Câu 1. Những chi tiết nào trong văn bản nói lên tấm lòng thương yêu và hành động cao cả của cụ Bơ-men đối với Giôn-xi? Tại sao nhà văn bỏ qua không kể sự việc cụ đã vẽ chiếc lá trên tường trong đêm mưa tuyết? Vì sao có thể nói chiếc lá cụ vẽ là một kiệt tác?

Tấm lòng thương yêu của cụ Bơ-men dành cho Giôn-xi không được diễn đạt thành lời. Tuy vậy, chúng ta vẫn nhận thấy tình yêu thương ấy trong thái độ lo lắng, xót xa của cụ trước sự tuyệt vọng của Giôn-xi. Cụ Bơ-men và Xiu sợ sệt ngó ra ngoài cửa sổ, nhìn cây thường xuân. Rồi họ nhìn nhau một lát, chẳng nói năng gì. Chi tiết ấy thể hiện sự đồng cảm giữa hai người. Họ đều có chung một suy nghĩ, một mối quan tâm, đó là bệnh tình trầm trọng của Giôn-xi.

Nhưng bằng chứng thuyết phục nhất chứng minh cho tình thương người đến quên mình của cụ Bơ-men chính là hành động âm thầm mà cao cả. Khi im lặng nhìn Xiu, cụ không nói ra ý định của mình, nhưng ngay trong đêm hôm ấy, cụ Bơ-men đã dầm trong mưa tuyết để vẽ chiếc lá thường xuân lên tường, thay thế cho chiếc lá cuối cùng đã rụng. Cái chết của cụ cho thấy cụ sẵn sàng hi sinh bản thân mình để giành lại sự sống cho cô gái trẻ Giôn-xi. Nếu không có tình yêu thương con người thật sự thì cụ không thể có hành động dũng cảm tuyệt vời như vậy!

Chiếc lá người hoạ sĩ già vẽ đúng là một kiệt tác, trước hết vì nó rất giống chiếc lá thường xuân thật, từ cuống lá, rìa lá răng cưa đến màu sắc, khiến Giôn-xi không mảy may nghi ngờ. Chiếc lá mà cụ Bơ-men vẽ trên tường trong đêm mưa tuyết đã đem lại sự sống cho cô. Chiếc lá cuối cùng đã được vẽ bằng cả tình thương sâu đậm và sự hi sinh đến quên mình của cụ Bơ-men.

Câu 2. Tìm bằng chứng để khẳng định Xiu không hề được cụ Bơ-men cho biết ý định vẽ một chiếc lá thay cho chiếc lá cuối cùng rụng xuống. Nếu Xiu được biết thì truyện có bớt sức hấp dẫn không? Vì sao?

Xiu không hề được cụ Bơ-men cho biết ý định là sẽ vẽ chiếc lá thay cho chiếc lá cuối cùng. Bằng chứng là khi Giôn-xi bảo kéo mành lên, Xiu đã làm theo một cách chán nản và lo lắng.

Có thể nói chính Xiu cũng ngạc nhiên khi nhìn thấy chiếc lá thường xuân vẫn còn đó, sau một đêm mưa gió phũ phàng. Xiu không hề biết đấy chỉ là chiếc lá do cụ Bơ-men vẽ và tâm trạng nặng nề vẫn đeo đẳng cô cho tới khi biết rõ sự thật.

Nếu Xiu được biết trước ý định của cụ Bơ-men thì truyện sẽ kém hấp dẫn vì cô không bị bất ngờ và chúng ta không được thưởng thức một đoạn văn rất hay thấm đượm tình người.

Câu 3. Thử hình dung tâm trạng căng thẳng của Giôn-xi, của Xiu và của bạn đọc khi hai lần Giôn-xi ra lệnh kéo mành lên. Nguyên nhân sâu xa nào quyết định tâm trạng hồi sinh của Giôn-xi? Tại sao nhà văn kết thúc truyện bằng lời kể của Xiu mà không để Giôn-xi phản ứng gì thêm?

Cũng như nhân vật Xiu, người đọc có tâm trạng căng thẳng, hồi hộp khi hai lần Giôn-xi ra lệnh kéo mành lên. Tối hôm trước, dây thường xuân chỉ còn một chiếc lá. Nếu sau đêm mưa gió, chiếc lá ấy rụng nốt thì Giôn-xi sẽ ra sao? Tâm trạng lo lắng của Xiu càng về sau càng tăng vì cô không hề biết chuyện cụ Bơ-men đã làm gì trong đêm mưa tuyết. Còn đối với Giôn-xi, cả hai lần bảo kéo mành lên, cô đều chỉ có một thái độ lạnh lùng, thản nhiên chờ đón cái chết nếu chẳng còn nhìn thấy chiếc lá thường xuân nào nữa.

Nguyên nhân sâu xa tác động và làm bừng thức khát vọng sống của Giôn-xi chính là sự gan góc của chiếc lá cuối cùng. (Cô không biết đấy chỉ là chiếc lá vẽ). Nó đã chống chọi kiên cường với thời tiết khắc nghiệt, cố bám víu lấy sự sống. Điều ấy trái ngược hoàn toàn với thái độ yếu đuối và tuyệt vọng muốn chết của cô.

Nhà văn kết thúc truyện bằng lời kể của Xiu là vừa đủ, không cần để Giôn-xi phản ứng gì thêm. Như vậy truyện sẽ để lại trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm. Truyện sẽ kém hay nếu nhà văn kể thêm là Giôn-xi nghĩ gì, nói gì, có hành động gì khi nghe Xiu kể về việc làm cao cả và cái chết đột ngột của cụ Bơ-men.

Câu 4. Chứng minh truyện Chiếc lá cuối cùng của O Hen-ri, qua trích đoạn này, được kết thúc trên cơ sở hai sự kiện bất ngờ đối lập nhau tạo nên hiện tượng đảo ngược tình huống hai lần, gây hứng thú cho bạn đọc.

a. Từ đầu đoạn trích này nói riêng cũng như từ đầu truyện Chiếc lá cuối cùng nói chung, Giôn-xi ngày càng tiến dần đến cái chết vì bệnh sưng phổi nặng và vì tâm trạng buồn chán đến tuyệt vọng, khiến người đọc thương cảm, lo lắng cho cô. Nhưng tình huống bỗng đảo ngược vào lúc truyện gần kết thúc: Giôn-xi bỗng yêu đời trở lại và bệnh tình thoát khỏi cơn nguy hiểm. Đó là lần đảo ngược tình huống thứ nhất, chẳng những làm cho các nhân vật trong truyện bất ngờ mà người đọc cũng bất ngờ, trút được gánh nặng lo âu.

Cụ Bơ-men đang khỏe mạnh như vậy bỗng dưng lại chết. Đó là lần đảo ngược tình huống thứ hai khiến mâu thuẫn trong diễn biến của truyện tăng cao.

b. Hai lần đảo ngược tình huống trái chiều nhau (Giôn-xi tưởng không tránh khỏi cái chết thì lại sống; cụ Bơ-men đang khỏe mạnh lại chết đột ngột) và đều liên quan đến bệnh sưng phổi với chiếc lá cuối cùng. (Giôn-xi bị bệnh sưng phổi. Sự sống và cái chết của cô gắn với chiếc lá cuối cùng. Cụ Bơ-men vẽ chiếc lá cuối cùng trong đêm mưa tuyết, do đó chết vì bệnh sưng phổi). Nghệ thuật đảo ngược tình huống hai lần gây bất ngờ và hứng thú cho người đọc.