Câu 1: Bài Bạn đến chơi nhà thuộc thể thơ gì? Vì sao?
Bài thơ này viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật nhưng không theo cấu trúc 4 phần (đề, thực, luận, kết) mỗi phần hai câu như thường thấy. Ở phần đề, Nguyễn Khuyến chỉ sử dụng có một câu, câu thứ hai đã chuyển sang phần thực. Giữa phần thực và phần luận lại không có ranh giới rõ rệt. Hai câu 7 và 8 thì câu 7 gắn với phần luận, chỉ có câu 8 là phần kết. Sự phá cách này tạo nên nét độc đáo trong cấu trúc bài thơ, đồng thời chứng tỏ khả năng sáng tạo rất linh hoạt, táo bạo của nhà thơ.
Câu 2: Bài thơ được lập ý bằng cách cố tình dựng lên tình huống hoàn toàn không có gì tiếp bạn, để rồi kết lại một câu: “Bác đến chơi đây, ta với ta!”, nhưng thể hiện được tình bạn đậm đà, thắm thiết. Em có tán thành ý kiến trên không? Nếu không, cho biết lí do. Nếu có thì hãy làm rõ bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
a) Theo nội dung của câu thứ nhất, đúng ra Nguyễn Khuyến phải tiếp đãi thế nào khi bạn đến chơi nhà?.
- Đã bấy lâu nay bác tới nhà: Đây là lời chào hỏi thân tình của nhà thơ đối với người bạn già cố tri lâu lắm mới gặp lại nhau. Tuổi già là tuổi khao khát có bạn để chuyện trò, giãi bày tâm sự. Chính vì thế nên khi được bạn đến thăm, nhà thơ thực sự vui mừng.
Nếu đúng vậy thì nhà thơ phải tiếp khách thật chu đáo về cả vật chất lẫn tinh thần.
b) Nhưng qua sáu câu thơ tiếp theo thì hoàn cảnh của Nguyễn Khuyến lại là thế nào? Tác giả có dụng ý gì khi cố tạo ra một tình huống đặc biệt như thế?
Các câu thơ tiếp theo cho thấy hoàn cảnh của Nguyễn Khuyến là hoàn toàn không có gì để đãi bạn:
Lâu ngày bạn mới đến chơi nhà mà chủ nhà không có ai để sai bảo: Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa; không chài được cá vì ao quá sâu, không bắt được gà vì vườn rộng, rào thưa, không có rau vì Cải chửa ra cây, cà mới nụ; Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa. Kể cả miếng trầu tiếp khách cũng không có. Nhưng “Bác đến chơi đây, ta với ta!" là đủ, là điều quan trọng nhất. Tất cả đều không nhưng lại có một tình bạn đậm đà, thắm thiết không dễ gì thấy ở ngoài đời cũng như trong thơ của nhiều tác giả khác.
* Tạo một tình huống đặc biệt như thế là dụng ý của tác giả. Nhà thơ như muốn thanh minh với bạn: Cá thì nhiều đấy, nhưng ao sâu nước cả. Gà không thiếu những vườn rộng rào thưa. Cải, cà, bầu, mướp thì đang ở độ chửa ra cây, còn mới nụ, vừa rụng rốn, đương hoa; nghĩa là chưa dùng được. Như thế thì bữa cơm đãi khách với đầy đủ cá thịt hay đạm bạc rau dưa đều không thể có. Thôi thì ta nói chuyện với nhau bằng điếu thuốc, chén nước, miếng trầu vậy. Nhưng giờ đến trầu thì đã hết tự bao giờ: Đầu trò tiếp khách trầu không có.
Cách nói của nhà thơ là cố làm ra vẻ giàu sang, dư dả nhưng thực ra là ông rất nghèo và cái nghèo ấy dễ gì che giấu được! Bạn già biết ta nghèo, lại ở chốn quê xa xôi hẻo lánh mà vẫn tìm đến thăm, điều đó còn gì quý giá bằng! Tuy vậy, ẩn trong lời nói khiêm nhường của Nguyễn Khuyến là thái độ tự hào về cảnh sống thanh bần của mình. Ta tuy nghèo thật nhưng giàu sang dễ gì đổi được cuộc sống thanh bần ấy?! Trong đoạn thơ trên thấp thoáng nụ cười hóm hỉnh, thâm thuý của bậc đại Nho.
c) Câu thơ thứ tám và riêng cụm từ “ta với ta” nói lên điều gì? Câu thơ này có vai trò khẳng định điều gì về tình bạn của nhà thơ?
Bác đến chơi đây ta với ta là một câu kết hay, là linh hồn của bài thơ, thể hiện tình bạn chân thành cao đẹp của Nguyễn Khuyến. Ta với ta nghĩa là một tấm lòng đến với một tấm lòng; kẻ tri âm đến với người tri kỉ. Bạn già xa cách đã lâu, nay vượt đường xa dặm thẳm, vượt cái yếu đuối của tuổi tác để đến thăm nhau thì thật là quý hoá! Những điều câu nệ, khách khí đã bị xoá nhoà, chỉ còn lại niềm vui chân thành bao trùm tất cả. Tình bạn ấy đã vượt lên trên những nghi thức tiếp đãi bình thường. Bạn đến chơi nhà không phải vì mâm cao cỗ đầy mà để được gặp nhau, được hàn huyên tâm sự cho thoả nỗi khao khát nhớ mong.
Người bạn già và nhà thơ ngồi bên nhau thủ thỉ tâm tình, hai người như hoà thành một: ta với ta. Quả là không gì có thể đánh đổi được tình bạn sâu sắc, thuỷ chung.
d) Nhận xét chung về tình bạn của Nguyễn Khuyến trong bài thơ Bạn đến chơi nhà.
Đó là một tình bạn đậm đà, thắm thiết của những con người lấy sự hiểu nhau, cảm thông với nhau làm điều quý giá nhất, hơn tất cả mọi thứ ở trên đời.
Câu 3: a) Ngôn ngữ ở bài Bạn đến chơi nhà có gì khác với ngôn ngữ ở đoạn thơ Sau phút chia li đã học?
Bài thơ Bạn đến chơi nhà là ngôn ngữ đời thường; đoạn thơ Sau phút chia li là ngôn ngữ bác học, nhưng đều đạt đến độ tinh tế, đẹp đẽ.
Khác nhau về hình thức ngôn ngữ vì hai bài thơ có văn cảnh, nội dung và nhân vật trữ tình khác nhau.
b) So sánh cụm từ “ta với ta” trong bài Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến với cụm từ “ta với ta” trong bài Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan.
+ Trong bài Bạn đến chơi nhà, từ ta ở vị trí trước và từ ta ở vị trí sau là hai từ đồng âm, cùng chỉ tác giả và người bạn.
+ Trong bài Qua đèo Ngang, từ ta ở hai vị trí đều chỉ một người (tác giả).
+ Một bên thể hiện sự hoà hợp của hai con người trong tình bạn keo sơn, tri âm tri kỉ. Một bên phản ánh tâm trạng cô đơn, u uất không thể giãi bày, san sẻ với ai của nữ sĩ.