Câu 1: Cảm hứng của tác giả trong bài thơ được khơi gợi từ sự việc gì? Mạch cảm xúc trong bài thơ diễn biến như thế nào?

- Cảm hứng của tác giả được khơi gợi từ tiếng gà nhảy ổ Cục... cục tác cục ta... vang lên giữa nắng trưa.

- Mạch cảm xúc của bài thơ diễn biến như sau:

- Trên đường hành quân, người chiến sĩ dừng chân bên xóm nhỏ; chợt nghe tiếng gà trưa nhảy ổ, gợi nhớ về những kỉ niệm tuổi thơ. Trong kí ức người chiến sĩ, hình ảnh quen thuộc của những con gà mái mơ, mái vàng cùng hình ảnh thân thương của người bà một đời cặm cụi, chắt chiu lo cho cháu hiện lên rất rõ nét. Bao mong ước hồn nhiên của tuổi thơ cũng bồi hồi sống dậy. Tiếng gà trưa đi vào cuộc chiến đấu cùng với người chiến sĩ, khắc sâu thêm tình yêu quê hương, đất nước.

Câu 2: Những hình ảnh và kỉ niệm gì trong tuổi thơ đã được gợi lại từ tiếng gà trưa? Qua đó bài thơ đã biểu hiện những tình cảm gì của tác giả?

Tiếng gà trưa đã gợi lại những hình ảnh và kỉ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ như:

- Hình ảnh của những con gà mái mơ, con gà mái vàng xinh đẹp và ổ rơm hồng những trứng.

- Hình ảnh người bà dành dụm từng quả trứng, gây dựng đàn gà để Tết đến có tiền mua cho cháu quần áo mới.

- Ước mơ bình dị mà cháy bỏng của tuổi thơ: mong bà mua cho cái quần chéo go, cái áo cánh trúc bâu mới tinh để diện Tết.

Thông qua nỗi nhớ được khơi dậy từ tiếng gà trưa, bài thơ đã phản ánh tâm hồn trong sáng, hồn nhiên và tình cảm yêu mến, kính trọng bà của một cậu bé nông thôn năm xưa.

Tình bà cháu sâu nặng, thắm thiết đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người chiến sĩ hôm nay đang trên đường hành quân chiến đấu để bảo vệ quê hương, đất nước.

Câu 3: Em cảm nhận được gì về hình ảnh người bà và tình cảm bà cháu được thể hiện trong bài thơ?

- Hình ảnh người bà hiện lên trong tâm tưởng của đứa cháu với những nét khó quên: Bà tần tảo, chắt chiu trong cuộc sống nghèo khổ, thiếu thốn. Bà cẩn thận săm soi từng quả trứng cho con gà mái ấp với hi vọng sẽ nở ra một đàn gà con đông đúc. Năm nào đến mùa đông bà cũng lo đàn gà toi. Bà cầu mong mọi chuyện đều tốt đẹp: Để cuối năm bán gà, Cháu được quần áo mới.

- Người bà hết lòng chăm lo cho cháu và đứa cháu cũng hết lòng yêu thương, kính trọng, biết ơn bà. Tình bà cháu thật chân thành, thắm thiết.

Câu 4: Bài thơ làm theo thể 5 tiếng, nhưng có những chỗ biến đổi khá linh hoạt. Em có nhận xét gì về cách gieo vần, về số câu (dòng) thơ trong mỗi khổ?

Câu thơ “Tiếng gà trưa” được lặp lại nhiều lần trong bài ở những vị trí nào và có tác dụng ra sao?

- Những chỗ biến đổi khá linh hoạt là những câu thơ rút xuống chỉ còn 3 tiếng (Tiếng gà trưa).

- Bài thơ được gieo vần theo kiểu vần liền và vần cách. Ví dụ: nhỏ, ổ (vần liền), xa, ta (vần cách).

- Số câu trong mỗi khổ khác nhau. (Khổ 1: 7 câu. Khổ 2: 6 câu. Khổ 4: 4 câu...).

- Câu thơ Tiếng gà trưa được lặp lại bốn lần ở vị trí đầu các khổ thơ. Mỗi lần nhắc lại, câu thơ này lại gợi ra một hình ảnh trong kỉ niệm tuổi thơ. Nó có tác dụng liên kết các hình ảnh ấy và điểm nhịp cho dòng cảm xúc của nhân vật trữ tình.

Câu 5: Cảm nghĩ của em về tình bà cháu trong bài thơ này.

Tình bà cháu ở đây được thể hiện qua dòng hồi tưởng về những kỉ niệm thắm thiết và sâu nặng. Bà chắt chiu, đùm bọc, chăm lo cho cháu. Cháu yêu thương và hết lòng kính trọng, biết ơn bà.