi sầu thấm đẫm tâm trạng chinh phụ lúc tiễn chồng ra trận và tấm lòng đầy tình nhân ái của tác giả. Tác phẩm vừa có ý nghĩa tố cáo chiến tranh phi nghĩa, vừa thể hiện khát khao hạnh phúc lứa đôi. Chinh phụ ngâm khúc được đánh giá là tác phẩm có nghệ thuật sử dụng điệp từ, điệp ngữ vào loại điêu luyện nhất trong lịch sử thơ ca Việt Nam từ trước tới nay.