I. DÀN Ý

1. Mở bài:

* Hoàn cảnh ra đời của bài thơ:

- Đầu thế kỉ XX, các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp ở cả ba miền đều lần lượt bị dập tắt.

- Các sĩ phu yêu nước bị đàn áp và bắt giam.

- Năm 1912 cụ Phan Bội Châu bị chính quyền thực dân Pháp kết án tử hình vắng mặt. Năm 1914 cụ bị bọn quân phiệt tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc bắt giam.

- Năm 1914, cụ viết Ngục trung thư, ghi lại những điều tâm huyết để lại cho đồng bào, đồng chí.

- Bài Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác trích từ tác phẩm này. Mục đích của cụ Phan khi sáng tác bài thơ là để tự an ủi, động viên mình lúc sa cơ lỡ vận.

2. Thân bài:

* Phân tích nội dung bài thơ: (theo cách phân tích thơ thất ngôn bát cú Đường luật).

+ Hai câu đề:

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

- Đây là một lời khẳng định hùng hồn về tâm thế, tư thế của người anh hùng lúc sa cơ, chẳng may lâm vào cảnh lao tù. (Hào kiệt: người tài giỏi, có chí lớn). Người chiến sĩ cách mạng trên con đường đấu tranh đầy chông gai, gian khổ, lúc bị địch bắt giam thì coi chốn lao tù như chỗ dừng chân nghỉ tạm.

- Khẩu khí anh hùng toát lên từ nhịp điệu mạnh mẽ, từ cách dùng điệp từ vẫn... vẫn, các mĩ từ: hào kiệt, phong lưu và ẩn dụ so sánh: Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

- Hai câu thơ thể hiện phong thái đường hoàng, tự tin, ung dung, thanh thản và hiên ngang, bất khuất.

+ Hai câu thực:

Đã khách không nhà trong bốn biển,

Lại người có tội giữa năm châu.

- Tả thực tình cảnh của cụ Phan lúc bấy giờ là phải sống lưu vong ở nước ngoài để hoạt động cách mạng và bị chính quyền thực dân Pháp truy nã khắp nơi.

- Cụ Phan phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, nguy hiểm, chấp nhận hi sinh cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

- Cuộc đời đầy sóng gió của cụ gắn liền với cảnh ngộ nô lệ của đồng bào, đất nước.

+ Hai câu luận:

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,

Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

- Vẫn là khẩu khí của bậc đại trượng phu nói về lí tưởng lo đời giúp dân, kinh bang tế thế. Dù lâm vào cảnh lao tù thì lí tưởng ấy vẫn không thay đổi.

- Lí tưởng cao cả động viên người chiến sĩ giữ vững khí tiết cứng cỏi bất khuất trước kẻ thù.

- Nghệ thuật đối rất chỉnh kết hợp với các từ ngữ khoa trương tạo nên âm hưởng hào hùng cho câu thơ và nâng cao tầm vóc con người lên đến mức siêu nhiên.

+ Hai câu kết:

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

- Khẳng định ý chí vững vàng không gì lay chuyển nổi của người chiến sĩ lão thành Phan Bội Châu: Còn sống là còn tiếp tục chiến đấu, còn tin tưởng vào tương lai cách mạng.

- Bất chấp mọi thử thách, hiểm nguy, ngẩng cao đầu trước bạo lực của quân thù.

- Đây là lời tuyên ngôn khẳng khái, dõng dạc, có sức lay động và thuyết phục lòng người rất lớn.

3. Kết bài:

- Bài thơ trên là lời tâm huyết của nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu. Qua đó, cụ Phan bày tỏ ý chí, quyết tâm theo đuổi đến cùng sự nghiệp cứu dân, cứu nước.

- Nghệ thuật đối kết hợp với nghệ thuật cường điệu đã tô đậm hình ảnh và tầm vóc của nhân vật trữ tình trong bài thơ.

- Cảm xúc chân thành, mãnh liệt của tác giả đã tạo nên sức sống bất diệt của bài thơ.

II. BÀI LÀM

Đầu thế kỉ XX, khi các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược ở cả ba miền lần lượt thất bại, một bầu không khí đau thương bao trùm trên đất nước ta. Trong văn chương, bên cạnh những bài ca hùng tráng đã xuất hiện những tiếng thở than bi phẫn và bất lực.

Phong trào Cần vương do vua Hàm Nghi khởi xướng đã bị dập tắt. Ông vua yêu nước bị chính quyền thực dân bắt đi đày trên một hòn đảo mịt mù giữa đại dương, cách biệt hẳn đất nước và dân tộc. Tuy vậy, chí báo thù phục quốc vẫn âm ỉ nung nấu trong mọi tầng lớp nhân dân. Bước sang đầu thế kỉ XX, luồng gió mới của tư tưởng dân chủ tư sản từ Âu châu thổi tới, từ Nhật Bản, Trung Hoa tràn sang đã thúc đẩy những người có tâm huyết với sự nghiệp cứu nước lại náo nức khởi sự một cuộc đấu tranh theo khuynh hướng mới, với mục đích vừa đánh đuổi kẻ thù xâm lược, vừa tấn công vào giai cấp phong kiến tay sai cam tâm bán nước. Chủ trương của họ là khai thông dân khí, mở mang dân trí, chấn hưng công thương nghiệp, để nước nhà phát triển toàn diện, đạt tới mức văn minh, giàu mạnh. Phương pháp thực hiện có thể khác nhau (có phải chủ trương bạo động, có phải chủ trương ôn hoà) nhưng đều nhằm mục đích cao cả là đem lại độc lập, tự do cho dân tộc. Bởi thế, các khuynh hướng không loại trừ nhau mà hợp nhất thành cao trào đấu tranh cách mạng lan rộng khắp nơi. Thực dân Pháp khủng bố dã man, phong trào tạm lắng, những người lãnh đạo phần lớn phải vào tù hoặc lưu lạc ở nước ngoài.

Một số chí sĩ cách mạng nổi tiếng đầu thế kỉ XX như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh... đều xuất thân là nhà Nho nhưng lại tiếp thu rất nhanh những tư tưởng tiến bộ của thời đại. Trong lao tù của bọn thực dân, họ thường làm thơ để bày tỏ chí khí. Đó là những lời gan ruột, tâm huyết của những người anh hùng cứu nước nên có sức mạnh làm rung động lòng người.

Từ năm 1912, thực dân Pháp đã kết án tử hình vắng mặt nhà chí sĩ Phan Bội Châu. Khi bị bọn quân phiệt tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) bắt giam và biết chúng có ý định trao trả cho Pháp, cụ Phan Bội Châu đã nghĩ rằng mình khó có thể thoát chết. Bởi thế, đầu năm 1914, ngay từ những ngày đầu bị giam vào ngục, cụ đã viết Ngục trung thư, nhằm ghi lại những điều tâm huyết để lại cho đồng bào, đồng chí. Bài thơ Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác theo lời cụ là làm để tự an ủi mình. Cụ còn kể rằng sau khi làm xong, cụ đã “ngâm nga lớn tiếng rồi cả cười vang động cả bốn vách, hầu như không biết thân mình đang bị nhốt trong ngục”. Nội dung bài thơ như sau:

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

Đã khách không nhà trong bốn biển,

Lại người có tội giữa năm châu.

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,

Mở miệng cười tàn cuộc oán thù.

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

Bài thơ mang đậm khẩu khí anh hùng này đã khắc hoạ rõ nét khí phách hiên ngang, bất khuất và hình ảnh tuyệt đẹp của người chiến sĩ cách mạng lúc sa cơ. Thể thơ thất ngôn bát cú gồm 4 phần: đề, thực, luận, kết, mỗi phần chỉ có hai câu ngắn gọn nhưng lại chứa đựng một nội dung cực kì hàm súc.

Hai câu đề:

Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,

Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

Một tù nhân mà vẫn tự khẳng định mình là bậc hào kiệt, phong lưu, điều đó thể hiện phong thái đường hoàng, tự tin, vừa ung dung, thanh thản, vừa hiên ngang bất khuất, lại vừa tài hoa tài tử, Người chiến sĩ cách mạng chẳng may rơi vào vòng tù ngục thì cứ coi như người đi đường dài chạy mỏi chân thì nghỉ một chút để lấy sức đi tiếp. Thực chất không phải như vậy. Cụ Phan kể rằng trên đường bị áp giải đến nhà lao, bọn lính đã đối xử với cụ rất tàn nhẫn: nào trói tay, nào xiềng chân. Vào ngục, cụ lại bị giam chung một chỗ với bọn tử tù. Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Đúng là như vậy! Bị giam cầm có nghĩa là bị tước đoạt tự do, bị đày đoạ cả về thể xác lẫn tinh thần và cận kề cái chết. Ấy vậy mà người anh hùng vẫn ngẩng cao đầu và cảm thấy mình vẫn hoàn toàn tự do về mặt tinh thần. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn ấy nên khi bàn đến sự sống chết, Phan Bội Châu vẫn nói bằng giọng cười cợt như vậy. Đây là lối thơ khẩu khí khá phổ biến trong văn chương dùng để nói lên chí lớn của người xưa.

Hai câu thực:

Đã khách không nhà trong bốn biển,

Lại người có tội giữa năm châu.

Nhà thơ tóm lược về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. Mười năm lưu lạc, khi Nhật Bản, khi Trung Quốc, khi Xiêm La (Thái Lan), xa mái ấm gia đình, chịu trăm ngàn cực khổ về vật chất, cay đắng về tinh thần, thêm vào đó là sự hiểm nguy thường xuyên đe doạ vì cụ Phan là đối tượng truy nã đặc biệt của thực dân Pháp và đã bị chúng kết án tử hình vắng mặt. Phan Bội Châu nói như vậy không phải là để than thân mà chỉ nêu lên bi kịch chung của các chí sĩ yêu nước thời bấy giờ.

Cuộc đời đầy sóng gió của cụ Phan gắn liền với tình cảnh nô lệ của đất nước, đồng bào. Giọng điệu trầm thống của hai câu thơ trên phần nào thể hiện được tâm trạng đau đớn, xót xa của bậc anh hùng cứu nước.

Hai câu luận:

Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,

Mở miệng cười tàn cuộc oán thù.

Đúng là khẩu khí của một bậc đại trượng phu. Cho dù gặp hoàn cảnh bi đát đến mức độ nào thì lí tưởng kinh bang tế thế, lo đời giúp dân của Phan Bội Châu vẫn không thay đổi. Trước sau cụ vẫn một lòng theo đuổi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc ra khỏi ách thống trị của giặc ngoại xâm. Lí tưởng và mục đích cao cả ấy đã giúp cụ giữ vững khí tiết cương cường, tư thế hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù.

Lối nói khoa trương này thường được dùng nhiều trong thơ ca lãng mạn, nhất là trong anh hùng ca. Nó nâng cao tầm vóc và năng lực của con người lên đến mức siêu nhiên, thần thánh.

Từ thuở thanh niên, Phan Văn San (tên thật của Phan Bội Châu) đã nuôi chí lớn chờ thời cơ cứu nước:

Phùng xuân hội, may ra, ừ cũng dễ,

Nắm địa cầu vừa một tí con con.

Đạp toang hai cánh càn khôn,

Đem xuân vẽ lại cho non nước nhà...

(Chơi xuân)

Gần như suốt cuộc đời, cụ Phan đã chấp nhận gian khổ, hi sinh để theo đuổi và thực hiện lí tưởng thiêng liêng ấy.

Hai câu kết:

Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,

Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu.

Ý chí gang thép và niềm tin to lớn của người anh hùng quả là không gì lay chuyển nổi. Con người ấy còn sống nghĩa là còn tiếp tục chiến đấu, còn tin tưởng vào sự nghiệp cách mạng, vì thế mà bất chấp mọi thử thách gian nan. Từ còn lặp lại hai lần liền nhau ở giữa câu thơ vừa có tác dụng ngắt nhịp, vừa nhấn mạnh ý thơ. Hai câu kết như một tuyên ngôn dõng dạc, dứt khoát, có sức truyền cảm mạnh mẽ, lớn lao, lay động hồn người.

Phan Bội Châu được nhân dân tôn vinh là một trong những nhà chí sĩ yêu nước và cách mạng nổi tiếng đầu thế kỉ XX. Tên tuổi và gương sáng của cụ ảnh hưởng rộng rãi tới phong trào giải phóng dân tộc không chỉ trong thời kì đó mà mãi mãi về sau.

Người chiến sĩ cách mạng lão thành họ Phan dù trải qua bao giông bão cuộc đời vẫn giữ vững khí tiết của một bậc chính nhân quân tử: Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất. (Giàu sang không thể làm cho mê đắm, nghèo khó không thể làm cho thay lòng đổi dạ, uy vũ không thể làm cho khuất phục). Tuy xuất thân từ cửa Khổng sân Trình nhưng cụ đã vượt khỏi khuôn khổ cứng nhắc của giáo lí thánh hiền để tiếp cận tư tưởng dân chủ, dân quyền mới. Trước cảnh đồng bào đang chịu cảnh lầm than, nô lệ, cụ đau đớn, xót xa và nuôi khát vọng xoay chuyển càn khôn, đánh đuổi quân thù, đem xuân vẽ lại cho non nước nhà. Với lí tưởng cao đẹp đó, cụ lao vào cuộc đấu tranh, bất chấp mọi gian khổ, hi sinh, thậm chí đối diện với cái chết, cụ cũng không sờn lòng, nản chí. Bởi thế nên đối với cụ, dẫu có sa cơ, rơi vào vòng tù ngục thì chẳng qua cũng chỉ là dừng bước tạm nghỉ trên con đường đấu tranh lâu dài và gian khổ.

Ở bài thơ này, các biện pháp nghệ thuật thường thấy trong thơ Đường như nghệ thuật đối: bốn biển - năm châu, bủa tay - mở miệng, bồ kinh tế - cuộc oán thù... được sử dụng hợp lí đã làm cho tầm vóc của nhân vật trữ tình trở nên lớn lao, kì vĩ, phù hợp với giọng điệu hào hùng. Cảm xúc chân thành của tác giả đã tạo nên sức sống bất diệt cho bài thơ.