I. DÀN Ý
1. Mở bài:
* Giới thiệu chung:
- Chiếc kính đeo mắt là vật dụng phổ biến trong cuộc sống hằng ngày.
2. Thân bài:
* Cấu tạo và chất liệu:
- Cấu tạo của chiếc kính gồm hai phần: gọng kính và mắt kính. Gọng kính có thể làm bằng chất dẻo hoặc kim loại quý. Mắt kính được làm bằng nhựa hoặc thuỷ tinh trong suốt (tròng nhựa, tròng kính).
* Phân loại:
- Kính có nhiều loại: kính râm (kính mát), kính trắng không số, kính cận, kính viễn, kính loạn thị, kính lão...
* Cách bảo quản:
- Khi dùng xong, nhớ lau chùi kính sạch sẽ rồi cho vào bao kính hoặc để trên mặt bàn, trong ngăn tủ, ngăn bàn, tránh các vật nặng đè vỡ hoặc làm trầy xước...
- Rửa kính bằng nước sạch, lau tròng kính bằng khăn chuyên dùng.
- Khi đeo và tháo kính, nên dùng hai tay cầm hai gọng kính.
- Đối với gọng kính kim loại, nên thường xuyên kiểm tra và vặn chặt các ốc vít để giữ chặt tròng kính.
- Phải dùng kính đúng độ thì thị lực đỡ suy giảm.
3. Kết bài:
- Chiếc kính đeo mắt rất có ích, nó giúp chúng ta nhìn sự vật chính xác, tạo điều kiện để mọi người học tập và lao động tốt hơn.
II. BÀI LÀM
Trong những vật dụng mà chúng ta thường dùng thì chiếc kính đeo mắt rất cần thiết đối với mọi người thuộc các lứa tuổi khác nhau.
Cấu tạo của chiếc kính gồm hai bộ phận chính là gọng kính và mắt kính. Gọng kính được làm bằng nhựa cao cấp hoặc kim loại quý. Gọng kính chia làm hai phần: phần khung để lắp mắt kính và phần gọng để đeo vào tai, nối với nhau bởi các ốc vít nhỏ, có thể mở ra, gập lại dễ dàng. Chất liệu để làm mắt kính là nhựa hoặc thuỷ tinh trong suốt. Gọng kính và mắt kính có nhiều hình dáng, màu sắc khác nhau.
Kính đeo mắt có nhiều loại. Loại thường như kính râm, kính trắng không số dùng che nắng, che bụi khi đi đường. Loại kính thuốc gồm kính cận, kính viễn, kính loạn thị, kính dùng sau khi mổ mắt... Muốn sử dụng, người có bệnh về mắt phải đi đo thị lực để kiểm tra, từ đó mới có thể chọn kính chính xác, không gây ra các tác dụng phụ như nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn... Không nên vì lí do thẩm mĩ mà ngại đeo kính thuốc khi bị bệnh. Nếu vậy sẽ làm độ cận hoặc độ viễn của mắt tăng rất nhanh. Lúc sử dụng kính, nên nhẹ nhàng mở bằng hai tay. Dùng xong nên lau sạch tròng kính bằng khăn lau mềm, mịn. Cất kính vào hộp để ở nơi cố định dễ tìm như trong ngăn tủ, ngăn bàn, mặt bàn... tránh các vật nặng đè vỡ hoặc làm trầy xước mặt kính. Thường xuyên rửa kính bằng nước, lau sạch tròng kính bằng khăn chuyên dùng. Để mặt kính không biến dạng, khi đeo và tháo kính nên dùng hai tay cầm hai gọng kính. Đối với gọng kính kim loại, nên thường xuyên kiểm tra, vặn chặt các ốc vít để giữ chặt tròng kính. Phải dùng kính đúng độ thì thị lực đỡ suy giảm.
Kính đeo mắt ngoài tác dụng giúp cho chúng ta nhìn nhận sự vật chính xác, tăng cường hiệu quả học tập và lao động thì còn là vật trang sức làm tăng thêm vẻ duyên dáng, thanh lịch cho mỗi người.
Con người có năm giác quan thì thị giác là giác quan hoàn hảo nhất và quan trọng nhất. Vì vậy, việc giữ gìn để có đôi mắt trong sáng và tinh tường đồng nghĩa với bảo vệ cuộc sống của chính mình.