I. DÀN Ý
1. Mở bài:
* Giới thiệu chung:
- Cơm hến là món ăn đặc sản của cố đô Huế.
- Hến được xúc ở đoạn sông Hương chảy ngang qua cồn Hến.
2. Thân bài:
* Thuyết minh về món cơm hến:
+ Nguyên liệu chính:
- Cơm trắng và hến.
- Gia vị gồm: ớt, hành, tỏi, tóp mỡ, lạc rang giã nhỏ, bánh tráng nướng giòn, mắm ruốc Huế, các loại rau thơm, hoa chuối, rau muống bào.
+ Cách chế biến:
- Hến được chà xát thật sạch cho hết đất cát rồi luộc chín, đãi lấy ruột.
- Nước hến để lắng, gạn bỏ cặn, nêm mắm muối cho vừa, đun sôi liu riu trên bếp than.
- Phi hành mỡ cho thơm rồi xào thịt hến với chút nước mắm ngon và tương ớt.
- Cơm nấu chín, dỡ ra rá cho thật nguội.
+ Cách sắp xếp một tô cơm hến:
- Hoa chuối, rau muống bào xắt nhỏ lót dưới đáy tô.
- Cho khoảng một muỗng cơm vào tô, dàn đều ra.
- Xúc hến xào đổ lên.
- Chan canh hến xâm xấp. Rắc rau thơm, hành, lạc rang giã nhỏ lên trên cùng.
+ Cách ăn cơm hến:
- Tuỳ theo khẩu vị từng người mà cho thêm ớt và mắm ruốc nhiều hay ít.
- Trộn đều tô cơm, bóp vụn bánh tráng giòn vào rồi bắt đầu ăn.
3. Kết bài:
* Cảm nghĩ của em:
- Cơm hến là một món ăn bình dân được nhiều người ưa thích. Một tô cơm hến có đủ mùi vị: mặn, ngọt, cay, béo, bùi, thơm ngậy... rất ngon miệng. Ăn một lần nhớ mãi.
II. BÀI LÀM
Cách cầu Tràng Tiền vài trăm mét về phía hạ lưu sông Hương, có hai dải đất cây cối xanh tươi do phù sa bồi đắp qua mấy ngàn năm mà thành. Truyền thuyết kể rằng hai dải đất này tượng trưng cho hai con vật oai linh chầu vào kinh thành nơi vua ngự nên người xưa mới đặt tên chữ là Thanh Long và Bạch Hổ. Còn dân gian thì gọi nôm na là cồn Hến, bởi lớp phù sa màu mỡ lắng đọng ở đây là nơi sinh sôi, phát triển rất thuận lợi của loài hến.
Với tài nội trợ khéo léo của người phụ nữ Huế, hến được chế biến thành những món ăn rất ngon mà rẻ: hến xào cuốn bánh tráng, hến trộn, hến nấu canh, cháo hến... Đặc biệt là cơm hến, món ăn độc đáo đã trở thành một đặc sản đậm đà phong vị Huế.
Nguyên liệu chính của cơm hến là cơm trắng và hến, nhưng quyết định thành công của món cơm hến lại là các thứ gia vị đi kèm như ớt tươi, tương ớt, ớt khô xào dầu, hành, tỏi, lạc rang giã nhỏ, bánh tráng mè nướng giòn và các loại rau thơm, hoa chuối, rau muống bào... Đặc biệt có một thứ không thể thiếu là mắm ruốc Huế.
Hến rất rẻ nhưng chế biến lại công phu. Hến mua ở chợ về, chà xát kĩ, rửa nhiều lần cho thật sạch rồi luộc chín. Vớt hến ra, đãi lấy thịt, để ráo. Nước hến lọc bỏ cặn, nêm nếm cho vừa, bắc lên bếp đun sôi liu riu. Cơm nấu chín, dỡ ra rá để nguội.
Khách gọi một tô cơm hến. Cô bán hàng khéo léo nhúm một nhúm hoa chuối và rau muống bào xắt nhỏ lót xuống đáy tô. Múc một muỗng cơm trắng, dàn đều ra, xúc vài thìa hến xào bỏ vào và rắc rau thơm, hành lá xắt nhỏ cùng tóp mỡ, lạc rang giã dập lên trên rồi chan nước canh hến xâm xấp. Như thế là xong. Khách bóp vụn miếng bánh tráng nướng giòn tan, thơm phức vào tô cơm và bắt đầu thưởng thức. Tuỳ khẩu vị từng người mà gia giảm thêm mắm ruốc, ớt khô xào dầu hoặc ớt tươi. Người xứ Huế thích ăn thật cay, thật nóng, vừa ăn vừa xuýt xoa chảy cả nước mắt mới là ngon.
Cơm hến là món ăn dân dã được nhiều người ưa chuộng. Khắp nơi, từ nội ô đến ngoại thành, chỗ nào cũng có cơm hến. Người bán gánh quang gánh, một bên là chiếc bếp than hồng trên để nồi canh, bên kia là chiếc thố đựng hến xào, rá cơm cùng các thứ khác xếp ngăn nắp trong một chiếc khay nhôm sạch sẽ. Bên cạnh quang dắt dăm ba chiếc ghế con con... Người ăn cơm hến chẳng cần đến sự sang trọng của chỗ ăn. Ngược lại rất cần khung cảnh quây quần và không khí vui vẻ như một bữa cơm gia đình vậy. Đông khách nhất có lẽ là gánh cơm hến gia truyền đối diện chợ Đông Ba, người bán tíu tít luôn tay vẫn không kịp và người ăn nhẫn nại chờ đợi đến lượt mình.
Một tô cơm hến giá chỉ khoảng mười ngàn đồng nhưng đủ mùi, đủ vị và chứa đựng bao nhiêu sản vật thiên nhiên ban tặng cho con người. Sau một ngày lao động mệt nhọc, khách vừa ăn vừa trò chuyện bao đồng, tai nghe tiếng nói trầm ấm của quê hương, miệng thưởng thức món ăn quen thuộc của xứ sở, vừa rẻ vừa ngon, thú vị vô cùng! Người Huế mê cơm hến đã đành, du khách đến Huế, dẫu chỉ ăn cơm hến Huế một lần cũng đủ thèm và nhớ suốt đời.