Câu 1. Em hình dung công việc đập đá của người tù ở Côn Đảo là một công việc như thế nào? (Chú ý không gian, điều kiện làm việc và tính chất công việc.)
Đập đá ở Côn Lôn là công việc khổ sai, vô cùng vất vả. Người tù phải làm việc trên hòn đảo trơ trọi, hoang vắng, giữa nắng gió biển khơi. Điều kiện làm việc vô cùng khắc nghiệt dưới họng súng và roi vọt của quân thù. Trong chế độ nhà tù tàn bạo, người tù buộc phải làm công việc nguy hiểm, cực nhọc này cho đến khi kiệt sức và không ít người đã gục ngã. Tuy nhiên, kẻ thù không thể khuất phục được ý chí của những người tù cách mạng.
Câu 2. Bốn câu thơ đầu có hai lớp nghĩa. Hai lớp nghĩa đó là gì? Phân tích giá trị nghệ thuật của những câu thơ đó. Nhận xét về khẩu khí của tác giả.
Bốn câu thơ đầu có hai lớp nghĩa: vừa tả thực công việc đập đá, vừa biểu lộ một tâm thế, một ý chí sắt thép. Với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa miêu tả và biểu cảm, giữa lớp nghĩa thực và lớp nghĩa tượng trưng, tác giả đã xây dựng được một hình tượng thơ đa diện và có chiều sâu.
Nhà thơ đã gửi gắm quan niệm, chí khí, tâm huyết của mình vào câu thơ: Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn. Từ đứng giữa thể hiện một tư thế hiên ngang, kiêu hãnh. Đây là kiểu quan niệm truyền thống về chí nam nhi: gánh vác trách nhiệm to lớn, đầu đội trời, chân đạp đất...
Ba câu thơ sau vừa tả thực công việc đập đá nguy hiểm, nặng nhọc, vừa khắc hoạ nổi bật tầm vóc của những người anh hùng với hành động phi thường.
Những hình ảnh miêu tả việc đập đá còn hàm chứa ý nghĩa ẩn dụ, gợi lên sức mạnh của người dũng sĩ lay chuyển được cả đất trời.
Bốn câu thơ trên đã xây dựng được một tượng đài uy nghi về người anh hùng cứu nước. Nét nghĩa thực, nét nghĩa tượng trưng hoà quyện vào nhau, bổ sung cho nhau: Công việc đập đá là công việc lao động khổ sai vô cùng vất vả, nguy hiểm là một thử thách khắc nghiệt; nhưng đồng thời cũng là hoàn cảnh, điều kiện để đấng nam nhi thể hiện khí phách, bản lĩnh của mình. Giọng thơ thể hiện khẩu khí ngang tàng, ngạo nghễ của con người dám coi thường mọi thử thách gian nan.
Câu 3. Bốn câu thơ cuối bộc lộ trực tiếp những cảm xúc và suy nghĩ của tác giả. Em hãy tìm hiểu ý nghĩa những câu thơ này và cách thức biểu hiện cảm xúc của tác giả.
Nếu trong bốn câu thơ đầu, tác giả kết hợp giữa miêu tả và biểu cảm thì trong bốn câu thơ cuối, tác giả trực tiếp bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ của mình:
Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,
Mưa nắng càng bền dạ sắt son.
Những kẻ vá trời khi lỡ bước,
Gian nan chi kể việc con con!
Đây vẫn là khẩu khí ngang tàng của người anh hùng không chịu khuất phục hoàn cảnh, xem thường mọi thử thách gian nan, luôn giữ vững khi tiết, niềm tin và ý chí chiến đấu. Vẻ đẹp tinh thần này kết hợp với tầm vóc lẫm liệt, oai phong được miêu tả ở trên đã tạo nên một hình tượng nghệ thuật giàu tính sử thi, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.
Để làm nổi bật chí lớn, gan to của người anh hùng, tác giả đã đặt nhân vật trong thế tương quan đối lập với những thử thách lớn lao. Ở câu 5 - 6 là sự đối lập giữa những thử thách gian nan (tháng ngày, mưa nắng) và sức chịu đựng kiên trì, bền bỉ cùng ý chí chiến đấu, chiến thắng mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng (thân sành sỏi, dạ sắt son).
Câu 7 - 8 nêu bật khí phách cương cường rất đáng khâm phục của những con người dám mưu đồ sự nghiệp cứu nước vào những năm đầu thế kỉ XX. Tác giả tự hào gọi họ là Những kẻ vá trời và so sánh hành động của họ giống với hành động đội đá vá trời của bà Nữ Oa trong thần thoại Trung Quốc ở tính chất vĩ đại, phi thường. Bởi thế nên những thử thách trên bước đường chiến đấu được Phan Châu Trinh và các đồng chí của ông coi chỉ là những việc con con (tầm thường, không đáng kể). Sự thật thì bản án tử hình và hoàn cảnh tù đày khắc nghiệt mà ông đang phải chịu đựng đâu có phải là việc con con. Có điều, đặt bên cạnh lí tưởng vì dân vì nước thì quả là nó chẳng có gì đáng phải bận tâm.
Câu 4. Qua cả hai bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác và Đập đá ở Côn Lôn, em hãy trình bày lại những cảm nhận của mình về vẻ đẹp hào hùng, lãng mạn của hình tượng nhà Nho yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX.
Trong hai bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác và Đập đá ở Côn Lôn, vẻ đẹp hào hùng, lãng mạn của hình tượng nhà nho yêu nước và cách mạng đầu thế kỉ XX thể hiện ở các mặt sau:
- Tư thế ung dung, khí phách hiên ngang, bất khuất, coi thường gian nan, nguy hiểm, vượt lên trên cảnh ngộ lao tù để chiến thắng. (Coi việc phải ở tù như một bước dừng chân tạm nghỉ; coi công việc lao động khổ sai như một việc con con không đáng kể).
- Có chí lớn cứu nước, cứu dân; luôn trung kiên và lạc quan tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng.
Tất cả được nói lên bằng một giọng điệu hào hùng, lãng mạn, đúng là khẩu khí của những bậc anh hùng hào kiệt khi sa cơ lỡ bước rơi vào vòng tù ngục của quân thù. Vì vậy, hai bài thơ này có sức lôi cuốn và lay động mạnh mẽ tâm hồn người đọc.