Câu 1. Phân tích ý nghĩa của việc dùng dấu phẩy trong đầu đề của văn bản: Ôn dịch, thuốc lá. Có thể sửa thành: Ôn dịch thuốc lá hoặc: Thuốc lá là một loại ôn dịch được không? Vì sao?

Thuốc lá là một chủ đề thường xuyên được đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu phân tích tác hại ghê gớm, toàn diện của tệ nghiện thuốc lá và khói thuốc lá đối với đời sống con người. Thuốc lá là cách nói tắt của “tệ nghiện thuốc lá”.

- So sánh (tệ nghiện) thuốc lá với ôn dịch là rất thỏa đáng vì tệ nghiện thuốc lá cũng là một thứ bệnh (bệnh nghiện) và cả hai có một đặc điểm chung là rất dễ lây lan.

- Nếu ta lấy đầu đề: Ôn dịch thuốc lá thì lại có nghĩa là loại bệnh lây lan do thuốc lá gây nên. Hoặc Thuốc lá là một loại ôn dịch thì chỉ có nghĩa thuốc lá là một loại bệnh lây lan.

- Nếu lấy đầu đề là Ôn dịch, thuốc lá thì từ Ôn dịch không đơn thuần có nghĩa là một thứ bệnh lan truyền rộng làm chết người hàng loạt trong một thời gian nhất định, mà ở đây, tác giả dùng từ Ôn dịch vốn được dùng như tiếng chửi rủa. Hơn thế, lại đặt một dấu phẩy ngắn cách giữa hai từ Ôn dịch và thuốc lá thì dấu phẩy được sử dụng theo lối tu từ để nhấn mạnh sắc thái biểu cảm vừa căm tức, vừa ghê sợ đối với thuốc lá. Có thể diễn ý tên gọi văn bản Ôn dịch, thuốc lá một cách nôm na như sau: “Thuốc lá! Mày là đồ ôn dịch!”. Chính vì thế tên của đầu đề văn bản: Ôn dịch, thuốc lá là thích hợp, không thể thay đổi.

Câu 2. Vì sao tác giả dẫn lời Trần Hưng Đạo bàn về việc đánh giặc trước khi phân tích tác hại của thuốc lá? Điều đó có tác dụng gì trong lập luận?

Tác giả dẫn lời của Trần Hưng Đạo bàn về việc đánh giặc trước khi phân tích tác hại của thuốc lá để người nghe dễ hiểu hơn và lập luận của mình chặt chẽ hơn. Hãy tìm mối liên hệ giữa giặc đánh ta trong câu nói với bệnh đánh ta trong việc phân tích tác hại của thuốc lá.

Câu nói của Trần Hưng Đạo bàn về việc giặc đánh ta: Nếu giặc đánh như vũ bão thì không đáng sợ, đáng sợ là giặc gặm nhấm như tằm ăn dâu. Tác giả đã mượn câu nói này để làm cơ sở cho lập luận của mình khi phân tích tác hại của thuốc lá, nhằm làm cho người đọc thấy rõ: thuốc lá đáng sợ vì nó không gây bệnh ngay: người hút thuốc lá không lăn đùng ra chết, không say bê bết như người uống rượu, mà chất độc của nó cứ thấm dần vào cơ thể để rồi gây những bệnh nghiêm trọng như huyết áp cao, tắc động mạch, nhồi máu cơ tim,... và dẫn đến tử vong. Cái đáng sợ nhất là ở chỗ bệnh cứ thấm dần vào cơ thể hằng ngày mà người hút thuốc lá vẫn không biết hoặc không cảm thấy, thậm chí còn thấy sảng khoái. Tác hại của thuốc lá cũng gặm nhấm như tằm ăn dâu chính là cách ví von rất chính xác, gây ấn tượng mạnh cho người đọc. Tác giả so sánh việc chống thuốc lá cũng giống như chống giặc ngoại xâm.

Sau khi nêu lên tác hại ghê gớm của khói thuốc lá đối với sức khoẻ con người, tác giả nêu lên tác hại về mặt kinh tế và xã hội. Chỉ riêng bệnh viêm phế quản hàng triệu người cũng đã làm mất bao nhiêu ngày công lao động và làm hao tổn sức khoẻ cộng đồng.

Câu 3. Vì sao tác giả đặt giả định “Có người bảo: Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi!” trước khi nêu lên những tác hại về phương diện xã hội của thuốc lá?

Nếu ở phần đầu tác giả nêu rõ tác hại của khói thuốc lá đối với bản thân người hút thì đến phần này, ông phân tích tác hại của nó đối với cả những người không hút. Đây không phải là điều mà ai cũng biết. Có hai khái niệm đã được giới khoa học dùng là hút thuốc lá chủ động và hút thuốc lá bị động. Người không hút thuốc nhưng vẫn bị khói thuốc lá gây tác hại thì gọi là hút thuốc lá bị động hoặc hút thuốc lá thụ động. Đặc biệt, ở những nơi công cộng như bến xe, bệnh viện, siêu thị, phòng khách các cơ quan, công sở,... người hút thuốc lá gây ra tác hại rất lớn đối với mọi người và môi trường. Để làm nổi bật điều này, tác giả đã mở đầu bằng lời chống chế thường gặp ở những người hút thuốc: Tôi hút, tôi bị bệnh, mặc tôi! Bằng những lập luận chặt chẽ, dẫn chứng sinh động và cả sự bức xúc, tác giả đã bác bỏ luận điệu sai lầm ấy. Ông đã phân tích và chứng minh để khẳng định tác hại ghê gớm của thuốc lá đối với gia đình, xã hội bằng những câu văn đầy sức thuyết phục: Hút thuốc lá là quyền của anh, nhưng anh không có quyền đầu độc những người ở gần anh... Hút thuốc cạnh một người đàn bà có thai quả là một tội ác...

Người hút thuốc lá tự làm hại sức khoẻ của mình, đồng thời cũng làm hại sức khoẻ của bao nhiêu người khác. Đã thế còn nêu gương xấu về mặt đạo đức cho con em mình. Đây là điều mà mọi người cần hiểu biết và lên án.

Câu 4. Vì sao tác giả đã so sánh tình hình hút thuốc lá ở nước ta với các nước Âu - Mĩ trước khi đưa ra kiến nghị: Đã đến lúc mọi người phải đứng lên chống lại, ngăn ngừa nạn ôn dịch này?

Bởi vì nước ta nghèo hơn các nước Âu - Mĩ rất nhiều nhưng tỉ lệ số người nghiện thuốc lá tương đương với các nước đó. Để chống tệ hút thuốc lá, các nước đó đã tiến hành những chiến dịch, thực hiện những biện pháp ngăn ngừa, hạn chế, xử phạt quyết liệt. Đó là điều đáng để chúng ta suy nghĩ và học tập.

Sự so sánh này vừa có tác dụng làm rõ hơn tính đúng đắn của những điều được thuyết minh ở các phần trên, vừa tạo cơ sở vững chắc cho lời kết luận: Nghĩ đến mà kinh! Đã đến lúc mọi người phải đứng lên chống lại, ngăn ngừa nạn ôn dịch này.

Câu 5. Tìm hiểu tình trạng hút thuốc lá ở một số người quen thân hoặc bạn bè quen biết. Thử dựa vào cách lập bảng thống kê của bài Đọc thêm số 1 để phân loại nguyên nhân.

* Gợi ý

- Độ tuổi hút thuốc.

- Trong gia đình, ai hút thuốc? Mức độ ảnh hưởng?

(Học sinh tự làm)

Câu 6. Dùng năm dòng để ghi lại cảm nghĩ của mình sau khi đọc bản tin của báo Sài Gòn tiếp thị trích in ở phần Đọc thêm.

Học sinh ghi lại cảm nghĩ nên nội dung bài viết có thể rất đa dạng. Tuy nhiên, vẫn có thể nêu ra vài yêu cầu chung:

- Không viết quá năm dòng.

- Cảm nghĩ phải chân thực.

- Chỉ ra tác dụng cảnh báo mạnh mẽ của bản tin khi nêu lên cái chết thảm thương không phải của con một người nghèo khổ mà là con một tỉ phú ở Mĩ.

* Tham khảo bài viết sau:

Ma tuý là loại chất độc không phân biệt kẻ giàu, người nghèo. Khi dính vào nó thì coi như nắm chắc cái chết trong tay. Thật đáng tiếc cho người thanh niên Mĩ ấy sống trong hoàn cảnh quá đầy đủ mà không chịu học tập, phấn đấu để trở thành người tốt. Đáng trách cho bố mẹ anh ta chỉ lo làm giàu mà không quan tâm chăm sóc con cái. Quả là nỗi đau này không phải của riêng ai.