I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Ngày Tết, nếu hoa mai tiêu biểu cho mùa xuân phương Nam thì hoa đào lại tiêu biểu cho mùa xuân phương Bắc.

2. Thân bài:

* Nguồn gốc và xuất xứ của cây hoa đào:

- Cây hoa đào thuộc họ hoa hồng, có mặt ở nhiều nước châu Á (Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản...). Ở Việt Nam, cây đào trước đây chỉ được trồng ở miền Bắc. Làng Nhật Tân ngoại thành Hà Nội là vùng đất trồng hoa đào nổi tiếng đã mấy trăm năm. Hiện nay, cây hoa đào đã trồng được ở Đà Lạt (miền Nam).

* Các loại đào:

- Đào bích: hoa màu hồng thẫm, cánh hoa nhỏ, nhiều tầng, hoa phủ đầy cành.

- Đào phai: giống như đào bích nhưng hoa màu hồng nhạt.

- Đào bạch: hoa màu trắng, ít cánh hơn, hoa thưa, khó trồng.

- Đào thất thốn: cây thấp, hoa nhỏ, màu hồng sẫm, thường trồng trong chậu uốn thành các hình dáng theo ý muốn.

* Điều kiện sống và kĩ thuật chăm sóc:

- Cây đào ưa đất thịt, đất phù sa, cần nhiều ánh sáng. Cây đào rụng lá vào mùa đông. Mùa xuân nảy lộc, đơm hoa. Người trồng phải nắm vững kĩ thuật và có kinh nghiệm trong việc bón phân, tưới nước... để hoa đào nở đúng vào ngày mồng Một Tết.

* Bảo quản và sử dụng:

- Khi thu hoạch đào đem bán hoặc chưng ngày Tết, nhà vườn dùng cưa để không làm lay gốc, đứt rễ. Nếu đem đi xa, nên bứng nguyên gốc (cả đất) hoặc tẩm bông ướt hay cho ít đất ẩm vào túi ni lông, lồng vào gốc rồi buộc chặt...

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của bản thân:

- Hoa đào là loài hoa đặc trưng của Tết Nguyên Đán ở miền Bắc. Hoa đào là linh hồn của mùa xuân. Vẻ đẹp của hoa đào như một lời chúc mừng năm mới tốt lành.

II. BÀI LÀM

Vào dịp Tết Nguyên Đán, nếu hoa mai là đặc trưng của mùa xuân phương Nam thì hoa đào lại tiêu biểu cho mùa xuân phương Bắc. Tết đến, chắc chắn các bạn sẽ bị cuốn hút bởi vẻ đẹp mê hồn của những cành đào, cây đào được bàn tay con người chăm chút kĩ lưỡng và trân trọng.

Cây hoa đào xuất hiện ở nhiều nước châu Á như Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản... Trước kia, ở Việt Nam, cây đào chỉ trồng được từ vùng Nghệ - Tĩnh trở ra. Làng Nhật Tân, ngoại thành Hà Nội là xứ sở của hoa đào. Ngày nay, ở Đà Lạt (miền Nam) cũng đã trồng được loại đào ghép nhưng không đẹp bằng đào Hà Nội.

Cây hoa đào có nhiều giống, phổ biến nhất là đào bích, bông hoa nhiều cánh màu hồng thẫm, phủ từ gốc tới ngọn. Đào phai hoa màu hồng nhạt, đào bạch hoa màu trắng, tương đối khó trồng. Đào thất thốn cây thấp, hoa nhỏ màu đỏ thắm, thường được trồng vào chậu và uốn thành các dáng thể theo ý muốn. Các giống đào này đều chỉ cho hoa chứ không cho quả.

Cây đào ưa đất thịt, đất phù sa, phân mùn và cần nhất là không gian thoáng đãng, nhiều ánh sáng. Cây đào rụng lá hàng năm vào mùa đông, đến mùa xuân lại nảy lộc, ra hoa. Vì vậy, người trồng phải có kinh nghiệm và hiểu biết kĩ thuật để làm cho cây đào nở hoa đúng vào dịp Tết. Giữa tháng Chạp (12 Âm lịch), nụ hoa he hé là vừa. Nếu trời trở gió nồm, thời tiết ấm lên thì hoa có thể nở sớm. Muốn hãm thì phải ngừng tưới để đất hơi khô.

Cách Tết độ vài ngày, hoa đào bắt đầu nở lác đác. Những cánh hoa hồng thắm chi chít khắp cành. Từng chùm lá nõn xanh như ngọc bích rung rinh trước gió. Sáng mồng Một Tết, hoa đào nở rộ, hương thơm nhẹ nhàng, thoang thoảng. Một màu hồng rực bao phủ khắp cây đào, tạo nên vẻ đẹp có sức quyến rũ lạ lùng. Nhìn hoa đào nở, lòng người hân hoan xúc động trước linh hồn của mùa xuân.

Trong hàng trăm ngàn loài hoa, hoa nào cũng có vẻ đẹp riêng, nhưng đặc biệt hơn cả là hoa đào mang tới cho con người sức sống rạo rực của mùa xuân. Màu hồng của hoa đào như một lời chúc tốt lành, đem lại sự may mắn trong năm mới. Cùng với hoa mai miền Nam, hoa đào miền Bắc đã góp phần tô điểm cho sắc xuân tuyệt vời của đất nước Việt Nam yêu dấu.