Câu 1. Căn cứ vào đại từ nhân xưng (tôi, chúng tôi) của người kể chuyện, hãy xác định hai mạch kể phân biệt lồng vào nhau trong hai cây phong. Nhân vật người kể chuyện có vị trí như thế nào (nhân danh ai) ở từng mạch kể ấy? Vì sao có thể nói mạch kể của người kể chuyện xưng “tôi” quan trọng hơn.

a. Thực ra, ở đây chỉ có một người kể là tác giả và đứng ở ngôi thứ nhất để kể chuyện. Nhưng căn cứ vào đại từ nhân xưng (khi xưng tôi, khi xưng chúng tôi), ta thấy trong truyện Hai cây phong có hai mạch kể: mạch kể xưng là tôi (ngôi thứ nhất, số ít) và mạch kể xưng là chúng tôi (ngôi thứ nhất, số nhiều). Có thể phân biệt như sau:

- Mạch kể của người kể chuyện xưng là tôi ở phần đầu bài văn (từ đầu... đến chiếc gương thần xanh) và ở đoạn kết bài văn (từ Tôi lắng nghe... đến hết).

- Mạch kể của người kể chuyện xưng là chúng tôi ở phần thứ hai bài văn (từ Vào năm học cuối cùng... đến biêng biếc kia).

Như vậy, tuy hai mạch kể được nói đến ở những phần khác nhau nhưng chúng lại lồng vào nhau trong kết cấu chung của bài văn: tôi - chúng tôi - tôi. Khi xưng tôi là giọng điệu của riêng tác giả; còn khi xưng chúng tôi là giọng điệu của cả tác giả và những người bạn vào năm học cuối cùng ở ngôi trường làng. Tác giả đã đại diện cho họ để kể chuyện nên xưng hô là chúng tôi.

Ở mạch kể thứ nhất, người kể chuyện là hoạ sĩ, một người con của quê hương, của làng Ku-ku-rêu đứng ra kể về hai cây phong cùng với bao kỉ niệm êm đẹp từ thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Ở mạch kể thứ hai, người kể chuyện đã nhân danh một học sinh đại diện cho lớp học sinh vào năm học cuối cùng để kể về những kỉ niệm của tuổi học trò gắn bó thân thiết với hai cây phong.

b. Nhân vật tôi đóng vai trò người kể và dẫn dắt câu chuyện. Những sự việc, sự vật đều được quan sát, cảm nhận qua lăng kính của một họa sĩ và được kể lại bằng ngôn ngữ của anh ta. Còn đại từ nhân xưng chúng tôi thực ra chỉ là sự mở rộng của nhân vật tôi; nghĩa là lúc xưng chúng tôi, người kể chuyện đã nhân danh bọn con trai trong lớp học ngày trước để kể về những kỉ niệm gắn liền với tuổi thơ.

Hơn nữa, đoạn văn này nằm trong ý đồ mà nhân vật tôi muốn người đọc hướng tới: đó là ca ngợi vẻ đẹp kì diệu của hai cây phong và thể hiện tình cảm gắn bó máu thịt với quê hương yêu dấu.

c. Mạch kể nào cũng đầy ắp những kỉ niệm êm đẹp và cảm xúc nồng nàn với hai cây phong, nhưng căn cứ vào độ dài văn bản của hai mạch kể, hơn nữa, nhân vật tôi có mặt ở cả hai mạch kể, ta thấy rõ ràng là mạch kể của nhân vật tôi quan trọng hơn, vì tác giả đã nhìn nhận, suy nghĩ và cảm xúc trước hai cây phong của quê hương. Tất nhiên, với vai trò là một người con của quê hương thì khi kể mức độ rung cảm sẽ sâu đậm hơn khi nhân danh là một học sinh đại diện cho những người bạn học cùng lớp.

Khi xưng là chúng tôi, người kể như sống lại với những kỉ niệm của tuổi học trò cùng cảm giác mới mẻ và niềm vui trẻ thơ vẫn tươi nguyên như thuở trước. Đó là kỉ niệm về những lần đi bắt tổ chim trên cành cây phong. Trên tầm cao ấy, một thế giới đẹp đẽ vô ngần của không gian bao la và ánh sáng đã mở ra trước mắt. Thế giới mới mẻ, lạ lùng đã làm cho đám con trai say mê, ngây ngất.

Câu 2. Trong mạch kể của người kể chuyện xưng “chúng tôi”, cái gì thu hút người kể chuyện cùng bọn trẻ và làm cho chúng ngây ngất? Tại sao có thể nói người kể chuyện (một hoạ sĩ) đã miêu tả hai cây phong và quang cảnh nơi đây bằng ngòi bút đậm chất hội hoạ?

a. Trong mạch kể mà người kể chuyện xưng là chúng tôi, điều thu hút bọn trẻ và làm cho chúng ngây ngất chính là cái thế giới đẹp đẽ vô ngần của không gian bao la và ánh sáng mở ra trước mắt khi trèo lên đến những cành phong cao ngang tầm cánh chim bay. Lúc ấy, bỗng như có một phép màu kì diệu làm hiện ra trước mắt bọn trẻ cái thế giới lạ lùng mà lần đầu tiên chúng mới thấy. Đất trời đẹp quá, bao la quá khiến bọn trẻ nín thở ngồi lặng đi trên cành cây và quên mất cả chim lẫn tổ chim. Trước mắt là bức tranh thiên nhiên tuyệt mĩ đã thu hút tâm hồn chúng. Điều ấy thể hiện ở hai đoạn văn liên quan đến hai cây phong trên đồi cao trước kì nghỉ hè của năm học cuối cùng. Hai cây phong đã để lại ấn tượng khó quên trong tâm tưởng của tác giả khi nhớ về thời thơ ấu.

b. Trong mạch kể xen lẫn tả này, hai cây phong tuy chỉ được phác hoạ bằng đôi ba nét, nhưng đó là những nét phác thảo tinh tế của một hoạ sĩ tài hoa. Hai cây phong khổng lồ với các mắt mấu, các cành cao ngất, cao đến ngang tầm cánh chim bay, với bóng râm mát rượi, với động tác nghiêng ngả đung đưa như muốn chào mời. Lại thêm có hàng đàn chim... chao đi chao lại bên trên tô điểm cho bức tranh hai cây phong thêm sinh động.

Chất hoạ sĩ của người kể chuyện thể hiện rất rõ ở đoạn sau. Ta thử hình dung bức tranh thiên nhiên của quê hương ông như hiện ra trước mắt với chân trời xa thẳm, thảo nguyên hoang vu, dòng sông lấp lánh,... và lọt thỏm giữa không gian bao la ấy là chuồng ngựa của nông trang trông bé tí teo. Bức tranh được tô điểm bằng nhiều màu sắc: chân trời xa thẳm biêng biếc, làn sương mờ đục, những dòng sông lấp lánh... như những sợi chỉ bạc... càng làm tăng thêm chất bí ẩn đầy sức quyến rũ của những miền đất lạ. Nghệ thuật kể chuyện xen lẫn miêu tả khiến cho bức tranh thiên nhiên vừa có đường nét, màu sắc, ánh sáng, âm thanh, độ cao, bề rộng, vừa có tâm hồn và chất chứa biết bao kỉ niệm thấm đẫm tình người trong đó.

Câu 3. Trong mạch kể của người kể chuyện xưng “tôi”, nguyên nhân nào khiến hai cây phong chiếm vị trí trung tâm và gây xúc động sâu sắc cho người kể chuyện? Tại sao có thể nói trong mạch kể xen lẫn tả này, hai cây phong được miêu tả hết sức sống động, như hai con người và không chỉ thông qua sự quan sát của người hoạ sĩ?

Trong mạch kể của người kể chuyện xưng tôi, hai cây phong chiếm vị trí độc tôn lôi cuốn sự chú ý và khơi nguồn cảm hứng bất tận cho người kể chuyện. Độ dài của mạch kể này đã nói lên điều đó.

- Nguyên nhân quan trọng đầu tiên gây xúc động cho người kể chuyện là hai cây phong gắn liền với tình yêu làng xóm, quê hương tha thiết.

- Nguyên nhân thứ hai là hai cây phong ấy gắn bó với bao kỉ niệm buồn vui của tuổi học trò: Tuổi trẻ của tôi đã để lại nơi ấy, bên cạnh chúng như một mảnh vỡ của chiếc gương thần xanh...

- Nhưng nguyên nhân sâu xa nằm ở chỗ: Hai cây phong là nhân chứng của câu chuyện hết sức xúc động về Đuy-sen - người thầy đầu tiên - và cô bé học trò An-tư-nai gần bốn mươi năm về trước mà người kể chuyện gần đây mới được biết. Chính thầy Đuy-sen đã đem hai cây phong về trồng trên ngọn đồi cao này cùng với cô bé An-tư-nai và thầy đã gửi gắm vào hai cây phong non những ước mơ, hi vọng là những đứa trẻ nghèo khổ, thất học như An-tư-nai sau này sẽ lớn lên, ngày càng được mở mang kiến thức và trở thành những con người hữu ích cho quê hương, đất nước.

* Hình ảnh hai cây phong trong đoạn văn trên được miêu tả qua đôi mắt sắc sảo của một họa sĩ nhưng sinh động hơn bởi cảm xúc tinh tế của trái tim thi sĩ.

Ở đây, hai cây phong được miêu tả bằng trí tưởng tượng phong phú và bằng cả tâm hồn chứa chan tình yêu mến của tác giả. Người kể chuyện (nhân vật tôi) cảm biết được chúng tuy chưa nhìn thấy chúng và phát hiện ra rằng chúng có tiếng nói riêng và hẳn phải có một tâm hồn riêng, chan chứa những lời ca êm dịu. Có khi chúng thì thầm thiết tha nồng thắm... Có khi chúng bỗng im bặt trong một thoáng, rồi khắp lá cành lại cất tiếng thở dài một lượt như thương tiếc người nào... Hai cây phong đã được nhân cách hóa cao độ nên có linh hồn và đời sống như của con người.

Biểu tượng của làng Ku-ku-rêu, quê hương của tác giả là hai cây phong trên đỉnh ngọn đồi. Hai cây phong quen thuộc ấy là hình ảnh thu nhỏ của làng, để lại nỗi nhớ da diết trong lòng tác giả khi sống xa quê và làm dấy lên bao cảm xúc mến yêu mỗi khi tác giả trở về quê hương. Đó chính là nguyên nhân khiến hai cây phong chiếm vị trí trung tâm và gây xúc động sâu sắc cho người kể chuyện.

Câu 4. Tuỳ chọn trong bài một đoạn khoảng mươi lòng liên quan đến hai cây phong để học thuộc lòng.

Em có thể chọn theo ý thích của mình. Dưới đây nêu 3 đoạn để các em tham khảo:

- Trong làng tôi không thiếu gì các loại cây... bốc cháy rừng rực.

- Vào năm học cuối cùng... không gian bao la và ánh sáng.

- Chúng tôi ngồi nép trên các cành cây,... “Trường Đuy-sen”.