Câu 1. Hãy xác định ba phần của văn bản này nếu lấy việc em bé quẹt những que diêm làm phần trọng tâm. Căn cứ vào đâu để có thể chia phần thứ hai (phần trọng tâm) thành những đoạn nhỏ hon?

Nếu lấy việc em bé quẹt những que diêm làm phần trọng tâm thì phần đầu sẽ là hoàn cảnh của em bé bán diêm và phần cuối là cái chết thương tâm của em. Từ đó có thể xác định các phần của văn bản như sau:

a) Phần đầu (Từ đầu đến ...cứng đờ ra): Hoàn cảnh đáng thương của em bé bán diêm.

b) Phần giữa (tiếp theo đến ...về chầu Thượng đế ): Các lần quẹt diêm và những mộng tưởng của cô bé.

- Que diêm thứ nhất → lò sưởi hiện ra.

- Que diêm thứ hai → bàn ăn hiện ra.

- Que diêm thứ ba → cây thông Nô-en hiện ra.

- Que diêm thứ tư → người bà hiện ra.

- Tất cả các que diêm còn lại → hai bà cháu bay lên cao, về với Thượng đế.

c) Phần cuối (đoạn còn lại): Cái chết thương tâm cùng với những điều kì diệu mà em bé đã mang theo.

Câu 2. Qua phần đầu, chúng ta được biết gì về gia cảnh của nhân vật cô bé bán diêm và thời gian, không gian xảy ra câu chuyện? Liệt kê những hình ảnh tương phản (đối lập, đặt gần nhau, làm nổi bật lẫn nhau) được nhà văn sử dụng trong phần này nhằm khắc hoạ nỗi khổ cực của cô bé.

+ Hoàn cảnh gia đình và cuộc sống của em bé bán diêm thật đáng thương: người bà hiền hậu và hết lòng thương yêu cháu đã mất, mẹ cũng qua đời; cô bé sống với người cha khó tính và dữ đòn. Em luôn luôn phải nghe những lời mắng nhiếc chửi rủa của cha. Nhà nghèo, hai cha con phải chui rúc trong một xó tối tăm trên gác sát mái nhà. Ngày ngày, cha bắt cô bé phải đi bán diêm để kiếm lấy vài xu.

+ Truyện được đặt vào bối cảnh đêm giao thừa, ngoài đường phố rét buốt. Ở các nước Bắc Âu như Đan Mạch, vào dịp này thời tiết rất lạnh, nhiệt độ có khi xuống tới âm hàng chục độ, tuyết rơi dày đặc.

+ Những hình ảnh tương phản rõ rệt được nhà văn sử dụng nhằm khắc hoạ nỗi khổ cực của em bé:

- Tương phản giữa hoàn cảnh của em bé với thời tiết lúc đó: Trời đông giá rét, tuyết rơi, nhưng cô bé bán diêm đầu trần, chân đi đất, bụng đói...

- Tương phản giữa cảnh rét buốt mà em phải chịu đựng với cảnh ấm cúng của mọi người: Ngoài đường tối đen, nhưng cửa sổ mọi nhà đều sáng rực ánh đèn.

- Tương phản giữa cái đói mà em phải chịu đựng với cảnh sống đầy đủ xung quanh: Em bé bụng đói vì cả ngày chưa ăn uống gì mà trong phố sực nức mùi ngỗng quay...

- Nhà văn sử dụng nhiều hình ảnh tương phản nhằm làm nổi bật tình cảnh cơ cực hết sức tội nghiệp của em bé. Em rét đã khổ, có lẽ càng rét và khổ hơn khi thấy cửa sổ mọi nhà sáng rực ánh đèn. Em đã đói, lại càng đói hơn khi ngửi thấy mùi ngỗng quay sực nức.

- Sự tương phản giữa hình ảnh ngôi nhà trước đây xinh xắn có đầy dây thường xuân bao quanh, là nơi em đã sống những ngày đầm ấm cùng gia đình với chỗ ở hiện nay là một cái gác sát mái nhà; mặc dầu đã nhét giẻ rách vào các kẽ hở lớn trên vách mà gió vẫn thổi rít vào trong nhà.

Hình ảnh tương phản này không chỉ làm nổi bật nỗi khổ về vật chất mà cả sự mất mát chỗ dựa về tinh thần của em bé trong hiện tại.

- Đêm giao thừa, em bé ngồi nép trong một góc tường, giữa hai ngôi nhà... thu đôi chân vào người, nhưng mỗi lúc em càng thấy rét buốt hơn. Em không dám về nhà vì sợ không bán được bao diêm nào, cha sẽ đánh đòn.

- Càng thương tâm hơn khi em bé phải đi bán diêm trong đêm giao thừa, lúc mọi người đang quây quần trong không khí đầm ấm của gia đình chuẩn bị đón chào năm mới.

- Nghệ thuật tương phản đã làm nổi bật số phận đau khổ, bất hạnh của một em bé mồ côi.

Câu 3. Chứng minh rằng những mộng tưởng của cô bé qua các lần quẹt diêm (lò sưởi, bàn ăn, cây thông Nô-en, người bà, hai bà cháu bay đi) diễn ra theo thứ tự hợp lí. Trong số các mộng tưởng ấy, điều nào gắn với thực tế, điều nào thuần túy chỉ là mộng tưởng?

Những mộng tưởng của cô bé qua các lần quẹt diêm diễn ra theo thứ tự hợp lí. Em đang rét nên muốn được sưởi ấm. Khi que diêm thứ nhất cháy sáng là lúc mộng tưởng hiện ra trong đầu óc cô bé: Em tưởng chừng như đang ngồi trước một lò sưởi bằng sắt có những hình nổi bằng đồng bóng nhoáng... Khi que diêm thứ hai bùng cháy, em thấy: Bàn ăn đã dọn, khăn trải bàn trắng tinh, trên bàn toàn bát đĩa bằng sứ quý giá và có cả một con ngỗng quay. Cô bé hình dung ra rõ ràng như vậy vì em đang đói và mơ ước được ăn ngon trong bữa tiệc cuối năm.

Vì mọi nhà đang đón giao thừa nên ngay sau khi quẹt que diêm thứ ba, cây thông Nô-en hiện ra trong tưởng tượng khiến cô bé nhớ đến thời gian cách đây chưa lâu, em cũng được đón giao thừa trong khung cảnh đẹp đẽ, ấm áp như thế với bà và mẹ. Que diêm thứ tư vừa toả sáng thì hình ảnh người bà kính yêu xuất hiện. Tuy chỉ là trong mộng tưởng nhưng điều ấy thật hợp lí vì trong lúc cô đơn, đói lạnh như thế này, em ao ước được ôm ấp trong vòng tay yêu thương của bà biết bao nhiêu!

+ Các hình ảnh hiện ra trong tưởng tượng như lò sưởi, bàn ăn, cây thông Nô-en gắn liền với thực tế đang diễn ra xung quanh cô bé. Còn hình ảnh con ngỗng quay nhảy ra khỏi đĩa... và hai bà cháu nắm tay nhau bay lên trời thuần tuý chỉ là tưởng tượng. Tuy vậy, những hình ảnh này gây xúc động mạnh.

Câu 4. Phát biểu những cảm nghĩ của em về truyện Cô bé bán diêm nói chung và về đoạn kết của truyện nói riêng.

Cô bé bán diêm là câu chuyện vô cùng cảm động về số phận bất hạnh của một em bé nghèo khổ trong xã hội tư bản phương Tây thời ấy. Hoàn cảnh của em bé thật tội nghiệp! Chỉ có mẹ và bà là thương yêu em, nhưng cả hai đều đã qua đời. Cha em có lẽ vì quá nghèo khổ nên hay cáu gắt và đối xử với em thiếu tình thương. Khách qua đường chẳng ai đoái hoài đến lời chào hàng của em nên cả ngày em chẳng bán được bao diêm nào. Đói và rét, cô bé ao ước có lò sưởi ấm, có thịt ngỗng quay, có cây thông Nô-en và bà nội sống dậy cùng em đón giao thừa. Xót xa thay, tất cả đều là mộng tưởng! Cô bé đã chết cóng trong đêm đông giá lạnh. Những người nhìn thấy thi thể em vào sáng ngày đầu năm mới với thái độ thản nhiên đến lạnh lùng.

Sống trong xã hội tư bản thiếu sự đồng cảm và tình thương yêu giữa người với người, nhà văn An-đéc-xen đã viết truyện ngắn này với niềm xót thương vô hạn đối với em bé bán diêm bất hạnh nói riêng và cả tầng lớp người nghèo khổ nói chung. Để làm dịu bớt nỗi đau đang nhức nhối trong tim và cũng để an ủi những linh hồn tội nghiệp, nhà văn đã miêu tả em bé đã chết mà đôi má vẫn hồng và đôi môi đang mỉm cười, đồng thời hình dung ra cảnh huy hoàng hai bà cháu bay lên trời để đón lấy những niềm vui đầu năm. Tuy vậy, nội dung câu chuyện Cô bé bán diêm với kết thúc thương tâm của nó vẫn khiến người đọc xúc động rơi nước mắt.