Câu 1: Tác giả đã cảm nhận Sài Gòn về những phương diện nào? Dựa vào mạch cảm xúc và suy nghĩ của tác giả, hãy tìm bố cục của bài văn.

- Tác giả đã cảm nhận Sài Gòn trên các phương diện: thiên nhiên, khí hậu, thời tiết, cuộc sống, sinh hoạt của thành phố, cư dân và phong cách con người Sài Gòn.

- Mạch cảm xúc và suy nghĩ về Sài Gòn của tác giả cũng phát triển theo các phương diện đó để tạo thành bố cục bài văn gồm ba đoạn như sau:

+ Đoạn 1: Từ đầu đến ...tông chi họ hàng: Những ấn tượng chung và tình yêu của tác giả với Sài Gòn.

+ Đoạn 2: Từ Ở trên đất này... đến ...leo lên hơn năm triệu: Những nhận xét về đặc điểm thiên nhiên và phong cách riêng của người Sài Gòn.

+ Đoạn 3: Còn lại: Khẳng định tình yêu tha thiết của tác giả đối với thành phố mang tên Bác.

Câu 2: Trong phần đầu bài (từ đầu đến “hàng triệu người khác”) tác giả đã bày tỏ lòng yêu mến của mình với Sài Gòn qua những cảm nhận chung về thiên nhiên và cuộc sống ở nơi ấy. Em hãy nêu lên:

a) Nét riêng biệt của thiên nhiên, khí hậu Sài Gòn qua sự cảm nhận khá tinh tế của tác giả.

- Thiên nhiên, khí hậu Sài Gòn có những nét riêng biệt như khí hậu nhiệt đới, chia thành hai mùa mưa, nắng; không có mùa đông. Mưa, nắng bất chợt, gió lộng vào buổi chiều...

- Con người Sài Gòn với tính cách tự nhiên, cởi mở, chân thành và tự tin.

- Cuộc sống sôi động và đa dạng của thành phố Sài Gòn trong những thời điểm khác nhau chứng tỏ Sài Gòn là một đô thị trẻ, đầy sức sống.

b) Tình cảm của tác giả với Sài Gòn đã được thể hiện như thế nào? Biện pháp nghệ thuật nào đã được sử dụng để biểu hiện tình cảm của tác giả?

* Tình cảm của tác giả đối với Sài Gòn là một tình yêu chân thành, tha thiết đến độ yêu cả những điều trái chứng của thành phố này.

* Nghệ thuật biểu hiện:

- Kết hợp miêu tả với biểu hiện cảm xúc: Tôi yêu nắng sớm ngọt ngào... yêu cả cái tĩnh lặng...

- Điệp từ ở đầu câu và điệp cấu trúc câu được sử dụng liên tiếp trong đoạn văn: Tôi yêu được lặp lại 6 lần.

Câu 3: Trong phần thứ hai của bài (từ “Ở trên đất địa này” đến “từ 1945 đến 1975”) tác giả tập trung nói về nét nổi bật trong phong cách của người Sài Gòn. Nét đặc trưng của phong cách ấy là gì? Thái độ, tình cảm của tác giả đối với con người Sài Gòn được biểu hiện như thế nào?

Phong cách người Sài Gòn là điều cơ bản để tạo nên sức sống và nét đẹp riêng của thành phố này.

Phong cách người Sài Gòn được tác giả cảm nhận đúng đắn và tinh tế. Họ sống chân thành, bộc trực, cởi mở. Các cô gái có vẻ đẹp tự nhiên, dễ gần mà ý nhị. Những nét tính cách ấy được biểu hiện trong đời sống hằng ngày và trong những hoàn cảnh đầy thử thách của lịch sử. Tất cả đã được tác giả kể lại một cách bình dị và đằm thắm với những chi tiết miêu tả tiêu biểu, đầy ấn tượng, kết hợp với lời bình luận sắc sảo để ngợi ca vẻ đẹp mang nhiều nét đặc trưng của phong cách người Sài Gòn.

Câu 4: Qua bài văn này, em cảm nhận được điều gì mới và sâu sắc về Sài Gòn cùng tình cảm với mảnh đất ấy của tác giả?

* Những điều mới mẻ và sâu sắc về Sài Gòn:

- Sài Gòn có sự hấp dẫn của một thành phố mà khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, khí hậu nhiệt đới dễ chịu.

- Con người Sài Gòn với tính cách cởi mở, chân thành, lễ độ, tự tin, dũng cảm và yêu nước.

* Tình cảm của tác giả đối với Sài Gòn:

- Chân thành, nồng hậu, hết lòng yêu quý.

- Muốn được đóng góp sức mình cho Sài Gòn.

- Mong mọi người hãy đến và hãy yêu Sài Gòn.