I. DÀN Ý
1. Mở bài:
* Giới thiệu chung:
- Đôi dép cao su là một vật dụng độc đáo đầy sáng tạo, gắn liền với cán bộ, chiến sĩ ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ.
2. Thân bài:
* Hình dáng và chất liệu:
- Dép có hai quai trước bắt chéo nhau, hai quai sau song song, được làm từ săm (ruột) xe ôtô cũ cắt ra, bề ngang mỗi quai khoảng 1,5 cm, xỏ qua lỗ dưới đế.
- Đế dép được làm bằng lốp (vỏ) ôtô cũ hoặc được đúc bằng cao su. Dưới có xẻ những rãnh hình thoi để đi cho đỡ trơn.
* Tác dụng và cách sử dụng:
- Dép lốp cao su đơn giản, dễ làm, tiện sử dụng trời nắng cũng như trời mưa. Xỏ quai sau vào, dép ôm chặt lấy bàn chân và gót chân nên đi xa không bị mỏi.
- Người đi dép đường xa thường mang theo cái rút dép làm bằng cật tre già hoặc bằng nhôm để phòng khi dép bị tuột quai.
- Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, đôi dép cao su đã cùng các anh bộ đội hành quân đánh giặc, tạo nên nhiều chiến công thần kì.
- Lúc hành quân, gặp đường sình lầy, chỉ cần đổ ít nước trong bi đông ra để rửa bớt bùn dép là tiếp tục đi được, không bị trật chân.
- Hành quân qua rừng, nếu trời mưa mà đi giày thì giày sẽ ngấm nước rất nặng, con vắt chui vào chân cũng khó phát hiện và xử lí.
3. Kết bài:
* Cảm nghĩ của em:
- Hiện nay, vẫn còn nhiều người lớn tuổi thích sử dụng dép cao su.
- Hình ảnh đôi dép cao su đã gắn bó với cuộc đời giản dị, thanh cao của Bác Hồ.
- Đôi dép cao su đã đi vào thơ ca, nhạc hoạ.
II. BÀI LÀM
Đôi dép cao su là vật dụng đầy sáng tạo và độc đáo, chỉ ở đất nước Việt Nam mới có. Nó đã gắn bó thân thiết với cán bộ và chiến sĩ ta qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lăng.
Đôi dép có hình dáng giống các đôi dép bình thường khác. Quai dép được làm bằng săm (ruột) xe ôtô cũ. Hai quai trước bắt chéo nhau, hai quai sau song song, vắt ngang cổ chân. Bề ngang mỗi quai khoảng 1,5 cm. Quai được luồn xuống đế qua các vết rạch vừa khít với quai. Đế dép được làm bằng lốp (vỏ) xe ôtô hỏng hoặc đúc bằng cao su, mặt dưới có xẻ những rãnh hình thoi để đi cho đỡ trơn.
Dép lốp cao su dễ làm, giá thành rẻ, tiện sử dụng trong mọi thời tiết nắng, mưa. Khi xỏ quai sau vào, dép sẽ ôm chặt lấy bàn chân và gót chân nên người đi đường sẽ không bị mỏi. Người đi đường xa mang sẵn cái rút dép tự tạo bằng cật tre già hoặc bằng nhôm, để phòng khi dép cao su bị tuột quai thì rút lại.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ, mỗi anh bộ đội được phát một đôi giày và một đôi dép cao su. Chiến sĩ ta thường sử dụng dép cao su để hành quân đánh giặc. Đi giày vừa nặng vừa nhiều cái bất tiện, nhất là lúc hành quân qua địa hình rừng núi, gặp trời mưa thì giày là cái túi nước dưới chân, là nơi trú ngụ tốt nhất của các con vắt rừng chuyên hút máu. Dẫu biết có vắt trong giày, các chiến sĩ vẫn phải cắn răng chịu đựng, không dám dừng lại để bắt nó ra vì sợ lạc đội ngũ.
Nếu dùng dép lốp để hành quân thì mọi việc đơn giản hơn nhiều. Trời nắng thì dép nhẹ, dễ vận động. Nếu trời mưa, gặp đường sình lầy thì chỉ cần đổ ít nước trong bi động ra rửa bớt bùn là tiếp tục đi. Vắt cắn chân thì cúi xuống nhặt, vứt sang lề đường, chẳng mất thời gian.
Đôi dép cao su là biểu tượng giản dị, thuỷ chung trong hai cuộc chiến tranh giải phóng đau thương mà oanh liệt của dân tộc ta. Đôi dép cao su còn gắn liền với cuộc sống thanh cao, giản dị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đôi dép cao su, đôi dép Bác Hồ đã trở thành đề tài bài thơ của nhà thơ quân đội Tạ Hữu Yên, được nhạc sĩ Văn An phổ nhạc. Bài hát đã in đậm hình ảnh đáng yêu của đôi dép cao su trong lòng công chúng: Đôi dép đơn sơ, đôi dép Bác Hồ, Bác đi từ ở chiến khu Bác về. Phố phường, trận địa, nhà máy, đồng quê, đều in dấu dép Bác về Bác ơi! Dép này Bác trải đường dài. Đã cùng Bác vượt chông gai, xây non nước nhà. Đường đi chiến đấu gần xa, dấu dép Cha già dẫn lối con đi... Bài hát đã vang lên cùng năm tháng, nhắc nhở thế hệ trẻ chúng ta hãy trân trọng thành quả và vinh quang to lớn mà ông cha ta đã tạo dựng nên từ những thứ bình thường nhất trong quá trình dựng nước và giữ nước.