Câu 1: Có người cho rằng trong bài Tĩnh dạ tứ, hai câu đầu là thuần tuý tả cảnh, hai câu cuối là thuần tuý tả tình. Em có tán thành ý kiến đó không? Vì sao?

Gợi ý:

- Phải chăng trong hai câu đầu hoàn toàn không có suy tư, cảm nghĩ của con người?

- Và phải chăng hai câu cuối là tả tình thuần tuý?

- Từ sự phân tích trên, rút ra kết luận về mối quan hệ giữa cảnh và tình trong bài thơ này.

- Nhận định trên không đúng, vì hai câu đầu vừa tả ánh trăng vừa kín đáo thể hiện cảm nhận của con người là ngỡ ánh trăng như sương phủ trên mặt đất. Hai câu sau tả tâm tư của kẻ xa quê, nhớ quê, nhưng còn tả cả vầng trăng sáng trên bầu trời.

- Trong hai câu thơ đầu, ta đã thấy thấp thoáng bóng dáng nhân vật trữ tình. Ánh trăng dù đẹp đẽ và tràn ngập nơi nơi nhưng vẫn chỉ là đối tượng để thi sĩ cảm nhận.

Chi tiết Đầu giường ánh trăng rọi là thực; còn Ngỡ mặt đất phủ sương là ảo. Nhà thơ nhìn ánh trăng mà ngỡ là sương bởi ánh trăng trong đêm lạnh lại được nhìn qua làn nước mắt nhớ thương, sầu muộn. Nỗi cô đơn tột đỉnh đang thấm lạnh cả tâm tình khiến sương dâng trong hồn, sương giăng trước mắt. Đọc hai câu thơ này, ta hiểu đằng sau từng chữ là cảm xúc bâng khuâng, da diết đang trỗi dậy trong lòng thi sĩ.

Hình ảnh vầng trăng cô đơn trên bầu trời thăm thẳm trong đêm khuya thanh tĩnh thường gợi nên nỗi sầu xa xứ. Ánh trăng thu bàng bạc trong đêm lạnh lại càng khêu gợi tâm trạng buồn thương.

Đêm khuya, thi sĩ trằn trọc không sao ngủ được. Nhìn thấy ánh trăng rọi sáng đầu giường, mừng như gặp lại cố nhân sau bao ngày xa cách. Nhưng lúc đầu mới nhìn thấy ánh trăng bàng bạc như sương phủ trên mặt đất chứ chưa thấy trăng, nhà thơ cố tìm bằng được vầng trăng quen thuộc:

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,

Cúi đầu nhớ cố hương.

(Cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương.)

Chỉ có ba chữ tả tình trực tiếp: tư cố hương, còn lại đều là tả cảnh, tả người: cử đầu, vọng minh nguyệt, đê đầu. Ngay trong tả cảnh, tình người vẫn được thể hiện rõ. Nỗi nhớ quê hương đã được thể hiện qua hành động.

Khi thấy vầng trăng cũng đơn côi, lạnh lẽo như mình, một nỗi ngậm ngùi, chua xót bất chợt dâng lên trong lòng. Thi sĩ cúi đầu tưởng nhớ quê hương. Cái dáng ngồi bất động, chìm đắm trong suy tư ấy cho thấy tình cảm quê hương của nhà thơ sâu nặng biết chừng nào!

Với bài thơ Tĩnh dạ tứ, nếu chỉ nói tác giả “xúc cảnh sinh tình” thì không đủ. “Tình” ở đây vừa là nhân, vừa là quả: Lí Bạch nhớ quê, thao thức nhìn trăng sáng. Nhìn trăng sáng, thi sĩ lại càng nhớ quê hương.

Câu 2: Tuy không phải là một bài thơ Đường luật song Tĩnh dạ tứ cũng sử dụng phép đối.

a) So sánh về mặt từ loại của các chữ tương ứng ở hai câu cuối để bước đầu hiểu thế nào là phép đối.

b) Phân tích tác dụng của phép đối ấy trong việc biểu hiện tình cảm quê hương của tác giả.

Hai câu thơ sau đối ý, đối thanh thật chỉnh. Nhà thơ đã sáng tạo trên cơ sở một câu dân ca quen thuộc: Ngưỡng đầu khán minh nguyệt (Ngẩng đầu nhìn trăng sáng), chỉ thay từ ngưỡng bằng từ cử, từ khán bằng từ vọng. Câu thơ của Lí Bạch là: Cử đầu vọng minh nguyệt. Cũng vẫn giống nhau ở tư thế Ngẩng đầu nhìn trăng sáng nhưng cái nhìn trong câu dân ca mang tính khách quan, còn cái nhìn trong thơ Lí Bạch lại đậm tính chủ quan. (Khán: nhìn, ý nghĩa trung hoà ; vọng: nhìn xa, ý nghĩa biểu cảm). Vọng minh nguyệt là cố nhìn ra xa để thấy cho rõ vầng trăng sáng. Tình cảm thiết tha của nhà thơ gửi gắm cả trong từ vọng ấy và chỉ trong khoảnh khắc, cái tư thế Ngẩng đầu nhìn trăng sáng đã chuyển thành Cúi đầu nhớ cố hương. Hai tư thế đối lập nhau nhưng cũng thể hiện một tâm trạng. Niềm vui trước đêm trăng sáng có thể là dạt dào vô tận nhưng nỗi nhớ cố hương cũng day dứt khôn nguôi! Ánh trăng sáng đêm nay là tác nhân gợi nhớ đến vầng trăng xưa trên quê cũ thuở nào. Quả là nỗi nhớ quê hương thiết tha, khắc khoải... luôn ám ảnh trong lòng Lí Bạch.

Câu 3: Dựa vào bốn động từ nghi (ngỡ là), cử (ngẩng), đê (cúi) và tư (nhớ) để chỉ ra sự thống nhất, liền mạch của suy tư, cảm xúc trong bài thơ.

- Bố cục bài thơ hết sức chặt chẽ, thể hiện tài năng của nhà thơ. Hai câu đầu diễn đạt ý: Ngỡ ánh trăng rọi sáng đầu giường là sương phủ trên mặt đất. Nghi là động từ liên kết ý của hai dòng thơ. Ngoài ra các động từ khác (cử, vọng, đê, tư) đều đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc liên kết các câu trong bài. Giữa các động từ có quan hệ chặt chẽ: Nghi (thị địa thượng sương) - Cử (đầu) - vọng (minh nguyệt) - Đê (đầu) - tư (cố hương).

+ Hai câu đầu: Khung cảnh đêm trăng sáng:

Đầu giường ánh trăng rọi,

Ngỡ mặt đất phủ sương.

(Sàng tiền minh nguyệt quang,

Nghi thị địa thượng sương.)

- Ánh trăng rọi sáng vào tận đầu giường như tìm đến với bạn tri âm, tri kỉ.

- Vầng trăng tròn đầy, đẹp đẽ là đối tượng để nhà thơ vừa ngắm nhìn, thưởng thức, vừa chia sẻ tâm tình.

- Nhà thơ đang ở trạng thái mơ màng nên cảm thấy ánh trăng trắng đục như sương đang phủ tràn mặt đất.

- Có thể nhà thơ ngắm trăng qua làn nước mắt xúc động, bồi hồi vì đêm trăng đẹp, vì nhớ quê hương nên mới cảm nhận như thế.

+ Hai câu sau: Tình cảm tha thiết đối với quê hương:

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng,

Cúi đầu nhớ cố hương.

(cử đầu vọng minh nguyệt,

Đê đầu tư cố hương.)

- Vầng trăng tròn đầy tượng trưng cho sự đoàn tụ.

- Ngắm trăng, Lí Bạch mừng như gặp lại cố nhân nhưng vì chua xót cho thân phận cô đơn nơi đất khách quê người của mình nên càng thương nhớ quê hương cách xa ngàn dặm.

- Tâm trạng trĩu nặng nỗi sầu, hành động thu gọn trong hai cử chỉ: Ngẩng đầu, cúi đầu... Nỗi nhớ quê hương của nhà thơ thật thiết tha, sâu nặng.

- Trong hai câu thơ đều không có chủ ngữ nhưng nhân vật trữ tình - chính là thi sĩ vẫn hiện lên rất rõ nét cả về tư thế lẫn tâm trạng.

Câu 4: Có người dịch Tĩnh dạ tứ thành hai câu thơ như sau:

Đêm thu trăng sáng như gương

Lí Bạch ngắm cảnh nhớ thương quê nhà.

Dựa vào những điều đã phân tích ở trên, em hãy nhận xét về hai câu thơ dịch ấy. Nếu có thể, thử dịch thành bốn câu thơ theo nguyên thể hoặc theo thể lục bát.

+ Hai câu thơ dịch đã nêu được tương đối đủ ý và tình của bài thơ.

+ Song cũng có một số điểm khác:

- Lí Bạch không dùng phép so sánh ánh trăng giống như gương. Cảm giác ánh trăng giống như sương phủ trên mặt đất cũng chỉ xuất hiện trong suy nghĩ của nhà thơ.

- Bài thơ ẩn chủ ngữ, không nói rõ là Lí Bạch.

- Bài thơ còn giúp ta hình dung ra tác giả ngắm trăng như thế nào.