Câu 1: Hai bài Cảnh khuya và Nguyên tiêu (phiên âm) được làm theo thể thơ nào? Vận dụng những hiểu biết về thể thơ này qua những bài thơ Đường mà em đã học, hãy chỉ ra các đặc điểm về số tiếng (chữ) trong mỗi câu thơ, số câu của một bài, cách gieo vần, ngắt nhịp của hai bài thơ nói trên.
Hai bài Cảnh khuya và Nguyên tiêu (phiên âm chữ Hán) được làm theo thể thất ngôn tứ tuyệt Đường luật.
Bài Cảnh khuya có bốn câu, mỗi câu bảy tiếng và có ba vần a (ở các câu 1, 2, 4). Cấu trúc nội dung theo trình tự khai, thừa, chuyển, hợp: hai câu đầu tả cảnh, hai câu sau tả tâm trạng. So với mô hình chung, bài thơ này chỉ khác ở cách ngắt nhịp trong câu 1 và câu 4. Câu 1 ngắt nhịp 3/4, câu 4 ngắt nhịp 2/5 thay vì ngắt nhịp 4/3 như thông lệ.
Bài Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng) theo sát với mô hình cấu trúc chung của thơ thất ngôn tứ tuyệt, kể cả cách ngắt nhịp. Bản dịch ra thơ tiếng Việt theo sát ý từng câu và có thêm những tính từ miêu tả: lồng lộng (câu 1), bát ngát (câu 4) và động từ ngân (câu 4).
Câu 2: Phân tích hai câu thơ đầu của bài Cảnh khuya. (Chú ý: Âm thanh và cách so sánh trong câu thơ thứ nhất, vẻ đẹp của hình ảnh trong câu thơ thứ hai.).
Tiếng suối trong như tiếng hát xa,
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa.
Tiếng suối làm cho không gian đêm khuya vốn tĩnh lặng lại càng thêm tĩnh lặng. Nhịp thơ 3/4 ngắt ở từ trong, sau đó là nốt lặng giống như thời gian suy ngẫm, liên tưởng để rồi đi đến hình ảnh so sánh thật đẹp: Tiếng suối trong như tiếng hát xa. Cách so sánh ấy làm cho tiếng suối có sức sống trẻ trung và gần gũi với tâm hồn con người hơn.
Ánh trăng bao phủ lên mặt đất, lên tán cây cổ thụ. Ánh trăng chiếu qua tán lá, lấp lánh ánh sáng huyền ảo. Bóng trăng và bóng cây quấn quýt, lồng vào từng khóm hoa rồi in lên mặt đất đẫm sương: Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa.
Khung cảnh thiên nhiên có xa, có gần. Xa là tiếng suối, gần là bóng trăng, bóng cây, bóng hoa hoà quyện, lung linh. Sắc màu của bức tranh chỉ có trắng và đen. Màu trắng bạc của ánh trắng, màu đen sẫm của tán cây, bóng cây, bóng lá. Nhưng dưới gam màu tưởng chừng lạnh lẽo ấy lại ẩn chứa một sức sống âm thầm, rạo rực của thiên nhiên. Hoà với âm thanh của tiếng suối có ánh trăng rời rợi, có bóng cổ thụ, bóng hoa... Tất cả giao hoà nhịp nhàng, tạo nên tình điệu êm đềm, dẫn dắt hồn người vào cõi mộng.
Câu 3: Hai câu thơ cuối của bài Cảnh khuya đã biểu hiện những tâm trạng gì của tác giả? Trong hai câu thơ ấy có từ nào được lặp lại và điều đó có tác dụng như thế nào đối với việc thể hiện tâm trạng của nhà thơ?
Nếu ở hai câu đầu là cảnh đẹp đêm trăng nơi rừng sâu thì hai câu sau lại là tâm trạng của Bác:
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ,
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.
Câu thứ ba: Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ đã thể hiện chất nghệ sĩ trong tâm hồn Hồ Chí Minh. Đó là sự rung động, niềm say mê trước vẻ đẹp như tranh của cảnh rừng Việt Bắc. Câu thứ tư bất ngờ mở ra vẻ đẹp và chiều sâu trong tâm hồn nhà thơ: Bác thao thức chưa ngủ còn chính là vì lo nghĩ đến vận mệnh của đất nước. Hay chính là vì thức tới canh khuya lo việc nước mà Bác đã bắt gặp được cảnh trăng rừng tuyệt đẹp. Điệp ngữ chưa ngủ đặt ở cuối câu thứ ba và đầu câu thứ tư là một bản lề mở ra hai phía của tâm trạng trong cùng một con người: say mê cảnh đẹp thiên nhiên và canh cánh nỗi lo việc nước nhà. Hai nét tâm trạng ấy thống nhất trong con người Bác, thể hiện sự hoà hợp, thống nhất giữa nhà thơ và người chiến sĩ trong vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.