Câu 1. Khi bọn tay sai xông vào nhà chị Dậu, tình thế của chị như thế nào?
Đó là lúc vụ thu thuế hằng năm đang trong thời điểm gay gắt nhất: Quan trên sắp về tận làng để đốc thuế. Vì vậy mà bọn tay sai càng hung hăng xông vào nhà những người chưa nộp thuế để đánh trói, bắt giải ra đình tra tấn, cùm kẹp... Chị Dậu mặc dù đã phải bán con, bán chó, bán cả gánh khoai để có đủ tiền nộp suất sưu cho chồng, nhưng bọn hào lí lại bắt anh Dậu phải nộp cả suất sưu cho người em trai đã chết từ năm ngoái, thành thử, anh Dậu vẫn cứ là người thiếu sưu (?!) Bọn chúng không buông tha anh, mà anh thì đang ốm rề rề, tưởng như đã chết đêm qua, vừa mới tỉnh được một lúc. Nếu lại bị chúng đánh trói lần nữa thì mạng sống của anh khó mà giữ được... Vấn đề quan trọng đối với chị Dậu lúc này là làm sao bảo vệ được chồng trong tình thế nguy ngập ấy.
Câu 2. Phân tích nhân vật cai lệ. Em có nhận xét gì về tính cách của nhân vật này và về sự miêu tả của tác giả?
Gợi ý: “Cai lệ” là chức danh gì? Tên cai lệ có mặt ở làng Đông Xá với vai trò gì? Hắn và tên người nhà lí trưởng xông vào nhà anh Dậu với ý định gì? Vì sao hắn chỉ là một tên tay sai mạt hạng lại có quyền đánh trói người vô tội vạ như vậy? Qua đó, em hiểu như thế nào về chế độ xã hội đương thời? Em có nhận xét gì về nghệ thuật khắc hoạ nhân vật của tác giả? Ngoại hình, hành động, ngôn ngữ của nhân vật được thể hiện như thế nào?
Cai lệ: Chức vụ thấp nhất trong tổ chức quân đội thời phong kiến, thực dân với vai trò là công cụ đàn áp của bọn hào lí. Trong bộ máy thống trị của xã hội đương thời, tên cai lệ chỉ là một gã tay sai mạt hạng, nhưng nhân vật này lại có ý nghĩa khái quát. Hắn hung dữ, sẵn sàng gây tội ác mà không hề chùn tay, cũng không hề bị ngăn chặn, vì hắn tự cho mình cái quyền đại diện cho nhà nước, nhân danh phép nước để muốn làm gì thì làm.
Tính cách hung bạo của hắn được thể hiện rõ nét và nhất quán. Tác giả sử dụng những từ ngữ chọn lọc để đặc tả về nhân vật này: Sầm sập tiến vào, trợn ngược hai mắt, đùng đùng giật phắt cái thùng, bịch luôn vào ngực chị Dậu mấy bịch, sấn đến để trói anh Dậu, tát vào mặt chị Dậu đánh bốp... Ngôn ngữ của hắn không phải là ngôn ngữ của con người bình thường. Hắn chỉ biết quát, thét, hầm hè, nham nhảm... giống như tiếng sủa, rít, gầm của thú dữ. Hắn hầu như không còn khả năng nghe và thông cảm với nỗi đau của đồng loại.
Tất cả hành động của tên cai lệ chỉ là ra tay đánh trói, bắt bớ người thiếu thuế. Vì vậy, hắn cứ nhằm vào anh Dậu mà không hề để ý rằng anh đang ốm nặng tưởng chết đêm hôm qua vì bị đánh đập, giam cầm ở ngoài đình. Hắn bỏ ngoài tai mọi lời van xin tha thiết, lễ phép, có lí có tình của chị Dậu. Trái lại, hắn đã đáp lại bằng những lời chửi mắng thô tục và hành động hung hãn, táng tận lương tâm.
Tuy chỉ xuất hiện trong một đoạn văn ngắn nhưng nhân vật cai lệ được tác giả khắc hoạ nổi bật, có giá trị điển hình không chỉ cho tầng lớp tay sai ngu muội và tàn ác mà còn là hiện thân sinh động của bản chất áp bức vô nhân đạo của xã hội thực dân phong kiến đương thời.
Câu 3. Phân tích diễn biến tâm lí của chị Dậu trong đoạn trích. Theo em, sự thay đổi thái độ của chị Dậu có được miêu tả chân thực, hợp lí không? Qua đoạn trích này, em có nhận xét gì về tính cách của chị?
Mở đầu là cảnh chị Dậu chăm sóc người chồng ốm yếu vừa bị bọn hào lí trong làng đánh đập dã man chỉ vì thiếu tiền nộp sưu. Giữa lúc anh Dậu vừa bưng bát cháo kề vào miệng thì tên cai lệ và người nhà lí trưởng đã sầm sập sấn vào với những roi song, tay thước và dây thừng, hò hét bắt anh phải nộp tiền sưu. Quá khiếp đảm, anh Dậu đã lăn đùng ra không nói được câu gì, chỉ còn chị Dậu một mình đối phó với lũ ác nhân.
Chị Dậu đã đương đầu với bọn nha dịch tay sai để bảo vệ chồng như thế nào?
Ban đầu, khi bọn chúng ập vào định lôi anh Dậu đi nhưng chưa hành hung mà chỉ chửi bởi, mỉa mai, đe doạ thì chị Dậu vẫn nhũn nhặn van xin tên cai lệ độc ác. Thói quen nhẫn nhục khiến chị chỉ dám năn nỉ, khơi gợi lòng nhân từ của tên cai lệ: Cháu van ông, nhà cháu vừa mới tỉnh được một lúc, ông tha cho! Cách xưng hô ông, cháu của chị Dậu là cách xưng hô của kẻ dưới với người trên, biểu hiện sự hạ mình. Nhưng chúng chẳng thèm nghe mà cứ sầm sập chạy đến chỗ anh Dậu, định bắt trói anh một lần nữa. Chị Dậu giận xám mặt nhưng vẫn cố chịu đựng, níu tay tên cai lệ van nài: Cháu xin ông! Mọi lời nói, hành động của chị Dậu lúc này đều không ngoài mục đích bảo vệ chồng.
Đến khi giới hạn của sự chịu đựng bị phá vỡ thì tính cách cứng cỏi của chị Dậu mới thật sự bộc lộ. Lúc tên cai lệ đáp lại lời van xin của chị bằng những cú đấm thô bạo rồi sấn đến trói anh Dậu thì chị tức quá không thể chịu được nên đã liều mạng chống cự lại. Sự bùng nổ tính cách này là kết quả tất yếu của quá trình chịu đựng lâu dài những tàn ác, bất công. Điều đó đúng với quy luật có áp bức, có đấu tranh. Người đọc xót thương một chị Dậu phải hạ mình van xin bao nhiêu thì càng đồng tình, nể phục một chị Dậu đáo để, quyết liệt bấy nhiêu.
Lúc đầu, chị cự lại tên cai lệ bằng lí lẽ: Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ! Thực ra, chị chỉ nói đến lòng nhân đạo tối thiểu của con người. Chị không còn xưng cháu và gọi tên cai lệ bằng ông nữa mà xưng là tôi - ông, ngẩng cao đầu nhìn thẳng vào mặt đối thủ.
Từ vị thế thấp hèn của kẻ dưới, chị Dậu vụt trở thành ngang hàng với những kẻ xưa nay vẫn đè đầu cưỡi cổ mình. Tên cai lệ cứ sấn tới đánh chị và nhảy vào định lôi anh Dậu đi. Lòng yêu thương chồng tha thiết đã thúc đẩy chị phải hành động chống trả quyết liệt lũ tay sai tàn ác đang cố tình phá nát gia đình chị.
Khi tên cai lệ tàn ác ấy tát vào mặt chị một cái đánh bốp rồi cứ hung hăng sấn tới chỗ anh Dậu, thì chị đã nghiến hai hàm răng thách thức: Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem! Không còn ông - cháu, tôi - ông gì nữa, chị chuyển phắt sang xưng bà và gọi tên cai lệ là mày. Điều đó thể hiện thái độ căm giận, khinh bỉ đến cao độ, đồng thời khẳng định tư thế của chị là sẵn sàng đè bẹp đối phương. Chị Dậu là một lò lửa đang bùng cháy dữ dội. Chị không thèm đấu lí với tên cai lệ bất lương mà thẳng tay trừng trị hắn.
Tiếp sau lời cảnh cáo đanh thép là hành động phản kháng mạnh mẽ: Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất... Còn tên người nhà lí trưởng hung hăng kết cục cũng bị chị Dậu túm tóc, lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm.
Đoạn trích đã cho thấy rõ tính cách nhân vật chị Dậu. Chị Dậu mộc mạc, hiền dịu, vị tha, khiêm nhường; biết nhẫn nhục chịu đựng nhưng hoàn toàn không phải là người yếu đuối chỉ biết sợ hãi, mà trái lại vẫn có một sức sống mạnh mẽ, một tinh thần phản kháng tiềm tàng. Khi bị dồn đẩy vào bước đường cùng, chị đã vùng dậy chống trả quyết liệt.
Câu 4. Em hiểu như thế nào về nhan đề Tức nước vỡ bờ đặt cho đoạn trích? Theo em, đặt tên như vậy có thoả đáng không? Vì sao?
Thành ngữ Tức nước vỡ bờ là kinh nghiệm mà ông cha ta đã đúc kết thành chân lí khách quan: Một sự vật khi bị dồn nén đến một mức độ nhất định nào đó tất yếu sẽ phá vỡ khuôn khổ ấy. Ý nghĩa của câu thành ngữ Tức nước vỡ bờ qua ngòi bút hiện thực của Ngô Tất Tố đã được thể hiện thật sống động và đầy thuyết phục.
Nhan đề Tức nước vỡ bờ đặt cho đoạn trích này rất thoả đáng. Tức nước ám chỉ sự áp bức tàn nhẫn của tên cai lệ đối với vợ chồng chị Dậu; vỡ bờ chỉ sự vùng lên của chị Dậu khi không thể chịu đựng được nữa. Đó chính là quy luật có áp bức, có đấu tranh của quần chúng lao khổ trong chế độ cũ trước Cách mạng tháng Tám. Với đặc điểm súc tích và giàu ý nghĩa, nhan đề Tức nước vỡ bờ đã làm nổi bật ý nghĩa của đoạn trích
Câu 5. Hãy chứng minh nhận xét của nhà nghiên cứu phê bình văn học Vũ Ngọc Phan: “Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với tên cai lệ là một đoạn tuyệt khéo”.
Gợi ý: tìm hiểu việc tạo dựng tình huống, việc miêu tả ngoại hình, hành động, ngôn ngữ, tâm lí nhân vật, nghệ thuật kể chuyện, ngôn ngữ tác giả và ngôn ngữ đối thoại...; chú ý nêu rõ những gì khiến cho đoạn văn được coi là “tuyệt khéo”.
Trước hết, cái “khéo” của Ngô Tất Tố là đã đẩy nhân vật chính vào một tình huống mà mâu thuẫn lên đến mức gay gắt, đòi hỏi phải được giải quyết. Diễn biến hành động và tâm lí của nhân vật cai lệ, nhân vật chị Dậu phù hợp với sự phát triển của tính cách, Chị Dậu phải tìm mọi cách đối phó với tên cai lệ và người nhà lí trưởng để bảo vệ tính mạng chồng mình đang đau ốm. Hoàn cảnh điển hình ấy là điều kiện thuận lợi để nhân vật bộc lộ tính cách điển hình.
Sự “tuyệt khéo” còn thể hiện ở nghệ thuật miêu tả chân thật, sinh động; qua hành động, ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ kể chuyện. Trong đoạn trích, ngôn ngữ đối thoại đã khắc hoạ được tính cách nhân vật. Đối lập với những lời nói có lí có tình của chị Dậu là ngôn ngữ thô tục, lỗ mãng thể hiện bản chất tàn ác của tên cai lệ bất nhân. Đặc biệt, ngôn ngữ kể chuyện với giọng điệu châm biếm của tác giả đã tạo nên vẻ đa dạng và sự cuốn hút của đoạn văn.
Ngô Tất Tố đã miêu tả cảnh tượng chị Dậu quật ngã hai tên tay sai một cách sinh động và hài hước. Tên cai lệ lẻo khoẻo bị chị Dậu túm lấy cổ, ấn dúi ra cửa, ngã chỏng quèo trên mặt đất; còn tên người nhà lí trưởng thì bị chị túm tóc lẳng một cái, ngã nhào ra thềm. Sự hài hước còn toát lên ở chỗ: Trước khi bị chị chàng con mọn làm cho bẽ mặt, cai lệ và tên người nhà lí trưởng còn hung hăng, dữ tợn, tay gậy, tay thước hùng hổ doạ nạt. Lúc đầu chúng hung hăng bao nhiêu thì giờ đây chúng thảm hại bấy nhiêu.
Cái “tuyệt khéo” còn được thể hiện ở nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật. Thái độ, tâm trạng và hành động của chị Dậu thay đổi rất nhanh, từ chỗ mềm mỏng, lễ phép, thậm chí quy luỵ... chợt biến thành cứng cỏi, đanh thép và cuối cùng là quyết liệt, ghê gớm. Diễn biến ấy được miêu tả rất chân thực, sinh động và hợp lô-gic. Nó khiến cho tính cách nhân vật trở nên đa dạng mà vẫn nhất quán, giàu tính hiện thực.
Trong đoạn văn Tức nước vỡ bờ, tác giả đã cho người đọc thấy rõ hai điều: Một là bọn thống trị bất nhân, tàn bạo đã dồn người nông dân đến bước đường cùng khiến họ phải tức nước vỡ bờ; hai là sức phản kháng tiềm tàng, mạnh mẽ của người nông dân khi họ vùng lên đánh ngã kẻ thù. Đoạn văn vừa đốt lên ngọn lửa căm thù cường quyền, bạo lực, vừa gieo vào lòng người đọc một niềm tin vững chắc vào sức mạnh của nông dân.
Câu 6*. Nhà văn Nguyễn Tuân cho rằng, với tác phẩm Tắt đèn, Ngô Tất Tố đã “xui người nông dân nổi loạn”. Em hiểu thế nào về nhận xét đó? Qua đoạn trích Tức nước vỡ bờ, hãy làm sáng rõ ý kiến của Nguyễn Tuân.
Xui người nông dân nổi loạn ở đây có nghĩa là động viên, khích lệ, tiếp thêm sức mạnh cho người nông dân để họ vùng lên chống lại sự áp bức bóc lột của giai cấp thống trị trong chế độ thực dân phong kiến đương thời. Muốn vậy, phải chỉ ra cho họ thấy vì ai mà họ khổ cực và họ phải vùng lên để chống lại như thế nào. Tức là phải cho họ thấy rõ bộ mặt thật của bọn người đại diện cho chế độ đó và khả năng, sức mạnh của họ một khi đã dám đương đầu với cái xấu, cái ác.
Đoạn trích chẳng những khẳng định quy luật Tức nước vỡ bờ, có áp bức có đấu tranh, mà còn toát lên chân lí: Con đường sống duy nhất của quần chúng bị áp bức là con đường vùng lên đấu tranh để tự giải phóng. Tuy tác giả Tắt đèn khi đó chưa giác ngộ cách mạng và tác phẩm có kết thúc bế tắc, nhưng bằng cảm quan hiện thực mạnh mẽ, nhà văn Ngô Tất Tố đã cảm nhận được xu thế tức nước vỡ bờ và sức mạnh to lớn của nông dân, dự báo cơn bão táp cách mạng của quần chúng nông dân nổi dậy sau đó không lâu.