I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Sự việc đó xảy ra vào thời gian nào?

- Ở đâu?

2. Thân bài:

* Kể lại diễn biến sự việc:

- Nguyên nhân dẫn đến lỗi lầm là gì? (Em thường được điểm khá, giỏi nên chủ quan).

- Em đã có những suy nghĩ và hành động sai trái như thế nào? (Không học bài, không làm được bài).

- Hậu quả của lỗi lầm đó ra sao? (Bị điểm kém, dẫn đến kết quả học tập cuối học kì I không cao).

3. Kết bài:

* Cảm nghĩ của bản thân:

- Em ân hận và quyết tâm sửa chữa khuyết điểm nên cuối năm vẫn đạt được danh hiệu Học sinh tiên tiến.

II. BÀI LÀM

Cuối năm học vừa qua, em đạt được danh hiệu Học sinh tiên tiến. Có được kết quả này một phần là nhờ em rút ra được bài học cay đắng ở đầu học kì I. Chuyện là thế này:

Thầy dạy Toán của em rất nghiêm khắc và cẩn thận. Thầy thường nói rằng Toán là bộ môn mà kiến thức liên kết với nhau rất chặt chẽ, nếu hiểu không kĩ phần trước thì phần sau sẽ khó tiếp thu. Em đã không vâng lời thầy, dù chỉ một lần.

Vốn là học sinh giỏi Toán nên bài kiểm tra nào em cũng đạt điểm 9, điểm 10. Mỗi lần thầy gọi điểm, em trả lời rất rành rọt trước sự thán phục của bạn bè Một hôm, trong giờ ôn tập, em chủ quan không học bài cũ. Theo thường lệ, thầy giáo gọi học sinh lên bảng. Em đã có điểm kiểm tra miệng nên tin chắc là thầy sẽ chẳng gọi đến mình. Vì vậy, em ung dung ngắm bầu trời qua khung cửa sổ và tha hồ tưởng tượng đến trận đá bóng giao hữu chiều nay giữa lớp em với lớp 7B mà em là một chân sút có hạng.

Nhưng một chuyện bất ngờ đã xảy ra là thầy giáo yêu cầu cả lớp lấy giấy ra làm bài. Biết làm sao bây giờ? Mọi khi kiểm tra một tiết, thầy thường báo trước. Còn hôm nay, sao lại thế này?! Đây đó trong lớp nổi lên tiếng xì xào thắc mắc của một số bạn. Em ngơ ngác nhìn quanh một lượt và chợt bừng tỉnh khi bạn Hoa ngồi cạnh huých cùi tay vào sườn, nhắc nhở: “Kìa, chép đề đi chứ!”.

Em có cảm giác là tiết kiểm tra hôm ấy kéo dài vô tận. Em loay hoay viết rồi lại xoá. Vì mất bình tĩnh nên đầu óc cứ rối tung lên. Thời gian đã hết, em nộp bài mà lòng cứ thấp thỏm, lo âu. Tuần sau, thầy giáo trả bài. Như mọi lần, em nhận bài từ tay thầy để phát cho các bạn. Liếc qua bài mình, thấy bị điểm 4, tim em thắt lại. Em cố giữ vẻ mặt thản nhiên để che giấu bao sóng gió trong lòng. Thật là chuyện chưa từng có. Ăn nói làm sao với thầy, với bạn, với bố mẹ bây giờ? Chỉ vì em không nghe lời thầy, chủ quan trong học tập nên mới ra nông nỗi. Sau đó, em đã cố gắng rất nhiều nhưng điểm trung bình môn Toán học kì I chỉ đạt loại khá.

Nhờ cố gắng học tập, cuối năm, em vẫn đạt được danh hiệu Học sinh tiên tiến nhưng em không sao quên chuyện cũ. Giờ đây, em kể lại chuyện này với thái độ tự kiểm điểm nghiêm túc. Chủ quan, tự mãn tất sẽ dẫn đến thất bại. Đó là bài học sâu sắc không chỉ trong đời học trò mà trong suốt cuộc đời của mỗi con người.