I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Vịt là một trong những loài vật nuôi quen thuộc, ở nông thôn Việt Nam từ lâu đời, đem lại rất nhiều lợi ích.

2. Thân bài:

* Các giống vịt:

+ Vịt đàn:

- Còn gọi là vịt cỏ, vịt tàu... là một trong những giống vịt nuôi phổ biến nhất ở nước ta.

- Vịt đàn có nhiều màu lông khác nhau như trắng, đen, nâu, xám...

- Vịt đàn đầu nhỏ, trọng lượng chỉ khoảng 1,5 kg đến 2 kg, chịu kham khổ, kiếm mồi giỏi, đẻ trứng nhiều, thích hợp với phương thức chăn thả tự nhiên.

+ Vịt bầu: thân hình cân đối, đầu to, mỏ hơi dài, cổ ngắn, lông nhiều màu, trọng lượng khoảng hơn 2 kg. Thịt mềm, béo, ngọt.

+ Vịt siêu thịt: là loài vịt nhập từ nước ngoài, màu lông trắng tuyền, mỏ và chân màu vàng cam. Thân hình khá lớn, ngực rộng, đầu to, lưng thẳng, cổ to dài, trọng lượng khoảng từ 3 đến 4 kg. Tăng trưởng rất nhanh, cho nhiều thịt.

* Phương pháp chăn nuôi;

- Vịt được nuôi bằng nhiều loại thức ăn khác nhau: thóc, ngô, cao lương, kê, đỗ tương, đỗ xanh, lạc, bột cá, bột vỏ sò, bột xương, cua, ốc, tôm, tép...

* Chăm sóc:

- Chuồng trại: nền trại cao hơn mặt ruộng, chăng lưới quây kín xung quanh.

- Cho vịt uống nước sạch.

- Chuẩn bị ổ đẻ bằng cách rải rơm rạ khô trên mặt nền, nhặt trứng vào sáng sớm, vệ sinh bảo quản trứng...

- Tiêm phòng bệnh dịch tả, bệnh viêm gan do virút, bệnh tụ huyết trùng, bệnh H5N1...

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của bản thân:

- Hiện nay, ngành chăn nuôi vịt phát triển rộng rãi trên cả nước. Vịt là loài vật nuôi có giá trị kinh tế rất cao, đem lại nguồn thu đáng kể cho nông dân.

II. BÀI LÀM

Vịt là loài gia cầm được người nông dân chăn nuôi từ lâu đời bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích. Hình ảnh từng đàn vịt khoảng vài chục con thong dong bơi lội trên mặt ao, mặt đầm hay hàng ngàn con sục sạo kiếm mồi, kêu ồn ã cả một quãng đồng là hình ảnh quen thuộc ở làng quê.

Các giống vịt chủ yếu của nước ta gồm vịt đàn hay còn gọi là vịt tàu, vịt cỏ. Loại này thân nhỏ, đầu và mỏ thanh tú, lông có nhiều màu: đen, nâu, xám, xanh đen pha trắng... trọng lượng chỉ độ 1 kg đến 1,5 kg. Vịt đàn thường được nuôi thành từng đàn lớn, hàng trăm hay hàng ngàn con. Chúng có sức chịu đựng kham khổ và ít mắc bệnh, kiếm mồi rất giỏi trên đồng ruộng. Vịt đàn đẻ nhiều, trứng nhỏ nhưng ngon. Thịt vịt đàn được nhiều người ưa thích vì có vị ngọt đậm và thơm. Nông dân ở các vùng đồng bằng miền Bắc, miền Nam thường nuôi vịt đàn theo lối chăn thả tự nhiên từ trước đến nay.

Bên cạnh giống vịt đàn còn có giống vịt bầu. Vịt bầu lớn con hơn vịt đàn, cổ ngắn, chân thấp, lông nhiều màu, dáng đi lạch bạch. Thịt vịt bầu cũng mềm và ngọt nhưng nhiều mỡ hơn vịt đàn. Các gia đình nuôi vịt bầu vừa phục vụ cho nhu cầu sử dụng ngày giỗ, ngày Tết, vừa bán để tạo nguồn thu nhập quanh năm. Đồng bào miền Nam trước đây nuôi rất nhiều giống vịt cổ lùn, có những đặc điểm tương tự như vịt bầu ngoài Bắc, để tận dụng nguồn thức ăn phong phú từ kênh rạch và đồng ruộng.

Hiện nay, các trại chăn nuôi quốc doanh và tư nhân đầu tư khá lớn về mặt vật chất để nuôi giống vịt nhập từ nước ngoài vào, gọi là vịt siêu thịt. Vịt siêu thịt được nuôi theo kiểu công nghiệp trong chuồng trại, ăn cám hỗn hợp, được theo dõi và tiêm chủng thường xuyên. Trọng lượng của giống vịt này khá lớn, sau 3 tháng có thể đạt tới trên 3 kg một con. Đặc điểm vượt trội của nó là chất lượng thịt đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, chế biến thành nhiều món ăn cao cấp.

Để việc chăn nuôi vịt ngày càng phát triển, đem lại hiệu quả cao, người nông dân phải nắm vững kĩ thuật chăm sóc, từ khâu chọn giống đến chế độ dinh dưỡng, chuồng trại, vệ sinh phòng bệnh... Vịt là loài thuỷ cầm ăn tạp. Thức ăn của chúng gồm nhiều loại. Loại cung cấp prô-tê-in có thóc, ngô, khoai, sắn, cám... Loại cung cấp chất khoáng có bột vỏ sò, bột xương... Thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cho vịt khoẻ mạnh, tăng trưởng nhanh, đẻ nhiều và chất lượng thịt cao.

Trong giai đoạn hiện nay, ngành chăn nuôi trong đó có chăn nuôi vịt đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Vịt là loài gia cầm đem lại nhiều lợi ích cho đời sống của con người, là nguồn thu nhập thường xuyên của nông dân.