Câu 1. Hai câu thơ đầu là tiếng than và lời tâm sự của Tản Đà với chị Hằng. Theo em, vì sao Tản Đà có tâm trạng chán trần thế?

Hai câu đề bộc bạch rất thật tâm trạng của nhà thơ trong đêm thu trăng sáng:

Đêm thu buồn lắm chị Hằng ơi!

Trần thế em nay chán nửa rồi.

Nhà thơ không kìm nén được nỗi buồn chất chứa trong lòng bấy lâu nên đã thốt thành lời than thở. Tại sao nhà thơ lại có tâm trạng chán trần thế như vậy? Bởi vì nhà thơ đang mang nặng nỗi đau trước tình cảnh nô lệ của dân tộc và nỗi xót xa trước cảnh đời nhiễu nhượng, cùng nỗi cô đơn thất vọng, sự bế tắc của cá nhân. Xã hội thực dân phong kiến như một nhà tù lớn giam hãm con người. Tản Đà cảm thấy bất hoà sâu sắc với xã hội ấy và muốn thoát li cuộc đời đáng buồn, đáng chán.

Câu 2. Nhiều người đã nhận xét một cách xác đáng rằng, Tản Đà là một hồn thơ “ngông”. Em hiểu “ngông” nghĩa là gì? (bộc lộ một thái độ như thế nào đối với cuộc sống)? Hãy phân tích cái “ngông” của Tản Đà trong ước muốn được làm thằng Cuội (chú ý các câu 3 - 4, 5 - 6).

“Ngông” theo nghĩa dân gian có nghĩa là làm những việc trái với lẽ thường, khác với mọi người bình thường. “Ngông” trong văn chương thường biểu hiện bản lĩnh của con người có cá tính mạnh mẽ, có mối bất hoà sâu sắc với xã hội, không chịu ép mình trong khuôn khổ chật hẹp của lễ nghi, lề thói thông thường, lấy sự ngông ngạo để chống đối lại cái vòng cương toả khắc nghiệt đang kìm hãm sự phát triển hợp quy luật của con người. “Ngông” là sản phẩm của xã hội phong kiến chuyên chế, không tôn trọng cá tính con người.

Cái “ngông” của Tản Đà còn thể hiện ở nỗi khao khát được giãi bày, chia sẻ tình cảm, tâm tư với mọi người. Ông sống phóng khoáng, có nhiều ước mơ, dù những ước mơ ấy mang màu sắc hoang đường, huyễn hoặc.

Trong xã hội thối nát đương thời, bao kẻ vì ham hai chữ lợi danh mà đánh mất nhân cách. Tản Đà muốn thoát tục để giữ mình trong sạch, hướng tới tự do cao cả. Đó là cái “ngông” đặc biệt đáng quý của thi sĩ.

Cái “ngông” của Tản Đà ước muốn làm thằng Cuội trong bài thơ Muốn làm thằng Cuội trước tiên thể hiện ở cách xưng hô. Tản Đà đã “ngông” khi chọn cách xưng hô thân mật, thậm chí hơi suồng sã với chị Hằng (gọi là chị và xưng là em). Ông muốn được kết bạn với gió, với mây và nhất là muốn được thành tri âm tri kỉ với chị Hằng, xem chị Hằng như một người bạn tâm tình để giãi bày mọi nỗi niềm sâu kín.

Thật là mơ mộng và cũng thật là tình tứ! Tâm hồn lãng mạn của thi nhân đã tìm được một địa điểm thoát li lí tưởng và tuyệt đối, bởi lên đến cung quế là có thể hoàn toàn xa lánh được cái “cõi trần nhem nhuốc” mà ông chán ghét.

Cảnh và tình trong hai câu đề là nỗi buồn chán thấm thía nhưng giọng điệu lại lộ ra nét cười hóm hỉnh. Ở hai câu thực, nỗi buồn chỉ còn phảng phất và đến hai câu luận thì niềm vui đã bộc lộ rõ khi nhà thơ tưởng tượng mình đang được sống cùng tiên nữ Hằng Nga:

Có bầu có bạn can chi tủi,

Cùng gió, cùng mây thế mới vui.

Nhà thơ muốn làm thằng Cuội để giải thoát nỗi buồn uất kết bấy lâu nay. Sống trên cung trăng, thi sĩ vừa thoát khỏi cảnh vẩn đục của chốn nhân gian, vừa thoả mãn thú tiêu dao được bầu bạn cùng mây gió. Cảm hứng lãng mạn của Tản Đà mang đậm dấu ấn thời đại và đi xa hơn người xưa là ở chỗ đó.

Câu 3. Phân tích hình ảnh cuối bài thơ: Tựa nhau trông xuống thế gian cười. Em hiểu cái cười ở đây có ý nghĩa gì?

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám,

Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

Mạch cảm xúc lãng mạn và thái độ “ngông” của Tản Đà được đẩy lên đến cao độ bằng một hình ảnh tưởng tượng đầy bất ngờ và thú vị. Đêm Trung thu, trong khi mọi người ngẩng đầu lên chiêm ngưỡng vầng trăng sáng tỏ, tròn đầy thì nhà thơ lại đang ngồi trên cung trăng, tựa vai chị Hằng để cùng trông xuống thế gian và... cười. Cái cười ở đây bao hàm hai ý nghĩa: vừa thoả mãn vì đã đạt được ước muốn xa lánh cõi trần bụi bặm, vừa thể hiện sự mỉa mai, khinh bỉ cái cõi thế gian giờ đây chỉ còn là “bé tí” khi mình đã bay bổng vượt lên trên nó. Đó là đỉnh cao hồn thơ lãng mạn của Tản Đà.

Hai câu kết phản ánh rất rõ tâm trạng nhà thơ. Khi đã thoát tục lên trăng, từ trên cao vời vợi nhìn xuống trần gian, thi sĩ thấy thế giới mình sống trước đây thật chật chội, tù túng và đủ mọi chuyện nực cười. Nhà thơ muốn được thành tiên để cười vào thói bon chen danh lợi, đố kị, ích kỉ và cảnh lo toan miếng cơm, manh áo chật vật của kiếp người.

Câu 4. Theo em, những yếu tố nghệ thuật nào đã tạo ra được sức hấp dẫn của bài thơ?

Muốn làm thằng Cuội là một bài thơ độc đáo. Giọng thơ nhẹ nhàng, trong sáng, trí tưởng tượng phong phú, kì diệu, tạo nên chất lãng mạn bay bổng hiếm có.

- Yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của bài thơ trước hết là tư tưởng thoát li hiện thực rất lãng mạn của tác giả. Trí tưởng tượng bay bổng của nhà thơ đã tạo ra một giấc mộng kì thú với những chi tiết gợi cảm và bất ngờ. Đó là một cuộc đối thoại thân mật với chị Hằng, một tiên nữ trên cung trăng. Tác giả còn hình dung ra cảnh:

Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám,

Tựa nhau trông xuống thế gian cười.

- Nguồn cảm xúc vừa dồi dào, phóng túng, vừa sâu lắng, thiết tha đã được thi sĩ thể hiện một cách tự nhiên, nhuần nhị như giọng tâm tình thân mật với người bạn tri kỉ, tri âm.

- Lời thơ giản dị, trong sáng và giàu sức biểu cảm, phong phú, đa dạng trong lối biểu hiện (khi than, khi nhắn hỏi, khi cầu xin). Ngôn ngữ đối thoại tự nhiên như lời ăn tiếng nói hằng ngày. Bài thơ có nói đến buồn, đến chán, đến thoát li... nhưng không bi quan mà bộc lộ một thái độ phủ định thực tại xã hội tù túng, bế tắc đương thời; khao khát một xã hội tốt đẹp hơn. Tuy hình thức là một bài thơ Đường luật cổ điển nhưng thi sĩ đã đưa vào đó một ý tứ mới mẻ, táo bạo; giọng điệu phóng khoáng pha chút ngông nghênh. Bài thơ vẫn tuân thủ nghiêm chỉnh các quy tắc về vần, luật nhưng không gò bó, công thức.

Câu 5. Nhận xét về phép đối trong hai câu 3 - 4 và 5 - 6 của bài thơ

* Nhận xét:

Cung quế / đã ai / ngồi / đó chửa?

Cành đa / xin chị / nhắc / lên chơi.

Có bầu / có bạn / can chi tủi,

Cùng gió / cùng mây / thế mới vui.

Phép đối của hai cặp câu 3 - 4, 5 - 6 rất chỉnh, thể hiện tài năng của thi sĩ Tản Đà về cách tạo ý thơ, sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ thơ.

Thi sĩ dựa trên truyền thuyết về sự tích mặt trăng và bài đồng dao Thằng Cuội ngồi gốc cây đa... để tạo ra ý thơ lãng mạn bất ngờ và lí thú là muốn làm thằng Cuội. Ngôn ngữ, hình ảnh trong bài giản dị. Trước hết, tác giả đặt một câu hỏi thăm dò: Cung quế đã ai ngồi đó chửa?, rồi sau đó là lời cầu xin tha thiết: Cành đa xin chị nhắc lên chơi. Khung cảnh thật mơ mộng và cũng thật là tình tứ.

Những khát vọng của Tản Đà không chỉ là trốn chạy và xa lánh. Dẫu đã lên được cõi tiên nhưng thi sĩ vẫn giữ nguyên bản tính đa tình và “ngông" của mình, vẫn muốn được sống một cuộc sống đích thực với những niềm vui mà ở cõi trần ông không bao giờ tìm thấy. Ở cõi trần, Tản Đà luôn cảm thấy buồn vì sự trống vắng, cô đơn và khắc khoải đi tìm những tâm hồn tri kỉ. Giờ đây trên cung quế, Tản Đà được sánh vai bầu bạn với chị Hằng, được vui chơi thoả chí cùng mây gió thì làm sao có thể cô đơn, sầu tủi được?.

Câu 6. So sánh ngôn ngữ và giọng điệu ở bài thơ này với bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan (đã học ở lớp 7).

QUA ĐÈO NGANG

Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà,

Cỏ cây xen đá, lá chen hoa.

Lom khom dưới núi, tiều vài chú,

Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.

Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,

Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.

Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,

Một mảnh tình riêng, ta với ta,

Bài thơ này là bức tranh phong cảnh và bức tranh tâm trạng của nữ sĩ: cô đơn, nhớ nhà và hoài niệm về một thời đại huy hoàng đã qua.

Bao trùm toàn bộ bài thơ là cảnh thiên nhiên cuốn hút hồn người nhưng đẹp và buồn. Ngôn ngữ thơ mang dáng dấp cổ kính, đài các và âm hưởng du dương, cảm xúc thơ sâu lắng. Giữa thiên nhiên bao la, thấp thoáng bóng dáng con người và hơi hướng cuộc sống nhưng cũng chỉ ít ỏi, mờ nhạt, xa vời. Sự hiu quạnh bao trùm lên cảnh vật và gieo vào tâm hồn nữ sĩ một nỗi buồn thấm thía. Vì thế nỗi cô đơn càng tăng lên gấp bội.

Bài thơ Muốn làm thằng Cuội của Tản Đà thể hiện khát vọng thoát khỏi cõi đời trần tục đầy nhiễu nhương để đến với thế giới trong sạch, tự do.

Đây là tâm trạng buồn chán, bất bình trước thực tại của xã hội thực dân phong kiến đầy áp bức, bất công đương thời. Giọng điệu bài thơ thanh thoát, nhẹ nhàng, pha chút hóm hỉnh, duyên dáng. Nhà thơ muốn thoát trần lên trăng, xa lánh cõi thế gian đáng chán ghét để được làm bạn với gió với trăng, để cười vào mặt những kẻ xấu xa, độc ác và thói đời nhỏ nhen, ích kỉ.

Cả hai bài thơ đều có nghệ thuật đối hoàn chỉnh, cách sử dụng từ độc đáo, hình ảnh đặc sắc và đều thấm thía một nỗi buồn. Điều khác biệt là ở Bà Huyện Thanh Quan thì nỗi buồn sâu lắng, kết tụ trong tâm hồn; còn ở Tản Đà thì ước vọng hão huyền để rồi sau đó từ cõi mộng trở về cõi thực, nỗi buồn lại đầy ắp trong tim thi sĩ.