I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Giới thiệu chung:

- Hoa sen là một loài hoa quý, được mọi người ưa chuộng.

2. Thân bài:

* Xuất xứ:

- Cây hoa sen ở nước ta thuộc họ sen. Phổ biến là loại hoa màu hồng; có giống hoa màu trắng còn gọi là quỳ; có giống thân, lá, hoa đều nhỏ gọi là sen “tịch thượng” thường được trồng vào chậu nước hay bể cạn để làm cảnh.

* Môi trường sống và cách chăm sóc cây hoa sen:

- Cây sen sống ở đầm lầy, hồ ao, tuy thân mềm song lại rất cứng cỏi và có sức sống mãnh liệt, ưa ánh sáng. Cây sen sống nhờ bùn, không cần đổ phân. Tuổi thọ của sen có thể kéo dài hàng chục năm.

- Trồng sen bằng hạt hay bằng củ. Trồng bằng hạt, người ta bọc hạt sen giống vào giữa viên bùn dẻo, vùi xuống bùn cho mọc mầm. Trồng bằng củ: giâm củ trong bùn cho tươi lâu. Trồng vào khoảng tháng 3, tháng 4.

* Miêu tả các bộ phận và tác dụng của cây hoa sen:

+ Cây hoa sen gồm:

- Củ sen gồm nhiều đốt hình trứng nối với nhau, màu trắng, mọc sâu dưới bùn, dùng để hầm với gà, vịt thành một món ăn rất bổ dưỡng.

- Ngó sen tròn, to cỡ ngón tay, màu trắng, dài vài chục phân, mọc trong nước, dùng làm gỏi ngó sen với thịt lợn, thịt gà, tôm tươi... rất ngon.

- Cuống sen tròn, rỗng, màu xanh nâu, có gai li ti bao bọc, nhô cao khỏi mặt nước, phơi khô chữa được bệnh viêm mũi, viêm xoang nhẹ...

- Lá sen hình tròn, lòng hơi sâu, diềm lá nhún, mọc từ chính giữa cuống. Lá tươi dùng để gói cốm (cốm làng Vòng), vừa giữ được độ ẩm, vừa thơm.

- Hoa sen mọc đơn, cánh hình tim (ngược), dưới hồng nhạt, trên hồng sẫm, có nhiều lớp, nở hết trong vài ngày. Hoa quỳ màu trắng.

- Nhuỵ sen là những tua nhỏ, ở đầu có túi phấn rất thơm, mọc dày xung quanh gương sen. Nhuỵ sen rất quý, dùng để ướp trà.

- Gương sen hình phễu, mặt tròn, nhiều lỗ, trong có chứa hạt. Gương sen già đã lấy hết hạt, phơi khô làm thuốc.

- Hạt sen lúc già to bằng đầu ngón tay, gồm vỏ, màng, thịt và tim (lõi hạt). Hạt sen lúc non ăn sống, lúc già dùng làm mứt hoặc làm thuốc bổ (an thần, dưỡng khí). Tim sen phơi khô pha như trà, dùng làm thuốc an thần.

* Hoa sen trong đời sống tinh thần của người Việt:

- Hoa sen hiện diện trong cuộc sống hằng ngày.

- Dùng để trang trí phòng khách, dùng để dâng cúng lên bàn thờ Phật.

3. Kết bài:

* Nhận xét chung:

- Cây hoa sen rất có ích đối với đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam.

- Cây sen là biểu tượng của mùa hạ, được xếp vào hàng hoa quý. Với những đặc điểm quý giá, cây hoa sen tượng trưng cho phẩm chất thanh cao, đẹp đẽ của bậc quân tử và quan điểm sống trong sạch của người lao động: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

II. BÀI LÀM

Hoa sen là loài hoa quý được nhiều người ưa thích. Từ lâu, trong dân gian đã lưu truyền bài thơ ca tụng:

Trong đầm gì đẹp bằng sen,

Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng.

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh.

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Cây hoa sen có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Điều kiện sống tự nhiên của nó là ao hồ và đầm lầy. Ở Việt Nam có vài loại sen nhưng phổ biến nhất là loại có hoa màu hồng, sau đó là loại có hoa màu trắng xanh, còn gọi là quỳ. Ngoài ra, còn có loại sen tịch thượng cây nhỏ, bông nhỏ, trồng trong chậu hoặc bể cạn để làm cảnh.

Tuy thuộc loại thân mềm nhưng cây sen lại rất cứng cỏi và có sức sống mãnh liệt, dẻo dai. Từ bùn sâu, cây sen vươn lên xanh tốt, đón nhận ánh nắng ban ngày, làn sương ban đêm để ra hoa, kết quả. Tất cả các bộ phận của cây sen đều có ích cho con người. Củ sen gồm các đốt lớn bằng quả trứng nối với nhau, cứ năm sáu đốt thành một củ, đầu có mầm, mọc sâu dưới bùn. Củ sen là một loại thực phẩm cao cấp, dùng để hầm với xương lợn, thịt gà, thịt vịt rất ngon và bổ.

Ngó sen dài cỡ năm, sáu tấc, tròn, nhỏ, màu trắng ngà, đầu thon như ngòi bút lông, mọc lan trên mặt bùn, cũng là loại thực phẩm ngon và quý. Gỏi ngó sen trộn với thịt gà xé phay, tôm tươi, đậu phộng rang giã nhỏ là món khai vị đặc biệt trong các bữa tiệc gia đình, cơ quan hay tiệc cưới.

Cuống sen hình ống rỗng ở bên trong, màu xanh nâu, có lớp gai li ti bọc ngoài. Nếu bẻ từng khúc ta sẽ thấy có tơ rất dai. Đầu cuống là lá sen hình tròn, viền lá hơi nhún, lòng lá sâu. Lá sen là nơi đọng lại những hạt nước mưa hoặc sương đêm. Ngày xưa, người sành uống trà thường chèo thuyền thúng ra hồ sen, trút lấy thứ nước trời tinh khiết ấy mang về đun nước pha trà, sẽ được một thứ trà thơm ngon đặc biệt. Lá sen tươi gói cốm làng Vòng, vừa giữ được độ dẻo, vừa làm tăng hương vị cho cốm - một món quà đặc biệt của đồng ruộng Việt Nam dâng tặng con người.

Hoa sen mọc lẻ từng bông, nở từ từ trong khoảng vài ngày. Búp sen hình tim, đầu nhọn hướng lên trên. Cánh sen có nhiều lớp, ngoài lớn, trong nhỏ dần, phía cuối cánh trắng hồng, đầu cánh hồng đậm. Sen quỳ hoa màu trắng phớt xanh, trông trong trắng, hiền dịu vô cùng!

Lúc hoa sen nở hết, ta sẽ thấy rõ nhị sen, đầu mỗi nhị có một túi phấn nhỏ như hạt tấm màu vàng nhạt, mọc dày xung quanh gương sen. Nhị sen dùng để ướp trà, thành trà sen có hương thơm ngát. Hạt sen non ăn sống, giòn và mát. Hạt già bóc vỏ, làm thuốc, làm mứt sen, ngon và giàu chất bổ. Tim sen (lõi hạt sen) phơi khô là vị thuốc an thần, rất tốt cho sức khoẻ người cao tuổi. Gương sen sau khi đã lấy hết hạt, đem phơi khô cũng là một vị thuốc nam. Cây hoa sen rất có ích bởi sử dụng được tất cả, không bỏ một bộ phận nào.

Hoa sen thường được cắm trong lọ độc bình bày nơi phòng khách giản dị mà sang trọng. Vào dịp ngày rằm, mùng một Âm lịch, người đi lễ chùa cũng hay dùng hoa sen để dâng cúng lên bàn thờ Phật.

Từ ngàn đời nay, cây hoa sen đã trở nên thân thuộc với đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam ta. Hoa sen là biểu tượng của mùa hè. Sen tàn cúc lại nở hoa, báo hiệu mùa hè đã qua, mùa thu đã tới. Hoa sen được xếp vào hàng ngũ quý “mai, lan, cúc, trúc, liên”, tượng trưng cho khí tiết thanh cao của người quân tử. Người dân lao động cũng mượn hình tượng hoa sen để thể hiện quan điểm sống trong sạch: Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.