Câu 1: Căn cứ vào lời giới thiệu sơ lược về thơ thất ngôn tứ tuyệt ở chú thích (SGK) để nhận dạng thể thơ của bài Nam quốc sơn hà (bản phiên âm chữ Hán) về số câu, số chữ trong câu, cách hiệp vần.

- Số câu: bốn câu (tứ tuyệt).

- Số chữ trong câu: bảy chữ (thất ngôn)

- Cách hiệp vần: vần ư hiệp ở cuối câu 1, 2, 4 (cư, thư, hư).

Câu 2: Sông núi nước Nam được coi như là bản Tuyên ngôn Độc lập đầu tiên của nước ta viết bằng thơ. Vậy thế nào là một Tuyên ngôn Độc lập? Nội dung Tuyên ngôn Độc lập trong bài thơ này là gì?

+ Tuyên ngôn Độc lập là lời tuyên bố về chủ quyền độc lập của một quốc gia.

+ Nội dung bản Tuyên ngôn được trình bày bằng bốn ý:

- Nêu nhận thức của tác giả về chủ quyền độc lập của nước Nam rõ ràng như một chân lí.

- Xác định tính tất yếu của chân lí đó.

- Cảnh cáo quân xâm lược.

- Khẳng định ý chí, quyết tâm bảo vệ chủ quyền độc lập của dân tộc ta.

Tương ứng với mỗi ý là một câu thơ.

Câu 3: Sông núi nước Nam là một bài thơ thiên về sự biểu ý (bày tỏ ý kiến). Vậy nội dung biểu ý đó được thể hiện theo một bố cục như thế nào? Hãy nhận xét về bố cục và cách biểu ý đó.

+ Nội dung: Tác giả khẳng định chủ quyền độc lập của nước Nam là một chân lí không gì có thể bác bỏ được. Dân tộc Việt bao đời nay đã kiên cường chiến đấu để giữ vững bờ cõi, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng ấy.

+ Bố cục chặt chẽ:

- Ý 1 (hai câu đầu): Nước Nam là của người Nam. Điều đó đã được định sẵn rõ ràng trong sách trời.

- Ý 2 (hai câu sau): Kẻ thù không được phép xâm phạm. Nếu cố tình xâm phạm thì thế nào cũng phải chuốc lấy thất bại thảm hại.

Câu 4: Ngoài biểu ý, Sông núi nước Nam có biểu cảm (bày tỏ cảm xúc) không? Nếu có thì thuộc trạng thái nào? (lộ rõ, ẩn kín). Hãy giải thích tại sao em chọn trạng thái đó.

Nội dung bài thơ thiên về biểu ý (nghị luận, trình bày ý kiến), bởi bài thơ đã trực tiếp nêu rõ ý tưởng bảo vệ chủ quyền độc lập, kiên quyết chống ngoại xâm, nhưng vẫn có cách biểu cảm riêng. Ở đây, cảm xúc mãnh liệt, ý chí sắt đá ẩn trong từng chữ, từng câu. Người đọc nghiền ngẫm sẽ thấy cảm xúc trữ tình đó là rất dạt dào, sâu sắc.

Câu 5: Qua các cụm từ “tiệt nhiên” (rõ ràng, dứt khoát như thế, không thể khác), “định phận tại thiên thư” (định phận tại sách trời), “hành khan thủ bại hư” (chắc chắn sẽ nhận lấy thất bại), em hãy nhận xét về giọng điệu của bài thơ.

Giọng điệu bài thơ dõng dạc, kiêu hãnh, tràn đầy cảm xúc tự hào, tự tôn dân tộc.

Câu 6: Nếu có bạn thắc mắc sao không nói là “Nam nhân cư” (người Nam ở) mà lại nói “Nam đế cư” (vua Nam ở) thì em sẽ giải thích thế nào?

Đế là vua, vương cũng là vua. Nhưng đế được coi là lớn hơn vương vì là vua của nước lớn. Vậy chữ đế trong bài thơ này có ý tôn vinh vua nước Nam sánh ngang với các hoàng đế Trung Hoa. Đế còn có nghĩa đại diện cho nhân dân. Nam đế là vua đại diện cho nhân dân nước Nam.

Câu thứ nhất nêu lên chân lí: Sông núi nước Nam vua Nam ở. Lẽ ra phải nói là dân Nam ở thì đúng hơn nhưng vì thời bấy giờ, vua đại diện cho quốc gia, dân tộc. Chân lí ấy thật đơn sơ, hiển nhiên nhưng nhân dân ta phải gian khổ đấu tranh bao đời chống ngoại xâm mới giành lại được.

Ý nghĩa câu thơ không dừng lại ở đó. Tác giả xưng danh là nước Nam với chủ ý gạt bỏ thái độ khinh miệt coi nước ta là quận huyện tồn tại trong đầu óc lũ cướp nước bấy lâu nay. Đặt nước mình (Nam quốc) ngang hàng với (Bắc quốc). Xưng vua Nam (Nam đế) cũng là bác bỏ thái độ ngông nghênh của bọn vua chúa phương Bắc hay tự xưng là thiên tử (con trời), coi thường vua các nước chư hầu và gọi họ là vương.

Lí Thường Kiệt nhắc lại chân lí này nhằm động viên, cổ vũ quân dân nước Nam nắm chắc thêm lưỡi gươm giết giặc; mặt khác vạch trần bộ mặt phi nghĩa của quân thù và đánh mạnh vào tinh thần chúng. Do đó, chân lí nói trên càng có cơ sở thực tế vững chắc.