Câu 1: Lời của từng bài ca dao là lời của ai, nói với ai? Tại sao em khẳng định như vậy?

- Bài 1: Lời người mẹ nói với con qua điệu hát ru.

- Bài 2: Lời người con gái lấy chồng xa nói với mẹ và quê mẹ.

- Bài 3: Lời của cháu con nhớ đến ông bà đã qua đời.

- Bài 4: Lời của anh em nói với nhau; cũng có thể là lời của người trên (ông bà, cha mẹ, cô bác) nói với con cháu về tình anh em.

Chúng ta căn cứ vào các từ ngữ (con ơi, quê mẹ, nhớ ông bà, anh em) kết hợp với nội dung tình cảm của mỗi bài ca dao để xác định bài ca là lời của ai, nói với ai? Xác định được nhân vật trữ tình và đối tượng trữ tình là điều cần thiết để tìm hiểu nội dung trong các bài ca dao.

Câu 2: Tình cảm mà bài 1 muốn diễn tả là tình cảm gì? Hãy chỉ ra cái hay của ngôn ngữ, hình ảnh, âm điệu của bài ca này. Tìm những câu ca dao cũng nói đến công cha, nghĩa mẹ tương tự như bài 1.

Bài 1 khẳng định công lao sinh thành, dưỡng dục to lớn của cha mẹ đối với con cái và nhắc nhở bổn phận, trách nhiệm của con cái là báo đền chữ hiếu:

Công cha như núi ngất trời,

Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông.

Núi cao biển rộng mênh mông,

Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!

Đây là lời hát ru của bà, của mẹ. Âm điệu của lời ca giống như lời tâm tình thủ thỉ, thiết tha, sâu lắng. Tác giả lấy những hình ảnh lớn lao, vĩnh hằng của thiên nhiên để so sánh và khẳng định công cha, nghĩa mẹ. Người cha được ví với núi; người mẹ được ví với biển. Những hình ảnh ước lệ đẹp đẽ ấy lại được miêu tả bổ sung bằng những định ngữ chỉ mức độ (núi ngất trời - núi cao, biển rộng mênh mông). Bởi vì chỉ có những hình ảnh lớn lao, kì vĩ ấy mới diễn tả nổi công ơn to lớn của cha mẹ. Núi ngất trời, biển rộng mênh mông không thể nào đo được, cũng như công cha, nghĩa mẹ đối với các con kể sao cho hết! Công cha sánh đối với nghĩa mẹ là cách nói đối xứng truyền thống trong ca dao - dân ca. Nhờ nghệ thuật so sánh tài tình mà bài học giáo huấn khô khan về chữ hiếu đã biến thành lời ru ngọt ngào, êm ái. Vì thế mà khái niệm trừu tượng về công cha, nghĩa mẹ cũng trở nên cụ thể, sinh động và thấm thía hơn.

Công cha, nghĩa mẹ đã được đúc kết ở thành ngữ Cù lao chín chữ, cách nói đảo ngược của Chín chữ cù lao. Đó là lời nhắn nhủ chan chứa ân tình về đạo làm con. Lời ru êm ái ấy cứ từng ngày, từng ngày nuôi dưỡng tâm hồn và nhân cách của mỗi chúng ta.

* Những câu ca dao nói đến công cha, nghĩa mẹ tương tự như bài 1:

- Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha,

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

- Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng,

Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.

- Ơn cha nặng lắm ai ơi!

Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang.

Câu 3: Bài 2 là tâm trạng người phụ nữ lấy chồng xa quê. Hãy nói rõ tâm trạng đó qua việc phân tích các hình ảnh thời gian, không gian, hành động và nỗi niềm của nhân vật.

Bài ca dao thứ 2 là tâm sự của người con gái lấy chồng xa quê:

Chiều chiều ra đứng ngõ sau,

Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều.

Thời điểm người con gái buồn nhớ quê mẹ da diết là vào lúc chiều buông; không gian là ngõ sau và bến sông. Cảnh chiều tà hay gợi buồn, gợi nhớ, bởi đây là thời điểm của sự đoàn tụ (chim bay về tổ, con người trở về nhà sau một ngày làm việc mệt nhọc). Vậy mà người con gái lấy chồng xa xứ phải thui thủi một mình nơi đất khách quê người.

Ngõ sau là nơi vắng lặng, vào thời điểm ngày tàn đêm xuống lại càng vắng lặng. Không gian ấy gợi cho người đọc nghĩ đến cảnh ngộ cô đơn và thân phận đau khổ của người phụ nữ lấy chồng xa xứ. Bao nhiêu tủi hờn dồn nén, chất chứa trong lòng mà họ không biết chia sẻ cùng ai.

Người con gái xa nhà nhớ mẹ, nhớ quê và xót xa, day dứt vì chẳng thể trọn đạo làm con là đỡ đần cha già mẹ yếu lúc ốm đau, cơ nhỡ. Bên cạnh đó có cả nỗi nhớ về một thời con gái đã qua cùng nỗi ngậm ngùi thân gái dặm trường, phải chia tay cha mẹ, anh em, khăn gói theo chồng.

Câu 4: Bài 3 diễn tả nỗi nhớ và sự yêu kính đối với ông bà. Những tình cảm đó được diễn tả như thế nào? Cái hay của cách diễn tả đó?

Bài ca dao thứ 3 thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, ông bà của các con, các cháu.

Cái hay trong bài này là ở cách diễn tả tình cảm. Động từ Ngó lên bộc lộ thái độ trân trọng, tôn kính. Hình ảnh nuộc lạt mái nhà gợi nên mức độ vô cùng, không thể đo đếm của lòng biết ơn cùng sự gắn kết bền chặt của tình cảm huyết thống. Bên cạnh đó, nó còn khẳng định công lao to lớn của tổ tiên, ông bà trong việc gây dựng nên gia đình, họ tộc. Cặp quan hệ từ chỉ mức độ tăng tiến bao nhiêu... bấy nhiêu nhấn mạnh thêm ý đó.

Câu 5: Trong bài 4, tình cảm anh em thân thương được diễn tả như thế nào? Bài ca dao này nhắc nhở chúng ta điều gì?

Bài ca dao thứ 4 có thể là lời của cha mẹ khuyên nhủ các con, hoặc là lời của anh em ruột thịt tâm sự với nhau:

Anh em nào phải người xa,

Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân.

Yêu nhau như thể tay chân,

Anh em hoà thuận, hai thân vui vầy.

Quan hệ anh em khác hẳn với quan hệ của người xa (người dưng) bởi vì có nhiều cái chung, cái cùng rất thiêng liêng: Cùng chung bác mẹ, một nhà cùng thân. Anh em là bát máu sẻ đôi, vui buồn, sướng khổ có nhau dưới một mái nhà. Quan hệ anh em được ví như thể tay chân biểu hiện sự gắn bó máu thịt, khăng khít không rời.

Câu hát trên là lời khuyên nhủ anh em phải hoà thuận, trên kính dưới nhường, phải biết nương tựa, giúp đỡ nhau để cha mẹ vui lòng. Đó cũng là cách báo đền chữ hiếu thiết thực nhất, cụ thể nhất đối với cha mẹ: Anh em hoà thuận, hai thân vui vầy.

Câu 6: Những biện pháp nghệ thuật nào được cả bốn bài ca dao sử dụng?

Cả bốn bài ca dao trên đều sử dụng thể thơ lục bát với âm điệu nhẹ nhàng, thủ thỉ như lời tâm tình, nhắn nhủ và các hình ảnh so sánh quen thuộc, dễ hiểu, tất nhiên mỗi bài có những hình ảnh độc đáo riêng.

Câu 7: Tình cảm được diễn tả trong bốn bài ca dao là những tình cảm gì? Em có nhận xét gì về những tình cảm đó?

Tình cảm được diễn tả trong bốn bài ca dao là tình cảm gia đình. Những tình cảm ấy thường mang tính chất kín đáo, sâu lắng, chân thành, tiêu biểu cho đời sống tinh thần của người lao động.

Câu 8: Ngoài những bài ca được học và đọc thêm trong sách giáo khoa, em hãy tìm đọc và chép lại một số bài ca khác có nội dung tương tự.

1. Có cha có mẹ thì hơn,

Không cha không mẹ như đờn đứt dây.

2. Còn cha gót đỏ như son,

Đến khi cha mất, gót con đen sì.

3. Con có cha như nhà có nóc,

Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

4. Đi đâu mà bỏ mẹ già,

Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai nâng?

5. Mỗi đêm thắp ngọn đèn trời,

Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

6. Chiều chiều ngó ngược, ngó xuôi

Ngó không thấy mẹ, bùi ngùi nhớ thương.

7. Chiều chiều xách giỏ hái rau

Ngó lên mả mẹ ruột đau như dần.