Câu 1: Hãy nhận xét về hình ảnh không gian và cách miêu tả không gian trong bài Rằm tháng giêng. Câu thơ thứ hai có gì đặc biệt về từ ngữ và đã gợi ra vẻ đẹp của không gian đêm rằm tháng giêng như thế nào?

Nếu trong bài Cảnh khuya, Bác Hồ tả cảnh trăng đẹp chốn rừng sâu thì ở bài Rằm tháng giêng, Bác tả cảnh trăng trên sông nước:

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,

Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.

Hai câu đầu của bài Rằm tháng Giêng vẽ ra một khung cảnh không gian cao rộng, bát ngát, tràn đầy ánh sáng và sức sống của mùa xuân trong đêm rằm tháng giêng. Câu thơ đầu mở ra khung cảnh bầu trời cao rộng, trong trẻo. Nổi bật trên bầu trời ấy là vầng trăng rằm tròn đầy, toả sáng xuống khắp mặt đất. Câu thứ hai vẽ ra một không gian xa rộng bát ngát không có giới hạn, với dòng sông mà mặt nước như tiếp liền với bầu trời.

Trăng rằm tròn vành vạnh treo giữa trời (nguyệt chính viên) đang ngời ngời toả sáng. Cảnh sông nước trong đêm lại càng thêm thơ mộng. Dòng sông trở thành dòng sông trăng và con thuyền cũng dường như chở đầy ắp ánh trăng (trăng ngân đầy thuyền). Trước đêm trăng đẹp, tâm hồn Bác lâng lâng. Bác thả hồn hoà nhập với thiên nhiên - mà Bác vốn coi là một người bạn tri âm, tri kỉ. Hình ảnh con thuyền chở đầy trăng lướt nhẹ trên dòng sông trăng là một hình ảnh lãng mạn có ý nghĩa tượng trưng sâu sắc. Phải có một phong thái ung dung tự tại và niềm lạc quan mãnh liệt vào tương lai thì nhà thơ mới sáng tạo ra được hình tượng nghệ thuật độc đáo trong một hoàn cảnh đặc biệt như vậy.

Câu 2: Bài Nguyên tiêu (phiên âm) gợi cho em nhớ tới những tứ thơ, câu thơ và hình ảnh nào trong thơ cổ Trung Quốc có trong Ngữ văn 7, tập một?

Bài Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng) có nhiều hình ảnh và từ ngữ tương đồng với những hình ảnh và từ ngữ trong nhiều câu thơ cổ Trung Quốc, đặc biệt là thơ Đường.

- Hai chữ yên ba (khói sóng) thường xuất hiện trong thơ cổ điển Trung Quốc và thơ cổ điển Việt Nam. Rất tiếc là câu thơ dịch không giữ được mà thay thế bằng hai từ giữa dòng cho nên phong vị cổ điển bị giảm đi rất nhiều.

- Hai câu thơ cuối từ ngữ và âm điệu gần gũi với một số câu thơ cổ nổi tiếng, ví dụ như hai câu cuối bài Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế đời Đường:

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Dịch thơ:

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Hoặc câu thơ cuối bài Ngư nhàn của Không Lộ Thiền sư đời Lí:

Quá ngọ tinh lai tuyết mãn thuyền.

Dịch thơ:

Quá trưa tỉnh dậy, tuyết che đầy thuyền.

Ngoài ra, ý thơ nước liền trời ở câu 2 khiến người đọc liên tưởng đến cảnh trong một bài thơ của Vương Bột:

Lạc hà dữ cô lộ tề phi

Thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc.

(Ráng trời cùng bay với cò lẻ

Nước thu một màu với trời cao.)

Điều này cho thấy màu sắc cổ điển đậm nét trong phong cách thơ Hồ Chí Minh.

Câu 3: Cảnh khuya và Rằm tháng giêng được viết trong những năm đầu rất khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Hai bài thơ đó đã biểu hiện tâm hồn và phong thái của Bác Hồ như thế nào trong hoàn cảnh ấy?

Hai bài thơ được viết trong những năm đầu rất khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nhưng vẫn biểu hiện phong thái ung dung, tự tại và tâm hồn lạc quan cách mạng của Bác. Đặc biệt, bài Nguyên tiêu được viết sau chiến thắng Việt Bắc thu - đông năm 1947, tinh thần lạc quan lại càng phơi phới, được biểu hiện trong sắc xuân (cũng là sức xuân) của bài thơ và nhất là trong hình ảnh Bác ung dung thư thái trở về trên con thuyền đầy trăng.

Câu 4: Hai bài thơ đều miêu tả cảnh trăng ở chiến khu Việt Bắc. Em hãy nhận xét cảnh trăng trong mỗi bài có nét đẹp riêng như thế nào?

Cả hai bài thơ đều miêu tả cảnh trăng ở chiến khu Việt Bắc nhưng mỗi bài có một nét đẹp riêng. Bài Cảnh khuya là cảnh đẹp một đêm trăng rừng, một tiếng suối trong. Bài Rằm tháng giêng là cảnh trời nước bao la dưới ánh trăng vằng vặc, là hình ảnh thơ mộng của con thuyền chở đầy ánh trăng lướt trên dòng sông lấp lánh trăng. Tuy nhiên tất cả đều thể hiện tâm hồn nhà thơ tràn đầy niềm vui, niềm tin vào tương lai tươi sáng của cách mạng.

Câu 4: Tìm đọc và chép lại một số bài thơ, câu thơ của Bác Hồ viết về trăng hoặc cảnh thiên nhiên.

* Tham khảo các bài thơ dưới đây:

NGẮM TRẮNG

Trong tù không rượu cũng không hoa,

Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ,

Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.

TIN THẮNG TRẬN

Trăng vào cửa sổ đòi thơ,

Việc quân đang bận xin chờ hôm sau.

Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu,

Ấy tin thắng trận liên khu báo về.

TRUNG THU

Trung thu vành vạnh mảnh gương thu,

Sáng khắp nhân gian bạc một màu.

Sum họp nhà ai ăn Tết đó.

Chẳng quên trong ngục kẻ ăn sầu.

Trung thu ta cũng Tết trong tù,

Trăng gió đêm thu gợn vẻ sầu.

Chẳng được tự do và thưởng nguyệt,

Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu.